Bình luận - Phê phán

Không được biện hộ cho cái ác

Biện hộ cho tội ác, ngưỡng mộ tội phạm là loại hiện tượng không thể chấp nhận trong đời sống xã hội thì hiện nay lại đang có dấu hiệu lan tràn trên một số tờ báo điện tử mang khuynh hướng lá cải, website thông tin, mạng xã hội…

Tình trạng này không chỉ gióng lên hồi chuông báo động về sự lệch lạc trong nhận thức, suy nghĩ và sự thiếu hụt về đạo đức của một bộ phận người sử dụng internet hiện nay, mà còn là một nguy cơ xã hội cần được lên án mạnh mẽ và ngăn chặn.

Rạng sáng ngày 14-2-2020, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh thở phào nhẹ nhõm sau khi chính thức có thông tin Lê Thanh Tuấn (Tuấn khỉ) đã bị triệt hạ. Trước đó, chỉ từ mâu thuẫn cờ bạc, Tuấn đã trực tiếp gây ra cái chết của bốn người. Trên đường tẩu thoát, hung thủ còn giết hại nạn nhân Vũ Chí Tâm, cướp phá một số phương tiện giao thông. Dù đã được cơ quan chức năng vận động ra đầu thú, Lê Thanh Tuấn vẫn sử dụng vũ khí nóng để chống trả quyết liệt. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án cùng thái độ hung hãn, manh động của Lê Thanh Tuấn, quyết định tiêu diệt tên sát thủ máu lạnh này của ban chuyên án là hoàn toàn chính xác, đúng người, đúng tội. Thế nhưng trước một vụ án minh bạch, rõ ràng như vậy, trên một số website tin tức và đặc biệt là mạng xã hội, vẫn có ý kiến "trái chiều" bênh vực hung thủ.

Trong đó nổi lên ý kiến cho rằng thủ phạm là một "anh hùng thay trời hành đạo" vì đã "trừ khử bốn kẻ phá gia chi tử, chuyên cờ bạc", số khác tiếc nuối cho rằng sát nhân này là "một người sống có nghĩa, có tình". Thậm chí, một số tài khoản trên mạng xã hội còn ngụy tạo "thư tuyệt mệnh" kẻ sát nhân gửi cho vợ với ngụ ý đây là một người lương thiện, yêu gia đình, "đáng thương hơn đáng trách", chỉ vì "một phút nông nổi" mà "cả đời đau thương". Việc bênh vực kẻ sát nhân diễn ra ầm ĩ tới mức những người có lương tri, mà điển hình là "hiệp sĩ" đường phố Nguyễn Việt Sin, buộc phải lên tiếng, đặt ra nghi vấn: Tại sao lại cổ xúy cho Tuấn khỉ? Trong khi ở chiều ngược lại, các gia đình nạn nhân, nhất là trường hợp của ông Vũ Chí Tâm, lại không hề được quan tâm, đoái hoài?

Một vụ án khác trong thời gian qua cũng thu hút sự tò mò của một số người là đường dây đánh bạc với số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng qua trò chơi điện tử Ðế chế (Age of Empires). Theo thông tin từ cơ quan điều tra, các đối tượng đứng đầu đường dây này là Phí Văn Huấn và Trần Ngọc Anh. Trong đó, kẻ chủ mưu Phí Văn Huấn (biệt danh bầu Huấn) được biết đến như một nhà hảo tâm trong làng thể thao điện tử Việt Nam khi thường xuyên tổ chức các giải đấu lớn, hỗ trợ tiền bạc, vật chất cho cộng đồng người chơi Ðế chế. Thế nhưng, đây chỉ là vỏ bọc để Huấn tổ chức đường dây cá độ trên website Powgs.com, lôi kéo người chơi (gamer) nổi tiếng và các con bạc tham gia. Hệ thống đánh bạc trực tuyến này được thiết lập tinh vi qua bàn tay lập trình của Trần Ngọc Anh vốn là cựu sinh viên Trường đại học Công nghệ, từng được giải cao tại Olympic Tin học quốc gia.

Ngoài ra, Huấn còn cộng tác với một số cử nhân công nghệ thông tin từ các trường đại học danh tiếng. Về vụ trọng án này, Trung tá Quách An Tuấn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát hình sự quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đây là đường dây đánh bạc quy mô lớn nhất bị phát hiện kể từ khi thành lập đơn vị đến nay. Ðiều này cho thấy Phí Văn Huấn và đồng bọn là loại tội phạm có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, chặt chẽ. Vậy mà, trước thông tin Phí Văn Huấn, Trần Ngọc Anh và những kẻ khác trong tổ chức đánh bạc Powgs.com sa lưới pháp luật, một số người vẫn u mê khi cho rằng: Huấn là "một tượng đài AOE (trò chơi Ðế chế)", "tổ chức đánh bạc vì đam mê". Tương tự, Trần Ngọc Anh nhận được nhận xét là "bản chất tốt nhưng dòng đời xô đẩy", "chỉ vì mê trò chơi Ðế chế chứ không phải bị kẻ xấu dụ dỗ"...

Hai vụ án kể trên không tương đồng, song trên thực tế lại có cùng một điểm chung, đó là: kẻ phạm tội được bào chữa tung hô như "người hùng lạc lối", tội ác của họ được bênh vực, thậm chí ngợi ca như là hành động quả cảm. Nghiêm trọng hơn, một số tài khoản mạng xã hội còn chủ động đưa ra những nhận định làm sai lệch bản chất vụ án, xuyên tạc công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng chức năng, dẫn dắt dư luận theo góc nhìn tiêu cực, lệch lạc. Trong số các tài khoản này, có một số phần tử có nhiều hoạt động chống phá Nhà nước như Hoàng Dũng (biệt danh trên mạng là Hoàng Thiên Di) - thành viên nhóm "con đường Việt Nam". Từ khi diễn ra cuộc truy bắt Lê Thanh Tuấn, Hoàng Dũng thường xuyên đăng tải các bài viết kích động, cho rằng đây là cuộc thanh trừng nội bộ của lực lượng công an, ví von cái chết của một kẻ biến chất như "liệt sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ". Ðáng lên án là những nội dung sai sự thật như vậy lại được một nhóm người, dù chiếm tỷ lệ nhỏ trên không gian mạng, hùa theo cổ vũ, tán thành.

Nhìn lại các bài viết, các ý kiến bình luận chung quanh một số vụ án trong thời gian gần đây, có thể thấy hiện tượng bênh vực, thậm chí ngợi ca thủ phạm không chỉ dừng lại ở một, hai trường hợp cá biệt mà đang có xu hướng gia tăng. Và cần chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa chủ yếu bắt nguồn từ sự vô ý thức, lệch lạc trong suy nghĩ, nhận thức và lối sống của một số người đã dẫn tới tình trạng bùng phát của các loại thông tin không chính thống, thiếu xác thực, thiếu khách quan về đời tư của nghi phạm đã xuất hiện trên một số báo điện tử, trang tin cá nhân, mạng xã hội.

Chưa kể, không rõ vì mục đích gì (Ðể bao che cho nghi phạm? Ngại va chạm? E ngại hệ lụy với gia đình và người thân, hàng xóm sống chung quanh nghi phạm? Nhận thức và trình độ chuyên môn yếu kém của một số người làm báo? Lợi dụng vụ việc đang được dư luận quan tâm để tạo sự chú ý cho cá nhân?...) mà trong một số bài viết, một số đối tượng gây án được mô tả theo hướng như muốn bào chữa, minh oan, chạy tội? Thí dụ, có thể thấy nhan đề một số bài báo đăng trên mục pháp luật của một số tờ báo mạng ở Việt Nam như: "Hàng xóm cạnh nhà nghi phạm đầu độc chị họ bằng trà sữa: Trang là người hiền lành, hòa đồng", "Ðối tượng gây ra vụ thảm sát ở Thái Nguyên được đánh giá hiền lành", "Vụ cướp tiệm vàng ở Quảng Ninh: Nghi phạm là người hiền lành", "Nghi phạm bắn tài xế ta-xi hòng cướp xe là người hiền lành", "Nam thanh niên nghi ngáo đá sát hại bốn người: Thường ngày nó rất hiền"...

Theo đó, thủ phạm thường được phóng viên ghi lại là "người hiền lành, ngoan ngoãn, chưa bao giờ gây gổ với ai", "học lực rất giỏi, tu chí làm ăn", "từ nhỏ đến lớn không có quậy phá gì, không mất lòng ai và là đứa hiếu thảo", "chỉ biết có vợ và con, gần như đoạn tuyệt với bạn bè chơi bời bên ngoài, chí thú làm ăn", "khi công an bắt còn tưởng nhầm người"... Hành vi phạm tội rõ ràng, cụ thể, thậm chí là tội ác không thể dung thứ, nhưng việc mô tả về con người và nhân thân của thủ phạm theo chiều hướng ngược lại khiến người đọc nghiêm túc có quyền nghi ngờ về thông tin do tác giả bài báo cung cấp. Nhất là khi nội dung đó thường không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn với nhau, bởi có trường hợp nghi phạm được bài báo nhận định là người tử tế nhưng "từng phải đi tù cải tạo", "có tiền án và mới thụ án xong", "nhiều lần trộm cắp vặt", "nghiện ma túy nặng", "quan hệ với các thành phần bất hảo" hoặc tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, gây sát thương cao... Vì lẽ đó mà nhà báo Mạnh Quân từng hóm hỉnh nhận xét khi thấy ai được giới thiệu là người hiền lành là "lạnh hết sống lưng, kiếm cớ về sớm".

Trong vòng xoáy thông tin được viết ra như muốn có lợi cho thủ phạm, không ngạc nhiên khi một số công dân mạng tin vào "bằng chứng" đó đã có những phát ngôn, suy nghĩ chia sẻ, a dua, cổ vũ hoặc bênh vực hung thủ; nhất là những người có nhận thức hời hợt, suy nghĩ nông cạn, hoặc chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, phim ảnh nước ngoài về đề tài xã hội đen, tội phạm. Trên thực tế, đây cũng là một vấn đề gây nhức nhối ở nhiều quốc gia mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kể từ khi cuốn tiểu thuyết In Cold Blood (Máu lạnh) của T. Capote (T. Cơ-pâu) ra đời và tồn tại như một tác phẩm "ăn khách" tại Mỹ, đời tư của tội phạm đã trở thành đề tài "hái ra tiền" của nhiều nhà báo, nhà văn trên thế giới, bởi có nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn. Thêm nữa, nhân vật trong các tiểu thuyết, phóng sự này lại là những con người có thật, bằng xương, bằng thịt, có thể đối chiếu, so sánh. Nhưng qua sự phóng tay quá đà của nhà văn, nhà báo trong các tác phẩm loại này mà giờ đây là một bộ phận công dân mạng nhẹ dạ, cả tin hoặc có mục đích thiếu trong sáng, thiếu lương tâm lại nhầm tưởng, có cái nhìn lệch lạc về kẻ phạm tội.

Thay vì thương tiếc cho nạn nhân, hoặc cảm phục hành động vượt qua khó khăn, vất vả của lực lượng chức năng trong công tác điều tra, phá án,… họ lại dồn tình cảm nông nổi của mình cho kẻ lừa đảo, sát nhân, giết người hàng loạt, tội phạm có tổ chức. Trong khi đó, nếu thật sự có các đức tính như một số tờ báo, trang điện tử, và một bộ phận công dân mạng ca ngợi "tài năng", "học giỏi", "hiền lành",... thì các đối tượng này hoàn toàn ý thức được về hậu quả từ tội ác mà họ gây ra. Nên khó có thể chấp nhận người là "tài năng", "học giỏi", "hiền lành" lại sử dụng thủ đoạn tàn bạo, nhắm mắt chạy theo ma lực của tiền bạc, trả thù bằng hành vi đê hèn, vì lợi ích sai trái và ích kỷ của họ mà xuống tay sát hại người khác. Một vài kẻ còn hung hãn, liều chết chống trả lực lượng công an đến cùng, thậm chí còn cướp thêm sinh mạng của người vô tội.

Ðam mê vật chất phù phiếm đến mức u tối đầu óc, bất cận nhân tình, bất chấp lẽ phải, tự sa vào "bẫy" do chính bản thân tạo ra để gây tội ác đối với đồng loại thì nhất định phải chấp nhận hình phạt theo quy định của pháp luật, đó là điều mọi xã hội văn minh đều duy trì. Thậm chí, với những tội danh như thế, dù đã phải trả giá bằng các mức án nghiêm khắc của pháp luật, những kẻ phạm tội cũng khó có thể nhận được sự thương cảm từ những người yêu chuộng công lý, đề cao giá trị cao cả của nhân tính, của tình người.

Vì vậy, khi đề cập các sự việc này, người nào còn mơ hồ, thiếu sáng suốt trong nhận thức đưa ra thứ luận điểm đổ lỗi cho xã hội và cho nạn nhân, nhằm bào chữa, giảm nhẹ mức độ phạm tội cho kẻ thủ ác là không thể chấp nhận. Ðó là việc làm đi ngược các nguyên tắc đạo đức, pháp luật cũng như các giá trị xã hội. Cần nên xem đây là cơ sở xác định hành vi phải lên án, thậm chí chịu chế tài xử phạt của xã hội. Do vậy, để tránh những hành vi đi ra ngoài kỷ cương xã hội và giới hạn đạo đức, mỗi người cần nâng cao bản lĩnh, ý thức trên mạng internet, có ý thức bảo vệ mình tránh bị lợi dụng, hình thành bộ lọc miễn dịch, sàng lọc những thông tin, ảnh hưởng xấu, độc để có sự suy xét, tự cảnh tỉnh khi bày tỏ hoặc tiếp nhận thông tin.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội cần tích cực vào cuộc để xây dựng văn hóa trên môi trường mạng, tạo môi trường, điều kiện, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia và sử dụng internet có trách nhiệm, đúng pháp luật, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm hoặc hành vi sai trái của những cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Các cơ quan báo chí truyền thông cũng cần góp phần định hướng thông tin dư luận, làm tốt việc cung cấp thông tin trước các vụ việc nhạy cảm, được xã hội chú ý, thông tin rõ, đúng, sai, giải thích, định hướng dư luận, kịp thời cổ vũ những cái tốt, phê phán, loại bỏ những thứ xấu, góp phần làm cho môi trường internet ngày càng lành mạnh.