Nghệ thuật góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường

Thời gian gần đây, hoạt động nghệ thuật vì môi trường - còn gọi là nghệ thuật sinh thái, có xu hướng nở rộ. Các vấn đề môi trường như rác thải, ô nhiễm, biến đổi khí hậu... đã được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm, sáng tạo, đưa vào tác phẩm nghệ thuật.

Năm 2019, nhiều hoạt động nghệ thuật gắn với chủ đề môi trường đã được tổ chức và thu hút sự quan tâm của công chúng. Gần đây nhất là vào cuối năm 2019, tại phố 19-12 (còn gọi là Phố Sách - Hà Nội) đã khai mạc triển lãm nghệ thuật về chủ đề môi trường với tên gọi “Be the change” (Hãy tạo ra sự thay đổi mà bạn muốn thấy). Triển lãm trưng bày bốn tác phẩm nghệ thuật sắp đặt gồm “Hóa nhựa” của Phạm Trần Quân, “Những cú hút” của Ðỗ Hiệp, “Rùa” của Doãn Hoàng Kiên, “Cây và đời” của Flinh, Ðặng Thùy Anh. Ðiểm chung của các tác phẩm này là đều chủ yếu dùng chất liệu từ rác thải nhựa và cây xanh để chuyển tải đến người xem thông điệp về một cuộc sống trong lành trên Trái đất. Không chỉ trưng bày tác phẩm nghệ thuật, triển lãm còn giới thiệu với người xem các bộ phim ngắn về môi trường như “Tôi bán hàng hóa, không bán nhựa”, “Rác không muốn tắm biển”, và “Con người chết trước rác thải”. Trước đó, từ ngày 15-7 đến 31-8-2019, một triển lãm sắp đặt mang tên “Xả rác ít thôi” cũng đã diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace, Tràng Tiền - Hà Nội) với mục đích giới thiệu đến người xem thông tin về tác hại của rác thải đến môi trường và sức khỏe con người, đồng thời giới thiệu với công chúng các lựa chọn thay thế thiết thực cho một cuộc sống lành mạnh không rác thải. Liên quan đến chủ đề rác thải nhựa, ngày 21-6-2019 triển lãm theo chủ đề “Hành tinh nhựa” của các tác giả trong nhóm “Tò he” chính thức khai mạc và kéo dài trong hai tháng. Bốn tác phẩm sắp đặt kích cỡ lớn, có tác phẩm cao gần 4 m và dài tới 18 m bao gồm “Ðại dương”, “Cánh đồng”, “Lốc xoáy”, “Gia đình” hoàn toàn sử dụng chất liệu nhựa đã qua sử dụng như ống hút, nilon, chai nước, đồ gia dụng… Người xem không khỏi choáng ngợp về kích cỡ của tác phẩm cũng như bị chấn động bởi thông điệp mà nhóm tác giả mang tới. Cảm giác về sự cô đơn nhỏ bé của con người bị nhấn chìm trong rác thải do chính mình gây ra đã được các nghệ sĩ tái hiện một cách sinh động. Người xem có thể nhìn thấy rất rõ rác thải nhựa đang có mặt ở khắp nơi: trong thiên nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, trong sự sống nhiều loài sinh vật, và trong cả cơ thể của con người... Ðây đều là những lời cảnh báo bằng ngôn ngữ nghệ thuật về nguy cơ ô nhiễm rác thải đang trực tiếp cận kề.

Trong công cuộc bảo vệ môi trường, các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng không ở ngoài cuộc. Tháng 6-2019, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã tổ chức triển lãm mang tên “Hãy cứu biển”, trưng bày hơn 100 bức ảnh được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh ghi lại thực trạng xả rác thải nhựa mà anh đã thực hiện trên hành trình đi dọc hơn 3.000 km bờ biển qua 28 tỉnh thành phố của đất nước. Với thông điệp “Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi”, các bức ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chuyển tải mong muốn của tác giả đến cộng đồng về việc cần thiết thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của con người trong xả rác thải nhựa ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

Từ các hoạt động nghệ thuật liên quan chủ đề sinh thái diễn ra thời gian qua có thể thấy tần suất hoạt động sáng tạo và công bố tác phẩm diễn ra ngày càng nhiều, cho thấy sự quan tâm của các nghệ sĩ đối với vấn đề có tính toàn cầu này đã ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhìn ngược về quá khứ, có thể thấy việc văn nghệ sĩ hướng sự quan tâm đến các vấn đề môi trường đã xuất hiện từ các năm trước. Chẳng hạn năm 2010, chương trình “Mỗi bức ảnh - Một hành động” đã được khởi động, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, người nổi tiếng và các nhóm hoạt động vì môi trường hưởng ứng với mong muốn nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Theo đó, mỗi bức ảnh được chụp sẽ là một thông điệp về bảo vệ môi trường gửi tới cộng đồng. Hoặc năm 2016, dự án “I Can’t do” (Tôi không thể) với thông điệp “Ðừng để ô nhiễm hủy hoại cuộc sống của bạn” cũng đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia. Năm 2017, một dự án nghệ thuật sắp đặt mang tên “Những can thiệp nối dài” gồm hai tác phẩm “Tương lai ẩn khuất” và “Dị bản xâm lăng” của nghệ sĩ Lê Phi Long đã được thực hiện tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và TP Hồ Chí Minh nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối nguy hại của rác thải tới môi trường. Nhưng ở thời điểm đó, những tiếng nói nghệ thuật như vậy còn khá nhỏ lẻ, chưa thật sự trở thành một dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống nghệ thuật. Chỉ tới gần đây, khi vấn đề môi trường ô nhiễm, nạn rác thải nhựa ngày càng trở nên cấp bách, trở thành chủ đề “nóng” trong đời sống thì số tác giả và tác phẩm đề cập đến chủ đề này mới trở nên đông đảo và thật sự mạnh mẽ. Ðiều này cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ, trước các vấn đề cấp thiết mà đời sống không chỉ trong nước mà còn mang tính toàn cầu đang đặt ra. Ðây cũng chính là biểu hiện ý thức công dân của văn nghệ sĩ, thông qua nghệ thuật như một phương tiện hữu hiệu để góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với các vấn đề cấp bách của cuộc sống trực tiếp liên quan đến môi trường chung quanh.

Thống kê của các nhà nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, mỗi năm con người trên thế giới đã thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa; và lượng rác thải nhựa đó đủ để phủ kín bốn lần diện tích bề mặt Trái đất. Riêng với Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta có tới hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra và chỉ có 27% trong số đó được tái chế. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, Việt Nam còn có nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng đến 200%. Rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm, chung tay hành động của cả cộng đồng. Ðể giúp bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của mỗi người là hết sức cần thiết. Trong đó, việc tuyên truyền qua sáng tạo và thể hiện qua tác phẩm của văn nghệ sĩ, là một trong các giải pháp khá hữu hiệu, góp phần làm cho tiếng nói bảo vệ môi trường sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, lan tỏa sâu rộng hơn. Bởi lẽ tác phẩm nghệ thuật với đặc thù ngôn ngữ biểu hiện đa dạng, sinh động, khả năng chuyển tải ý nghĩa giáo dục, nâng cao nhận thức tác động đến thế giới tinh thần của con người sẽ tạo sức thu hút không nhỏ trong cộng đồng. Chưa kể với uy tín, sự hâm mộ của công chúng, tiếng nói của văn nghệ sĩ qua tác phẩm nghệ thuật sẽ nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng, thu hút công chúng quan tâm, chú ý lắng nghe, qua đó thông điệp bảo vệ môi trường, giữ gìn hành tinh xanh được truyền đi trực diện, tác động mạnh mẽ đến xã hội, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường, giúp mỗi người và cả cộng đồng tự nguyện, tự giác thay đổi các thói quen, hành vi ứng xử tiêu cực, tùy tiện đối với tự nhiên.

Tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận rằng, dù đã có một số văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo tác phẩm lấy cảm hứng từ vấn đề môi trường, song đến nay con số này vẫn còn rất thấp so với lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Trên thực tế, hoạt động sáng tạo tác phẩm hướng đến chủ đề môi trường vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh... và thường mới chỉ được giới thiệu ở vùng đô thị. Trong các loại hình nghệ thuật được công chúng quan tâm như văn học, điện ảnh, sân khấu..., tác phẩm về chủ đề sinh thái, đề cập vấn đề môi trường vẫn còn ít về số lượng, chất lượng cũng chưa cao, chưa có tác phẩm thật sự hay, hấp dẫn, còn thiếu những dự án lớn gây tiếng vang, có khả năng thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của con người đối với môi trường một cách sâu sắc. Nhiều nghệ sĩ còn coi đây như một “cuộc chơi” mang tính thử nghiệm, thậm chí có những cá nhân còn coi đây như một thứ thời trang hay phương tiện đánh bóng cá nhân… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do còn không ít văn nghệ sĩ chưa thật sự quan tâm đến môi trường - vấn đề “nóng” không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, cho nên chưa tâm huyết, chưa tập trung suy tư và sáng tạo để thể hiện suy nghĩ của mình qua tác phẩm nghệ thuật. Cũng bởi số lượng tác phẩm về đề tài môi trường chưa đa dạng, phong phú, chưa thành một “nét đậm” trong đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, mà đến nay việc khái quát, nghiên cứu, đánh giá tác phẩm về đề tài này còn khá mờ nhạt.

Trước một vấn đề quan trọng, thiết yếu đối với cuộc sống và sự tồn tại của loài người, cần biểu dương sự nhập cuộc tích cực của một số văn nghệ sĩ đã tập trung sáng tạo về chủ đề này. Thực tế đó ít nhiều cho thấy đã có sự dịch chuyển trong tâm thế sáng tạo của một số văn nghệ sĩ. Hy vọng trong thời gian tới, văn nghệ sĩ sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường, cho ra đời các tác phẩm mang thông điệp có tính thẩm mỹ cao về bảo vệ môi trường đến với cộng đồng, giúp con người đi từ sự tự ý thức đến tự giác hành động bảo vệ “bà mẹ thiên nhiên”, bảo vệ Trái đất, bảo vệ cuộc sống. Nhưng vai trò đó, trách nhiệm đó chỉ có ý nghĩa khi văn nghệ sĩ sáng tạo một cách lành mạnh, hướng đến mục tiêu vì con người, cho con người, không lợi dụng vấn đề môi trường để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận. Vì nghệ thuật chân chính cần phải đại diện tiếng nói của nhân dân, hướng tới giá trị nhân văn, vì lợi ích chính đáng của xã hội, con người.