Lợi dụng hoạt động tâm linh để vi phạm pháp luật

Thời gian qua, tình trạng một số hội, nhóm, câu lạc bộ nhân danh hoạt động tâm linh để tổ chức những buổi rao giảng với nội dung phản khoa học, mê tín dị đoan, đã gây nhiều hệ lụy. Nổi bật là làm sai lạc nhận thức và hành vi của người tham dự, đi ngược thuần phong mỹ tục của xã hội, tạo cơ hội để lừa đảo, trục lợi...  Thậm chí, một số hội, nhóm còn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền luận điệu sai trái, gây bất ổn trong xã hội, nhằm mưu đồ những mục đích đen tối đối với đất nước. Thực tế này đang đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của cả cộng đồng. 
 

Những ngày gần đây, thông tin liên quan đến các khuất tất trong hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Tình Người đã thu hút sự quan tâm của dư luận. CLB này thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng (Hà Nội), chính thức ra mắt ngày 30-7-2019, và có chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành phố. Sẽ không có gì đáng nói nếu CLB hoạt động lành mạnh, vì lợi ích của các thành viên, tôn trọng luật pháp và các giá trị cộng đồng. Tuy nhiên theo phản ánh của báo chí và chính người trong cuộc, dù CLB luôn nhấn mạnh phương châm hoạt động là "kết nối những trái tim nhân ái", "phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng", "lan tỏa trí tuệ", "làm phúc giúp đời",... nhưng trên thực tế, những gì diễn ra tại đây lại không đúng như vậy. Bằng chứng được đưa ra cho thấy CLB có những hoạt động tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan, truyền bá quan niệm lệch lạc, gieo rắc hoang mang, sợ hãi; kêu gọi thành viên "làm phúc", "gieo duyên" bằng cách đem tiền đến để CLB làm từ thiện song thu chi không minh bạch, gây nhiều bức xúc; rao bán các vật phẩm thờ cúng với giá "trên trời"... Không chỉ vậy, những người phụ trách CLB còn tuyên truyền phản khoa học về phòng, chống dịch Covid-19 và tùy tiện phát tán thuốc "ngừa Covid-19". Một trong những tài liệu được CLB này sử dụng để rao giảng là cuốn "Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại" của Nguyễn Kính (do NXB Hồng Ðức và Công ty cổ phần in TM Truyền thông Việt Nam liên kết xuất bản) với số lượng in lên tới 60.000 bản. Cuốn sách được coi như "pháp bảo" của CLB tuy nhiên nội dung chỉ là những kiến thức chắp vá, vô căn cứ và phi lý. Thí dụ, trang 174 của sách có đoạn viết: "Thời này chuẩn bị chuyển đổi chu kỳ, nên các Ngài cứu cả người trần, cứu cả phần âm, trên cung trời (hiện nay Ngài Di Lặc đang thuyết pháp), tức là 3 cõi đều được cứu. Nên thời này các Ngài đang mở cửa Ðịa ngục cho các vong lên trần học Ðạo, nghe Kinh để tu"; "Mỗi người trần chúng ta gần với 60 - 70 vong bám theo. Vong khôn hơn người trần 70 lần"... Các nội dung như vậy khiến không ít người thiếu tỉnh táo khi tham gia CLB Tình Người như bị dẫn dắt vào mê cung của sự hoang mang, tâm lý bất ổn.

Trước sự việc nêu trên, ngày 27-3-2021, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã ban hành công văn về việc xác minh, kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về hoạt động của "Câu lạc bộ Tình Người". Ðồng thời Bí thư Thành ủy Vương Ðình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung thông tin; xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định pháp luật (nếu có), báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy. Về phía chính quyền, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng giao Ban Tôn giáo thành phố chủ trì, phối hợp Công an thành phố, UBND quận Cầu Giấy khẩn trương kiểm tra sự việc nêu trên; xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo thành phố. Cũng liên quan sự việc xảy ra tại CLB Tình Người, ngày 26-3-2021 Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành công văn đình chỉ phát hành cuốn "Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại" để thẩm định nội dung.

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, tin rằng sự việc liên quan CLB Tình Người sẽ sớm được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự việc nêu trên cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần khẩn trương giải quyết. Ðây không phải lần đầu một số tổ chức hội, nhóm lợi dụng chiêu bài "tâm linh", "từ thiện" để tập hợp tuyển mộ thành viên, hoạt động vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Sơ bộ liệt kê có thể kể đến hoạt động của "Hội thánh Ðức chúa trời", hoạt động "thỉnh vong giải nghiệp" tại chùa Ba Vàng (năm 2019), rồi một số đối tượng tổ chức, lôi kéo người dân tham gia các tà đạo mang màu sắc chính trị đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý như: "Giê Sùa"; "Bà Cô Dợ"; "Hà Mòn"... Ðặc biệt, cái gọi là "Thanh Hải vô thượng sư" (còn có các tên gọi khác như "đạo tràng Tây Hồ", "hội thiền định Suma Ching Hai", "hội thiền định quốc tế Thanh Hải vô thượng sư", "hội quốc tế Thanh Hải vô thượng sư", "Hội quốc tế thánh thiện Thanh Hải vô thượng sư") đã công khai rao giảng tuyên truyền sự thù hận, tỏ rõ ý đồ chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam... Thực tế này đang đặt ra vấn đề cần tăng cường quản lý, giám sát đối với các hội, nhóm tự nhận "hoạt động tâm linh" nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc để điều chỉnh, cũng như xử lý theo quy định của pháp luật. Ở đây đòi hỏi vai trò và trách nhiệm sâu sát của các cấp chính quyền từ cơ sở, các hội, ban, ngành có liên quan và sự hợp tác của người dân trong việc cung cấp thông tin.

Chưa kể, trong thực tế dù không ít tổ chức, hội, nhóm núp bóng "tâm linh", "từ thiện" để hoạt động phi pháp đã bị phát hiện và xử lý, song vẫn có không ít người mê muội tin theo, thậm chí cả người có trình độ học vấn cao. Như một số thành viên của "Hội thánh Ðức Chúa trời" sau khi tiếp nhận giáo lý được rao giảng đã về nhà đập bỏ bát hương tổ tiên, từ bỏ người thân, coi "Ðức Chúa trời là cha mẹ của cả nhân loại". Không ít hội viên của một số hội, nhóm đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, thậm chí bán cả nhà cửa để đóng lệ phí, quyên góp cho hoạt động mà các tổ chức này kêu gọi. Hệ lụy do các hội, nhóm này gây ra cho xã hội là rất khó lường, mà vụ giết người, đổ bê-tông hai thi thể hồi tháng 5-2019 tại huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đã được TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử ngày 15-3 mới đây là minh chứng. Bốn bị cáo tham gia vụ giết người cùng tham gia một giáo phái chưa được cấp phép tại Việt Nam. Sự cuồng tín, mê muội của những người này khiến họ hành động mất lý trí, sát hại chính những người đang tu tập cùng mình... Thực trạng này cũng cho thấy, khi tham gia các CLB, hội, nhóm ra đời từ cộng đồng, mỗi cá nhân cần phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, lựa chọn địa chỉ tin cậy, lành mạnh để sinh hoạt tránh bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường mê muội, lầm lạc. Nếu phát hiện thấy hội, nhóm có biểu hiện khuất tất, tiêu cực, cần kịp thời báo cho chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Pháp luật Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, song tự do đó phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Mọi hành vi đi ngược lại những chuẩn mực này đều cần bị lên án và tùy theo mức độ phải được xử lý nghiêm minh.

Liên quan đến sự việc CLB Tình Người, nổi lên một vấn đề không thể không nhắc đến, đó là công tác quản lý, thẩm định, giám sát đối với các ấn phẩm có nội dung liên quan tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù cuốn "Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại" đã bị thu hồi theo yêu cầu của cơ quan chức năng, nhưng hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn cuốn sách đã được phát hành và lưu truyền trong cộng đồng trước đó. Hậu quả, mức độ nguy hại từ cuốn sách này đến đâu; ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm; Liệu có còn những trường hợp vi phạm tương tự nhưng chưa bị phát hiện... đang là những vấn đề cần sớm được làm rõ và có biện pháp, hình thức xử lý nghiêm khắc. Trên thị trường hiện nay không khó để mua những cuốn sách có nội dung truyền bá tâm linh, tín ngưỡng do một số nhà xuất bản địa phương cấp giấy phép được biên tập cẩu thả, nội dung thiếu tin cậy. Thậm chí có cuốn không hề có tên đơn vị xuất bản vẫn được bày bán công khai tại nhiều hiệu sách cũng như sạp báo, được một số người tìm mua và coi như "cẩm nang hành động" của bản thân. Nội dung các cuốn sách này phần lớn đều nhảm nhí, hết sức mơ hồ, thiếu căn cứ khoa học, dễ gây tâm lý hoang mang khi tiếp nhận. Do đó, hành vi in ấn, xuất bản, phát tán, tiêu thụ những ấn phẩm như vậy cũng cần được kiên quyết ngăn chặn, xem xét, xử lý nghiêm dưới góc độ luật pháp.

Ðiều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2016) đã quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm: "1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi". Ðây cũng là cơ sở pháp lý mà mọi tổ chức, cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuyệt đối tuân thủ. Bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân mà còn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.