Phát huy vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, chính sách kịp thời nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (TCVHTTCS), góp phần chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để hệ thống này thật sự phát huy được vai trò và đạt hiệu quả như mong muốn, chúng ta cần nhanh chóng giải quyết nhiều vấn đề mà thực tế đang đặt ra.

Thực hiện Quyết định 2164/QÐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống TCVHTTCS giai đoạn 2013 - 2020 định hướng đến năm 2030”, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai quy hoạch, lồng ghép với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng Nông thôn mới... Xác định văn hóa cơ sở là một trong những “viên gạch“ đầu tiên và gần gũi với nhân dân khi xây dựng đời sống văn hóa, phát huy đầy đủ, bao quát các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc bằng các quyết sách phù hợp, kịp thời. Cùng với sự đồng thuận của nhân dân, sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư, xã hội hóa TCVHTTCS, hiện nay bộ mặt văn hóa cơ sở đã thay đổi rất rõ rệt, mang lại nhiều giá trị tích cực để người dân thụ hưởng. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hệ thống TCVHTTCS thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã từng bước phát huy vai trò trụ cột, nòng cốt, khẳng định được vị trí trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa.

Bên cạnh đó, TCVHTTCS đã và đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Ðảng, Nhà nước; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đào tạo, ngày càng nâng cao trình độ nghiệp vụ, cũng như hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phù hợp. Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, đến nay cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 91% số quận, huyện có trung tâm văn hóa, thể thao; 73,2% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 74,7% thôn, bản, buôn, làng có nhà văn hóa. Hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất xây dựng TCVHTTCS, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giới thiệu địa điểm xây dựng TCVHTTCS tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều địa phương xây dựng quy hoạch TCVHTTCS dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất như: Hải Phòng, Ðà Nẵng, Bình Dương, Ðồng Tháp, Khánh Hòa, Ninh Bình…

Ðà Nẵng là một trong các địa phương đầu tiên trên cả nước sớm xây dựng kế hoạch, ban hành đề án xây dựng TCVHTTCS. Ngày 11-5-2017, UBND thành phố Ðà Nẵng có Quyết định số 2558/QÐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch hệ thống TCVHTTCS thành phố Ðà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới TCVHTTCS cho bảy trong số tám quận, huyện. Tuy nhiên, đến năm 2020 một số thiết chế đã không hoàn thành mục tiêu đề ra là 100% số trung tâm văn hóa, thể thao (TTVHTT) quận, huyện được đầu tư, hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Hầu hết TTVHTT các quận, huyện ở TP Ðà Nẵng vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện, thậm chí có nơi chỉ đạt 50% (như quận Liên Chiểu). Việc đầu tư chủ yếu tập trung vào các hạng mục kiến trúc, trang thiết bị chuyên dùng hầu như chỉ được đầu tư ở mức độ cơ bản, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Riêng với TCVHTTCS cấp phường, xã, mục tiêu của TP Ðà Nẵng đến năm 2020, 80% số phường, xã có thiết chế TTVHTT, 20% các phường còn lại có Nhà văn hóa; trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành ít nhất 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, nhưng việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Ðặc biệt, từ năm 2008 đến nay, sau nhiều lần di dời, Trung tâm văn hóa - thể thao TP Ðà Nẵng vẫn chưa bố trí được đất xây dựng... Ðể khắc phục hạn chế và hoàn thiện hệ thống TCVHTTCS, ngày 22-10-2020, UBND thành phố Ðà Nẵng có Quyết định số 3997/QÐ-UBND về ban hành Ðề án “Phát triển hệ thống TCVHTTCS trên địa bàn TP Ðà Nẵng đến năm 2025” với mục tiêu: hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hoạt động, quản lý TCVHTTCS các cấp; hoàn thiện văn bản, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các TCVHTTCS, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; hoàn thiện TCVHTTCS, tạo tiền đề phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, nâng cao sức hưởng thụ của nhân dân.

Nhìn rộng ra nhiều địa phương trong cả nước để đánh giá quá trình đầu tư xây dựng, phát huy công năng của TCVHTTCS, có thể thấy các địa phương đông dân cư, điều kiện kinh tế khó khăn, việc đầu tư xây dựng các TCVHTTCS đã và đang là bài toán khó về ngân sách, về mức độ, trình độ thụ hưởng văn hóa của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Việc lồng ghép xây dựng TCVHTTCS trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn, việc thực thi Luật Ðất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập... Ðiều này dẫn đến khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa đối với các TCVHTTCS. Bên cạnh đó, việc quản lý và khai thác sử dụng vẫn còn hạn chế, xã hội hóa theo quy định pháp luật gặp nhiều khó khăn; một số nhà văn hóa xã, thôn xây dựng từ lâu, tận dụng cũ, quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp; trang thiết bị hoạt động không đồng bộ, thiếu dụng cụ thể thao. Bởi vậy bài toán đầu tư, xây dựng, sử dụng TCVHTTCS hiện vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp. Theo thống kê, thường thì vào những ngày lễ lớn, các dịp kỷ niệm, các sự kiện văn hóa, thể thao tại cơ sở mới được tổ chức. Ðiều này cũng đồng nghĩa với tình trạng không ít TCVHTTCS được vận hành, mở cửa mỗi năm chỉ đếm đầu ngón tay. Xét từ sự đồng bộ hóa hệ thống TCVHTTCS, việc các địa phương bắt tay vào hoàn thiện như hiện nay rất cần thiết. Vì, sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam thường gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, với lịch sử quê hương, bản quán. Nếu tại các đô thị lớn, việc chỉnh trang, quy hoạch đô thị bên cạnh mặt tích cực cũng gây nhiều nguy cơ làm phai nhạt, thu nhỏ các dấu ấn văn hóa đình làng,... thì chỉ có phát huy tối đa công năng của TCVHTTCS mới có thể tập trung được nhân dân, củng cố sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lan tỏa các giá trị. Nếu đặt TCVHTTCS làm hạt nhân trung tâm kết nối, thúc đẩy, phát triển phong trào văn nghệ, thể thao tại cộng đồng khu dân cư, thôn xóm,... thì trước hết cần phát huy đầy đủ chỉnh thể cấu thành thiết chế, gồm bốn trụ cột chính: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Ðồng thời, cần có sự đồng bộ, đồng thuận của người dân trong việc sử dụng, bảo vệ TCVHTTCS. Chính vì vậy, bên cạnh đầu tư kinh phí, cơ sở hạ tầng cho các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, đánh giá, khảo sát nguyện vọng của nhân dân trong xây dựng TCVHTTCS. Ðặc biệt, cần có chiến lược đào tạo, ưu tiên cán bộ văn hóa cơ sở, không nên phân bổ cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay.

Đánh giá các hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, Phần I “Kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm Ðổi mới” của Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng có đoạn chỉ rõ: “Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về văn hóa. Ðầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”. Từ đó tại mục VII “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa. Ðổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả. Ðào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...”. Chúng ta cần xác định đó là cơ sở quan trọng để mỗi địa phương, chính quyền các cấp nhận thức đầy đủ, nhìn nhận thấu đáo vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội để quy hoạch xây dựng văn hóa từ tổng thể đến chi tiết, đầu tư có chọn lọc, hiệu quả. Phải củng cố, xây dựng, phát triển để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, từ đó củng cố và phát triển sức mạnh nội sinh của cả dân tộc, phấn đấu đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì thế, cần nâng cao vai trò quản lý, giám sát của các địa phương, các cơ quan chức năng trong quá trình đầu tư, xây dựng TCVHTTCS; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa; điều tra, tổng hợp, rà soát toàn diện hiệu quả triển khai xây dựng TCVHTTCS đến thời điểm hiện tại. Cần đánh giá cụ thể, khách quan, công bằng và chỉ ra các hạn chế còn tồn tại để khắc phục nhằm phát triển hợp lý, tận dụng tối đa vai trò của các thiết chế văn hóa. Ðặc biệt, cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế và mức sống của người dân mỗi địa phương để xây dựng TCVHTTCS phù hợp, tránh phô trương hình thức, chạy theo thành tích, chạy theo chỉ tiêu, xây dựng ồ ạt, làm xong khóa cửa, gây lãng phí. Ðể góp phần vào sự phát triển của đất nước, chúng ta cần sớm xúc tiến đánh giá toàn diện việc đầu tư, xây dựng, sử dụng các TCVHTTCS trên cả nước. Ðồng thời cần xác định việc tổ chức, quản lý, sử dụng, sáng tạo giá trị văn hóa mới cần dựa trên nền tảng tinh hoa văn hóa truyền thống, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của văn hóa trong quan hệ bền vững với các yếu tố kinh tế, xã hội. Khi chính quyền, xã hội và nhân dân quyết tâm chung tay, đồng lòng cùng hành động vì văn hóa, chắc chắn TCVHTTCS sẽ nhanh chóng phát huy được hiệu quả toàn diện với xã hội.