Làm phong phú thêm nguồn “tài nguyên tinh thần” của dân tộc

Cùng với lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam đồng thời sở hữu tài sản vô cùng phong phú các tập tục văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, theo thời gian, không ít lễ hội dần bị mai một, thất truyền. Chính vì vậy, lễ hội với ý nghĩa như là một “tài nguyên tinh thần” cần phải được bảo tồn và phát triển đúng cách, góp phần làm giàu thêm văn hóa dân tộc.

Có thể khẳng định, lễ hội trước hết là ký ức của cộng đồng được trình diễn và đó là những ký ức đẹp đẽ, có giá trị được ghi nhận, lưu tồn trong tâm thức người dân để nhớ về cội nguồn, để bất vong bản. Lễ hội là sự tập hợp, kết nối các thành viên hướng về một cộng cảm chung, mở rộng quan hệ, se kết sợi dây níu kéo mọi người hướng về nhau, sống bên nhau, tương trợ nhau... vượt qua những thử thách để tồn tại và phát triển. Với phương thức trình diễn tổng hợp của nó, lễ hội là dịp nhân dân thể hiện năng lực nghệ thuật của chính mình, năng khiếu và tài năng nghệ thuật mà cộng đồng đã tích lũy được. Nó là một loại hình của nghệ thuật trình diễn, đậm đà chất sân khấu. Trên thế giới, người ta có thể thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của mình qua nhiều phương thức và phương tiện của các loại hình nghệ thuật, nhưng có thể nói số lượng người đến với các lễ hội vẫn là đông nhất. Trong một cách nhìn tổng quan, lễ hội truyền thống vừa như một pho sử ký về lịch sử văn hóa nhân dân, phản ánh lịch sử dân tộc; vừa chứa đựng một cách phong phú nhất bản sắc văn hóa cộng đồng, phản ánh nhân phẩm một cư dân, một dân tộc trước các cộng đồng khác. Thí dụ, trống Đông Sơn là một kiểu loại tác phẩm nghệ thuật của lễ hội và mang nội dung phản ánh lễ hội trong buổi đầu dựng nước. Sự phong phú về đề tài, sự phổ biến về không gian phản ánh một cội nguồn nhiều tộc người thời xa xưa đã bên nhau dựng xây nên một nền văn minh, một đặc sắc văn hóa mà chúng ta đang tiếp nối. Với hơn 54 dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau, lễ hội truyền thống ở Việt Nam càng giàu có về phương thức tổ chức và biểu hiện.

Suốt thời đại phong kiến, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo và lễ hội dân gian cùng phát triển, xâm nhập và giao hòa lẫn nhau. Việc hoạch định và xây dựng không gian cư trú ngày càng mạch lạc. Cùng với hoạt động phong sắc cho các vị thần có công bảo vệ và dựng xây Tổ quốc, với việc lan tỏa xây dựng đình trạm khắp các vùng miền, lễ hội cũng phát triển thành những hệ thống mang giá trị tín ngưỡng, lịch sử và nghệ thuật mang đậm bản sắc địa phương, trưng diện sự đa dạng văn hóa. Trải qua những thăng trầm lịch sử, lễ hội luôn luôn tích lũy, tiếp biến, phát triển và hình thành nên một kho tàng văn hóa phong phú cho chúng ta hôm nay. Đó là một tài sản văn hóa. Và hơn nữa, đó thật sự là một kho tài nguyên tinh thần hết sức quan trọng cho sự phát triển đất nước hiện nay.

Lễ hội cũng có một đời sống thực sinh như bất cứ thành tố văn hóa nào khác. Chiến tranh, thiên tai, sự thay đổi thiết chế tôn giáo và xã hội,... làm cho lễ hội mang một số phận với nhiều biến cố như chính lịch sử cư dân, lịch sử dân tộc. Có những mai một, có những biến đổi. Phương thức tổ chức và trình diễn, dù đã hình thành các quy định “hội lệ” nhưng là cái dễ biến động nhất. Có thể nói, mỗi lần tổ chức mỗi khác tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những sáng tạo và phát triển lễ hội. Cái tồn tại lâu dài chính là một số “hành động hội” cơ bản, là các giá trị truyền đời: giá trị về truyền thuyết, giá trị nhân văn, giá trị lịch sử, giá trị tín ngưỡng…

Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương đang xuất hiện nhu cầu phục dựng những lễ hội truyền thống đã mai một hoặc thất truyền. Tuy nhiên, không chỉ với lễ hội mà với bất cứ một sáng tạo “cổ trang” nào cũng phải đối diện những bất cập. Đơn giản như việc viết lời cho một làn dân ca, không phải lời nào cũng thành công và được lưu truyền lâu dài. Sáng tác sân khấu truyền thống đề tài lịch sử lại càng khó. Còn những bất cập khi phục dựng lễ hội cổ truyền có thể thấy đó là: phản giá trị văn minh, mê tín mê muội, mất trật tự trị an, tận thu chụp giật... Nguyên nhân thì có nhiều: trước hết là sự tập trung quá đông người trong một không gian hẹp và trong một thời gian ngắn; tiếp đến là sự đảo lộn một số giá trị sống trong quá trình phát triển “nóng” của kinh tế thị trường, lòng tham ích kỷ của con người, sự lỏng lẻo trong tổ chức, thẩm định, hướng dẫn của người tổ chức và thiết chế văn hóa, sự thiếu cụ thể trong chính sách quản lý văn hóa... Một thời, những bất cập tại các lễ hội như phát ấn đền Trần, chọi trâu Đồ Sơn, cướp phết Hiền Quan, cướp lộc Quán Sứ, chém lợn Ném Thượng, chen lấn ở đền Hùng... rất lộn xộn. Tuy nhiên thời gian gần đây, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, của thiết chế văn hóa từ địa phương đến trung ương, tình trạng tiêu cực đã có phần giảm bớt. Đó là một tín hiệu đáng mừng.

Quan sát tổng thể các diễn xướng quần chúng, dễ dàng nhận ra trên cả nước, trình diễn nghệ thuật không chuyên đang có một chất lượng nghệ thuật rất cao so với trước đây. Vũ đạo, kịch bản, nhạc đệm, trang phục, ánh sáng, đề tài,... đã bước sang một thời kỳ khác. Dù là một lễ cầu ngư, một đám cưới, ngày giỗ họ... chúng ta đều có thể thấy một sự tiến bộ vượt bậc về nghệ thuật. Người dân khắp nơi tiếp xúc với truyền thông đa phương tiện, họ trưởng thành nhanh chóng, những hạt nhân phong trào qua đào tạo trường lớp ngày càng nhiều... Và khi nhu cầu nghệ thuật trình diễn của nhân dân đã rất cao thì sáng tác cho lễ hội cũng phải được đầu tư tâm hồn, trí tuệ ở mức cao mới đáp ứng được. GS Trần Đình Hượu cho rằng, chúng ta cần đặc sắc văn hóa, nhưng không được biến những đặc sắc địa phương thành thổ sản, mà phải nâng nó lên tầm quốc gia và nhân loại. Đến lượt tiếp biến giá trị phổ quát của nhân loại làm thành bản sắc của chúng ta. Đó là con đường đến hiện đại từ truyền thống.

Tuy nhiên, công tác quản lý và thực hành lễ hội với ý nghĩa như một di sản văn hóa truyền thống, đòi hỏi tuân thủ một nguyên tắc phổ quát là phải đồng bộ giữa bốn việc là: nghiên cứu thấu hiểu - thẩm định bảo tồn - thực hành phát triển - quảng bá truyền thông. Thiết chế nhà nước hay những công dân sở hữu di sản phải làm tốt bốn việc đó. Việc nghiên cứu là việc thường xuyên để thấu hiểu. Không ai có thể cam đoan rằng, với di sản đó, tôi đã thấu hiểu tất cả. Với lễ hội càng như vậy. Vì thế, mới sinh ra những chuyên môn nghiên cứu về lễ hội. Khi đã thấu hiểu, chúng ta mới thẩm định xem những gì cần bảo lưu, bảo tồn và những gì cần thay đổi để đẹp hơn, nhân văn hơn, thậm chí, cần nghiêm khắc loại bỏ những gì không còn phù hợp.

Bảo tồn giá trị và những hành động cơ bản của lễ hội không chống lại việc phát huy và phát triển lễ hội. Bản chất lễ hội là luôn vận hành trong thời gian, bất cứ thời điểm nào cũng có thể tạo nên giá trị cho tương lai. Một trò chơi giành quả cầu bằng chân ngày xưa đã phát triển thành bóng đá hiện đại như một thực thể văn hóa toàn nhân loại. Ai làm nên điều đó? Bao nhiêu trí tuệ đã đầu tư vào đó? Trong sự vận động và phát triển của xã hội hiện đại rất cần sự tĩnh tâm để nhìn rộng, sâu, và cụ thể vấn đề lễ hội. Lễ hội không chỉ là tài sản, mà đó là tài nguyên tinh thần. Khác với tài nguyên vật chất như khoáng sản mà chưa khai thác thì còn cho tương lai, khai thác thì hết dần đi; tài nguyên tinh thần nếu không kịp thời khai thác sẽ nhanh chóng mai một, nhưng càng khai thác lại càng giàu có cho tổng thể văn hóa. Nhận thức được điều này, kịp thời có những điều chỉnh về chiến lược, chính sách, cách thức thực hiện, chúng ta sẽ biết cách khai thác hiệu quả và giúp lễ hội ngày càng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, góp phần làm giàu tài sản văn hóa dân tộc.