Ông M.Pát-xê đến Việt Nam để làm gì ?

Sáng 23-3, trong nhóm người đứng trước địa điểm Tòa án nhân dân TP Hà Nội tổ chức xét xử một phiên tòa sơ thẩm, có mặt một người ngoại quốc là ông M. Patzelt (M.Pát-xê) đến từ CHLB Đức. Sự có mặt của ông ta là điều bất bình thường, và từ CHLB Đức, tác giả Hồ Ngọc Thắng gửi tới Báo Nhân Dân bài viết bàn về sự kiện này.

Ông M.Patzelt là nghị sĩ Quốc hội và là thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc hội CHLB Đức. Vừa qua ông đến Hà Nội, và sáng 23-3 ông tìm cách vào nơi Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiến hành phiên xét xử sơ thẩm hai bị cáo về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Theo bản tin Hãng truyền thông Đức - DPA phát hôm 23-3, ông nghị sĩ nói rằng, ông bị từ chối với tư cách quan sát viên có mặt trong phòng xét xử, “tuy vậy tôi vừa lòng” vì đã “ủng hộ qua sự hiện diện”. Trên Bản tin cập nhật (News Ticker) ngày 23-3 của mình, ông viết: “Tôi đã cố gắng để được phép tham dự phiên xử với tư cách quan sát viên, nhưng không được. Lời từ chối được viện dẫn lý do có một đại diện EU đã được chấp thuận. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy việc tôi không được tham dự phiên xử không phải là điều bất lợi mà là một điều hay. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội trao đổi ý kiến tường tận với các nhà hoạt động nhân quyền khác, và hỗ trợ cuộc phản đối của họ ở trước tòa án…”!

Phát biểu trên đây đã lộ rõ chủ ý của ông M.Patzelt đến Việt Nam để “hỗ trợ cuộc phản đối”, chứ không phải là để quan sát. Chủ ý này được trình bày cụ thể, rõ ràng hơn khi ông (không biết vì hoang tưởng hay ngạo mạn?) phát biểu: “Tôi nghĩ rằng với sự có mặt của tôi sẽ giúp cho được tuyên trắng án hoặc án sẽ được giảm nhẹ”. Đã sinh sống nhiều năm tại CHLB Đức, tôi chưa thấy nghị sĩ Quốc hội Liên bang nào ra nước ngoài mà lại tự coi mình có “sức nặng” đủ để gây sức ép lên một phiên tòa của nước khác, có thể giúp bị cáo “trắng án hoặc giảm nhẹ”!? Việc làm này không những lạm dụng đặc quyền của nước sở tại giành cho người nước ngoài, và theo ý nghĩa nhất định, còn can thiệp thô bạo vào việc nội bộ của nước khác. Sự có mặt của người nước ngoài trong một phiên tòa tổ chức tại bất kỳ quốc gia nào cũng là vấn đề phải được xem xét, đôi khi là thủ tục bắt buộc, không phải hễ người nước ngoài nào muốn vào là sẽ phải cho vào, dù chỉ là quan sát viên. Theo dõi trên báo chí tôi được biết tại phiên tòa ông M.Patzelt muốn tham dự có đại diện EU, đại diện Đại sứ quán các nước Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa ở Việt Nam, phóng viên một số hãng thông tấn,… và họ có mặt một cách hợp pháp. Hình ảnh ông M.Patzelt tay khua khua tấm hộ chiếu trước mặt nhân viên cảnh sát trước cổng nơi tổ chức phiên tòa trong đoạn vi-đê-ô-clíp công bố trên in-tơ-nét cho thấy có lẽ ông M.Patzelt đã đến một nơi đang tiến hành thực thi pháp luật của Việt Nam mà không tìm hiểu pháp luật Việt Nam? Lẽ ra trước khi giơ tấm hộ chiếu đề nghị được dự phiên tòa, ông M.Patzelt cần tìm hiểu Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam để thấy ông không có tư cách tham dự; và lưu ý, ở CHLB Đức, sự cẩn trọng như vậy luôn được tuân thủ rất nghiêm ngặt. Tôi nghĩ, việc một vị nghị sĩ nước ngoài tỏ ra xem thường pháp luật Việt Nam là không thể chấp nhận. Lời nói, hành động của ông M.Patzelt đã buộc tôi phải đưa ra câu hỏi về động cơ thật sự của ông? Đánh giá sự kiện này, trong entry có nhan đề Martin Patzelt là ai?, blogger Karel Phung - một người Việt ở CHLB Đức, viết: “Ông ta nghĩ sự có mặt của ông ta sẽ khiến cho quan tòa Việt Nam phải run sợ mà tha bổng cho NHV. Có vẻ ông ta bị hoang tưởng nặng, ông ấy quyền cao hơn cả luật pháp, cao hơn tất cả các quan tòa ở Việt Nam, hoặc Việt Nam là thuộc địa của Đức!”. Bình luận về việc có nghị viên nước ngoài đứng trước khu vực phiên tòa tay giơ khẩu hiệu đòi trả tự do cho bị cáo, một số blogger ở Việt Nam viết: “Không biết họ có nghĩ hành động của mình là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Việt Nam. Hành động của họ chẳng khác gì ra mặt công khai hậu thuẫn trực tiếp cho các đối tượng vi phạm pháp luật của Việt Nam?”, “không có chương trình làm việc và sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam mà đòi gặp các cơ quan chức năng yêu cầu tham dự phiên tòa xét xử ABS là hành vi không tôn trọng nước khác. Đó là lý do ông M.Patzelt không được tham dự phiên tòa, không phải như một số thông tin bịa đặt rằng “không cho ông M. Patzelt tham gia để che giấu sự công minh của phiên tòa”…”!...

Đến Việt Nam để “bảo vệ” bị cáo của một phiên tòa, ông M. Patzelt không biết hay cố tình phớt lờ một vụ án hình sự tương tự được tiến hành trong thời gian dài và vẫn tiếp diễn ngay tại quê hương ông, nơi khẩu hiệu thượng tôn pháp luật luôn luôn được đề cao. Đó là vụ án xử các quản trị viên của cổng thông tin in-tơ-nét “Altermedia”. Cơ sở pháp lý tòa án CHLB Đức vận dụng trong vụ án này hầu như trùng khớp với nội dung Điều 258 Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Ngày 27-1-2016, trang mạng Viện kiểm sát tối cao CHLB Đức (generalbundesanwalt.de) đăng thông cáo báo chí về việc thi hành lệnh bắt giam để điều tra đối với một nữ công dân Đức 47 tuổi, một nam công dân Đức 27 tuổi. Là quản trị viên định hướng nội dung cổng thông tin in-tơ-nét “Altermedia”, họ đã cho tải lên mạng các bài viết của người khác với nội dung kích động người dân. Để che chắn và chống lại sự can thiệp của Chính phủ CHLB Đức, máy chủ cổng thông tin này đã được đặt ở nước ngoài. Thông báo của Viện kiểm sát tối cao CHLB Đức cho biết: “Các công tố viên Liên bang tiến hành điều tra vì tầm quan trọng đặc biệt của vụ án. Các nội dung hình sự của cổng thông tin in-tơ-nét này đang lây lan trên thế giới và tự do truy cập. Họ khuyến khích các phần tử cực đoan cánh hữu khác để tiếp tục hành vi phạm tội, do đó tạo ra một không khí sợ hãi trong các nhóm bị ảnh hưởng… Những người bị bắt hôm nay và ngày mai phải ra trước thẩm phán điều tra của Tòa án Liên bang, từ đó sẽ có lệnh và quyết định về việc giam giữ trước khi xét xử”. Cũng ngày 27-1-2016, đài truyền hình ARD đưa bản tin: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang ông D. Maiziere (D. Me-de) ra quyết định cấm “Altermedia” vì phát tán các bài viết có nội dung phân biệt chủng tộc, ca ngợi chủ nghĩa phát xít, kích động người dân, khuyến khích người khác có hành vi phạm tội… Người ủng hộ “Altermedia” cho rằng hoạt động của trang mạng chỉ thực thi quyền tự do dân chủ, cụ thể là tự do ngôn luận và báo chí đã được Hiến pháp công nhận. Nhưng cơ quan quyền lực cho rằng, hoạt động của “Altermedia” không tương thích với những nguyên tắc cơ bản của chế độ xã hội ở CHLB Đức đã được ghi rõ trong Bộ luật cơ bản (tức Hiến pháp).

Thực ra trước đó đã có một vụ án được tổ chức để xét xử những người điều hành “Altermedia”. Theo bài báo Bản cáo trạng muộn màng chống lại Altermedia (Späte Anklage gegen Altermedia) đã đăng trên tờ Frankfurter toàn cảnh (Frankfurter Rundschau) ngày 25-1-2011, thì từ đầu năm 2003 “Altermedia” bắt đầu hoạt động, mỗi năm có khoảng năm triệu lượt người truy cập. Kết quả điều tra cho thấy “Altermedia” là một bộ phận của mạng lưới quốc tế hoạt động chủ yếu ở phương Tây. Tháng 10-2011, thủ phạm chính là A. Möller (A.Muê-lơ) cùng đồng phạm R.Rupprecht (Rúp-rếch) bị Tòa án cấp tiểu bang xử phạt 30 và 27 tháng tù vì tội điều hành cổng thông tin này. Tháng 3-2013, hình phạt tù cho A. Möller kéo dài thêm một năm vì các hành động kích động khác, phải thi hành án tù đến ngày cuối cùng như đã ghi trong bản án và được trả tự do ngày 28-5-2015. Tờ Báo hàng ngày (Taz) ở Béc-lin, ngày 26-10-2011 đăng bài Người điều hành Altermedia bị tuyên án - Một tái thất bại chua xót đối với trang mạng phát xít (Betreiber von Altermedia verurteilt - Herber Rückschlag für Nazi-Website) tường thuật lại phiên tòa xét xử. Với 246 trang, bản cáo trạng phân chia các bài viết đã đăng tải theo 50 tội danh khác nhau. Thí dụ, ngoài việc kích động chống lại nhà nước, xúc phạm cá nhân, còn xuyên tạc lịch sử, thí dụ họ đã cho rằng “cuốn nhật ký của Anne Frank” - một kỷ vật lịch sử nổi tiếng của nữ nạn nhân trẻ tuổi gốc Do thái bị sát hại đầu năm 1945 trong trại tập trung phát-xít Đức, chỉ là sự giả tạo của người Do thái… Vậy ông M. Patzelt sẽ suy nghĩ như thế nào nếu có người nước ngoài đến tòa án CHLB Đức yêu cầu thả tự do các quản trị viên của “Altermedia” với lý do họ chỉ đưa lên mạng các bài viết của người khác? Và ông M. Patzelt sẽ trả lời như thế nào trước các câu hỏi: Tại sao họ phải ngồi tù nhiều năm, mặc dù họ không dùng vũ lực, hoặc không gây thương tích cho người khác? Tại sao ở CHLB Đức, họ lại không được hưởng quyền tự do ngôn luận và báo chí một cách vô giới hạn ?

Qua in-tơ-nét, tôi đã xem một số bức ảnh, vi-đê-ô-clíp về các cuộc tụ tập đông người ở Việt Nam để yêu cầu điều nọ, điều kia. Chỉ nhìn mấy gương mặt cũ rích, xuất hiện trên hết ảnh này vi-ê-ô-clíp khác, đọc các cuộc cãi vã, tố giác nhau ăn chặn tài trợ từ nước ngoài, rồi ông trí thức cạnh khóe bà ít học, bà ít học “chửi” lại ông trí thức,… là người lương thiện đã không thể đặt niềm tin vào họ. Ông M. Patzelt có biết “các nhà hoạt động nhân quyền” mà ông gặp sáng ngày 23-3 ở Hà Nội chỉ là nhóm người hễ có cơ hội là lại ra đường hô hào dân chủ, nhân quyền, nhưng không mảy may quan tâm tới hàng triệu đồng bào đang vất vả chống chọi hạn hán ở Tây Nguyên, không hề góp sức cùng Chính phủ và nhân dân khắc phục tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh phía nam. Ông M.Patzelt nên nhớ Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, là một đối tác chiến lược của CHLB Đức, việc làm vừa qua của ông đã vi phạm thô bạo công việc nội bộ của Việt Nam và không mang lại ích lợi gì cho quan hệ giữa hai nước.