Bình luận - Phê phán

“Lỗ hổng” trong tổ chức, quản lý du lịch mạo hiểm

Ở Việt Nam, du lịch mạo hiểm còn khá mới mẻ nhưng lại có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số bất cập, “lỗ hổng” trong tổ chức, quản lý, cũng như bảo đảm an toàn cho du khách... khi tham gia loại hình du lịch đặc biệt này. Thực tế này đòi hỏi cần sớm có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Với ba phần tư diện tích là đồi núi, bờ biển dài, hệ thống sông suối chằng chịt, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên vô cùng phong phú để có thể phát triển du lịch mạo hiểm (DLMH). Những cánh rừng hoang sơ, hang động tuyệt mỹ, đường đèo uốn lượn... luôn kích thích nhu cầu khám phá, chinh phục của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt du khách trẻ. Đó là lý do khiến DLMH có xu hướng phát triển mạnh trong các năm qua, nhất là ở những địa phương có lợi thế về tự nhiên như Lào Cai, Quảng Bình, Lâm Đồng... Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của DLMH cũng đang cho thấy nguy cơ kéo theo nhiều rủi ro, bất cập.

Những ngày gần đây, thông tin kêu gọi hỗ trợ tìm kiếm một nam “phượt thủ” mất tích khi tham gia trekking (hình thức đi bộ đường dài trên nhiều bề mặt địa hình) tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, gây nên sự quan tâm, băn khoăn từ dư luận. Nam du khách này đi “phượt” cùng một nhóm bạn gồm bảy người từ ngày 11-5, nhưng đến ngày 12-5 thì mất tích. Gần 100 người gồm công an, kiểm lâm, tình nguyện viên,... đã được huy động để tiến hành tìm kiếm trên các tuyến đường khác nhau trong nhiều ngày; huy động cả flycam, chó nghiệp vụ. Đến ngày 20-5, đã phát hiện thi thể của “phượt thủ” ở tầng thứ tư thác 7 tầng ở núi Công Chúa (xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Trải dài hơn 50 km qua ba tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận, Tà Năng - Phan Dũng được mệnh danh là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, thu hút lượng lớn người trẻ thích du lịch “bụi” để khám phá. Nhưng đây cũng là cung đường khá hiểm trở với nhiều loại địa hình phức tạp, đòi hỏi người muốn vượt qua phải có sức khỏe, tâm lý và nhất là kỹ năng xử lý rủi ro. Tại đây, vào cuối năm 2017, một nữ “phượt thủ” cũng đã tử nạn khi cố gắng vượt suối. Cũng bởi vậy mà trên các trang mạng, nhất là diễn đàn dành cho cộng đồng “phượt”, đã có khá nhiều khuyến cáo được đưa ra. Bên cạnh những gợi ý về lương thực, vật dụng cần chuẩn bị, một trong số điều được các “phượt thủ” kỳ cựu đặc biệt lưu ý là cần thuê người khuân vác đồ (porter) và nhất thiết phải có sự hướng dẫn của người dân địa phương. Điều đáng tiếc, nhóm “phượt” của nam du khách đi cung Tà Năng - Phan Dũng lại theo hình thức hoàn toàn tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương, không sử dụng các dịch vụ của công ty du lịch, cũng không thuê hướng dẫn viên dẫn đường.

Sự việc đáng tiếc nêu trên ít nhiều gợi nhớ lại tai nạn xảy ra giữa năm 2016 với du khách người Anh vốn là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Du khách này đã tử nạn khi quyết định một mình leo dọc tuyến dây cáp chinh phục đỉnh Phan-xi-păng mà không mang theo bất cứ thiết bị bảo hộ nào. Rõ ràng, trong DLMH, chỉ một chút chủ quan, thiếu cẩn trọng thì rủi ro sẽ đến với bất kỳ ai. Đại diện một công ty chuyên tổ chức DLMH cho biết: Do được coi là loại hình chuyên biệt đòi hỏi các yêu cầu nghiêm ngặt nhất trong quản lý cho nên ở nhiều nước phát triển, để bảo đảm an toàn khi khai thác DLMH, không những hướng dẫn viên, huấn luyện viên phải có chứng chỉ riêng ở từng lĩnh vực, mà du khách cũng phải có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe tham gia theo tiêu chí từng hoạt động DLMH đòi hỏi; phải tham gia huấn luyện đầy đủ trước khi thực hành và ký cam kết tuân thủ tuyệt đối quy định của đơn vị tổ chức, hướng dẫn viên trong hành trình khám phá. Trong khi ở nước ta, các quy định này còn khá sơ sài, công tác quản lý chưa chặt chẽ, thậm chí buông lỏng; người tham gia DLMH không phải ai cũng có ý thức tuân thủ nghiêm túc. Tâm lý “ham rẻ” cũng là lý do khiến không ít du khách lựa chọn sử dụng tour (chuyến du lịch) của các công ty kém uy tín, thiếu kinh nghiệm, cung cấp trang thiết bị bảo hộ không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao...

Đánh giá rủi ro, bất cập trong hoạt động, khai thác DLMH không thể không đề cập đến sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí vô trách nhiệm của không ít công ty du lịch lẫn hướng dẫn viên. Một thí dụ điển hình là tai nạn thương tâm xảy đến với ba du khách người Anh đầu năm 2016 tại thác Datanla (Lâm Đồng) có nguyên nhân từ việc công ty du lịch đưa khách vào chơi trò chơi mạo hiểm nhưng không trang bị dụng cụ bảo hộ. Sau vụ việc, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã rốt ráo vào cuộc chấn chỉnh lại hoạt động DLMH trên địa bàn.

Tưởng rằng đó sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong tổ chức DLMH nhưng chưa đầy năm sau, cũng tại Lâm Đồng, vi phạm nghiêm trọng không kém lại tiếp tục xảy ra khiến một du khách Ba Lan và một hướng dẫn viên người Việt Nam cùng tử nạn trong tour mạo hiểm tại khu du lịch thác Hang Cọp (Đà Lạt). Được biết, công ty tổ chức tour không có giấy phép tiếp nhận, hướng dẫn khách quốc tế, không có giấy phép kinh doanh DLMH, hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn. Thời điểm đó thác Hang Cọp đang trong thời gian ngừng hoạt động, không đón du khách nhưng tour du lịch trái phép vẫn được tổ chức.

Các thí dụ nêu trên cho thấy những năm qua, hoạt động khai thác DLMH đã diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, bất chấp quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Hầu hết các trường hợp, sau khi có sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới hay biết về sai phạm của doanh nghiệp du lịch. Điều đó chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu thường xuyên, chưa sâu sát dẫn tới bị động trong ngăn ngừa, xử lý sự cố. Chưa kể, không phải du khách nào cũng được biết và được khuyến cáo phải lựa chọn nhà cung cấp tour uy tín, có giấy phép hoạt động, trang thiết bị bảo hộ bảo đảm chất lượng...

Đây là những “khoảng trống” trong công tác quản lý, dẫn đến không ít đơn vị vì lợi nhuận sẵn sàng mở tour kinh doanh “chui” hoặc tour kém chất lượng mà không quan tâm nhiều đến vấn đề bảo đảm an toàn. Thậm chí, một số đơn vị còn tự ý khai thác các điểm du lịch chưa được cấp phép để né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Do đó, nếu không sớm có giải pháp quản lý hiệu quả và bài bản đối với DLMH, chuyên nghiệp hóa loại hình du lịch đặc biệt này, bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn thì với thực tại nêu trên rất dễ sẽ đưa tới những hậu quả tiêu cực, không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản, mà còn làm giảm uy tín du lịch Việt Nam.

Để tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh DLMH, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017 đã dành chương III đề cập “Biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của khách du lịch”. Cùng với việc định danh các hoạt động du lịch có yếu tố mạo hiểm, Nghị định đã đề ra nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn khi kinh doanh DLMH như: Phải có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan; Có phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng cứu hộ và can thiệp, xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm giữ liên lạc với du khách trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm; bố trí sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp; phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch, hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách trước khi cung cấp sản phẩm; cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn. Đồng thời, Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các thành phần tham gia cung cấp, quản lý hoạt động DLMH như: tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh; Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Như vậy, Nghị định 168/2017/NĐ-CP đã đưa ra các quy định khá chi tiết, rõ ràng, đầy đủ để bảo đảm các hoạt động DLMH sẽ được khai thác chuyên nghiệp, an toàn. Song, cũng từ thực tế đang diễn ra có thể nói, thời gian qua, có tình trạng không phải một số doanh nghiệp không biết luật mà đã cố tình lách luật, thiếu nghiêm túc trong chấp hành, thậm chí bỏ qua quy định của pháp luật. Vì thế, để đưa việc kinh doanh DLMH vào khuôn khổ, vấn đề quan trọng và cần thiết vẫn là phải đẩy mạnh vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng tại các địa phương và điểm đến du lịch. Công tác thanh, kiểm tra thường xuyên cần đi kèm chế tài xử lý đủ sức răn đe để ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh tour trái phép, kém chất lượng. Khi đã phân cấp quản lý, nếu để xảy ra sự cố, không chỉ đơn vị vi phạm bị xử lý, mà đơn vị quản lý cũng cần liên đới trách nhiệm.

Theo một số chuyên gia, ngành du lịch cần tổ chức khảo sát, quy hoạch các điểm tổ chức DLMH để có phương án quản lý cụ thể. Đối với loại hình du lịch có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng du khách, vai trò của hướng dẫn viên càng đặc biệt quan trọng. Cần có quy định về chứng chỉ riêng của hướng dẫn viên DLMH, bảo đảm họ không chỉ là người có khả năng giao tiếp, hướng dẫn, thông thạo địa hình mà còn có kinh nghiệm, kỹ năng hỗ trợ, xử lý rủi ro phát sinh. Thông qua truyền thông, ngành du lịch cần tuyên truyền để giúp du khách không chủ quan với an toàn của bản thân, biết “chọn mặt gửi vàng” cho các công ty uy tín đã được cơ quan quản lý cấp phép. Đồng thời, du khách nhất thiết phải được kiểm tra hoặc tham gia đầy đủ một số huấn luyện cần thiết trước khi tham gia tour, cam kết thực hiện quy định của đơn vị tổ chức, điểm đến và chỉ dẫn của hướng dẫn viên trong quá trình khám phá, tránh tình trạng tự ý thay đổi lịch trình... Trường hợp du khách không cam kết chấp hành nghiêm túc quy định, đơn vị tổ chức có thể từ chối cung cấp tour để bảo đảm an toàn cho toàn đoàn cũng như chất lượng hành trình.

Sự hấp dẫn, sức thu hút của DLMH chính là do mang nhiều yếu tố khám phá và trải nghiệm những cảm xúc khác lạ từ những chuyến du lịch tới các địa hình hiểm trở, xa lạ; du khách được trải qua, vượt lên những thử thách mà tưởng chừng bản thân không có khả năng chinh phục, do đó độ nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cũng tăng cao. Nhưng càng mạo hiểm và thách thức, yếu tố an toàn càng phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cẩn trọng trong tất cả các khâu, công đoạn ở tất cả các thành phần tham gia, từ công ty du lịch, cơ quan quản lý tới mỗi du khách. Nhất là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, địa phương trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, có chế tài xử lý nghiêm khắc các sai phạm... Điều đó không chỉ giúp bảo đảm sự an toàn cho du khách, mà còn góp phần khai thác tốt những lợi ích về sinh thái, kinh tế và văn hóa của DLMH, đưa loại hình du lịch tiềm năng này phát triển bền vững ở nước ta.