Họ tảng lờ sự thật, hay cố tình xuyên tạc sự thật?

Xuyên tạc, bịa đặt, bình luận tiêu cực, gây dư luận xấu,... nhằm làm ảnh hưởng tới uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam vốn là thủ đoạn các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí tiến hành nhiều năm qua, và trên thực tế, việc làm đó càng làm lộ rõ hơn bản chất đen tối của họ.

Hơn chục năm nay, nhân danh nghiên cứu khoa học, một số tác giả đề xuất và quảng bá ý kiến đề cao tư tưởng cải cách của Phan Chu Trinh. Họ cho rằng, phương pháp cách mạng bất bạo động của ông có thể là duy nhất phù hợp với tình hình Việt Nam và có thể tránh cho dân tộc một cuộc chiến tranh bằng những cải cách và đấu tranh hòa bình với Pháp là có thể giành độc lập mà không đổ máu Mấy ý kiến này nhằm hạ thấp giá trị, ý nghĩa của cách mạng giải phóng dân tộc, của cuộc chiến tranh cách mạng mà nhân dân Việt Nam đã tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh để giành lại, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trở lại bối cảnh lịch sử những năm đầu thế kỷ 20, với tiếp cận khách quan, lịch sử, cụ thể bất kỳ trí tuệ nghiêm cẩn nào cũng đều thấy rõ độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân không bao giờ có thể trông đợi vào sự ban ơn của thực dân cai trị. Với Việt Nam, điều này càng rõ rệt khi thực dân Pháp đặt ách cai trị ở đây xác định Đông Dương nói chung, và đặc biệt Việt Nam, là địa bàn béo bở để khai thác. Hai cuộc khai thác thuộc địa, cuộc sau có quy mô lớn hơn cuộc trước nhiều lần, đã chứng minh điều đó. Thậm chí về sau, trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi đã mất quyền cai trị Đông Dương vào tay Nhật, Pháp vẫn khẳng định quyết tâm đặt lại chế độ thực dân ở đây. Từ trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Pháp vẫn không che giấu ý định khôi phục chế độ cai trị ở Đông Dương, khôi phục điều được coi là lợi ích của nước Pháp dựa trên sự bóc lột khu vực thuộc địa này. Ngày 22-8-1945, tướng Degaule (Đờ-gôn) tuyên bố ở Washington (Oa-sinh-tơn): Việc lập lại chính quyền của Pháp ở Đông Dương là vấn đề cốt yếu đối với nước Pháp. Ngày 24-8-1945, Degaule ký với Chính phủ Anh bản thỏa hiệp về nguyên tắc và cách thức khôi phục lại quyền lực của Pháp ở Đông Dương như những gì Pháp từng có trước chiến tranh thế giới thứ hai trên lãnh thổ này. Chủ trương tái chiếm Đông Dương đã không còn làm cho ai phải nghi ngờ nữa (Henri Azeau - Hồ Chí Minh - Dịp may cuối cùng, Paris 1968, Bản dịch của Viện Sử học, tr.52). Có một sự thật là mặc dù các giá trị tự do - bình đẳng - bác ái được khẳng định từ Cách mạng tư sản Pháp, có sức hấp dẫn với nhân loại, nhưng các nhà cai trị xuất thân từ cái nôi của những điều tốt đẹp đó lại không muốn biến chúng thành hiện thực ở Việt Nam và các thuộc địa. Không chỉ thế, để vô hiệu hóa sự chống đối, đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp còn quảng bá, cổ súy cái gọi là Pháp - Việt đề huề (Collaboration franco-annamite) tung ra bánh vẽ về việc nước Pháp dìu dắt, khai hóa dân tộc Việt nhằm mê hoặc công chúng... Những điều trên đây trực tiếp lý giải tại sao Phan Chu Trinh - người cổ vũ tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh cùng nhiều người yêu nước khác đã bị Pháp lưu đày. Nhìn từ tính tất yếu của tiến trình lịch sử, dù kính trọng, mãi ghi nhớ ý chí, tinh thần yêu nước của ông và chấn hưng văn hóa là hết sức cần thiết, vẫn không thể coi ỷ Pháp cầu tiến bộ là lựa chọn duy nhất đúng cho Việt Nam đầu thế kỷ 20. Mẫu quốc không bao giờ đưa tiến bộ, dân chủ đến thuộc địa. Độc lập dân tộc sẽ mãi chỉ là ước mơ xa vời nếu cả dân tộc không thống nhất thành một khối dưới sự lãnh đạo của tư tưởng cách mạng khoa học, phù hợp với yêu cầu của thời đại để giành lại. Ai đó cần tỉnh táo để xem xét điều họ cho rằng, quá trình cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để giành độc lập, tự do là không cần thiết mà phải theo xu hướng cải cách của Phan Chu Trinh. Đó là điều không tưởng khi tham vọng duy nhất của chủ nghĩa thực dân là bần cùng hóa thuộc địa nhằm cai trị, bóc lột. Nên xét theo lịch sử, sẽ thấy đó là điều chưa từng thực hiện ở thuộc địa nào.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, khi các khuynh hướng cứu nước ở Việt Nam được dẫn dắt bởi tư tưởng phong kiến và tư sản đã thất bại, đi vào bế tắc, trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, dân tộc chìm trong nô lệ, Nguyễn Tất Thành đã dấn thân đi tìm đường cứu nước với suy nghĩ: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử - NXB Chính trị Quốc gia, H.1993, Tập 1, tr.94). Mong ước của Người cũng chính là mong ước của cả dân tộc, và Người đã cống hiến cả cuộc đời cùng dân tộc đấu tranh biến mong ước thành hiện thực. Trước hình ảnh cao đẹp, lòng tin yêu mà cả dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới dành cho Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, kẻ xấu luôn sử dụng thủ đoạn, kể cả thủ đoạn bẩn thỉu nhất để tiến công vào hình ảnh và uy tín của Người, nhằm làm suy giảm lòng tin đối với Người, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Song mọi thủ đoạn chỉ ngày càng bộc lộ rõ hơn bản chất đen tối của họ. Tuy nhiên, họ vẫn không từ bỏ những việc xấu xa. Như dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người vừa qua, trong chiến dịch mà kẻ xấu đã hè nhau tiến hành, từ việc Người sống ở Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh, khá ngắn ngủi, BBC đăng bài tỏ ý nghi ngờ việc Người luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng đối với miền nam, đối với Sài Gòn Đó là một việc làm thô bỉ, xúc phạm nghiêm trọng tới tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào, chiến sĩ miền nam, cũng như tình cảm của nhân dân miền nam đối với Bác. Rất nhiều người đã phẫn nộ bày tỏ ý kiến về điều BBC bày đặt, điển hình là trang retd.vn đăng bài Sự ngu dốt và mất dạy của BBC tiếng Việt khiến cộng đồng phẫn nộ. Về bản chất, BBC cố tình tách hiện tượng và nhân vật khỏi bối cảnh lịch sử, lấy thời gian cư trú thay thế tình cảm và sự gắn bó máu thịt của tình dân tộc, của nghĩa đồng bào nhằm bẻ góc nhìn, cách tiếp cận và đánh giá sang hướng khác, từ đó gây nghi ngờ, xuyên tạc lịch sử. Một người bình thường, đọc lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 là có thể dẫn ra rất nhiều bằng chứng, tư liệu về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân miền nam khi đất nước chưa thống nhất, bắc nam chưa sum họp một nhà. Và ai cũng biết, đối với Người, Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi và Tôi có ý định đến ngày đó (ngày đất nước thống nhất - TP), tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta (Di chúc, 5-1969).

Thô bỉ hơn nữa, nhân bài viết đăng trên Vietnam+ kể về những năm cuối đời Người phải ra nước ngoài chữa bệnh và việc tổ chức kỷ niệm sinh nhật Người, một người từng là nhà báo và nay là một facebooker đã khai thác một vài chi tiết để lấp lửng về việc Người đã ra nước ngoài nhiều lần trong khi hàng triệu thanh niên vượt Trường Sơn vào miền nam đánh giặc. Có thể coi so sánh của facebooker nói trên là việc làm bất nhẫn. ³ đồ xấu hiện ra rất rõ khi người này chỉ chú ý khai thác điều anh ta có thể xuyên tạc còn thì tảng lờ nhiều đoạn trong bài báo trên Vietnam+ viết về phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sự giản dị, tiết kiệm, tác phong gần gũi,... Như lời Người nói: Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây, hoặc lời kể: Hồ Chủ tịch bình thường ăn uống rất đơn giản... Người còn có thói quen là bất luận thế nào cũng phải ăn hết thức ăn đã nấu ra, không được bỏ... Nên không phải ngẫu nhiên khi trong cuốn sách Cuộc chiến của Hà Nội - Hanois wa, một người Mỹ gốc Việt là Nguyễn Thị Liên Hằng đã từng nhận xét loại ý kiến tương tự như của facebooker nói trên là... kẻ ngồi lê đôi mách chính trị lớn nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân loại tiến bộ tôn vinh là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa. Với những cống hiến xuất sắc và lòng yêu nước vô bờ bến, Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, tiến hành kháng chiến chống lại hai cuộc xâm lược của hai đế quốc to để bảo vệ độc lập... Tư tưởng của Người là nguồn động viên, là lời thôi thúc, tạo động lực để nhiều thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu, hy sinh bảo vệ các giá trị cao quý, trường tồn của dân tộc, bảo vệ nhân phẩm và lương tri của nhân loại, giành thắng lợi trước những cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo. Đạo đức trong sáng, tác phong giản dị, gần gũi, tình cảm nồng ấm và thân thiện của Người có sức thuyết phục, cảm hóa rất lớn. Người không chỉ được nhân dân Việt Nam, loài người yêu hòa bình và tiến bộ tin yêu, ngưỡng mộ mà cả những người ở phía đối phương cũng thể hiện sự tôn trọng, khâm phục...

Hơn nửa thế kỷ qua, đã có vô vàn mưu ma chước quỷ nhằm làm ảnh hưởng hình ảnh, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ thấp ý nghĩa và giá trị các thành tựu mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải phấn đấu hy sinh bao năm mới có được, song họ đã thất bại. Ngày nay cũng vậy, một số người đang nhân danh nghiên cứu khoa học, bàn lại lịch sử, tìm góc nhìn mới để nối dài cái công việc vốn không hứa hẹn kết quả sáng sủa, nên chắc chắn sẽ kết thúc bẽ bàng. Lịch sử vốn khách quan và công bằng, ai đó cố tình ngụy tạo để phục vụ mưu đồ xuyên tạc lịch sử, nhằm đạt mục đích xấu xa cũng không thể hạ thấp ý nghĩa to lớn của các giá trị đã được khẳng định. Và họ nên tự hỏi đã đóng góp gì vào điều mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phát biểu khi tới thăm Việt Nam: Tôi rất vui mừng trước quyết tâm và thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là qua việc xây dựng các mục tiêu phát triển quốc gia đã giúp Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một nước có thu nhập trung bình trong những thập niên gần đây?