Bình luận - Phê phán

Ðổi mới phương pháp giáo dục nhận thức về di sản

Tình trạng một bộ phận giới trẻ có những dấu hiệu lệch lạch, xa rời các giá trị di sản văn hóa truyền thống đang là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.

Ðể khắc phục, một số địa phương và đơn vị đã triển khai những cách thức mới trong giáo dục nhận thức về di sản giúp các em học sinh say mê, gắn bó, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, lịch sử. Ðổi mới giáo dục nhận thức về di sản văn hóa, lịch sử vì thế vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là biện pháp để di sản được gìn giữ cho hiện tại và tương lai.

Tình trạng nhiều di sản văn hóa, lịch sử nổi tiếng của đất nước như tháp Bút, tháp Hòa Phong, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ðại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế), núi Bài Thơ (Quảng Ninh)… bị vẽ bậy, kể cả hình vẽ dung tục, đã bị dư luận phê phán gay gắt nhiều lần nhưng xem chừng đến nay chưa thuyên giảm. Tác giả của chữ viết, hình vẽ phản cảm này chủ yếu là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, hiện tượng một số bạn trẻ ăn mặc hở hang ăn nói, phát ngôn ồn ào, thiếu lịch sự tại các di tích như đình, đền, chùa,… cũng không còn là chuyện hiếm.

Thậm chí, có người còn trèo lên bức tượng uy nghiêm trong đình, chùa, chụp ảnh "tự sướng" để khoe trên mạng. Rồi cảnh cướp lộc dẫn đến ẩu đả giữa thanh niên thường xảy ra vào dịp lễ hội đầu năm. Các hiện tượng nêu trên cho thấy nhiều người trong giới trẻ đã tiếp cận giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống một cách lệch lạc. Trong khi đó, không ít di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, tuồng, trống quân, cồng chiêng, một số tập quán, tín ngưỡng, nghề thủ công,… cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, bị lãng quên vì thiếu khán giả, thiếu thế hệ kế cận hoặc cách nhìn nhận, đánh giá. Nói cách khác, di sản phi vật thể gặp khó khăn có phần từ thái độ thờ ơ của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ không mặn mà với di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Ví như trong khi di sản là những gì thuộc quá khứ, thì tuổi trẻ lại năng động, thích khám phá những điều mới mẻ, hiện đại, dễ bị cuốn theo tiết tấu nhanh mạnh, hối hả của cuộc sống. Song, không thể phủ nhận việc giáo dục nhận thức về di sản văn hóa, lịch sử hiện chưa tạo sự hấp dẫn. Một số nơi còn làm theo kiểu để có hoặc "méo mó có hơn không" khiến nhiều bạn trẻ vì thiếu hiểu biết mà thiếu quan tâm, trân trọng các giá trị người đi trước đã sáng tạo và trao lại. Thực tế này đòi hỏi phải có cách làm mới để di sản trở nên sinh động, bổ ích, thiết thực, giúp các bạn trẻ thích thú và say mê.

Một trong các đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục nhận thức về di sản là Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Trung tâm) ở Hà Nội. Từ năm 2017, Trung tâm xây dựng 14 chương trình trải nghiệm khác nhau dành cho các đối tượng: Học sinh tiểu học, trung học cơ sở và các em nhỏ theo nhóm gia đình. Có thể đề cập một số chương trình tiêu biểu được Trung tâm tổ chức như: Tìm hiểu về lớp học xưa, Tìm hiểu công trình kiến trúc Khuê Văn Các, Khám phá bia Tiến sĩ, Vinh quy bái tổ, Ơ kìa con nghê, Tìm hiểu các linh vật trên công trình cổ…

Như với trải nghiệm đi tìm linh vật, trước hết các em nhỏ được nhận diện sáu "linh vật" là rồng, nghê, phượng, hổ, cá, dơi bằng hình ảnh và tìm hiểu ý nghĩa của mỗi "linh vật"; sau đó với chiếc Ipad, các em đồng hành "tìm linh vật" trên các kiến trúc cụ thể của Văn Miếu. Việc ứng dụng công nghệ để tìm hiểu giúp các em thấy thú vị và hấp dẫn. Chỉ trong thời gian ngắn, những trò chơi công nghệ giúp các em hiểu ý nghĩa, nhận diện "linh vật" trên thực tế từ Tứ trụ đến khu Bái Ðường ở Văn Miếu… qua đó góp phần để các em hiểu thêm về giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử tại Văn Miếu và thêm yêu mến di sản cha ông để lại. Trò chơi còn giúp các em học cách làm việc nhóm, cách giao tiếp, phân công, sắp xếp, kỹ năng quan sát, phân tích, tổng hợp… để hoàn thành công việc. Những năm gần đây vào mỗi dịp hè, Trung tâm còn tổ chức chương trình "Sĩ tử nhí", giúp các em nhỏ khám phá di sản qua các trò chơi như: Trải nghiệm làm giấy dó, làm chuồn chuồn tre, làm diều giấy…

Tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng bố trí các hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" thông qua chương trình giáo dục di sản như: Em làm nhà khảo cổ, Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long. Với chương trình Em làm nhà khảo cổ, các em được học cách khai quật trong hố giả định, nhận diện các hiện vật khảo cổ, vẽ lại hiện vật, dập hiện vật trên giấy dó…

Chương trình Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long đưa các em tham quan các di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu khu di sản qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động, xem phim giới thiệu khu di sản, tham gia trò chơi dân gian... Trên thực tế, những gì giá trị nhất của Hoàng thành Thăng Long như di vật khảo cổ, phế tích kiến trúc đều nằm dưới lòng đất. Ngay với người lớn, việc hiểu những di sản này cũng không dễ dàng. Nhưng qua hoạt động "học mà chơi, chơi mà học", các em sẽ thấy di sản trở nên gần gũi và gắn bó, từ đó các em từng bước hiểu được giá trị của các hiện vật khảo cổ, cũng như giá trị của Hoàng thành Thăng Long.

Đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể, khi hát Xoan (Phú Thọ) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trong dư luận có người mừng rỡ và cũng có người lo âu. Người vui vì hát Xoan có giá trị toàn cầu. Người lo lắng vì UNESCO xếp hạng hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, tỉnh Phú Thọ đã sớm xây dựng chương trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan. Theo đó, ngành giáo dục có nhiệm vụ đưa hát Xoan vào cả ba cấp học. Thí dụ ở bậc tiểu học, trong các tiết học Âm nhạc, Lịch sử, Ðịa lý,… các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nội dung phù hợp để giúp học sinh tìm hiểu về điệu hát Xoan của quê hương. Từ năm học 2016 - 2017, việc dạy hát Xoan trong nhà trường được nâng lên thành chương trình "Trường học gắn với di sản hát Xoan". Nhờ các hoạt động bài bản này, năm 2017, hát Xoan đã được đưa khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và thành công của chủ trương, cách làm đúng đắn còn thể hiện ở việc hát Xoan ngày càng thu hút học sinh. Các em không chỉ được tiếp cận làn điệu dân ca này trong các buổi lên lớp, mà hầu hết các trường đều tổ chức các buổi ngoại khóa, đưa các em đến thăm những di tích liên quan hát Xoan, giao lưu, trò chuyện với các nghệ nhân…

Ðể rồi, từ chỗ coi hát Xoan là "cổ hủ" và ngần ngại tiếp cận, nhiều học sinh đã thấy gần gũi, say mê. Sau khi học, các em được tham gia trình diễn, tham gia các cuộc thi. Các năm gần đây, tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Liên hoan hát Xoan của ngành giáo dục. Hiện tại, toàn tỉnh có hàng trăm Câu lạc bộ hát Xoan, hàng nghìn em học sinh có thể thực hành hát Xoan. Không dừng lại ở đó, thời gian qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo Phú Thọ đã xây dựng chương trình "Trường học gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" nhằm giúp học sinh tìm hiểu về một tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc.

Ðưa giáo dục nhận thức về di sản vào học đường, lồng ghép nội dung qua các môn học Lịch sử, Ðịa lý, Âm nhạc, Giáo dục công dân,… là cách làm hay, và phát huy được hiệu quả trên thực tế. Ở các tỉnh Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đờn ca tài tử cũng đã được đưa vào nhà trường với cách tiếp cận mới mẻ, nhấn mạnh vào tính trải nghiệm cho học sinh, tạo điều kiện cho các em giao lưu với những nghệ nhân, nghệ sĩ, để các em hiểu đờn ca tài tử qua chính tâm sự, chính cuộc đời những nghệ nhân... Một số tỉnh như: Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Dương… đã có sự phối hợp khá tốt giữa trường học với ngành văn hóa trong việc giáo dục di sản đờn ca tài tử, góp phần đưa đờn ca tài tử trở thành một trong những di sản có sức sống bền vững.

Dù vậy, điểm yếu của các hoạt động giáo dục nhận thức về di sản hiện nay là vẫn còn mang tính tự phát, thiếu hệ thống, mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm. Chẳng hạn, hát Xoan, Quan họ được giới trẻ Phú Thọ, Bắc Ninh học tập, gìn giữ là nhờ chương trình hoạt động cụ thể của chính quyền, ngành giáo dục, ngành văn hóa ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều di sản thuộc diện Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia như: Cồng chiêng, sử thi của một số dân tộc Tây Nguyên, một số nghi lễ của người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, nhiều nghề thủ công cổ truyền,… gặp khó khăn khi bảo tồn, phát huy giá trị, vì thiếu hoạt động giáo dục nhận thức về di sản đối với thế hệ trẻ. Ngay với các hoạt động bài bản ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nếu Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị "lên khuôn" các chương trình giáo dục nhận thức về di sản, thì việc lựa chọn tham gia các hoạt động đó lại thuộc về trường học. Trường học nào quan tâm thì học sinh trường đó sẽ được trải nghiệm, và ngược lại.

Bên cạnh đó, việc giáo dục nhận thức về di sản còn mang tính địa phương, cục bộ. Ðịa phương sở hữu di sản có tính đặc thù thì quan tâm đến giáo dục nhận thức về di sản "của mình". Ðịa phương không sở hữu di sản có tính nổi bật, cũng ít quan tâm giáo dục nhận thức về di sản nói chung. Ðối với di sản vật thể, tình trạng tham quan chiếu lệ, người thuyết minh nói thao thao bất tuyệt, ít quan tâm đến nhu cầu của đối tượng được nghe còn diễn ra khá phổ biến.

Để giáo dục nhận thức về di sản có hiệu quả, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành văn hóa, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội để các trường học trên địa bàn tìm hiểu, học tập tại hai di tích quan trọng của Hà Nội là Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa. Ðây là thí dụ điển hình cho việc phối hợp giữa các ngành trong giáo dục nhận thức về di sản. Tuy nhiên để công tác này thật sự phát huy ý nghĩa xã hội, cần có sự nỗ lực hơn nữa của ngành giáo dục, văn hóa và cả cộng đồng, bởi việc giới trẻ quan tâm, yêu mến di sản là động lực "mở lối" đưa di sản tới tương lai, bồi đắp niềm tự hào dân tộc.