Bình luận phê phán

Nhận thức đúng đắn về kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

Vừa qua, trên BBC tiếng Việt có đăng một bài viết của hai học giả thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách châu Á của Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam tiếp tục quan điểm coi kinh tế nhà nước (KTNN) là chủ đạo, và như vậy đi ngược lại cam kết bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với các loại hình doanh nghiệp (DN) khác. Ngoài ra, trong sự đa dạng và nhiều chiều của các ý kiến, hội thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong, ngoài nước dường như cho thấy có sự ngộ nhận về các vấn đề liên quan đến KTNN và DNNN...

Trước hết có những người đã đồng nhất về tên gọi, nội hàm KTNN với DNNN. Cả trong văn nói và văn viết, nhiều ý kiến chưa phân biệt đúng tên gọi KTNN và DNNN, mà thường dùng như một khái niệm chung và đánh đồng nội hàm chúng với nhau. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê Nhà nước, tên gọi KTNN khác DNNN và nội hàm của KTNN rộng hơn DNNN, DNNN trong nó chỉ như một bộ phận hợp thành mà thôi.

Từ năm 1986 đến nay, nội hàm KTNN trong công tác thống kê nhà nước đã được xây dựng và điều chỉnh nhiều lần tương ứng với từng giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn từ 1986 đến 1990: KTNN bao gồm các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, các công ty kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, xí nghiệp vận tải, xây dựng và dịch vụ phục vụ đời sống... của Nhà nước.

Giai đoạn từ 1991-2000: Theo Quyết định số 147/QÐ-PPCÐ ngày 23-12-1992 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, KTNN bao gồm các DNNN và các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động chủ yếu bằng NSNN. Trong đó, DNNN là các đơn vị kinh tế do Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội sở hữu 100% vốn, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn từ 2001 đến năm 2010, KTNN gồm: Các DNNN, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động theo Luật DNNN. Các công ty TNHH một thành viên mà chủ sở hữu vốn là Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các công ty cổ phần được cổ phần hóa từ DNNN hoặc một bộ phận của DNNN, đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần trở lên hoặc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt...

Từ năm 2010 đến nay, khi Luật DNNN bị xóa bỏ, các DNNN thực hiện chuyển đổi sang dạng DN hoạt động theo Luật DN, thì KTNN hiện bao gồm: Các DNNN 100% vốn Nhà nước đã chuyển đổi hình thức theo Luật DN và phần vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp khác đang hoạt động theo Luật DN. Các quỹ và tài sản quốc gia khác (tài chính và phi tài chính) thuộc sở hữu nhà nước và các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Sáng 28-11-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thông qua tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa 13 với 486/488 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 97,59%. Theo Ðiều 53: "Ðất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Nói cách khác, Hiến pháp (sửa đổi) mới cũng tái khẳng định nội hàm KTNN như đã nêu trên.

Như vậy, có thể thấy, KTNN là khái niệm mở, nội hàm rộng, bao quát toàn bộ cơ cở vật chất - kinh tế thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý dưới nhiều dạng, thậm chí những cấu thành của chúng không thể tính toán hết bằng tiền; thí dụ, giá trị đất đai, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, lòng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam...

Mặc dù KTNN và DNNN có điểm chung đều là phần tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, phục vụ lợi ích toàn dân. Tuy nhiên, việc đánh đồng tên gọi, nội hàm giữa KTNN với DNNN không chỉ là sự nhầm lẫn đáng tiếc về hình thức tên gọi, mà còn kéo theo sự ngộ nhận lớn hơn về đánh đồng vai trò của toàn thể với bộ phận, thậm chí cả sự hiểu sai về chủ truơng, chính sách vĩ mô nhà nước về quản lý kinh tế và hệ lụy khác.

Với nội hàm rộng lớn trên, vai trò chủ đạo của KTNN là đương nhiên và lâu dài; và đã được tái khẳng định trong Ðiều 51 Hiến pháp (sửa đổi):

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Tuy nhiên, cần hiểu đúng về vai trò chủ đạo của KTNN với vai trò quan trọng của DNNN. Thực tế cũng cho thấy, vai trò của khu vực KTNN được quy định bởi sự tồn tại tất yếu của KTNN trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Hơn nữa, cần thấy rằng, vai trò chủ đạo của KTNN cũng có sự điều chỉnh linh hoạt thích hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu, rộng, đầy đủ và nghiêm túc của Việt Nam.

Còn có sự nhầm lẫn khác là, đồng nhất cơ chế quản lý DNNN giữa nhiệm vụ kinh doanh vì lợi nhuận với nhiệm vụ công ích.

Khác với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động kinh tế của nhà nước, và do đó của DNNN, luôn có hai mục tiêu với hai tính chất khác nhau, đó là mục tiêu kinh doanh thông thường như các DN khác, và mục tiêu công ích đặc trưng riêng có của mình. Vì vậy, cần xác định rõ theo các hệ tiêu chí đồng bộ và khoa học về tính chất kinh doanh và tính chất công ích của DNNN; từ đó làm rõ cơ chế quản lý phù hợp đáp ứng mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn; khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, cũng như giữa trách nhiệm xã hội của các tập đoàn KTNN đối với ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dễ dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả. Ðây cũng là điểm nút để giảm thiểu sự nhập nhằng, mù mờ hoặc lạm dụng trong hạch toán và đánh giá các hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh của các DN trong thực tiễn cả quản lý nhà nước, cũng như sự hoạt động tự chủ của DNNN, khiến các DNNN không hoạt động hiệu quả như mong muốn và tiềm năng, nhất là đối với các DNNN thuộc lĩnh vực độc quyền cao. Ðồng thời, sự bình đẳng giữa các DNNN với các DN khác ngày càng được khẳng định theo Luật Doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh doanh, hoặc theo Luật Ðấu thầu và Luật Ðầu tư công (đang được xây dựng), với yêu cầu ngày càng mở rộng sự tham gia của các DN khác vào thực hiện các hoạt động công ích được tài trợ bằng nguồn vốn NSNN theo nguyên tắc khuyến khích đấu thầu công khai và bình đẳng, giảm thiểu tình trạng khép kín, sự chi phối của lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ... như tinh thần nghị quyết Hội nghị TW3 Ðại hội XI đã chỉ rõ.

Cũng có những ý kiến đồng nhất cải cách DNNN với làm suy yếu khu vực DNNN và KTNN.

Thật ra, tuy có xu hướng ngày càng giảm, thu hẹp, như kinh nghiệm thế giới chỉ ra, tái cơ cấu và đổi mới quản lý DNNN trong bối cảnh mới không phải là làm suy yếu và dần xóa bỏ các doanh nghiệp và khu vực kinh tế này, mà là làm cho chúng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế quốc gia theo nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tính đến tháng 8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 17 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quan trọng (TCT 91); đã phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015. Số lượng DNNN đã giảm mạnh, đến đầu năm 2013 cả nước còn 1.284 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Hiện có gần 50% số địa phương không còn DNNN kinh doanh thuần túy. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào các công ty cổ phần hỗn hợp nhà nước - tư nhân tăng mạnh. Năm 2012, cả nước có hơn 1.900 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước chiếm hơn 50% tổng số cổ phần phổ thông phát hành tại thời điểm cổ phần hóa.

Tuy nhiên, khu vực DNNN vẫn đang chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư, 70% viện trợ phát triển chính thức và sử dụng 60% vốn vay từ các ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 30% GDP hằng năm.

Trong triển vọng, có thể và cần giảm tỷ trọng của DNNN trong GDP từ mức khoảng 30% GDP hiện nay xuống còn khoảng 10 - 15% GDP; đẩy nhanh hơn tốc độ cổ phần hóa và không nên để quá nhiều DNNNnắm cổ phần quá cao. Theo thống kê chung trên thế giới, ở các nước, Chính phủ chỉ giữ 20% vốn tại DNNN và khu vực DNNN chỉ chiếm khoảng 5-20% GDP...