Người nói dối nhất định sẽ thất bại !

Sau thất bại thảm hại của "chiến dịch thỉnh nguyện thư" kêu gọi "ưu tiên vấn đề nhân quyền Việt Nam", đòi "ban hành đạo luật hạn chế người Mỹ gốc Việt du lịch, gửi tiền về Việt Nam",... gần đây một số người lại làm rùm beng về cái gọi "Quốc hội Ðức điều trần về nhân quyền ở Việt Nam"! Vậy đâu là sự thật về cuộc "điều trần"(?), bài viết của tác giả Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Ðức sẽ đưa ra câu trả lời giúp bạn đọc nhận diện, nắm bắt cụ thể.

Mấy ngày gần đây, qua in-tơ-nét tôi thấy RFI, RFA và một số blogger đưa tin "Quốc hội Ðức điều trần về nhân quyền ở Việt Nam và blogger anh Ba Sàm". Về sự kiện này, ngày 5-11-2014, trả lời phỏng vấn RFI, Vũ Quốc Dụng - người được coi phụ trách cái gọi là "mạng lưới người bảo vệ nhân quyền" đã đưa ra những lời lẽ rất tự tin. Theo thói quen của một người làm trong ngành luật, tôi rà soát các báo ở khu vực tiếng Ðức xuất bản cùng thời gian thì không thấy báo nào đề cập, tôi tra cứu trang mạng của Quốc hội Ðức (Deutscher Bundestag). Trên trang này, người quan tâm có thể đọc tin về mọi phiên điều trần do các Ủy ban thuộc Quốc hội Ðức thực hiện, hoặc theo dõi lịch làm việc để biết cuộc điều trần nào sẽ được tiến hành trong các tuần tiếp theo. Ở đó, tôi cũng không tìm thấy thông tin nào có nội dung như ông Vũ Quốc Dụng công bố. Tra cứu trên trang cá nhân của các đại biểu Quốc hội Ðức có liên quan, ngoài trang mạng của bà S.Bết-zing Lích-then-thê-lơ (Sabine Bétzing-Lichtenthéler) có đề cập, còn lại đều không đưa tin. Bà S.Bết-zing Lích-then-thê-lơ là cựu ủy viên Ủy ban nhân quyền Quốc hội Ðức, mới thôi làm đại biểu Quốc hội để đảm nhận nhiệm vụ khác ở một tiểu bang, ngày 28-10-2014, trang cá nhân của bà đăng một thông cáo báo chí (Pressemitteilung - trong tiếng Ðức, Mitteilung nghĩa là tin hay thông cáo, Presse là báo chí). Bà kể, ông Vũ Quốc Dụng đã liên hệ để bà tiếp xúc với Lê Thị Minh Hà (vợ ông Nguyễn Hữu Vinh - người bị bắt vì phạm tội theo Ðiều 258 - Bộ luật Hình sự Việt Nam). Và bà cho biết, tháng 11 sẽ có một "cuộc hẹn" (Termin) với vài đại biểu Quốc hội để bàn bạc về trường hợp này. Tuy nhiên, không tờ báo nào ở khu vực tiếng Ðức đăng thông cáo báo chí của bà S.Bết-zing Lích-then-thê-lơ. Ðiều đó là rất dễ hiểu, vì ở CHLB Ðức, mọi người dân, kể cả người nước ngoài, đều có thể liên hệ gặp các đại biểu Quốc hội để trình bày nguyện vọng, mong muốn của mình. Cho nên mỗi năm, một đại biểu Quốc hội Ðức tiếp rất nhiều người, mỗi người đến gặp đều có vấn đề riêng.

Trong các hoạt động quan trọng tại Quốc hội Ðức, có hai hoạt động rất được chú ý trước khi biểu quyết là điều trần ở ủy ban, tranh luận ở Quốc hội. Ðặc biệt là một vấn đề nào đó có được đưa ra điều trần hay không, phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Theo tài liệu phổ biến ngày 4-11-2014 cùng các ngày trước và sau đó, tại Ủy ban nhân quyền và Quốc hội Ðức không có phiên điều trần nào về "nhân quyền ở Việt Nam" nói chung, về "blogger anh Ba Sàm" nói riêng. Chẳng nhẽ một phiên điều trần tổ chức tại Quốc hội mà báo chí CHLB Ðức không biết, chỉ có RFI, RFA và ông Vũ Quốc Dụng thì mới biết hay sao? Việc công bố thông tin về một sự kiện không đúng sự thật, liệu có phải do nhầm lẫn từ ngữ, hay xuất phát từ chủ ý tạo dựng, thổi phồng? Những ai ở CHLB Ðức quan tâm đến Việt Nam đều biết mấy chục năm qua ông Vũ Quốc Dụng từng công bố nhiều bài viết phê phán Nhà nước Việt Nam bằng tiếng Ðức và tiếng Việt. Là người sử dụng thành thạo tiếng Ðức như ông, khó có thể phạm sai sót ngôn ngữ khi viết bài công bố trên báo chí, hay trả lời phỏng vấn (trừ khi cố tình nhầm lẫn nhằm đạt mục đích riêng). Ngay cả việc đăng bức ảnh chụp chung với một đại biểu Quốc hội Ðức cũng không thể nói lên điều gì, đơn giản vì bức ảnh không cung cấp thông tin liên quan, không cho biết một phiên điều trần đã tổ chức và diễn biến cụ thể ra sao. Như vậy, họ làm rùm beng một sự kiện không có trong thực tế để làm gì?

Giữa tháng 10-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tới thăm các nước Bỉ, Ðức, I-ta-li-a và Tòa thánh Va-ti-can. Như báo, đài của nhiều nước đã đưa tin, khi hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hề né tránh các vấn đề được cho là "nhạy cảm", như nhân quyền và dân chủ. Phát biểu tại Viện Cô-be (Korbe) ở CHLB Ðức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Quyền con người, tự do và dân chủ là nhu cầu tự nhiên của nhân loại. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng như thể chế kinh tế thị trường hướng đến bảo đảm quyền tự do cho mọi công dân trên tất cả các lĩnh vực. Tất cả các mục tiêu này đều quy định rõ trong Hiến pháp". Ngày 15-10-2014, Quốc hội Ðức công bố thông báo báo chí có nhan đề Chủ tịch Quốc hội Lammert: Việt Nam cũng tiếp tục phát triển dân chủ. Thông báo cho biết, Chủ tịch Quốc hội Ðức bộc lộ mong đợi của mình là Việt Nam tiếp tục phát triển không chỉ về kinh tế, mà còn cả trong cơ cấu dân chủ và nhà nước pháp quyền. Tại cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Lam-mớt (Lammert) nhấn mạnh vai trò nổi bật của Việt Nam trong tư cách là một đối tác chính trị, kinh tế của CHLB Ðức ở châu Á; đầu năm 2015, Chủ tịch Quốc hội CHLB Ðức sẽ tới Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên của Liên minh nghị sĩ. Nhân dịp này, ông cũng nhắc tới việc CHLB Ðức là thành viên đầu tiên của EU phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam.

Hôm 14-10-2014, đúng ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến CHLB Ðức, tờ Thời gian (Zeit) đăng bài Việt Nam không phải lo bị nhắc nhở, với ý tưởng chính là Chính phủ CHLB Ðức sẽ không đưa vấn đề nhân quyền và dân chủ ra bàn bạc. Theo tác giả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người khi còn trẻ đã cầm súng tham gia kháng chiến, trưởng thành trong Ðảng Cộng sản, hiện nay là người được nhiều chính trị gia, nhà quản lý ở phương Tây muốn gặp gỡ. Ông và Thủ tướng Ðức - bà Méc-ken (Merkel), khi gặp nhau chắc chắn sẽ trò chuyện về việc phát triển quan hệ giữa hai quốc gia; trước đó ba năm, hai người đã ký Tuyên bố chung Hà Nội và hai bên mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế. Cũng dịp này, nhiều người Ðức đã viết thư tới tòa soạn tờ Thời gian để trình bày quan điểm của mình. Một trong số các thư tòa soạn đăng tải có đoạn: "Tôi thấy khó chịu khi chúng ta phải thường xuyên vươn mình trước mặt người khác để chỉ ra rằng mình là thợ cả của họ. Tôi cảm thấy khủng khiếp khi chúng ta muốn thể hiện mình là một thần thánh như thế nào. Một thần thánh định đoạt toàn thế giới và muốn nói với người khác là họ phải sống theo lý tưởng của chúng ta. Tôi không biết hết các trường hợp cụ thể, nhưng có thể ở một trường hợp nào đó, có điểm này điểm nọ có thật, nhưng nhiều sự việc được cố tình thổi phồng lên để cho chúng ta cảm nhận thấy mình trở lại là ông hoàng của thế giới này".

Suy nghĩ của bạn đọc tờ Thời gian là chính xác không chỉ từ tình cảm mà còn về pháp lý, vì phù hợp với luật lệ quốc tế. Theo luật quốc tế, một nhà nước độc lập có chủ quyền được phép đưa ra các quy định để duy trì chế độ xã hội của mình. Việc đưa ra các quy định đó gọi là "công việc nội bộ của quốc gia". Hiến chương LHQ, Tuyên bố của LHQ về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế công bố năm 1970, Tuyên bố của LHQ về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác công bố năm 1982 đều khẳng định "nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác". Không chỉ ở Việt Nam, mà các nước, trong đó có CHLB Ðức, đều đưa ra những quy định pháp lý, có biện pháp tương tự để duy trì chế độ pháp lý, chính trị của mình, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân sống trong cùng điều kiện chính trị, xã hội. Vì vậy, phê phán và đòi hỏi hủy bỏ một số điều trong Bộ luật Hình sự Việt Nam là việc làm phi lý, thiếu khách quan, không thể chấp nhận.

Những gì Vũ Quốc Dụng và cộng sự trong cái nhóm tự xưng là "mạng lưới người bảo vệ nhân quyền" ở CHLB Ðức, tự đặt tên là VETO (!), đã và sẽ không gây được ảnh hưởng trong việc vận động các quốc gia và tổ chức chống lại Việt Nam. Và chắc chắn sẽ thất bại như việc các hội nhóm chống cộng là người Mỹ gốc Việt liên tục gửi "thỉnh nguyện thư" tới Nhà trắng yêu cầu này nọ, mà kết quả may lắm là được tiếp xúc xã giao với mấy nhân viên Nhà trắng, rồi tất cả nhanh chóng hạ màn, chỉ vài ngày sau là đã rơi vào quên lãng. Trên thực tế, với những gì diễn ra trong thời gian qua cũng đủ cơ sở bảo đảm cho nhận định về sự thất bại của việc làm mà một số người như Vũ Quốc Dụng đã tiến hành. Ðó là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu to lớn mà Ðảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, từng bước nâng cao đời sống toàn dân; đó là các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước Việt Nam được chào đón nồng nhiệt tại nhiều quốc gia, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đến thăm Việt Nam; đó là rất nhiều văn bản hợp tác kinh tế, văn hóa,... giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới đã được ký kết...

VỀ nhân quyền, thời gian qua, dù một số người ráo riết thực hiện các chiến dịch vận động, tổ chức họp báo, hội luận, hội thảo, thậm chí là tài trợ cho một vài người từ Việt Nam sang châu Âu để tuyên truyền nhằm "tăng thêm sức nặng", cố gắng làm lạc hướng những ai chưa nắm bắt đầy đủ, hoặc chưa hiểu rõ các thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, để từ đó không bỏ phiếu cho Việt Nam thì họ vẫn thất bại, vì không thể ngăn cản việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016. Họ thất bại vì dư luận quốc tế và chính phủ các nước trên thế giới đã nhận ra sự dối trá trong các hoạt động chống đối, bất chấp sự thật của họ. Họ thất bại vì sự thật, chân lý không bao giờ thuộc về họ. Ngạn ngữ Ðức có câu "LŨgen haben kurze Beine", tạm dịch: người nói dối là người có chân ngắn, bởi người chân ngắn thì không thể đi xa, cũng tức là người nói dối nhất định sẽ thất bại!