Khắc phục bất cập trong phát triển du lịch cộng đồng

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng về văn hóa, ẩm thực của các vùng miền phong phú và hấp dẫn, khí hậu hài hòa, người dân thuần hậu..., Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay tại nhiều địa phương, sự phát triển của loại hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí tồn tại không ít bất cập.

Dù xuất hiện đã khá lâu, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, du lịch cộng đồng ở Việt Nam mới thật sự có những bước phát triển nhanh chóng. Đặc điểm của loại hình du lịch này là người dân bản địa trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý, và vận hành các hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên,... của địa phương. Du khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng sẽ có cơ hội hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, trải nghiệm các bản sắc văn hóa khác nhau. Người dân địa phương thông qua việc tham gia cung cấp dịch vụ cho du lịch cộng đồng sẽ có thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời qua đó hình thành ý thức về việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của địa phương mình. 

Trên thế giới, du lịch cộng đồng đang là trào lưu được nhiều người ưa chuộng. Theo kết quả khảo sát về xu hướng nhu cầu của khách du lịch được thực hiện gần đây bởi tổ chức AC Nielsen (do Tổ chức phát triển Hà Lan ủy thác) cho thấy: 65% số du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản của địa phương; 54% số du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% số du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương; 48% số du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương... Kết quả nghiên cứu này đã phần nào lý giải cho sự chuyển dịch trong cơ cấu phát triển ngành du lịch các năm qua, trong đó có sự “lên ngôi” của loại hình du lịch cộng đồng. Cũng chính vì thế, tại nhiều quốc gia, du lịch cộng đồng được hết sức quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển để mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam những năm qua, sự phát triển của du lịch cộng đồng có chiều hướng “tăng trưởng nóng”. Nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và từ thế mạnh sẵn có về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường đã tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng với nhiều nội dung đa dạng, hấp dẫn. Tiêu biểu có thể kể đến tỉnh Lào Cai với các địa điểm du lịch cộng đồng như bản Cát Cát, bản Dền, bản Hồ ở Sa Pa, Sơn La với cao nguyên Mộc Châu, Hòa Bình với bản Lát, TP Đà Nẵng với làng chài Nam Ô, Quảng Nam với Hội An... Chưa kể, trước khi có đủ sự tự tin để tách ra như một loại hình mới, tồn tại độc lập trong du lịch nói chung, du lịch cộng đồng đã được lồng ghép trong những tua (chuyến du lịch) do các công ty lữ hành tổ chức với mong muốn khách hàng có thêm trải nghiệm về văn hóa bản địa. Tham gia các tua này, du khách vừa được tận hưởng các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp của đơn vị kinh doanh du lịch, vừa được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Cũng chính từ đây, sự hấp dẫn, yếu tố khác biệt của mỗi điểm đến, về cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán, cùng với các làng nghề truyền thống đã chiếm được cảm tình của khách du lịch. Nhiều du khách đã lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng thay vì việc đi tua đang dần trở nên đơn điệu, nhàm chán. Hình thức du lịch này cũng đáp ứng nhu cầu riêng biệt của một bộ phận du khách, nhất là người trẻ, mong muốn được khám phá, tìm hiểu văn hóa, lối sống đặc sắc của cư dân các vùng miền. Vì thế chỉ trong thời gian ngắn, du lịch cộng đồng nhanh chóng phát triển mạnh tại nhiều địa phương, thu hút đông đảo khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu kể trên, trên thực tế cũng xuất hiện tình trạng một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân nhiều khi quá sốt sắng dẫn đến làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào, kinh doanh theo kiểu “chộp giật” với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế. Cần thấy rằng, điều đầu tiên hấp dẫn và thu hút du khách lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng là việc họ được trải nghiệm một không gian sống mới mang đậm dấu ấn của văn hóa bản địa. Thay vì được nghỉ dưỡng tại khách sạn với các phương tiện hiện đại, ăn những món ăn họ đã biết khi ở quê nhà, khi đến với du lịch cộng đồng, du khách lại có nhu cầu được sinh hoạt trong ngôi nhà truyền thống của người dân bản địa, không chỉ vãn cảnh nghỉ ngơi mà còn được tham gia lao động sản xuất, ăn các món ăn đặc sắc do chính người dân địa phương nấu nướng với gia vị đặc trưng, rồi mua sản vật của địa phương để kỷ niệm, làm quà... Song thay vì khai thác triệt để lợi thế là nét độc đáo, đặc sắc về văn hóa của vùng miền, tại một số nơi lại đang có cách hiểu, cách làm chưa tương xứng. Như tình trạng đua nhau xây dựng các homestay (một loại hình lưu trú tại nhà của người dân bản địa) phục vụ khách du lịch theo kiểu “tây” với các món ăn “tây”, nhập hàng hóa từ nơi khác về bán cho du khách để có lợi nhuận cao hơn... Rõ ràng đây không phải là điều mà du khách mong muốn, chờ đợi, thậm chí còn gây phản tác dụng, ảnh hưởng về mặt lâu dài nếu cứ tiếp tục lối kinh doanh thiếu bản sắc, chắp vá, cóp nhặt này. Bởi, du khách nước ngoài không tìm đến nông thôn Bắc Bộ để được ở trong những ngôi nhà xây dựng cầu kỳ, mô phỏng theo kiến trúc châu Âu và uống rượu vang, ăn bifteck (bít-tết). Đấy là chưa tính thêm rằng khi các ngôi nhà như vậy được đặt trong khung cảnh đồng lúa trải dài và cây đa, bến nước, sân đình,... thì phần nào còn thể hiện điều gì đó khá lệch lạc, kệch cỡm. Hay việc các homestay đua nhau mở nhạc xập xình trong lễ hội truyền thống, khước từ trang phục truyền thống của dân tộc mình, cũng gây phản cảm và khiến cho nhiều du khách một đi không trở lại. Ở một số nơi, dù người dân đã biết tận dụng khai thác lợi thế của địa phương mình để làm du lịch, nhưng do thiếu tính tổ chức, thiếu sự chuẩn bị, thiếu kỹ năng, lại nóng vội thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng “nhà nhà đua nhau làm du lịch”, người người đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, thậm chí tạo nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu hút khách bằng mọi giá... Bên cạnh đó là hiện tượng chèn ép, tăng giá xảy ra ở một số nơi, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch vụ lưu trú chưa thực sự được chú trọng, gây ức chế cho du khách. Chưa kể, vì lợi nhuận trước mắt đã xuất hiện tình trạng người dân ở một số địa phương đã bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, để chạy theo du lịch, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề đã bị thu hẹp, đơn điệu, mai một, làm giảm tính hấp dẫn của chính địa phương.
 
Khi chính cộng đồng không quan tâm giữ gìn bản sắc riêng, người dân làm du lịch chạy theo xu hướng thương mại hóa, quá coi trọng lợi nhuận trước mắt mà bất chấp hậu quả, các sản phẩm du lịch thiếu đa dạng,... thì cộng đồng sẽ rất dễ đánh mất cơ hội để phát triển du lịch của chính mình. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà trên thực tế còn khiến nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao. Thí dụ ở Quảng Bình, do sức hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên tại đây cho nên nhiều năm liền số lượng du khách tới địa phương này ngày một gia tăng; du lịch cộng đồng phát triển mạnh và tăng trưởng nhanh trong vòng ba năm trở lại đây. Tại các xã như Phúc Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm,... nhiều người dân vốn sinh sống bằng nông nghiệp và đi rừng, nhưng trước xu thế phát triển mới của du lịch cộng đồng và sức hấp dẫn của cơ hội cải thiện thu nhập đã đua nhau chuyển sang làm du lịch mà thiếu sự tìm hiểu, chuẩn bị. Nhiều gia đình đã vay mượn tiền bạc xây dựng homestay, thậm chí xây homestay trên đất chiếm dụng trái phép từ hành lang đường giao thông, hoặc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất kinh doanh sai quy định,... dẫn đến tình trạng homestay xuất hiện ồ ạt và không thể kiểm soát, cung vượt quá cầu, đồng thời khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc quản lý. Quan trọng hơn, do thiếu tính toán về lượng du khách cũng như thiếu kiến thức về làm du lịch, cho nên dù số tiền đầu tư bỏ ra lớn nhưng nguồn thu từ homestay rất hạn chế không đủ trang trải hoạt động và khấu hao tài sản khiến nhiều gia đình sa vào cảnh nợ nần. Nhiều homestay rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”, vì nếu đóng cửa thì không thu hồi được vốn, mà tiếp tục duy trì thì tốn kém vì trang thiết bị xuống cấp... Đây cũng là một khó khăn mà không ít địa phương đang gặp phải. Chưa kể, có địa phương, do du lịch cộng đồng tăng trưởng quá nóng dẫn đến nhiều hậu quả như: tiềm năng du lịch của địa phương bị khai thác cạn kiệt, an ninh trật tự mất kiểm soát, chất lượng dịch vụ không bảo đảm vì lượng khách quá tải, ô nhiễm môi trường do cơ sở hạ tầng yếu kém,... 

Du lịch cộng đồng tại Việt Nam với tiềm năng và thế mạnh của mình được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá là một “mỏ vàng”, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch của quốc gia và người dân tại các địa phương. Song nhìn chung đến nay, loại hình này vẫn đang tồn tại ở dạng tiềm năng hơn là được hiện thực hóa một cách ý nghĩa và hiệu quả, còn thiếu sự khai thác một cách bài bản, bền vững có chất lượng về mọi mặt. Do đó, để đạt kết quả như kỳ vọng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp đến mỗi người dân, nhất là vai trò của các cơ quan chủ quản về văn hóa, du lịch. Dù du lịch cộng đồng là đưa du khách trải nghiệm đời sống tại địa phương nhưng khi đã trở thành sản phẩm du lịch vẫn cần tuân thủ các điều kiện nhằm bảo đảm cho sự phát triển. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, khoa học và thiết thực, tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, chủ động đa dạng hóa các dịch vụ đi kèm, mở rộng liên kết với các địa phương khác để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, tăng cường hoạt động quảng bá, tiếp thị. Đồng thời cũng cần huy động được sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn như y tế, đoàn thanh niên, lực lượng an ninh,... cùng tham gia hỗ trợ người dân để hoạt động du lịch thật sự phát huy hiệu quả. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng trên tinh thần hợp tác. Bảo đảm được các yếu tố này, du lịch cộng đồng sẽ phát triển bền vững, góp phần phát triển ngành du lịch nước nhà.