Bình luận - phê phán

Ngăn chặn xu hướng "lá cải hóa"

NDO -

Cách đây dăm năm, hiện tượng "lá cải hóa" bắt đầu xuất hiện tại một số tờ báo và gần đây, đã lây lan tới nhiều ấn phẩm, từ nhật báo, tuần báo đến các phụ bản, phụ trương, nguyệt san, bán nguyệt san,... đặc biệt là trên một số báo điện tử và trang mạng. Tình trạng này khiến dư luận lành mạnh bất bình, vì ngoài việc công bố những tin, bài, ảnh không phù hợp với chuẩn mực văn hóa của xã hội, hiện tượng "lá cải hóa" còn có thể tác động tiêu cực tới quan niệm và lối sống của một bộ phận công chúng...

Khởi đầu là hiện tượng một số tờ báo khai thác các vụ án đông - tây, kim - cổ cả ở trong nước và ngoài nước. Ðể thu hút sự chú ý của các công chúng hay tò mò, có thị hiếu hướng về chuyện giật gân, một số tờ báo tập trung khai thác các vụ án ly kỳ, rùng rợn được mô tả tỉ mỉ đến từng chi tiết. Các thông tin này nhanh chóng được một số tờ báo, nhất là báo điện tử và một số trang mạng, triệt để khai thác. Chẳng hạn "vụ án Lê Văn Luyện". Phải nói là hằng giờ, thậm chí từng phút, một số trang điện tử liên tục đưa tin (hoặc xào xáo của nhau) thông tin chính xác lẫn với mơ hồ, chưa xác thực, kèm theo vô số "phân tích dự báo", "mổ xẻ", lật đi lật lại, khai thác đến tận cùng, thậm chí sẵn sàng bịa chi tiết giật gân. Chuyện cha giết con, vợ giết chồng, mẹ giết con,... và những vụ án trái luân thường đạo lý bỗng chốc trở thành đề tài để một số người viết xâu xé, chăm chăm khai thác điều gọi "hấp dẫn", cốt để bán báo. Thậm chí để chạy đua thông tin, "móc túi" độc giả sớm hơn, có tờ báo in thêm số lượng, tăng trang, phát hành sớm lên vài giờ. Trong vô số trường hợp, chỉ cần liếc qua cái tít trên trang nhất một số tờ báo đã thấy hoang mang vì ở đó tràn ngập tin tức đâm chém, cướp của, hiếp dâm, giết người... Mà "báo lá cải" thường bắt chước nhau khá nhanh, vụ án nào có tý tình tiết gay cấn là đều xúm vào. Mới đây, trong một vụ án có năm người con cùng đề nghị hội đồng xét xử tuyên án cha đẻ tử hình vì tội giết vợ, lập tức cái tít này lại nằm chềnh ềnh trên trang nhất một vài tờ báo!

 Từ những điều méo mó, dị hợm thậm chí bệnh hoạn, quái gở, xuất hiện trên một số tờ báo, công chúng sau khi đọc, có cảm giác u ám, nặng nề, không khác gì bạn đi qua một con phố mà chỉ nhìn thấy và chỉ nhìn vào đống rác... Chẳng lẽ, một số người làm báo này không cân nhắc trước khi đưa tin tức, bài vở như vậy? Phải nói rằng, với tình trạng "báo lá cải", ý niệm về nhân văn, nhân bản như đã trở nên lạc lõng. Tính nhân đạo ở đâu khi người ta không biết vì vô tình hay hữu ý đăng cả chân dung người bị xâm hại trên báo. Rồi khi một người phạm tội là từ gia đình tới các quan hệ bị xoi mói, lùng sục để rồi từ ông bà nội ngoại, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh em đến họ hàng, hàng xóm, bạn bè,... đều được khai thác triệt để với động cơ thiếu trong sáng. Thậm chí có bài báo đưa tin về một vụ án mới đã minh họa bằng hình ảnh người phạm tội cũ, như muốn tạo racảm giác anh ta phạm tội có hệ thống mà không thèm quan tâm anh ta đã hoàn lương chưa! Bên cạnh đó là một số người viết còn thiếu am hiểu pháp luật mà vẫn thản nhiên "thay mặt quan tòa" để phán xét vụ án với những khẳng định như đinh đóng cột, trong khi cơ quan thực thi pháp luật vẫn chưa hoàn tất điều tra!

 Sau vụ án là đến chuyện lạ. Mấy chục năm trước, báo chí đã từng râm ran với hình ảnh "cua mặt người" thì nay là rắn thần, miếu thần, đá lạ, cây lạ... rồi danh y, thần y chữa bệnh cứu người, có "thần y" được báo quảng bá từng chữa khỏi bệnh đến hàng nghìn người, nhưng thực tế giới khoa học và cơ quan chức năng chưa bao giờ kiểm định. Người viết để tăng thêm độ xác thực cho thông tin đôi khi còn tự nhấn mạnh bản thân mình đã chữa khỏi. Thế nên mới có cảnh rồng rắn người kéo nhau đến nhà bà lang nọ chữa bệnh mà chỉ chữa bằng cách "dẫm lên lưng". Rồi sau báo về vụ án, báo về chuyện lạ, là báo "sex". Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, một người cao tuổi gốc Hà Nội, luôn đau đáu với thực trạng này đã không giấu được sự bất bình khi thấy nhiều tạp chí chỉ chọn ảnh thiếu nữ hở hang đăng bìa trang nhất với những cái tít tựa đầy khiếm nhã, từ "gái hư", "gái ngoan", đến vòng nọ, vòng kia. Sao người ta lại có thể rẻ rúng phụ nữ như vậy? Nói về sex, phải kể đến các trang báo mạng. Hiện trên internet, những từ "lộ hàng", "thoáng", "hở", "xuyên thấu",... kèm lời giới thiệu là "choáng", "sốc", "ngất", "nghẹt thở", "chóng mặt",... đang là các từ khóa được săn lùng nhiều nhất. Riêng cụm từ "hotgirl Việt Nam", nếu tìm kiếm trên google có thể đem tới 29 triệu 700 nghìn kết quả. Trong đó, "tuyển tập hotgirl xinh" thì nhiều vô kể. Có lẽ không ở đâu lạm phát hotgirl như ở ta. Mà công nghệ quảng cáo của báo mạng hiện có thể biến một cô gái xinh xắn còn đang đi học trở thành một "hotgirl dạn dĩ và nóng bỏng".

 Ở nước ngoài, hotgirl trước hết là danh từ chỉ những phụ nữ đủ cả tài, sắc cho giới trẻ hâm mộ. Còn ở Việt Nam, không ít người cho rằng, hotgirlgắn liền với những cô gái trẻ xinh đẹp thích chơi bời, thích khoe "hở". Phàm cái gì nhiều quá hóa nhàm, hóa rẻ, hotgirl đáng ra là một từ đẹp bỗng chốc trở nên tầm thường, nếu không nói đôi khi là nhảm nhí. Và chuyện báo chí khai thác làng giải trí, khai thác đời tư của các "ngôi sao" quá đà, các nhân vật văn nghệ mạnh mồm mạnh miệng cũng là điều đáng nói. Người ta khai thác đủ thứ chuyện, từ chuyện ly hôn, chuyện cặp bồ mới, chuyện sinh con một mình,... tới chuyện thời trang, hàng hiệu,... Ðến nỗi nữ đại sứ du lịch nọ đã tâm sự rằng: "Người ta không hỏi tôi làm được những gì mà chỉ hỏi váy mới tôi mua bao nhiêu tiền, chiếc vòng đeo tay có tới tiền tỷ không"!?

 Một đặc điểm nữa là một số báo mạng thường liên kết với các trang mạng xã hội, "ăn theo" đời sống các trang mạng, nhất là face book. Sau khi ai đó tung một thông tin lên face book, là mọi người xúm vào comment - bình luận, và với sự liên kết, liên thông nhanh chóng thời toàn cầu, khi thông tin đó trở thành "nóng" thì báo mạng vội chộp lấy để đưa lên. Một báo mạng đã đưa lên là hàng loạt báo "copy" theo, có báo sửa tít cho hấp dẫn hơn còn nội dung thì vẫn y xì. Và điều làm bạn đọc chân chính phẫn nộ là nhiều trang mạng không chừa cả đối tượng trẻ em. Có em gái mấy tuổi cũng bị khai thác thái quá, sai lệch, làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng. Câu nói của mẹ bé Nhật Nam dạy con không xem truyện tranh, tưởng đâu chỉ là chuyện trong gia đình, hóa thành chuyện cho thiên hạ đàm tiếu, "ném đá". Ðến nỗi cô giáo bé Nhật Nam cũng phải lên tiếng xin cộng đồng mạng dừng lại.

 Còn rất nhiều minh chứng sống động có thể dẫn ra cho thấy tình trạng "lá cải hóa" ở một số tờ báo nhất là ở các tờ phụ trương đã đến mức báo động. Lý do duy nhất để người làm các tờ báo này đưa ra để biện minh cho việc làm của mình là để phục vụ người đọc bình dân, để "câu view", cạnh tranh thông tin trong thời đại số hóa... và cần khẳng định, đó chỉ là ngụy biện. Còn việc viện dẫn các "báo lá cải" ở nước ngoài còn "lá cải" hơn lại càng nực cười. Ðúng là ở các nước phương Tây, "báo lá cải" có đất sống nhưng nó không nhập nhằng, "lộng giả thành chân". Ngày nay thị hiếu độc giả đã cao hơn rất nhiều, trong khi một số tờ báo ham chạy theo xu hướng "lá cải" đã làm ô nhiễm văn hóa báo chí, và ảnh hưởng tới tính văn hóa của xã hội. Tình trạng này nếu kéo dài và trở nên phổ biến có thể làm con người mất niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của xã hội, vào những tấm gương sáng điển hình, có sức lan tỏa, được xã hội tôn vinh. Nguy hại hơn, "báo lá cải" đã xuyên tạc, hạ thấp, đánh đồng những giá trị văn hóa cao cả với những giá trị thấp kém. Làm cho tài năng của nghệ thuật hàn lâm bị "hạ cấp" ngang, thậm chí kém hơn so với "nghệ sĩ thị trường". Có ý kiến cho rằng "báo lá cải" sẽ tự đào thải khi xã hội ngày càng có văn hóa, độc giả sẽ biết chọn lọc, phân loại từ báo chí để tìm ra "món ăn" bổ ích và lành mạnh. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn với hiện tại, việc xác định chuẩn mực, phân loại, quản lý và đặt ra yêu cầu về tính văn hóa đối với báo chí đang trở nên hết sức cần thiết; mà trước hết là phụ thuộc vào việc xác định rõ tiêu chí, mục đích, đối tượng bạn đọc của mỗi tờ báo, tạp chí,... và sự nghiêm túc, tự giác của mỗi thành viên ở mỗi tòa soạn. Công việc này đã được làm trước đây, nhưng chưa triệt để, nay cần được thực hiện với những nguyên tắc cụ thể, rạch ròi, tránh dẫn đến tình trạng "giẫm chân lên nhau", "mập mờ đánh lận con đen"... Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc xử lý, đình bản vô thời hạn những tờ báo quá nhảm nhí, mà thực chất là "con sâu làm rầu nồi canh" làng báo của chúng ta.