Bình luận - phê phán

“Nền dân chủ phương Tây” và sự khủng hoảng niềm tin (Kỳ 1)

LTS - Lâu nay, một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí là cổ xúy cho cái gọi là nền “dân chủ phương Tây”. Vỗ tay rào rào tán thưởng nhưng họ lại không quan tâm đến thực tế nền dân chủ phương Tây đang rơi vào khủng hoảng và chính người dân ở đó không tin xã hội của họ có một nền dân chủ lý tưởng, cần được xuất khẩu. Tổng thuật của Hồ Ngọc Thắng về một công trình nghiên cứu ở CHLB Đức gần đây giúp bạn đọc tìm hiểu vấn đề một cách cụ thể.

Nhiều năm qua, một số người ở phương Tây thường coi nền dân chủ phương Tây là “mô hình mẫu mực, có tính phổ quát”, bởi vậy, bằng nhiều cách thức khác nhau, họ cố gắng xuất khẩu ra khắp thế giới nhằm đạt tới các mục đích chưa hẳn là vì dân chủ. Tuy nhiên, về cả lý thuyết lẫn thực tế, bản chất “mô hình” này là dân chủ dành cho số ít hay dành cho số đông vẫn là câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo. Từ thực trạng của vấn đề, cần đặt câu hỏi rằng, lợi ích vật chất, tinh thần mà số đông được hưởng thụ liệu có phải chủ yếu nhằm khỏa lấp khoảng cách ngày càng xa hơn giữa giàu và nghèo, tạo ra ấn tượng mơ hồ về việc quyền lợi của số đông được bảo đảm? Khi các câu hỏi đó chưa được trả lời thì nền dân chủ phương Tây vẫn có các khiếm khuyết riêng và khó có thể khắc phục nếu tiếp tục vận hành theo những quan niệm, tiêu chí và cách thức vốn có.

Vấn đề đặt ra là, chỉ có thể học hỏi một số nội dung tiến bộ từ “mô hình” đó chứ không nên coi là “mẫu mực” để vận dụng, mô phỏng một cách máy móc. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có một số người không nắm được bản chất vấn đề cho nên hô hào, đòi hỏi xây dựng xã hội phỏng theo “mô hình” nền dân chủ phương Tây! Khi hô hào và đòi hỏi như vậy, liệu họ có biết sau nhiều năm tồn tại, nền dân chủ phương Tây đã bộc lộ các khiếm khuyết cốt tử và đó là nguyên nhân làm cho niềm tin vào nền dân chủ phương Tây đã và đang lung lay tại chính nhiều nước phương Tây.

Có thể nhận diện vấn đề qua việc ngày 22-7-2015, một công trình nghiên cứu khoa học với chủ đề Lòng tin ở Đức và châu Âu - một so sánh quốc tế gồm 20 quốc gia (Vertrauen in Deutschland und Europa - Ein internationaler Vergleich von 20 Ländern) do Viện nghiên cứu kinh tế Cô-lô-nhơ (IW Köln) - viện nghiên cứu nổi tiếng ở CHLB Đức, thực hiện. Và ngày 26-7-2015, trong phiên bản dành riêng cho ngày chủ nhật, tờ Thế giới (Die Welt) là nơi đầu tiên công bố công trình này với tên bài Ngày càng nhiều người châu Âu không tin vào nền dân chủ (Immer mehr Europäer misstrauen der Demokratie). Đến ngày 30-7-2015, báo chí CHLB Đức từ trung ương đến địa phương đều đưa tin cùng nội dung, nhưng với tên bài khác nhau như: Châu Âu trong khủng hoảng tư tưởng (Europa in der Ideologie-Krise), Người dân nam châu Âu có mối nghi ngờ ngày càng lớn vào hệ thống chính trị (Südeuropäer zweifeln immer stärker am politischen System)…

Công trình nêu trên được hai tác giả GS.TS D.H En-xtơ (D.H Enste) và TS M. Muê-lờ (M. Möller) thực hiện, chủ yếu dựa trên kết quả những cuộc thăm dò dư luận từ năm 2000 đến năm 2014 của nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới, Ủy ban châu Âu, Khảo sát xã hội châu Âu (ESS), biểu số quan sát EU, OECD, Bloomberg. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng kết quả nghiên cứu, tính toán riêng của mình, và phỏng đoán cho năm 2015. Để thực hiện công trình, những người nghiên cứu đã xây dựng hệ thống chỉ số niềm tin để đánh giá theo xếp hạng bậc thang với 20 quốc gia, riêng Đại công quốc Luých-xăm-bua không được khảo cứu (có thể do dân số quá ít?). Theo kết quả đã thu được thì người dân ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, I-ta-li-a,... ngay cả ở Pháp và Anh, đang ngày càng mất niềm tin vào nhà nước và trật tự kinh tế tự do.

Trong phần khái quát, hai tác giả đã viết: “Mục đích của công trình này là để kiểm tra vốn về lòng tin (trong tiếng Đức hai tác giả dùng từ ghép là Kapital và Vertrauen) của một nền kinh tế qua so sánh trong phạm vi châu Âu bằng cách phân tích theo chiều dọc các số liệu thu thập trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2014. Từ khái quát chỉ số niềm tin ở hai mươi quốc gia, đi đến chỗ cho thấy sự phát triển các chỉ số niềm tin riêng lẻ như: chỉ số niềm tin vào hệ thống chính trị, chỉ số niềm tin vào hệ thống kinh tế, chỉ số niềm tin vào hệ thống xã hội của mỗi quốc gia. Các điểm mạnh và điểm yếu của mỗi quốc gia trong quan hệ với các nhà nước khác được chỉ ra để tạo động lực cho các biện pháp có thể tăng cường lòng tin”.

Tiếp theo, hai tác giả viết: “Các cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu hoặc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng Euro có một điểm đồng nhất là gây ra và đẩy mạnh sự thiếu lòng tin. Vì vậy, ý nghĩa của lòng tin đã thể hiện đặc biệt rõ ràng trong các cuộc khủng hoảng này. Trong khi các phát triển về vốn vật chất, hoặc vốn thật, được thống kê chính xác, ghi chép đầy đủ và đã có các bước đi đầu tiên trong việc ước tính các giá trị của vốn con người (tiếng Đức: Humankapital), nhưng đến nay chỉ có một vài cố gắng thu thập giá trị của vốn về lòng tin và vốn xã hội (tiếng Đức Sozialkapital). Đặc biệt trong thời gian khủng hoảng, lòng tin vào chính trị và thể chế là rất quan trọng. Chính trong bối cảnh sau cuộc khủng hoảng tài chính, mà quan sát thấy một mất mát rất lớn về sự tin tưởng của dân chúng vào chính phủ của mình ở một số nước”…

Theo hai tác giả: “Niềm tin là nền tảng của rất nhiều mối tương tác giữa con người với nhau, và với nền kinh tế. Về mặt xã hội, niềm tin tạo điều kiện cho các mối tương tác giữa con người với con người bằng sự ổn định tình cảm trong các quan hệ, và từ góc độ kinh tế làm cho phí giao dịch thấp hơn, do đó tạo điều kiện cho sự khởi đầu dẫn đến ký kết hợp đồng, như J. Uy-li-am-sơn đã viết năm 1993 (J. Williamson - nhà kinh tế học người Anh, cố vấn Bộ Kinh tế Anh từ năm 1968 đến năm 1974, cố vấn IWF từ năm 1972 đến năm 1974, cố vấn Ngân hàng Thế giới từ năm 1996 đến năm 1999, năm 2001 là Giám đốc dự án của Hội nghị UN về tài trợ phát triển - chú giải của tác giả Hồ Ngọc Thắng - HNT), K. A-rốp viết năm 1972 (K. Arow: nhà kinh tế học và toán học người Mỹ, giải Nobel về kinh tế năm 1972, đồng phát minh lý thuyết lựa chọn xã hội - HNT). Thông qua quá trình này, mức độ của lòng tin đóng vai trò trung tâm trong sự thành công về kinh tế của một cộng đồng. Ngược lại, sự xói mòn của lòng tin dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế và khủng hoảng kinh tế. Như cuộc khủng hoảng hiện nay trong hệ thống tài chính đã thể hiện rõ ràng, sự xói mòn lòng tin giữa các ngân hàng tạo nên sự cứng rắn trong việc cho vay tiền như thế nào. Các chi phí tài chính của công ty tăng vọt, kết quả là đầu tư bị cắt giảm và từ đó gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế nói chung”.

Khi đánh giá về lòng tin, một câu hỏi được đặt ra: lòng tin hay sự tin tưởng là gì? Theo các tác giả, trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau người ta đã đưa ra các định nghĩa khác nhau, thí dụ như trong tâm lý học, tâm lý kinh tế… Xuất phát từ đặc điểm riêng của đối tượng nghiên cứu, nên trong công trình nghiên cứu này sử dụng một định nghĩa lòng tin theo hướng mở rộng. Đó là định nghĩa do ông J. Béc-khợt (J. Beckert: GS.TS Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội Max - Planck của CHLB Đức - HNT) đưa ra năm 2002: “Lòng tin là sự kỳ vọng của con người cho rằng, những gì mình tự đặt ra trong quan hệ trao đổi sẽ không bị người nhận niềm tin lợi dụng, dù qua sự lựa chọn phương cách lợi dụng, người này có thể thu được một lợi ích cao hơn”. Để đánh giá lòng tin của người dân về hệ thống chính trị, các tác giả xem xét theo các điểm quan trọng là niềm tin vào chính phủ và quốc hội với dữ liệu được khai thác từ biểu số quan sát EU (tiếng Đức Eurobaromete, là biểu số của Ủy ban châu Âu đưa ra đều đặn để thăm dò ý kiến của công chúng ở các nước EU - HNT) dựa trên các câu hỏi sau: “Ngài có nhiều hay ít sự tin tưởng vào chính phủ?”. Và “bao nhiêu niềm tin với Quốc hội?”… Cụ thể:

Về ổn định chính trị: Câu hỏi niềm tin vào sự ổn định chính trị có tầm quan trọng lớn hơn nhiều do nhiều bất ổn chính trị xảy ra trong thời gian mới đây ở châu Âu. Các dữ liệu đã phản ánh cảm nghĩ của người dân, liệu họ có tin rằng, chính phủ có thể bị lao đao hay bị lật đổ bằng phương tiện bất hợp pháp hoặc bạo lực. Điều này cũng đề cập đến bạo lực, vì động cơ chính trị và khủng bố có động cơ chính trị. Dữ liệu được lấy từ kết quả của thăm dò dư luận do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Về nguyên tắc nhà nước pháp quyền: Có một nhu cầu rất lớn về ổn định, bảo vệ chống lại bạo lực, độc đoán. Chỉ số nguyên tắc nhà nước pháp quyền phản chiếu lại niềm tin của nhân dân trong sự bảo vệ của pháp luật, cảnh sát và tòa án. Ngoài ra, nó tương ứng với đánh giá về độ tin cậy của các quy tắc được đặt ra: có hiệu quả và được tuân thủ? Khả năng có thể xảy ra tội phạm và bạo lực ở mức nào? Các dữ liệu cũng từ các cuộc điều tra của Ngân hàng Thế giới.

Về bảo vệ người cho vay tín dụng và người vay: Chỉ số này đề cập cụ thể tới việc bảo vệ người cho vay và người đi vay. Nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, chỉ số này có tầm quan trọng đặc biệt. Số liệu điều tra thu được sẽ đo mức độ bảo vệ những người cho vay và người đi vay, do đó tạo điều kiện cho vay qua các luật về an toàn tín dụng và pháp luật về phá sản. Những dữ liệu này có được từ các cuộc điều tra của luật sư theo định hướng tài chính, phân tích pháp luật và các quy định cũng như các thông tin công khai về luật an toàn tín dụng và luật phá sản. Nó là một hỗn hợp của các cuộc khảo sát thị trường và dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Nếu các chỉ số đánh giá càng cao, thì lòng tin vào luật pháp càng cao.

(Còn nữa)