Hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam (Kỳ 1)

Giáng sinh năm 2019, Luật sư Hoàng Duy Hùng có mặt tại Thủ đô Hà Nội. Từ khi rời Việt Nam, đây là lần thứ sáu ông trở về thăm quê hương. 44 năm xa xứ, từng là người “chống cộng” nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhưng khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước, sau mỗi lần về quê nhà, ông đã dần thay đổi, từ đó tự điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức và hành động của mình. Đồng thời, từ một người chống đối, giờ đây ông là người nhiệt thành kêu gọi mọi người Việt ở hải ngoại chung tay thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, của Nhà nước Việt Nam. Báo Nhân Dân lược trích những ý kiến chia sẻ của ông với báo chí trong nước nhân chuyến thăm quê nhà lần này.

Luật sư Hoàng Duy Hùng. Ảnh chụp màn hình VTV.
Luật sư Hoàng Duy Hùng. Ảnh chụp màn hình VTV.

Kỳ I

Tôi rời Việt Nam năm 1975, khi đó tôi 13 tuổi. Lần thứ nhất tôi trở về là năm 1990, lần thứ hai là năm 1991, và lần thứ ba là năm 1992. Lần đó tôi đã bị bắt vì tội âm mưu nhằm lật đổ chính quyền. Và tôi đã bị giam 16 tháng rưỡi tại nhà giam Chí Hòa. Năm 2001, tôi xâm nhập Việt Nam một lần nữa với ý đồ là bạo động, đặt bom nổ tượng Cụ Hồ tại bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh), nhưng sau đó tôi từ bỏ ý định. Tôi từng kể về chuyến đi thứ tư này với báo chí (mời đọc bài “Hãy chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 29-11-2019). Lần thứ năm tôi trở về là năm 2013, với tư cách là Ủy viên Hội đồng TP Houston (Hiu-xtơn, Mỹ). Và cuối tháng 12-2019 là lần thứ sáu.

Lần nào về Việt Nam tôi cũng thấy khác. Lần thứ nhất, tôi thấy Việt Nam còn rất khó khăn, vì đất nước đang trải qua thời kỳ cấm vận và bị bao vây bởi nhiều thế lực. Nhưng tới năm 2001, thì dần có sự thay đổi, tiến bộ, ví như từ một phần lên tới ba phần. Tới năm 2013 thì ba phần đó đã lên tới sáu phần. Bây giờ thì đã lên tới tám phần. Về Việt Nam lần này tôi chỉ mất một đến hai ngày để quyết định. Vừa đáp xuống Nội Bài, tôi thấy một phi trường quốc tế khác hẳn năm 2013, sạch sẽ hơn, nguy nga hơn, lộng lẫy hơn, không thua kém gì phi trường ở Los Angeles (Lốt An-giơ-lét, Mỹ). Nếu năm 2013 từ Nội Bài về Hà Nội đường sá còn vắng, xa lộ chưa rộng rãi, vẫn còn ổ trâu, ổ gà, thì lần này tôi thấy không còn ổ trâu, ổ gà, đi lại rất thoải mái, lưu lượng xe ngược xuôi không thua kém gì Ku-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) hay Băng-cốc (Thái-lan). Sự phát triển hạ tầng là rất rõ. Nhưng tôi ngạc nhiên hơn là nhiều căn nhà mới mọc lên cho thấy sự phát triển chóng mặt chứ không còn như trước. Tôi vui mừng vô cùng khi thấy “mẹ Việt Nam” ngày càng lớn mạnh. Trải qua cảnh xa xứ từ trước tới giờ phải nói là tôi rất cô đơn, nhưng hôm nay được về, tôi cảm ơn “mẹ Việt Nam” cho tôi được trở về Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam, ôm tôi vào lòng và vỗ về như một đứa con từ xa trở về. Cảm giác này thật sung sướng, khó tả.

Nhiều người quan tâm đến việc tôi về Việt Nam lần này đã hỏi tôi có bị gây khó dễ không? Tôi nghĩ bên phía an ninh nếu có thì đó là họ cũng làm công việc của mình. Cơ quan an ninh của quốc gia nào cũng vậy, phải luôn đề cao cảnh giác, đó là chuyện bình thường. Nhất là với tôi, một người có quá khứ cực đoan thì việc người ta có đề phòng mình cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng thực tế tôi không thấy có sự phiền hà, trách móc. Tôi còn có các buổi gặp gỡ và trao đổi rất thân tình với nhiều anh em, bè bạn trong nước cho nên tôi rất vui sướng. Và tôi nghĩ, nếu có đối thoại nhiều hơn để có sự thông cảm với nhau nhiều hơn thì sẽ càng tốt đẹp cho chính sách mà Nghị quyết 36 do Đảng và Nhà nước đề ra đó là làm sao thu hút được nhân tâm của người nước ngoài cùng chung về một mối trong chính sách hòa hợp dân tộc.

Thực tế con người của Hoàng Duy Hùng thì đã thay đổi từ năm 2011. Với tư tưởng hướng về đất nước, tôi thấy cần phải có trách nhiệm ủng hộ, hợp tác, cùng xây dựng và hòa hợp với chính sách của chính quyền Việt Nam. Nhưng năm 2013 tôi về Việt Nam với tư cách Ủy viên Hội đồng thì tôi vẫn là đại diện cho TP Houston, cho nên tôi phải nghĩ cho thành phố mà tôi là đại diện, không thì người ta sẽ nói tôi làm việc không đúng. Nhưng lần này đi với tư cách cá nhân, về thăm đất nước thì mọi suy nghĩ của tôi là về quyền lợi tối thượng cho Tổ quốc Việt Nam. Điều đó làm cho tâm hồn, trí não tôi chỉ đổ dồn vào một mục tiêu là làm sao để Tổ quốc Việt Nam mau lớn mạnh, mau thành công để mang lại niềm vui cho tất cả con em chúng ta trong những ngày tháng tới.

Tôi nghĩ đa số người Việt đều có tâm tư giống như tôi, nhưng mỗi người từ một bối cảnh riêng của họ mà có sự bày tỏ khác biệt một chút. Tôi có may mắn là đã trải qua những sự va chạm cho nên dám nói ngay, nói thẳng, không sợ gì hết. Việc gì thấy đúng là tôi nói. Tôi biết có những người bạn của tôi rất muốn có được tiếng nói này nhưng họ không nói ra được, và họ cũng nói rằng Hoàng Duy Hùng nói thay cho họ rồi. Tôi cho rằng “đa số thầm lặng” ở Houston hay ở nước Mỹ, đều ủng hộ tiếng nói đó của tôi. Thí dụ khi tôi về đến Hà Nội, qua kênh Youtube riêng, luật sư Trịnh Quốc Thiên đã làm một điều tra độc lập, khảo sát khoảng 1.000 người thì thấy 62% là ủng hộ con đường mà tôi nói tới, là những ánh nhìn, những suy nghĩ thay đổi như vậy với mức độ là “fan (người hâm mộ) cứng” - tức là ủng hộ hoàn toàn. Còn hai mươi mấy phần trăm cũng ủng hộ nhưng có phần dè dặt. Còn lại chỉ có 9% là thờ ơ và 4% là chống đối. Tôi thấy 4% số người chống đối là xuất phát từ lịch sử năm 1975 để lại. Đó là phía những người thuộc “quân lực Việt Nam cộng hòa” hoặc nhân viên của chế độ đó, đã thất trận và mỗi lần nhắc đến quá khứ là nhiều người trong số họ không bước qua được mặc cảm. Hình dung về số người này, tôi nghĩ phần lớn họ đã hơn 70 tuổi, còn những người trẻ thì tôi nghĩ là không có.

Đáng buồn là đến nay thông tin ở hải ngoại vẫn còn bị bưng bít, dù họ nói trong nước bưng bít nhưng chính họ lại bưng bít họ. Tôi nói thí dụ ở hải ngoại cứ mường tượng bữa ăn của người dân Việt Nam là nghèo đói, thậm chí không có cơm mà ăn, họ tưởng tượng tranh giành nhau từng miếng bánh mì, và điều đó không đúng. Những nơi tôi tới, đa số mâm cơm ít nhất cũng có cơm, có thịt, có cá, có canh, đủ chất dinh dưỡng. Như vậy là lời nói ở hải ngoại không chính xác. Hay họ bảo Việt Nam là “nhà tù lớn”, nhưng tôi nào có thấy nhà tù lớn nào đâu. Người dân đi lại thoải mái, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Nhưng mỗi khi cần lấy sự ủng hộ của cộng đồng, họ cần phải tô vẽ ánh nhìn bi quan và tiêu cực về đất nước Việt Nam. Hôm nay, xã hội đã ở thời mạng thông tin 4G, 5G, mọi sự đều có thể nhanh chóng xác minh rõ ràng mà vẫn còn nói vậy thì buồn cười lắm. Hay gần đây, khi đội tuyển Việt Nam sang Phi-li-pin thi đấu, họ xuyên tạc là đội tuyển Việt Nam khổ lắm không có chỗ ở, không có chỗ ăn, tội nghiệp lắm. Rồi họ ghép những hình ảnh photoshop để minh họa. Tôi và anh Nam Sơn có làm chương trình về chuyện này, và chúng tôi rất bực mình vì tại sao thời đại này họ còn làm chuyện buồn cười như vậy, người ở trong nước cười cho thối mặt, xấu hổ vô cùng. Nhân đây, là người hải ngoại, tôi cũng xin lỗi vì những con người như vậy đã khiến hình ảnh của người Việt ở hải ngoại chúng tôi không đẹp. Nhưng không phải ai cũng như vậy đâu, vẫn còn những con người như tôi, như Nguyễn Quang Trường, Nam Sơn,… dám nói sự thật.

Cũng xin thưa nhận thức của Hoàng Duy Hùng ngày hôm nay khác với Hoàng Duy Hùng năm 2018, khác với Hoàng Duy Hùng 2017. Mỗi một năm, tôi cập nhật tin tức và tôi càng thay đổi để ngày hôm nay ánh nhìn của tôi chững chạc hơn trước. Thí dụ các năm 2014, 2015, 2016 tôi vẫn cho rằng đa đảng thì tốt cho Việt Nam, nhưng từ năm 2017 thì tôi lại cho rằng chỉ một đảng lãnh đạo mới tốt cho Việt Nam. Và đến nay thì tôi thấy rằng thể chế ổn định chỉ bởi một đảng là đảng đang cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng này có đường lối đúng đắn, ổn định chính trị, được nhân dân tin tưởng thì mới phát triển được kinh tế đất nước. Bằng chứng là ít nhất trong vòng 5 năm qua, nhờ sự ổn định chính trị này, đất nước mới phát triển, đạt được những thành tựu đáng tự hào như vậy. Tôi thấy cách làm của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bây giờ, và tôi rất hâm mộ ông. Vì cách làm của ông cho thấy sự quyết liệt, thậm chí có thể nói đây là cách làm của một “Minh vương”. Người ta cứ nói chống tham nhũng, chống tiêu cực nhưng ai đã thấy? Song từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã cho thấy thực tế đó. Nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, điều đó khiến những người như tôi tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng nói là làm. Ông nhắn nhủ giới trẻ đại ý rằng đất nước của chúng ta đang đứng trước vận hội lớn, và giới trẻ cần tận dụng vận hội đó để đi lên, và ông cũng nhắn nhủ thế hệ trẻ chớ có “nhúng chàm”. Người Việt ở hải ngoại quan tâm đến các vụ án lớn trong nước, nhưng tâm thế của một số người vẫn là chờ xem có thật như vậy hay không. Còn tôi thì không chờ, vì tôi thấy đã được chứng minh rồi. Tôi nói thí dụ, thời “Việt Nam cộng hòa”, ông dược sĩ Nguyễn Cao Thăng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giao cho việc quan trọng về quản lý thuốc tây, ông trở thành tỷ phú của thời kỳ đó cũng nhờ những sự chạy chọt, hối lộ, tham nhũng động trời. Bây giờ các ông ở hải ngoại cứ chê Việt Nam tham nhũng, nhưng thử hỏi “thời kỳ dân chủ” mà các ông ca ngợi đó có ai động đến ông Nguyễn Cao Thăng hay không? Còn bây giờ, Nhà nước Việt Nam đã điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng là cán bộ cấp cao, là những người có tiền bạc, địa vị qua những vụ án động trời. Vậy so sánh, ai là người nói và làm? Nói thì ai cũng nói được, nhưng hơn hết, phải chứng minh bằng hành động thì mới thuyết phục.

(Còn nữa)

* Hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán của Ðảng, Nhà nước Việt Nam (Kỳ 2)