Bình luận - Phê phán

Lành mạnh hóa một phương pháp giáo dục mới

Từ nhu cầu học tập không ngừng trong xã hội hiện đại, phong trào workshop đã hình thành và phát triển nhanh chóng tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Với ưu điểm linh hoạt, tiện lợi so với phương pháp học truyền thống, workshop đang trở thành lựa chọn ưu tiên cho những người bận rộn. Tuy nhiên, hình thức giảng dạy này cũng bộc lộ những biến tướng, kẽ hở, tạo cơ hội cho kẻ gian trục lợi trái phép, nên cần sớm có sự chấn chỉnh.

Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ và hoàn hảo cho workshop. Từ cuối thế kỷ 20, workshop còn được hiểu là một buổi gặp gỡ giữa một nhóm người nhằm thảo luận và thực hành về một chủ đề hoặc hoạt động nhất định. Lúc đầu, các hoạt động này chỉ dừng lại ở việc tự học cách làm một số món đồ thủ công, sửa chữa trang thiết bị trong nhà. Song rất nhanh chóng, workshop cũng được dùng để chỉ các lớp học, khóa học diễn ra trong thời gian ngắn với vô vàn chủ đề liên quan nhiều lĩnh vực trong đời sống. Trong mỗi buổi học workshop, thay vì phải trải qua giờ giảng dạy lý thuyết nặng nề, học viên sẽ quan sát, thực hành, tương tác trực tiếp với giáo viên. Ðịa điểm diễn ra các workshop cũng có sự thay đổi, có thể diễn ra tại bất cứ địa điểm nào, từ một phân xưởng sản xuất đến quán giải khát, nhà hàng, thư viện. Gần đây, các lớp workshop trực tuyến (online) cũng bắt đầu nở rộ, gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội, ứng dụng livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người). Và từ các nguyên nhân này, bên cạnh các hình thức đào tạo truyền thống, workshop cũng đang trở thành phương pháp giáo dục hấp dẫn cho những người bị hạn chế về quỹ thời gian hằng ngày.

Bắt kịp trào lưu workshop trên thế giới, tại Việt Nam, hình thức giảng dạy mới mẻ này cũng thu hút sự chú ý, quan tâm của khá nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở giáo dục. Trong đó, các trường đại học đang là đơn vị tiên phong cho xu hướng học và thực hành này. Có thể kể đến các địa chỉ uy tín như: Ðại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh... Cùng với các cơ sở giáo dục, nhiều cá nhân và nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ, trung tâm văn hóa cũng tổ chức các khóa học workshop. Không gian tổ chức các workshop tại Việt Nam cũng vô cùng đa dạng, phong phú.

Ðáng chú ý là sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị tổ chức với các trung tâm văn hóa, viện bảo tàng, nhà trưng bày tư nhân, di tích lịch sử... Sự kết hợp này đã và đang tạo ra hướng đi mới cho sự tồn tại, phát triển của các không gian văn hóa. Một số đơn vị lớn như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam,... cũng đang phần nào cho thấy tính hiệu quả trong việc tăng lượng khách tham quan qua mô hình giảng dạy workshop. Một số không gian khác như Viện Goethe, Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) tại Hà Nội thậm chí còn xác định các workshop như là cơ hội quảng bá, giao lưu văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước mình tới người Việt Nam.

Các workshop ở Việt Nam hiện khá đa dạng, có thể giúp mỗi người dễ dàng đăng ký lớp học hữu ích với bản thân. Chỉ cần gõ môn học, kỹ năng cần vào ô tìm kiếm của Facebook, YouTube hay Google, người dùng in-tơ-nét có thể tìm thấy khóa học, thời gian biểu phù hợp. Trong đó, phổ biến nhất là các lớp học dạy kỹ năng nữ công gia chánh như: Nấu ăn, may vá, thêu thùa, cắm hoa, làm đồ trang sức... Ngoài ra, người học có thể bổ túc kiến thức phổ thông khi tham dự những chương trình như: Workshop "Sức khỏe và Dinh dưỡng cho trẻ trong mùa hè" (Viện Y học ứng dụng Việt Nam); người có đam mê về nghệ thuật có thể tìm đến các workshop sáng tác nghệ thuật của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, workshop Trải nghiệm quay phim và viết kịch bản thuộc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Một số workshop còn hướng đến những nhóm yếu thế, người khuyết tật trong xã hội, tiêu biểu là Dự án Hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên tự kỷ, khuyết tật trí tuệ (Lớp học Cánh diều)...

Khoảng cách về địa điểm, giới hạn về mặt thời gian và gần đây là áp lực không mong muốn từ dịch Covid-19 cũng là thời cơ để các workshop trực tuyến phát triển, cạnh tranh với các lớp học từ xa truyền thống. Qua việc đăng tải video hoặc livestream trực tiếp, nhiều workshop online tiếp tục thu hút từ vài chục đến hàng trăm nghìn lượt người truy cập. Các tính năng ưu việt từ công nghệ đang được nhiều giáo viên kiêm vlogger (người chuyên tạo dựng nội dung trên nền tảng video), youtuber (người sáng tạo nội dung video chia sẻ trên YouTube) áp dụng vào các lớp học workshop của họ một cách thành thục và chuyên nghiệp. Theo đó, học viên chỉ cần ở nhà vẫn có thể tiếp thu những kiến thức, kỹ năng bổ ích. Bên cạnh công nghệ, các ứng dụng thanh toán điện tử, ví điện tử cũng góp phần khá quan trọng vào sự phát triển của các chương trình học workshop trực tuyến. Việc "đóng học phí online" dễ dàng, tiện lợi giúp các lớp học workshop trực tuyến tiếp tục duy trì hoạt động trong các hoàn cảnh đặc biệt.

Sự bùng nổ của các lớp học workshop tại Việt Nam là minh chứng cho thấy ảnh hưởng của loại hình giáo dục, đào tạo này. Nhưng bên cạnh các ưu điểm vừa nêu, phong trào dạy và học workshop tại Việt Nam cũng tồn tại nhiều hạn chế, và hạn chế lớn nhất là khâu kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo, giảng dạy. Ðặc biệt, khi các lớp workshop mọc lên như nấm trên in-tơ-nét và ngoài đời thực đã kéo theo nhiều lỗ hổng để kẻ gian có thể dễ dàng trục lợi. Tình trạng "thầy dỏm", workshop lừa đảo thu lời bất chính bằng cách lôi kéo học viên cả tin, thiếu cảnh giác vẫn diễn ra công khai, chưa được giải quyết triệt để. Chiêu trò của họ thường vẫn chỉ là xoay quanh những lớp workshop dạy làm giàu, đầu tư tiền ảo, kinh doanh đa cấp. Nghiêm trọng hơn, nhiều tổ chức còn chào hàng, giới thiệu các workshop rất phản giáo dục như mở các khóa đào tạo xem tử vi, bói bài tarot, tự sinh con tại nhà, thực dưỡng chữa ung thư, tự học ở nhà (homeschool - phương pháp cha mẹ dạy con cái học tại nhà thay vì đến trường)... Các "bậc thầy" này thường tự giới thiệu bản thân là: "chuyên gia thần bài tarot", tác giả, dịch giả, biên tập viên, giảng viên tiếng Anh, nhà thực dưỡng, nhà tâm linh,… dù họ không thể đưa ra bất kỳ chứng chỉ đào tạo, bằng cấp, giấy chứng nhận từ hiệp hội nào (trên thực tế cũng không có tổ chức hợp pháp nào cấp giấy phép đào tạo cho những bộ môn ngụy khoa học đó).

Ðó là chưa kể tới tình trạng mà các lớp workshop tại Việt Nam thường gặp phải là manh mún, bị động. Không ít workshop chỉ được tổ chức do đam mê, sở thích nhất thời của một vài cá nhân. Nhiều khóa học mang tính chất tự phát, lập ra cho vui hơn là hướng đến lợi ích lâu dài về giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng. Tình trạng hủy khóa đào tạo workshop vì đủ mọi nguyên nhân "trời ơi đất hỡi" như: thiếu người học, không gian chưa phù hợp với giảng viên, giảng viên hết tâm huyết,... diễn ra khá thường xuyên. Và ở chiều ngược lại, một số lớp workshop được tổ chức chỉ để vơ vét người học nhưng không quan tâm đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. Chính vì sự thiếu chuyên nghiệp này cho nên phong trào workshop tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể vận hành trơn tru, đáp ứng được như kỳ vọng.

Hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp của các khóa học workshop chính là bài toán mà nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị đang cùng nhau hợp sức để tìm lời giải. Mô hình bán khóa học workshop đang được xem là lựa chọn đầu tư nghiêm túc của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ðáng kể nhất là Công ty cổ phần Giáo dục Topica với ứng dụng sàn thương mại điện tử Edumall (siêu thị khóa học). Với khẩu hiệu "học gì cũng có", siêu thị khóa học này đang cung cấp hơn 1.000 khóa học workshop thuộc nhiều lĩnh vực. Ðược đầu tư số tiền lên đến hàng triệu USD, có thể thấy tham vọng chiếm lĩnh thị trường khóa học của Edumall là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đáng khen ngợi, sàn thương mại điện tử đặc biệt trên cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế như: Giao diện ứng dụng còn kém thân thiện với người học, chất lượng nhiều môn học chưa được kiểm duyệt chặt chẽ, nội dung một số môn học còn sơ sài... Bởi vậy nếu không giải quyết các vấn đề này một cách triệt để, Edumall có thể bị các ứng dụng, hoặc tổ chức giáo dục nước ngoài như Duolingo lấn sân, cạnh tranh với thị phần chứa nhiều tiềm năng này.

Khi thị trường workshop vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro như vậy, người học cần phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định đăng ký khóa học. Trước hết, hãy lựa chọn khóa workshop tại cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm văn hóa, viện nghiên cứu có uy tín. Ðồng thời, người học cũng có thể lựa chọn workshop trực tuyến trên một số ứng dụng phổ biến như: Edumall, Duolingo, Cake hay một số nhóm (group), diễn đàn (forum), fanpage (nhóm cộng đồng có chung sở thích), kênh video của chuyên gia nổi tiếng. Ngoài ra, người học cũng nên tham khảo trải nghiệm của các học viên khóa trước để có đánh giá khách quan, chính xác về các workshop. Và cần nhấn mạnh rằng, khi workshop có xu hướng phát triển, thu hút người học trong xã hội thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo đối với việc giám sát, thẩm định các khóa học workshop cũng trở nên hết sức quan trọng. Vì, khi phong trào giáo dục này bùng nổ trên khắp cả nước và tạo ra nhiều kẽ hở để kẻ xấu trục lợi, thực hiện hành vi lừa đảo, "treo đầu dê bán thịt chó" thì đây cũng là thời điểm để các đơn vị chức năng và ngành giáo dục và đào tạo cần nhanh chóng vào cuộc, xem xét, nhìn nhận, từ đó có những biện pháp điều chỉnh, quản lý, tạo hành lang pháp lý kịp thời để phát huy những thế mạnh, ngăn chặn những biến tướng từng bước đưa các workshop phát triển đúng hướng như một hình thức đào tạo, phổ biến tri thức, hiệu quả, phù hợp.

Học tập và học tập để tiến bộ không ngừng, để phát triển bản thân là nhu cầu chính đáng của mọi người trong mỗi xã hội, cần được động viên, khuyến khích. Và sự ra đời của workshop là minh chứng cụ thể cho nhu cầu chính đáng đó. Tuy nhiên, để workshop có thể trở thành một cách thức tham gia vào việc đóng góp xây dựng nền tảng của một nền giáo dục bền vững, cần phải loại bỏ, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các nguy cơ lệch lạc, biến tướng đang ảnh hưởng tiêu cực, làm xấu hình ảnh cũng như chất lượng của phương pháp dạy và học mới này.