Nỗ lực đáng khích lệ góp phần đổi mới sân khấu

Sau 10 ngày tranh tài, Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm (Liên hoan) 2019 vừa khép lại tại Hà Nội, với nhiều dư âm khó quên. Đây là lần thứ tư Liên hoan được tổ chức tại Việt Nam, đồng thời cũng là sự kiện ghi nhận nỗ lực của các nghệ sĩ trong quá trình giao lưu, hội nhập, sáng tạo không ngừng nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới và khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng.

Với sự tham dự của 21 đoàn nghệ thuật đến từ tám quốc gia, Liên hoan lần thứ tư được đánh giá là tạo được sự cộng hưởng lớn trong giới sân khấu trong nước và quốc tế. Các kỳ Liên hoan trước đây, chỉ có một số đơn vị nghệ thuật nước ngoài nhận lời mời của nước chủ nhà Việt Nam, đến Liên hoan lần này, Ban tổ chức đã nhận được đăng ký từ 53 đơn vị nghệ thuật quốc tế, trên cơ sở đó lựa chọn 10 tiết mục chính thức và bốn tiết mục dự phòng. Trong nước, không khí sôi nổi, hào hứng nhưng cũng không kém phần cạnh tranh đã diễn ra giữa các đơn vị nghệ thuật nhằm “giành suất” tham gia Liên hoan. Để được lựa chọn, các tiết mục tham gia phải tạo được sự khác biệt, có sáng tạo nghệ thuật độc đáo thể hiện ở các khâu biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, nghệ thuật hình thể, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, kỹ thuật và những yếu tố nghệ thuật khác. Tỷ lệ “chọi” ¼ cho thấy chất lượng các tiết mục tham gia được tuyển chọn hết sức khắt khe.

Có thể thấy Liên hoan là cơ hội quý giá để nghệ sĩ trong nước và quốc tế giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Đây cũng là mục tiêu được Ban tổ chức xác định ngay từ Liên hoan lần thứ nhất diễn ra năm 2002. Hẳn nhiều người còn nhớ, Liên hoan khi đó đã diễn ra với sự hưởng ứng có phần còn khá dè dặt của giới chuyên môn và công chúng yêu sân khấu, bởi “thử nghiệm” (hay “thể nghiệm”) vẫn còn là vấn đề mới mẻ với chính những người làm nghề. Thậm chí, có ý kiến cho rằng tại sao phải thử nghiệm khi các đơn vị nghệ thuật vẫn sống khỏe với những gì đã có và đang có, nhất là với cơ chế bao cấp không đặt ra nhiều áp lực cho nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, và việc tìm tòi thử nghiệm có khi còn khiến họ phải trả giá. Thực tế diễn ra tại Liên hoan lần thứ nhất đã phản ánh một vấn đề rất đáng quan tâm là: Trong khi tiết mục tham gia của các đoàn nghệ thuật nước ngoài phần nào đã để lại ấn tượng mạnh với giới chuyên môn và người xem, thì không ít tiết mục của các đoàn nghệ thuật trong nước gây thất vọng bởi sự lúng túng, nhiều khi non nớt trong khi thực hành “thử nghiệm”. Thậm chí, có tiết mục đã được chọn tham gia Liên hoan theo kiểu “của nhà sẵn có” mang đi để góp vui, chứ hoàn toàn không căn cứ vào tiêu chí được Ban tổ chức đặt ra. Vì vậy thử nghiệm như chỉ là “đặt tên mới cho chiếc áo cũ”, nên thiếu sức thuyết phục.

Tuy nhiên, khi bỡ ngỡ ban đầu qua đi, những kinh nghiệm quý giá mà các đoàn nghệ thuật học hỏi được sau kỳ Liên hoan, kể cả thất bại của một số vở diễn “chưa đến độ”, đã dần mở ra tư duy nghệ thuật mới mẻ hơn cho các nghệ sĩ. Điều này càng có ý nghĩa ở giai đoạn tiếp theo, khi sân khấu phải đứng trước tình huống sẽ dần suy giảm vị thế trong lòng công chúng nếu không có sự đổi mới. Bởi ngày nay, sự thay đổi của trình độ và năng lực thẩm mỹ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giải trí, sự lấn lướt của các phương tiện nghe, nhìn hiện đại... đã làm cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng có sự thay đổi. Công chúng ngày càng đòi hỏi những tác phẩm mới mẻ, khác lạ, có tìm tòi, đổi mới, thay vì tiếp tục đọc, xem, nghe các tác phẩm nghệ thuật như đang dần đi vào lối mòn của sự cũ kỹ, đơn điệu. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt ấy, hơn ai hết, các nghệ sĩ sân khấu đã ý thức được nguy cơ bị bỏ quên, nếu không chịu vận động, nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của công chúng.

Chính sự tự ý thức về nguy cơ này cũng như thực tiễn đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước, tại một số đơn vị nghệ thuật đã có những thay đổi về cách thức hoạt động. Trong đó, vấn đề thử nghiệm sân khấu đã được áp dụng phổ biến hơn và bước đầu có các kết quả tích cực. Cũng từ đó, việc tổ chức các kỳ Liên hoan sau đã được tổ chức bài bản, từng bước nâng cao chất lượng. Liên hoan lần thứ hai (năm 2006) có sự góp mặt của 11 đoàn nghệ thuật đến từ tám quốc gia, thì Liên hoan lần thứ ba (năm 2016) Ban tổ chức đã nhận được gần 60 tiết mục của hơn 20 quốc gia đăng ký tham dự. Chất lượng các tiết mục tham gia Liên hoan được nâng lên rõ rệt. Thử nghiệm không còn bị coi là “cuộc chơi trội” của một số đơn vị nghệ thuật hay cá nhân nghệ sĩ mà dần được nhìn nhận như là một xu hướng chuyển động tích cực của lĩnh vực sân khấu trong hoạt động sáng tạo, thích ứng với nhu cầu của thị trường. Nhà hát chuyển biến theo hướng ngày càng năng động, gần gũi với đời sống cộng đồng. Đáng nói, kể từ Liên hoan lần thứ ba, một Đề án tổ chức Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm đã được Chính phủ phê duyệt; theo đó, định kỳ ba năm một lần, Liên hoan sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật nói chung, đối với sân khấu nói riêng, và phần còn lại là thuộc về các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này.

Không chỉ bó gọn vào một bản Đề án, không chờ đến Liên hoan mới tỏa sáng, các năm qua, hoạt động sân khấu ghi nhận những chuyển động tích cực từ nhiều đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh việc duy trì các tác phẩm truyền thống gắn với thương hiệu của mình, một số nhà hát đã mạnh dạn mở ra hướng đi mới. Nhiều vở diễn ra đời với sự khởi sắc về tư tưởng - nghệ thuật, sự biến hóa đa dạng của diễn viên, huy động được sự tham gia của các loại hình nghệ thuật khác một cách hiệu quả... Trong sự vận động đó, cần ghi nhận sự thích ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường của các đơn vị nghệ thuật phía nam, nhất là các đơn vị hoạt động theo mô hình xã hội hóa như Sân khấu Kịch IDECAF, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B, Sân khấu Kịch Phú Nhuận... Ở phía bắc, sự chuyển động mạnh mẽ cũng diễn ra ở một số đơn vị nghệ thuật sân khấu như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Múa rối Thăng Long,... và gần đây có thể kể tới sự vào cuộc tích cực của đoàn kịch tư nhân Luc Team. Mô hình hợp tác giữa các đoàn nghệ thuật trong nước với các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật của nước ngoài cũng góp phần tạo ra một số sản phẩm sân khấu có chất lượng, hấp dẫn công chúng, tiêu biểu là các vở diễn Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi trẻ, Sự sống của Nhà hát Kịch Việt Nam. Người xem tỏ ra hào hứng trước không gian sân khấu được mở rộng, sự hỗ trợ hiệu quả của kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, khán giả thay vì chỉ thưởng thức một cách thụ động có thể cùng tham gia với nghệ sĩ... Những “làn gió mới” nêu trên đã thổi thêm những luồng không khí sinh động vào đời sống sân khấu nước nhà.

Tuy vậy, điều được nhiều người quan tâm là ngoài những vấn đề đặt ra về cơ chế chính sách từ phía Nhà nước, những trông đợi ở góc độ khán giả và xã hội…, bốn kỳ Liên hoan và nỗ lực của nhiều đơn vị nghệ thuật trong việc “tìm đường” liệu có tạo được những bước chuyển giúp sân khấu nước nhà thật sự khởi sắc, mà gần nhất là tình trạng “đóng băng” của không ít đơn vị nghệ thuật sẽ được cải thiện. Chưa kể, khi đòi hỏi về sự tự chủ của các đơn vị nghệ thuật sân khấu đã trở thành yêu cầu cấp bách, thì cuộc thi tài của sân khấu thử nghiệm được kỳ vọng như cú huých quan trọng góp phần giúp cho hoạt động sân khấu hiện nay đạt được mục tiêu đã đề ra. Mặt khác, cần khẳng định rằng, Liên hoan hay các kỳ Hội diễn sân khấu được tổ chức định kỳ là nơi để những người làm nghề tụ hội, từ đó khơi dậy ý thức tìm tòi, sáng tạo của mỗi nghệ sĩ. Được tiếp cận, giao lưu với các đơn vị nghệ thuật của nước ngoài là cơ hội học hỏi quý giá đối với các nghệ sĩ Việt Nam. Về điều này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, từng thừa nhận: “Sân khấu thể nghiệm thế giới đã đi xa so với chúng ta một khoảng cách rất dài”. Thế nhưng thay vì tự cảnh tỉnh, từ đó nỗ lực thay đổi thì vẫn có đơn vị nghệ thuật, có nghệ sĩ bàng quan, xa rời đòi hỏi của đời sống, “ngủ quên trên chiến thắng”. Hậu quả là hiện tượng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả của một số đơn vị nghệ thuật đã dẫn đến tình trạng nhà hát thường xuyên đóng cửa, mặt bằng của một số nhà hát bị biến thành nhà hàng, quán giải khát, nơi tổ chức sự kiện,... các nghệ sĩ lo kiếm sống bên ngoài, thiếu tập trung, đầu tư cho hoạt động chuyên môn.

Tất nhiên, thử nghiệm chỉ là một trong những biện pháp giúp các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyển động, góp phần đổi mới tư duy nghệ thuật và cách thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng. Mục đích của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có thử nghiệm, là nảy sinh ý tưởng, tìm ra các thủ pháp, kỹ thuật, giúp sân khấu trở nên tươi mới, mang lại hiệu quả về nội dung và nghệ thuật, từ đó tạo ra tác phẩm có giá trị, hấp dẫn, thu hút công chúng đến với nhà hát. Chỉ khi sự sáng tạo được công chúng đón nhận và mến mộ thì những tìm tòi, thử nghiệm ấy mới được coi là thành công. Thực tế cho thấy thời gian qua, không ít thử nghiệm của một số đơn vị nghệ thuật sân khấu đã thất bại. Thậm chí có những nhân danh thử nghiệm đã nhào trộn thô thiển các loại hình nghệ thuật trong một sản phẩm sân khấu, biến tác phẩm thành “nồi lẩu thập cẩm”, nhằm “lạ hóa” sân khấu, thậm chí buông tuồng, dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa nhằm câu khách hoặc đánh đố công chúng. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: tâm thế nóng vội; thử nghiệm được áp dụng một cách khá cực đoan, khó phù hợp với số đông công chúng; thay vì đầu tư đúng mức về chất lượng nghệ thuật lại quá coi trọng vấn đề thị trường... Tất nhiên với mọi cuộc thử sức, thành công không chia đều cho tất cả mọi người, và sự sàng lọc khắt khe đã buộc mỗi nghệ sĩ không được chủ quan, mà cần phải xác định nỗ lực học hỏi, sáng tạo không ngừng. Dù vậy, dẫu thành công hay còn những sai sót, lệch lạc, cần sớm được chấn chỉnh hoặc chưa đạt được kết quả như kỳ vọng thì tinh thần dám dấn thân, khai phá cách làm mới là những nỗ lực đáng khích lệ của các nghệ sĩ, góp phần nâng cao vị thế của sân khấu trong đời sống hôm nay, như chia sẻ của NSND Lê Tiến Thọ: “Qua những trải nghiệm chúng ta nhận được quan niệm, cách lý giải mới được xây dựng từ tư duy thử nghiệm, để vươn tới tính tiên phong, đưa sân khấu phát triển”.