Liên kết trong hoạt động xuất bản

Năm 2019 đánh dấu chặng đường 15 năm hoạt động liên kết xuất bản chính thức được luật hóa. Điều đáng ghi nhận là, sau 15 năm, một thị trường xuất bản phẩm đa dạng, phong phú, có sự kết nối chặt chẽ với thị trường sách thế giới đã từng bước hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế của ngành xuất bản ở nước ta để ngành xuất bản có bước đi nhanh chóng và thực chất hơn.

Chính thức ban hành từ năm 1993, Luật Xuất bản cho phép cá nhân, tổ chức được thành lập cơ sở in và phát hành. Từ đây đã manh nha ra đời một số nhà sách tư nhân chủ động liên hệ với tác giả, đầu tư kinh phí tìm kiếm bản thảo để gửi đến nhà xuất bản (NXB) biên tập, đăng ký xuất bản, sau đó in và phát hành. Trước sự phát triển nhanh chóng, sôi động nhưng cũng nảy sinh không ít vướng mắc, thậm chí đã có các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động xuất bản..., để tổng kết thực tiễn, định hướng cho hoạt động xuất bản trong thời kỳ phát triển mới, ngày 25-8-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Đây là một cột mốc quan trọng trong đổi mới tư duy công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động của các đơn vị xuất bản, in, phát hành. Đồng thời Chỉ thị 42-CT/TW là văn bản định hướng quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước biên soạn dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) trình Quốc hội và được thông qua vào tháng 12-2004. Theo đó, chính thức cho phép NXB được liên kết với tổ chức, cá nhân để xuất bản từng xuất bản phẩm.

Quy định này một mặt tạo điều kiện cho nhiều NXB tháo gỡ được vấn đề thiếu vốn để đầu tư bản thảo, nhưng mặt khác cũng đưa tới nguy cơ một số NXB có thể rơi vào tình trạng đáng lo ngại là khó kiểm soát chặt chẽ được bản thảo đưa in. Thực tế, sau khi đăng ký với Cục Xuất bản, NXB ký quyết định xuất bản (nhiều người quen gọi là giấy phép), bản thảo đã biên tập được giao cho đối tác. Việc đưa đi in ở đâu, sách in có đúng như bản thảo được duyệt hay không, NXB hầu như không nắm được. Trong trường hợp xảy ra sai sót, bên cạnh việc NXB đương nhiên phải gánh chịu hậu quả trước công luận và pháp luật, rất hiếm đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi của mình.

Để hạn chế các lỗ hổng nêu trên, sau khi Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quy định về mẫu hợp đồng liên kết, yêu cầu ký hợp đồng ba bên gồm NXB, đối tác liên kết và cơ sở in. Tuy nhiên, khi thực hiện lại phát sinh khó khăn cho các bên nếu các đơn vị này ở cách xa nhau về địa lý, dễ gây chậm trễ, ách tắc trong công việc.

Bên cạnh đó, thực tế quá trình liên kết xuất bản còn cho thấy, một số NXB đã dần đánh mất sự chủ động, năng động trong phân tích, đánh giá và định hướng đề tài, trong xây dựng thương hiệu và thị trường riêng. Cá biệt, có NXB bằng lòng với việc chỉ cần tổ chức biên tập, cấp phép để thu quản lý phí, không cần bỏ vốn đầu tư và in ấn, phát hành vẫn có thu nhập và có sách công bố, qua đó xây dựng thương hiệu. Đây là quan niệm rất sai lầm và dễ dẫn tới sai sót, thậm chí sai phạm về nội dung. Hay từ góc độ thị trường, bên cạnh những ưu điểm, cơ chế này cũng tạo ra những mặt trái tác động âm thầm mà mạnh mẽ tới hoạt động xuất bản. Khi đưa bản thảo đến NXB để đăng ký, đối tác liên kết luôn đòi hỏi thời gian nhanh chóng có giấy phép, nếu không họ sẽ đưa đến NXB khác. Nếu các vị trí lãnh đạo của NXB buông lỏng quản lý, không xây dựng được cơ chế kiểm soát tốt chất lượng các khâu của quá trình xuất bản thì hậu quả xảy ra sai sót là tất yếu.

Về mục đích liên kết, cả hai bên tham gia liên kết đều muốn có nhiều tên sách được xuất bản để khẳng định thương hiệu, và Luật Xuất bản cũng cho phép đối tác được in lô-gô bên cạnh lô-gô của NXB. Mặt khác, ngoài việc xây dựng thương hiệu, các đối tác còn nhằm mục đích thu được lợi ích kinh tế. Tuy chưa có đơn vị nào chính thức tiến hành khảo sát và đưa ra con số cụ thể về tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa NXB và đối tác liên kết xuất bản, nhưng nhìn vào thực tế sẽ thấy bức tranh sáng - tối khá rõ nét. Thứ nhất, về số lượng các nhà sách tư nhân tham gia liên kết xuất bản ngày càng tăng lên, tức là họ làm ăn có lãi. Từ chỗ chỉ có khoảng bốn, năm nhà sách thường tiến hành liên kết vào những năm 90 thế kỷ 20 thì hiện nay rất khó đưa ra được con số chính xác có bao nhiêu nhà sách có khả năng liên kết xuất bản. Trước đây, các nhà sách có tham gia liên kết chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nay đã phát triển ở nhiều thành phố lớn. Từ chỗ bị mang tiếng “núp bóng”, nhiều sách bị “thổi còi” về nội dung và tác quyền, ngày nay nhiều nhà sách tư nhân đã có đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành cả về số lượng và chất lượng xuất bản phẩm. Nhiều tác phẩm liên kết đã được trao giải cao nhất của Giải thưởng Sách Việt Nam như Từ điển Việt - Anh (Công ty TNHH thương mại, dịch vụ văn hóa Gia Vũ), Từ điển Y học Dorland Anh - Việt (Công ty cổ phần văn hóa Văn Lang)... Một điển hình khác là tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cuốn sách đã tạo nên một sự kiện về độ lan tỏa và sức cuốn hút người đọc hiếm có cũng như kỷ lục về số lượng bản in ở nước ta, là sản phẩm được xuất bản theo cơ chế liên kết giữa NXB Hội Nhà văn và Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Về hiệu quả kinh tế, rất dễ nhận thấy trong khi phần lớn NXB thiếu vốn để đầu tư cho sản phẩm và hoạt động xuất bản, thì nhiều nhà sách tư nhân lại có lưng vốn khá, tổ chức được nhiều sự kiện truyền thông về sách, xây dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và từng bước tích cực, chủ động hội nhập, vươn ra thị trường quốc tế như Nhã Nam, Thaihabook, Alphabook,... tham dự các hội chợ sách quốc tế và khu vực, tham gia các hoạt động của Hiệp hội xuất bản ASEAN, Hiệp hội xuất bản châu Á - Thái Bình Dương... Và, trong khi một số NXB khó khăn kinh phí cho nên khó khăn trong chủ động hợp tác với NXB nước ngoài, thậm chí nếu tham gia hội chợ sách trong nước và quốc tế NXB cũng không thể tiến hành giao dịch tác quyền, bởi chưa chủ động được “đầu ra”... thì một số nhà sách tư nhân đã trực tiếp liên hệ với tác giả ở nước ngoài để giải quyết tác quyền lại khá linh hoạt. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các NXB liên kết hơn 50% số tên sách đã xuất bản (có năm bình quân toàn ngành hơn 70%), nhưng tác quyền phần lớn do nhà sách tư nhân nắm giữ.

Luật Xuất bản năm 2012 đã bổ sung nhiều quy định nhằm ràng buộc chặt chẽ đối tác liên kết thực hiện các quy trình, thủ tục để cùng chịu trách nhiệm với NXB về xuất bản phẩm liên kết. Cụ thể, tại Điều 23 quy định đối tác liên kết “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết xuất bản và xuất bản phẩm liên kết”. Như vậy, bên liên kết không phải chỉ “liên đới” chịu trách nhiệm như Luật Xuất bản năm 2004 mà trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động và sản phẩm của mình. Tuy nhiên, quy định này mới nhằm ngăn chặn, quy trách nhiệm chứ chưa tạo điều kiện để NXB giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác liên kết về vốn. Điều 7 Luật Xuất bản quy định NXB được vay vốn ưu đãi nhưng trên thực tế lại chưa có NXB nào vay được vốn ưu đãi để đầu tư bản thảo trong kế hoạch trung hạn, dài hạn. Mặt khác, Nghị định 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định NXB được cấp 5 tỷ đồng để “đảm bảo hoạt động” nhưng cho đến nay, hầu như chưa có NXB nào được cấp vốn đúng nghĩa theo Nghị định.

Nếu chỉ tìm nguyên nhân từ các yếu tố khách quan, rõ ràng rất khó có thể chữa được “căn bệnh mãn tính” của các NXB trong hoạt động liên kết xuất bản. Bằng chứng là cũng có một số NXB như Trẻ, Giáo dục Việt Nam, Kim Đồng... đã giảm đáng kể tỷ trọng sách liên kết bằng nỗ lực trong nhiều năm kiên trì đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên (tác giả), xây dựng thương hiệu và thị trường riêng tập trung vào mảng sách, tủ sách hướng tới nhóm bạn đọc cụ thể. Một điều nữa có thể rút ra từ bài học thành công của những NXB có tỷ lệ sách tự doanh cao là phải có liên hệ gắn bó lâu dài với các nhà phát hành thành một hệ thống có độ tin cậy cao. Niềm tin đó thể hiện ở nhiều khía cạnh, trước hết là chất lượng sách tốt, không chiếm dụng vốn, thanh toán sòng phẳng. Xây dựng được thương hiệu và thị trường, có lẽ đó là những yếu tố chủ quan tạo nên thành công của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, trong đó có doanh nghiệp xuất bản. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần triển khai chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hệ thống pháp luật theo tinh thần chính phủ kiến tạo, chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân kinh doanh để tạo ra sản phẩm cho xã hội và lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó có thể đóng thuế cho Nhà nước nhiều hơn vì kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, cần cắt giảm các thủ tục không cần thiết, như quy định việc in nối bản phải làm lại thủ tục gần như đăng ký một đề tài mới là không phù hợp với chủ trương của Chính phủ hiện nay.

Năm 2019 là vừa tròn 15 năm hoạt động liên kết xuất bản được quy định trong Luật Xuất bản. Bên những vướng mắc, sai sót nêu trên, chế định này thật sự đã góp phần quan trọng tạo ra một thị trường xuất bản phẩm đa dạng, phong phú, cập nhật, gắn kết với thị trường sách thế giới, có sức tăng trưởng liên tục nhờ huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho xuất bản. Bên cạnh đó, quá trình hoạt động trong nhiều năm qua đã hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam trên lĩnh vực xuất bản sách. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi rất nhiều những người làm sách hiện nay là những người trẻ tuổi, có tâm huyết, có ngoại ngữ và nền tảng văn hóa mang bản sắc Việt Nam. Có thể coi đó là một thành tựu mà liên kết xuất bản đã đóng góp vào hoạt động xuất bản nói riêng và vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo nói chung.