Nguy cơ đánh mất khán giả trên chính sân nhà

Đánh giá về thực trạng mùa phim Tết năm 2020, không ít ý kiến đã cho rằng đây có thể coi là một mùa phim thất thu của điện ảnh trong nước cả về chất lượng phim lẫn doanh thu. Dù có một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc thu hút khán giả như tình hình dịch Covid-19, sự ra mắt trùng thời điểm các phim bom tấn, đình đám trên thế giới..., thì theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở các bộ phim, khi mà các nhà làm phim gần như đã cạn kiệt về ý tưởng, đầu tư thiếu chiều sâu, cách làm phim lạc hậu so với thế giới... Đây được đánh giá là những nguyên nhân khiến điện ảnh Việt Nam ngày càng đối diện trực tiếp hơn với nguy cơ đánh mất

Theo thống kê, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 đã có bảy bộ phim Việt Nam được chiếu tại rạp. Ngoài “Mắt biếc” là phim được chú ý từ cuối năm 2019 và tiếp tục có mặt trong các suất chiếu ngày Tết, thì có thêm sáu phim mới được tung ra, gồm: “Bí mật đảo linh xà”, “30 chưa phải là Tết”, “Gái già lắm chiêu”, “Đôi mắt âm dương”, “Tiền nhiều để làm gì?”, “Sắc đẹp dối trá”, “Bí mật của gió”. Loại trừ “Bí mật của gió” bị hoãn chiếu ngay sau ngày công chiếu vì dịch Covid-19 bùng phát, các phim còn lại đều ra rạp từ trước Tết. Tuy nhiên, theo thống kê của các đơn vị phát hành phim, doanh thu phòng vé phim Tết 2020 bị giảm sút so với phim Tết năm 2019 tới 20%. Các suất chiếu khá dày đặc tại hệ thống các cụm rạp, song lượng khán giả có mặt ở mỗi suất chiếu là rất ít. Đến thời điểm này, chỉ bộ phim “Gái già lắm chiêu” là có kết quả cao về mặt doanh thu (khoảng 165 tỷ đồng), còn phần lớn các phim đều phải chịu thua lỗ, thậm chí có phim doanh thu rất kém.

Thông thường phim phát hành vào dịp Tết Nguyên đán là phim thiên về không khí vui tươi, giải trí, và nếu muốn kéo được khán giả tới rạp, bộ phim phải cơ bản bảo đảm các tiêu chí từ nội dung kịch bản đến cách làm phim sao cho hấp dẫn, khiến người xem bỏ tiền mua vé. Điểm lại các bộ phim chiếu rạp vào dịp Tết mới đây, tình trạng chung là kịch bản thiếu tính đột phá, vẫn là các mô-típ cũ, thiếu sáng tạo. Chưa kể có bộ phim còn cho thấy cách tổ chức cẩu thả của đạo diễn, sự gượng gạo trong diễn xuất của nhiều diễn viên. Lúc đầu, phim “Bí mật đảo linh xà” được chờ đợi vì yếu tố hợp tác với Hồng Công (Trung Quốc), tuy nhiên chất lượng trên thực tế lại khác xa trông đợi, đến mức nhiều người xếp bộ phim này vào danh sách các phim “đáng xấu hổ”. Phim “Đôi mắt âm dương” gây tò mò về thể loại kinh dị nhưng rốt cuộc lại làm khán giả thất vọng vì kịch bản quá đơn điệu, cách giải quyết câu chuyện nhạt nhẽo. Với phim “Tiền nhiều để làm gì?” thì ngay từ khi công bố poster (áp-phích) để quảng cáo, phim đã bị khán giả tẩy chay trên nhiều diễn đàn vì nghèo nàn ý tưởng. Ngay cả trailer (giới thiệu tóm tắt) bộ phim cũng được xem như là cắt ngẫu nhiên từ một đoạn phim, không nêu rõ ý đồ chủ đề của tác phẩm.

Sự thua cuộc của các phim Việt Nam trong mùa phim Tết năm 2020 bộc lộ điều gì khiến người yêu điện ảnh lo ngại? Trước hết, có thể chỉ ra nguyên nhân chủ yếu đẩy tới tình trạng này là một số nhà làm phim tỏ ra hời hợt, không đáp ứng được thị hiếu nghệ thuật của khán giả. Những phim được xem là “thảm họa” trong mùa phim Tết 2020 đều mắc các lỗi gần giống nhau, cụ thể như: cũ về nội dung, giả tạo về cảm xúc, kỹ xảo lộn xộn, khai thác thân thể của diễn viên một cách quá đà,... nên không đưa tới cảm xúc thẩm mỹ tươi mới, gây cảm giác về sự nhàm chán, phản cảm... Việc lồng tiếng không khớp trong phim “Bí mật đảo linh xà” còn cho thấy các sai sót này không phải vấn đề công nghệ hay kỹ thuật, mà do sự qua loa, hời hợt trong sản xuất phim. Ở phần lớn các phim, tư duy nghệ thuật của một số tác giả vẫn là xây dựng tác phẩm theo lối mòn cố hữu để câu khách, vì thế họ như đã “quên” không đầu tư vào nội dung truyện phim, thiếu sự sáng tạo để tìm ra những hình thức kể chuyện mới sao cho thật hấp dẫn và thu hút, đi vào lòng người.

Nhìn lại các mùa phim Tết gần đây rất dễ nhận thấy hai xu hướng thường được các nhà sản xuất phim trong nước sử dụng: một là, khai thác yếu tố hài; hai là, khai thác yếu tố hình thể của diễn viên. Việc quá lạm dụng các yếu tố cũ khi khán giả đã quá no nê sau các mùa phim trước đã tạo nên sự nhàm chán, thiếu hấp dẫn. Chưa kể sự “non tay” trong nghệ thuật, quá trông đợi vào hiệu quả truyền thông của một số nhà làm phim cũng là vấn đề đáng bàn. Năm 2018 và năm 2019, dù một số phim ra mắt vào dịp Tết có chất lượng khá hơn, không nhiều phim “thảm họa” như một số năm trước, nhưng một số phim lại bị vướng vào scandal (vụ bê bối) vì đưa ra một số chiêu trò PR (quan hệ công chúng) lộ liễu, phản cảm. Dường như các nhà làm phim vẫn muốn dùng những chiêu câu kéo rẻ tiền để tạo sự chú ý của khán giả, mà chưa chú ý đúng mức giá trị nội dung - nghệ thuật của bộ phim. Chưa kể, có trường hợp vì quá lạm dụng cách PR để tạo “độ nóng” cho phim sắp ra rạp mà người làm phim phải trả giá đắt khi câu chuyện trong phim được dẫn dắt thái quá, vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nên dù chất lượng phim không đến nỗi nào, song vẫn bị khán giả tẩy chay, tất yếu dẫn đến thua lỗ về doanh thu.

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp. Để có một tác phẩm điện ảnh hay, hấp dẫn, ghi dấu ấn vào đời sống nghệ thuật, đem về doanh thu lớn,... cần sự đầu tư đồng bộ ở mọi khâu của quá trình sáng tạo tác phẩm. Kịch bản hay, tài năng sáng tạo của đạo diễn, lựa chọn diễn viên phù hợp với diễn xuất tốt, kỹ thuật kỹ xảo hiện đại, có chiến lược truyền thông hiệu quả,… luôn là các yếu tố sống còn để hình thành một tác phẩm điện ảnh thu hút khán giả. Đến hiện tại, so với nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa xứng tầm, còn xếp ở phía sau về chất lượng, sức hấp dẫn cũng như khả năng sản xuất, cần phải học hỏi rất nhiều. Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta không có quyền tự hào về những thành tựu mà nền điện ảnh còn non trẻ của Việt Nam từng đạt được trong quá trình phát triển. Có thể còn thua kém một số quốc gia khác khi đầu tư tài chính cho các “siêu phẩm” điện ảnh, hoặc trình độ kỹ thuật, nhưng điện ảnh trong nước cũng đã có những đạo diễn, tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nhà làm phim tài năng ở trong nước đã vượt qua sự yếu kém về kỹ thuật làm phim để ghi dấu ấn với tác phẩm điện ảnh có tiếng vang, bằng tài năng, sự cống hiến nghệ thuật.

Tất nhiên, ở thời đại có sự cạnh tranh gay gắt trong hoạt động nghệ thuật, để trụ vững trong lòng khán giả, điện ảnh Việt Nam còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện và phát triển, nhất là về khâu đào tạo con người, hoạch định chiến lược phát triển, và chính sách đầu tư cho điện ảnh như một ngành công nghiệp văn hóa, để điện ảnh không chỉ thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của công chúng trong nước, mà trở thành cầu nối đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam đến với công chúng điện ảnh thế giới. Thiết nghĩ, trước khi triển khai thực hiện những điều to lớn, các nhà làm phim cần bắt đầu từ một vấn đề tưởng như nhỏ song lại có vai trò nền tảng, đó là đáp ứng yêu cầu khán giả. Những ngày qua, báo chí đã chỉ ra khá nhiều “điểm trừ” không đáng có thể hiện qua một số sai sót ở một số bộ phim công chiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là điều các nhà làm phim trong nước nên tham khảo.

Dẫu thế nào thì khán giả vẫn luôn là yếu tố quyết định thành công hoặc thất bại của một bộ phim. Dĩ nhiên, không phải phim nào có số lượng lớn khán giả đến xem cũng là phim hay, nhưng chắc chắn một bộ phim hay thì không thể không có khán giả. Khán giả chỉ có thể bỏ tiền mua vé vào rạp thưởng thức một bộ phim để thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ khi họ thấy được người làm phim luôn thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, không dễ dãi với từng chi tiết trong phim. Nói như NSND Đặng Nhật Minh thì mỗi người làm phim cần phải kỹ lưỡng, chu đáo nhất trong khả năng của mình khi bắt tay vào sản xuất một bộ phim, không nên để những sai sót ngớ ngẩn, vô lý trong mỗi khuôn hình và đừng đổ lỗi cho bất cứ điều gì. Cho dù còn có thể thua kém về trình độ làm phim hoặc về phương tiện kỹ thuật hiện đại, thì khi nghệ sĩ trân trọng khán giả, họ sẽ nhận lại được sự trân trọng, chia sẻ từ khán giả, đó là sự tương hỗ một mặt giúp nghệ sĩ ngày càng nâng cao khả năng sáng tạo, một mặt giúp khán giả được thỏa mãn nhu cầu và ngày càng trưởng thành.

Tại hệ thống các cụm rạp hiện nay, phim Việt Nam vốn đang chỉ giành được một thị phần rất nhỏ so với các phim nước ngoài. Cuộc cạnh tranh không cân sức với phim ngoại đã khiến không ít nhà làm phim trong nước lao đao. Xét đến cùng, trong kinh tế thị trường, khi tác phẩm điện ảnh được coi như một sản phẩm văn hóa có tính chất đặc thù, thì để đến với người tiêu dùng của mình, những người làm điện ảnh vẫn phải chấp nhận sự cạnh tranh bằng tài năng, bằng nỗ lực sáng tạo. Thời gian qua, không ít phim Việt Nam đã phải kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của cộng đồng để xóa những suất chiếu không khán giả, để tác phẩm có cơ hội tiếp tục có mặt tại rạp. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề có tính thời điểm, khán giả không thể mãi “giải cứu” tác phẩm điện ảnh trong nước bằng lòng thương hại. Họ có quyền từ chối không đến với tác phẩm của tác giả Việt Nam, nếu tác phẩm đó không hấp dẫn. Vì thế, cuối cùng vấn đề vẫn là chất lượng của tác phẩm. Hay nói cách khác, muốn ra rạp và trụ được ở rạp, đạt doanh thu lớn, điện ảnh Việt Nam cần thật sự nỗ lực, tập trung đầu tư để tác phẩm luôn bảo đảm chất lượng, cả về nội dung, nghệ thuật.