Làm mới tác phẩm âm nhạc cũng cần có giới hạn

Thời gian gần đây, trong đời sống âm nhạc xuất hiện xu hướng làm mới những ca khúc cũ. Một số nghệ sĩ với cá tính sáng tạo đã góp phần tạo dựng dung mạo mới cho không ít tác phẩm vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ nay trở nên tươi mới, phù hợp hơn với công chúng đương thời. Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít sự làm mới biến tác phẩm trở nên méo mó, phản cảm, khiến công chúng thất vọng.

Với mục đích làm mới lại ca khúc đã đi cùng năm tháng, đưa những ca khúc vốn “nằm lòng” của thế hệ cha anh đến với công chúng trẻ hiện nay, ban nhạc Ngũ cung đã tìm đến các ca khúc cách mạng để thử sức. Xuất hiện ở một số chương trình âm nhạc phát sóng trên truyền hình như “Quà tặng thời gian” hay “Giai điệu tự hào”, người nghe khá bất ngờ khi thưởng thức các màn trình diễn phá cách của Ngũ cung. Những bài hát thường được gọi là “nhạc đỏ” từng được thể hiện thành công bởi các ca sĩ thế hệ trước như: “Hành khúc ngày và đêm”, “Lá đỏ”, “Giấc mơ Chapi”, “Hò kéo pháo”, “Cung đàn mùa xuân”,… được ban nhạc thổi vào một tinh thần mới, trẻ trung, mang dấu ấn đương đại với phong cách Rock. Đây được xem như một cách thể nghiệm khá táo bạo để Ngũ cung đưa nhạc cách mạng đến với khán giả trẻ. Dù lúc đầu có phần lạ lẫm, nhưng sau đó cách làm mới này nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả, bởi họ nhận ra cốt lõi của các tiết mục vẫn hướng về các giá trị truyền thống, đề cao tính dân tộc trong tác phẩm.

Hay tháng 5 vừa qua, trong chương trình ca nhạc “Người về bỗng nhớ” tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 18 năm Ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Tùng Dương đã khiến khán giả thích thú khi hát với phong cách pha trộn Jazz và Blues. Ca sĩ hải ngoại Khánh Ly, người có tên tuổi gắn liền với ca khúc của Trịnh Công Sơn, là bạn diễn cùng Tùng Dương trong đêm nhạc, đã phải thốt lên: “Tôi thích cách làm mới của cậu ấy. Nhạc Trịnh cần chảy trong thế hệ nghệ sĩ trẻ như vậy thì mới chia sẻ được với nhiều khán giả đương thời”. Không chỉ Tùng Dương, một số ca sĩ trẻ khác theo đuổi nhạc Trịnh cũng có nhiều tìm tòi, làm mới rất đáng ghi nhận. Như tháng 3-2019, ca sĩ trẻ Hà Lê đã có cuộc họp báo ra mắt dự án âm nhạc mang tên “Trịnh Contemporary” để giới thiệu MV (vi-đê-ô âm nhạc) “Diễm xưa”, một MV tiêu biểu cho phong cách làm mới nhạc Trịnh thấm đẫm tinh thần đương đại mà ca sĩ này đang theo đuổi. Lần đầu tiên khán giả được thưởng thức nhạc Trịnh theo phong cách nhạc R & B (Rhythm and Blues - nhịp điệu và tâm trạng). Với cách hát giàu cảm xúc, vừa dịu dàng uyển chuyển vừa xù xì góc cạnh, cộng với hình ảnh đẹp, ấn tượng về thị giác trong MV “Diễm xưa” thật sự đã lôi cuốn người xem. Chưa bàn chuyện thành công hay không, nhưng Hà Lê đã mở một hướng đi khá thuyết phục cho nhạc Trịnh - nơi mà nhiều ca sĩ dù yêu thích nhưng không dễ đến gần và vượt qua, bởi nhiều ca sĩ thuộc thế hệ trước đã để lại dấu ấn quá sâu đậm. Hay ca sĩ Đồng Lan với album “Này em có nhớ” lại hát nhạc Trịnh theo phong cách nhạc Jazz, nhất là toàn bộ phần lời của các ca khúc đã được nhà thơ F.Brunetta - (Ph.Bru-nét-ta) chuyển ngữ sang tiếng Pháp.

Đến nay khi trào lưu làm mới nhạc xưa ngày càng trở nên phổ biến, được các ca sĩ trẻ lựa chọn thì từ trước đó khá lâu ca sĩ Đức Tuấn đã được giới chuyên môn đánh giá là người tiên phong, tìm tòi làm mới nhạc xưa ở hầu hết các sản phẩm âm nhạc. Thí dụ, để làm mới những bài hát quen thuộc của Phú Quang, Đức Tuấn đã hát theo phong cách Symphony (giao hưởng) cùng đàn dây, vừa cổ điển vừa hiện đại. Hoặc để làm mới “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn, Đức Tuấn xử lý phần hòa âm mang hơi hướng nhạc kịch hiện đại. Trước đó album “Ngày xưa Hoàng Thị” (nhạc Phạm Duy), Đức Tuấn chủ trương dùng những chất liệu âm nhạc mới nhất, đương thời nhất trên nền tảng âm nhạc cổ điển để xử lý các ca khúc một thời đã đi vào lòng người sao cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay. Cả một quá trình lao động bền bỉ, ca sĩ trẻ này đã xác lập một hướng đi của riêng mình và gặt hái được một số thành công.

KHI các nghệ sĩ quyết định làm mới những tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng và đã được nhiều thế hệ trước đó thể hiện thành công, họ phải vượt qua rất nhiều áp lực. Bởi, nếu việc làm mới không đủ tạo ra một ấn tượng mạnh, có khả năng thuyết phục đối với người nghe, thì xem như cầm chắc thất bại. Nhìn lại những nỗ lực làm mới các ca khúc xưa của các nghệ sĩ, bên cạnh thành công, cũng có không ít người đã bị thất bại, có thể từ phối khí, cách thể hiện, thậm chí là sự kiên nhẫn để kiên định với hướng đi mà mình đã chọn. Đầu năm 2018, NSND Thái Bảo phát hành CD “Giấc mơ vô thường”, thể hiện lại các ca khúc bất hủ của các nhạc sĩ như Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Vũ Thành An, Đỗ Lễ… Đây là một CD được chị ấp ủ từ lâu, và phải mất tới hơn hai năm để thực hiện. Giới chuyên môn đánh giá, “Giấc mơ vô thường” là một CD chất lượng, cho thấy sự dũng cảm thay đổi của Thái Bảo, một ca sĩ vốn như đã “đóng đinh” tên tuổi của mình với dòng nhạc cách mạng. Tuy nhiên, với sự “làm mới cầm chừng”, có phần dè dặt của Thái Bảo, CD vẫn dừng lại ở ý nghĩa đánh dấu một thay đổi cá nhân nghệ sĩ, chứ chưa thật sự tác động nhiều đến đời sống âm nhạc. Ngược thời gian trở về trước, năm 2014, Trần Thu Hà phát hành album mang tên “Tình ca qua thế kỷ”, ở đó các ca khúc được làm mới bằng cách hòa âm theo phong cách âm nhạc khá đa dạng, từ Latin, Jazz, Acoustic (thể loại âm nhạc chỉ sử dụng hoặc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ không trực tiếp gắn thiết bị điện tử) đến Semi-classic (bán cổ điển)… Ở thời điểm phát hành album, Trần Thu Hà nhận được hai luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh những khán giả ủng hộ cách làm mới của ca sĩ, thì cũng có không ít ý kiến cho rằng, sự phá cách thái quá của cô làm hỏng các tác phẩm từ lâu đã hằn in vào tâm hồn người nghe thuộc nhiều thế hệ. Điều này cho thấy, việc làm mới những ca khúc nhạc xưa không hề dễ dàng. Nếu chỉ dùng việc làm mới như một công cụ “khoe” cái tôi hay cá tính của mình, không quan tâm tới cảm xúc của người nghe thì rất có thể sự làm mới đó chỉ có ý nghĩa riêng với ca sĩ, mà không được đông đảo công chúng đón nhận và đồng cảm. Một tên tuổi khác cũng từng thử nghiệm nhạc xưa không thành công như mong đợi là Phương Thanh. Là ca sĩ hát nhạc trẻ, vào năm 2007, Phương Thanh đã lấn sân vào dòng nhạc Bolero khi quyết định phát hành album “Chanh Bolero”. Tuy nhiên sản phẩm này chỉ gây ồn ào trong một thời điểm rồi rơi vào quên lãng. Chính xác hơn, đó là một thất bại của Phương Thanh, dù cô cố gắng ghi dấu ấn bởi những thử nghiệm mới.

Gần đây, khi các gameshow (trò chơi truyền hình) nở rộ, nhất là sự xuất hiện hàng loạt chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc, xu hướng làm mới nhạc xưa đã được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn nhằm tạo nên những khác biệt trong mặt bằng chung của thị trường âm nhạc. Họ đua nhau “sáng tạo”, nhưng mức độ thành công trên thực tế là rất hạn chế. Ngay cả những cái tên như Thùy Chi, Đông Nhi, Trúc Nhân, Phương Vy,… từng ra sản phẩm mới thể hiện lại những ca khúc cũ vốn được nhiều người yêu thích, cũng đều không tạo ra được ấn tượng đáng kể với người nghe. Cá biệt, ca sĩ trẻ Quách Tuấn Du còn bị dư luận “ném đá” vì đã gây sốc khi hát Bolero theo kiểu pha trộn Rock, giật gân, phản cảm. Một số ca sĩ do nền tảng, bản lĩnh còn kém nên việc làm mới âm nhạc không tới, thậm chí lệch lạc khiến những sáng tạo tưởng chừng đầy cá tính đó trở thành lập dị. Một diện mạo quái dị từ trang phục đến trang điểm, những ca khúc quen thuộc trở nên trúc trắc khó nghe từ giai điệu đến cách xử lý không phải là thứ âm nhạc mà công chúng yêu nhạc có thể chấp nhận. Những cách làm mới như vậy vô hình trung đã phá hỏng các tác phẩm âm nhạc vốn đã được định vị như những giá trị bất biến trong đời sống âm nhạc. Như nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ thì khi một bài hát đã trở thành bất hủ trong lòng người nghe, việc làm mới chỉ liên quan đến ca sĩ. Nghĩa là không bao giờ có chuyện ca khúc đó “chết”, mà chỉ có chuyện ca sĩ “chết”. “Chết” ở đây được hiểu là, ca sĩ làm mới nhưng không vượt qua được những ca sĩ thời trước, không tạo dấu ấn đủ thuyết phục để khán giả chấp nhận, thậm chí phải ngậm ngùi nhận thất bại. Và tác giả của ca khúc “Mái đình làng biển” cũng chỉ ra việc làm mới trong nghệ thuật chỉ có hiệu quả khi tạo ra được hai giá trị cơ bản gồm: mang đến những nét mới cho tác phẩm và tạo ra được một lớp công chúng mới cho tác phẩm. Để làm mới nhạc xưa là một cuộc thử sức mạo hiểm, đòi hỏi cả vốn hiểu biết, tài năng lẫn bản lĩnh vững vàng của nghệ sĩ.

Vậy, liều lượng cho việc làm mới một ca khúc cũ như thế nào là chấp nhận được? Sẽ rất khó để có thể đưa ra một công thức chung. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc mỗi ca sĩ khi thể hiện một ca khúc, nếu muốn xác lập tên tuổi mình trong công chúng với ca khúc đó, đòi hỏi phải có một sự tính toán kỹ lưỡng dựa trên hiểu biết, văn hóa, tư duy âm nhạc, kỹ thuật, chiều sâu cảm xúc, và cả bản lĩnh của chính họ. Thước đo cho sự thành công hay không của người ca sĩ chính là sự hài lòng, thái độ đón nhận nhiệt tình của khán giả. Chẳng hạn, cũng là làm mới, quan niệm của ca sĩ Hà Lê rất quyết liệt: “phải tôn trọng cái gốc, cái tinh thần, cái hồn của bài hát”. Còn ca sĩ Đức Tuấn thì chia sẻ: “Đối với tôi, mỗi bài hát cũ còn lại qua thời gian là một di sản văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà công chúng nhiều thế hệ mê say, đắm đuối một ca khúc cũ. Khi đã hiểu về các giá trị cũ như vậy, thì tinh thần của một người nghệ sĩ trẻ như tôi là phải giữ gìn, nâng niu, tôn vinh, lan tỏa các giá trị đó cho hôm nay, cho mai sau. “Làm mới” là nâng các giá trị đó lên, không phải làm méo mó hay quái dị nó đi”.

Biên độ sự sáng tạo trong nghệ thuật nói chung và trong âm nhạc nói riêng là không giới hạn. Việc thế hệ nghệ sĩ đương đại nâng niu, giữ gìn và sáng tạo để các tác phẩm âm nhạc đã tồn tại như những giá trị cổ điển tiếp tục có cuộc sống mới trong sinh hoạt âm nhạc là cần thiết và đáng khích lệ, ghi nhận. Vì thế, có thể phần nào coi việc làm mới ca khúc cũ là cũng đồng nghĩa với việc góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Tuy nhiên, việc làm mới này chỉ có thể được đón nhận, ghi nhận khi đó là các sáng tạo thật sự có ý nghĩa, góp phần tiếp tục tôn vinh giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm đã được khẳng định, đồng thời chuyển tải được tinh thần của cuộc sống hôm nay vào tác phẩm. Qua đó kiến tạo tình yêu, niềm say mê của khán giả đối với tác phẩm, nhất là khán giả trẻ.