Bình luận - Phê phán

Một số vấn đề trong việc dịch, xuất bản tác phẩm nước ngoài

Lâu nay, một số ấn phẩm nổi tiếng trên thế giới thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,… đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Thời gian gần đây, hoạt động này trở nên sôi động hơn khi một số nhà xuất bản mua bản quyền để dịch và phát hành. Tuy nhiên, tồn tại hiện tượng ấn phẩm dịch ẩu, dịch sai, tự ý cắt gọt, chỉnh sửa nguyên bản, thậm chí nội dung nhảm nhí,… gây bức xúc trong dư luận.

Trước hết phải nói rằng đầu năm 2016, Công ty Alpha Books và Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) đã tung ra một “chiêu” khá độc đáo là kêu gọi bạn đọc đặt mua trước để ủng hộ 150 triệu đồng giúp xuất bản cuốn Xứ Đông Dương. Sau hơn hai tháng, số tiền đặt mua lên tới gần 160 triệu đồng. Không chỉ được đánh giá là bản dịch “gây sốt”, Xứ Đông Dương còn nhận nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao từ một số người (trong đó, từ việc ca ngợi cuốn sách lại đẩy tới ý muốn “tri ân” P. Doumer (P. Đu-me) - người thiết lập chế độ thực dân hà khắc, đầy tội ác tại Việt Nam). Sau khi NXB Thế giới và Alpha Books phát hành, cuốn Xứ Đông Dương lại khiến người đọc rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Vì trái với kỳ vọng của họ, cuốn sách có quá nhiều lỗi, một số câu dịch sai hẳn nội dung so với nguyên tác và người dịch như còn thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức văn hóa - lịch sử. Trước phản hồi của bạn đọc, Alpha Book tuyên bố “tiến hành sửa chữa, tái bản cuốn sách vào tháng 3-2016… quyết định dừng phát hành bản in hiện tại và đổi lại bản tái bản cho tất cả độc giả đã đóng góp tiền xuất bản cuốn sách cũng như đã mua cuốn sách do Alpha Books phát hành”. Tuy nhiên trên thực tế, Alpha Book lại đưa ra cách giải quyết khiến phải đặt dấu hỏi về trách nhiệm của họ, khi cuốn sách vẫn được phát hành, chỉ đính kèm một tờ giấy nhỏ chú thích rất sơ sài? Về việc này, một bạn đọc đã viết: “người Việt mình vẫn còn rất nhiều người tử tế, khi nghe quảng cáo sẽ in một quyển sách hay, có giá trị, thì lập tức góp tiền ủng hộ đơn vị làm sách. Nhưng điều đáng tiếc là họ đã gửi niềm tin không đúng chỗ, khi sự nhiệt tình và niềm kỳ vọng của họ được nhận lại là một quyển sách với nhiều lỗi sai như vậy”!

Sự kiện trên gợi nhớ tháng 8-2015, bạn đọc tỏ ra hào hứng khi NXB Thế giới và Alpha Books phối hợp phát hành cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc (nguyên bản: The Park Chung Hee Era The Transformation of South Korea - Kỷ nguyên Pắc Chung Hi và quá trình thay đổi của Hàn Quốc). Đây là công trình nghiên cứu nghiêm túc do hai học giả uy tín là Kim Byung-Kook và Erza F.Vogel chủ biên nhằm đánh giá lại toàn bộ sự nghiệp cầm quyền có không ít tai tiếng của vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc, là sách bán chạy trên thị trường sách chính trị thế giới. Nhưng cảm nhận chung của người đọc lại gói gọn trong từ “thất vọng”, vì bản dịch cắt xén, biên tập theo hướng “có lợi” cho nhà độc tài. Về cuốn sách, trong bài “Kỷ nguyên Park Chung Hee” bản tiếng Việt: Có làm thỏa mãn độc giả?, tác giả Vũ Minh An chỉ ra năm sai biệt lớn giữa bản gốc với bản dịch. Trong đó, thiếu sót nghiêm trọng nhất là việc thay đổi nhan đề, “mềm hóa” một số thuật ngữ khoa học chính trị, và cắt bỏ chương 14: Chiến tranh Việt Nam: Cuộc tìm kiếm của Hàn Quốc cho vấn đề an ninh quốc gia (The Vietnam War: South Korea’s Search for National Security), chương 20: Đâu mới là chế độ độc tài hoàn hảo giữa Hàn Quốc, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê và Mê-hi-cô (The Perfect Dictatorship? South Korea versus Argentina, Brazil, Chile, and Mexico). Tác giả Vũ Minh An cho rằng, việc làm đó “không hợp lý, làm hỏng kết cấu cuốn sách… Bởi vì, nói tới Kỷ nguyên Park và Quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc mà loại bỏ hoàn toàn Chiến tranh Việt Nam thì đó là một sự xóa bỏ lịch sử rất khó chấp nhận. Trong số các nước tham gia cùng Mỹ vào chiến tranh Việt Nam (1954-1975), Hàn Quốc đứng vị trí số 1. Trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973, đã có 312.853 binh sĩ Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam. Đổi lại cho các cam kết quân sự, Hàn Quốc đã nhận được hàng chục tỷ đô-la viện trợ, cho vay, các khoản trợ cấp, chuyển giao công nghệ, các thị trường ưu đãi, tất cả được cung cấp bởi chính quyền Johnson (Giôn-xơn) và Nixon (Ních-xơn)… cho thấy nền độc tài quân sự Hàn Quốc thành công với giá đắt trong sự so sánh với các nền độc tài quân sự Mỹ la-tinh. Nếu thiếu chương 20, chưa chắc cuốn sách đã an tâm kết luận Kỷ nguyên Park là thành công vĩ đại và thất bại tệ hại”. Dù hôm nay chúng ta chủ trương “gác lại quá khứ hướng tới tương lai”, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển tốt đẹp thì không vì thế mà gạt bỏ các nội dung, sự thật lịch sử đề cập trong cuốn sách.

Hai sự việc trên không phải hiếm hoi liên quan bản dịch của NXB Thế giới và Alpha Book. Còn nhớ bản dịch hai trường ca Iliad (I-li-át) và Odyssêy (Ô-đi-sê) của hai đơn vị này đã được một dịch giả trẻ tếu táo nhận xét trên blog cá nhân: “sau khi cố đọc Iliad của Đỗ Khánh Hoan thì tôi biết tôi sẽ đầu hàng Odyssêy. Thiệt hại cá nhân không lớn lắm, cũng chỉ vài trăm nghìn”! Hiện tượng dịch sai, dịch ẩu, cắt xén không chỉ tồn tại ở một vài đơn vị xuất bản và phát hành mà như có dấu hiệu bùng phát trở lại. Gần đây là bản dịch cuốn Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng (Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu) của tác giả M.B. Demery (M.B. Đê-me-ry) do NXB Hội Nhà văn, Phương Nam Book phối hợp in, phát hành đã nhận được nhiều ý kiến phê bình, nghi ngờ trình độ ngoại ngữ, vốn hiểu biết lịch sử, địa lý, thái độ làm việc của dịch giả, biên tập viên và nơi phát hành. Ngay cả khi bản dịch tái bản lần thứ nhất, có chỉnh sửa vẫn tồn tại nhiều lỗi như một nhà văn, dịch giả nhận xét: “bản dịch chỉnh sửa vẫn dễ dàng bị soi những lỗi như dùng từ cỏ chanh thay vì sả khi nhắc đến món bún bò Huế, truyền thuyết về Lê Lợi được mẹ giấu trong vạt áo lúc quân Minh sang xâm lược hoặc “cách bờ biển 700 cây số về phía nam là kinh đô Huế”, nhầm tên Việt của biệt thự Lam Ngọc ở Đà Lạt thành Lâm Ngọc khiến dịch sai thành Forest Jewel trong nguyên văn. Còn những cái như nhầm chức tri huyện sang quận trưởng dưới thời Pháp thì cũng là máy móc thôi… các chỗ sai thường rơi vào nửa đầu cuốn sách và văn phong nửa đầu cũng vậy, khá trúc trắc. Nếu không kiên nhẫn thì rất dễ bỏ dở ở phần đầu”. Một dịch giả, biên tập viên, nhà văn có nghề còn vất vả trong việc “đọc, hiểu” cuốn sách này thì người đọc phổ thông còn khó hơn biết nhường nào!

Như vậy có lẽ việc không có nhà xuất bản, dịch giả nào “bị” đề cử, nhận giải Trái cóc xanh năm 2015 chỉ là may mắn. Vấn đề dịch thuật nói riêng, xuất bản nói chung vẫn tồn tại nhiều bất cập bên cạnh các chiến lược truyền thông trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, áp dụng mô hình “quỹ quyên góp của cá nhân, tập thể” (crowdfunding) - một hình thức liên kết xuất bản. Do đó, lạc quan đến mấy thì vẫn có nhiều người ít đặt niềm tin vào sự phát triển, ổn định của sách dịch, khi mà các bản dịch kém chất lượng đã và đang làm vơi mỏng lòng kiên nhẫn của họ.

Phải nói rằng mấy năm qua, vì quá nỗ lực đưa các bản dịch “bán chạy” ra thị trường sách Việt Nam mà một số nhà xuất bản, công ty truyền thông như hụt hơi khi thiếu tính toán và chuẩn bị. Một mặt, việc chạy theo các thị trường sách quốc tế khiến họ mua lầm, dịch hớ… tác phẩm nội dung vô bổ, thậm chí dâm thư, đồi trụy, có nội dung, tư tưởng đi ngược lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Mặt khác, họ như làm ăn theo cung cách manh mún “đầu voi đuôi chuột”, sính hình thức hơn nội dung. Trong khi bỏ khoản tiền lớn để mua bản quyền, tổ chức sự kiện truyền thông trên báo chí, sóng truyền hình, một số đơn vị xuất bản lại quyết định gửi gắm nguyên tác vào tay dịch giả vô danh, ít tên tuổi hơn là đầu tư tuyển chọn, đào tạo đội ngũ dịch giả, biên tập viên có trình độ. Trong khi đó, một số dịch giả, nhất là người trẻ tuổi, lại tự tin vào vốn ngoại ngữ mà quên rằng đó chỉ là yếu tố tiên quyết, còn cần các yếu tố khác. Để có bản dịch tốt, nhất là tác phẩm nổi tiếng hoặc nội dung phức tạp, người dịch còn phải có sự hiểu biết nhất định về kiến thức chuyên ngành của tác giả, có “phông” văn hóa rộng và sâu, có khả năng truyền tải thành thục ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ Việt,… Trong khi có dịch giả lớn tuổi dịch tác phẩm vì đam mê hơn là làm việc nghiêm túc, thì một số người trẻ tuổi, mới vào nghề lại không lượng sức mình khi việc dịch tác phẩm vượt quá khả năng, tầm hiểu biết của họ. Công việc hợp tác dịch thuật, thành lập nhóm dịch cũng được tổ chức chưa hiệu quả, mỗi dịch giả chỉ chú tâm hoàn thành phần việc của mình mà chưa có ý thức, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, dẫn đến tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” xảy ra trong không ít tác phẩm, nhất là những cuốn sách có dung lượng lớn.

Vấn đề khác, không kém nan giải với công việc dịch sách, là chất lượng biên tập viên, hiệu đính ở một số nhà xuất bản, công ty truyền thông chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Có đơn vị xuất bản phó mặc cho dịch giả, không can thiệp, đánh giá chất lượng bản dịch. Có ý kiến cho rằng, có hiện tượng chuyên gia, dịch giả uy tín “cho” nhà xuất bản “mượn danh” trong việc dịch thuật, biên tập để đánh bóng tác phẩm đang tồn tại dưới hình thức khác nhau? Bởi lẽ, mấy năm trở lại đây, có kiệt tác của nước ngoài trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, văn học, nghệ thuật,… đã được mua bản quyền và do dịch giả có uy tín dịch, được phát hành trong nước lại khiến người đọc mừng hụt vì chất lượng kém. Chuyện bản dịch ngưng trệ đến mấy năm vì thiếu dịch giả, không tìm được dịch giả chất lượng là khó khăn chung của một số nhà xuất bản có uy tín. Không thể phủ nhận công sức của nhiều đơn vị xuất bản, dịch giả trong việc giới thiệu tác phẩm nổi tiếng của thế giới với người đọc Việt Nam, nhưng không vì thế mà bao biện cho ấn phẩm dịch chất lượng kém. Bởi, khi phát hành một cuốn sách dịch sai, dịch ẩu, cắt xén cả nội dung, thậm chí nội dung nhảm nhí, mà quảng bá rùm beng là có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thậm chí là “đầu độc” bạn đọc.