Hiến pháp (sửa đổi) - một bước tiến lịch sử

Sau một thời gian công bố để toàn dân thảo luận, đóng góp ý kiến, ngày 28-11-2013, sau nhiều buổi thảo luận, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, toàn văn Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua. Từ CHLB Ðức, tác giả Hồ Ngọc Thắng đã gửi tới Báo Nhân Dân bài viết trình bày suy nghĩ chân thành của mình về sự kiện trọng đại này, xin giới thiệu với bạn đọc.

Như những kiều bào khác luôn hướng về Tổ quốc, thời gian qua, tôi theo dõi rất sát sao việc triển khai kế hoạch để toàn dân đóng góp ý kiến với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Vì vậy tôi rất vui mừng khi đọc bản tin sáng 28-11-2013, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối (486/488 đại biểu). Tôi nghĩ đây là sự kiện chính trị quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước nói chung, cũng như trong việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật nói riêng.

Nhiều bạn bè và người quen biết tôi làm trong ngành luật, lại quan tâm đến hệ thống pháp luật Việt Nam, thường trao đổi với tôi về sự kiện này khá sôi nổi. Tùy theo mức độ am hiểu cũng như sự quan tâm, họ đưa ra các câu hỏi, thí dụ: Tại sao Việt Nam lại thay đổi Hiến pháp? Có gì mới trong việc sửa đổi lần này? Có người lại hỏi Hiến pháp là gì? Tại sao phải có Hiến pháp? Ðể giúp mọi người, tôi dẫn chứng từ Hiến pháp CHLB Ðức. Mặc dù trong ngôn ngữ Ðức đã có danh từ Hiến pháp là "Verfassung", nhưng tên gọi của Hiến pháp trong tiếng Ðức lại là "Das Grundgesetz" nghĩa là "Ðạo luật cơ bản". Theo các nhà ngôn ngữ học, tên gọi này có nguồn gốc từ ngôn ngữ pháp lý La-tinh là "lex fundamentalis". "Ðạo luật cơ bản" được Hội đồng Quốc hội Ðức thông qua ngày 8-5-1949 với 53 phiếu thuận, 12 phiếu chống. Lúc 24 giờ ngày 23-5-1949, trong một nghi lễ trang trọng, "Ðạo luật cơ bản" của CHLB Ðức "được trịnh trọng tuyên bố có hiệu lực". Từ đó đến nay "Ðạo luật cơ bản" đã có 59 lần sửa đổi, lần cuối vào ngày 11-7-2012, có hiệu lực từ ngày 17-7-2012. Có thể có những lý do về phương diện lịch sử, nhưng việc các "cha đẻ, mẹ đẻ" của Hiến pháp Ðức chọn tên "Ðạo luật cơ bản" là để giúp người dân Ðức dễ nhận biết về vai trò của Hiến pháp.

Tôi nghĩ, với nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp cũng là một đạo luật cơ bản, là nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước. Trên cơ sở của "đạo luật cơ bản" mà các Bộ luật khác được ban hành hay sửa đổi để điều hành toàn bộ hoạt động của Nhà nước và xã hội. Từ lần sửa đổi Hiến pháp gần đây nhất là năm 1992 đến nay, nước Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài trong sự phát triển toàn diện để tiến vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Do yêu cầu phát triển, nên việc sửa đổi Hiến pháp là việc làm thiết thực. Cũng như ở các nước khác, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được phát hành rộng rãi trên các phương tiện đại chúng cho nhân dân biết và góp ý bổ sung, hay sửa bản Dự thảo, trong một khoảng thời gian thỏa đáng. Cuối cùng, Dự thảo được đưa ra biểu quyết trong Quốc hội. Và có một điều cần ghi nhận là tính dân chủ của việc sửa đổi Hiến pháp vừa qua ở Việt Nam được tuân thủ nghiêm túc, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân Việt Nam. Như trong bài phát biểu tại phiên họp đặc biệt sáng 28-11-2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Hiến pháp sửa đổi "đã thể hiện được tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Ðảng, lòng dân", "thật sự là một bản Hiến pháp đổi mới cho một thời kỳ mới của đất nước chúng ta". Thế nhưng lại có người cho rằng, Hiến pháp sửa đổi không phải là "một bước ngoặt lịch sử". Nếu xem xét về mặt nội dung, thì Hiến pháp sửa đổi thật sự không phải là "một bước ngoặt lịch sử", và càng không phải là "một bước lùi", vì bản Hiến pháp lần này cho thấy chế độ chính trị ở Việt Nam không thay đổi. Theo Ðiều 1, Việt Nam vẫn là "Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa" và là "một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền". Một trong các nguyên tắc cơ bản và quan trọng trong Hiến pháp vẫn được giữ nguyên, là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam như Ðiều 4 Hiến pháp 1992 và Hiến pháp sửa đổi khẳng định. Trong giai đoạn góp ý đối với bản Dự thảo Hiến pháp Việt Nam, có một số ít người đòi thay đổi, hay bỏ một số điều khoản quan trọng, thí dụ Ðiều 4 của Hiến pháp. Nhưng đó là một ý tưởng rất mơ hồ. Về nguyên tắc pháp lý và về phương diện lịch sử, điều đó không thể xảy ra được. Trong Hiến pháp của CHLB Ðức cũng có một điều khoản quy định liên quan đến vấn đề này. Ðó là quy định ghi rõ trong khoản 3 Ðiều 79 Hiến pháp CHLB Ðức, được gọi là quy định "bảo đảm tính vĩnh cửu" của Hiến pháp - tiếng Ðức là "Ewigkeitsgarantie". Hiến pháp có thể thay đổi, nhưng thay đổi các "nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp" hoàn toàn bị cấm. Quy định này nhằm ngăn cản sự biến đổi trầm trọng, hay mất dần ảnh hưởng của Hiến pháp và loại trừ nguy cơ thay đổi chế độ chính trị đã chọn và hiện hành.

Quy định về "tính vĩnh cửu" của Hiến pháp CHLB Ðức là một bằng chứng sinh động cho chúng ta thấy rằng, Hiến pháp của mỗi nước ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử riêng biệt và phù hợp với điều kiện chính trị cũng như mối tương quan quyền lực ở nước đó. Sự ra đời của Nhà nước CHLB Ðức là kết quả của chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các bên của phe Ðồng minh đã thống nhất với nhau rằng, không thể để cho nước Ðức mới trong tương lai trở thành một mối nguy cơ mới cho châu Âu và thế giới. Vì vậy việc soạn thảo Hiến pháp cũng như tiến trình phê chuẩn Hiến pháp đều bị các bên của phe Ðồng minh giám sát chặt chẽ. "Tính vĩnh cửu" của Hiến pháp CHLB Ðức 1949 vẫn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù đã có gần 60 lần thay đổi, điều đó nói lên tính liên tục trong việc xây dựng Hiến pháp, làm cho văn bản này ngày càng hoàn thiện hơn.

Còn ở Việt Nam, Hiến pháp đầu tiên cũng ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Nước Việt Nam DCCH ra đời ngày 2-9-1945 và Hiến pháp đầu tiên ra đời trong năm 1946 là thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nước Việt Nam DCCH là Nhà nước đầu tiên của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Xét về phương diện xây dựng và phát triển Hiến pháp, có thể nói cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ là hai cuộc đấu tranh bảo vệ Hiến pháp. Ðể khẳng định, bảo đảm sự tồn tại và ngày càng hoàn thiện của Hiến pháp, chúng ta đã hy sinh nhiều của cải, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống để Hiến pháp tiếp tục được khẳng định sức sống và trường tồn. Tuy Hiến pháp 1992 không có điều khoản cụ thể quy định tính vĩnh cửu của Hiến pháp, nhưng các quy định của các điều từ Ðiều 1 đến Ðiều 14 là các quy định về nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp. Và Ðiều 13 đã chỉ rõ, phải bảo vệ các nguyên tắc cơ bản đó. Những hành động đi ngược lại "đều bị nghiêm trị theo pháp luật". Vì lẽ đó, trong Hiến pháp sửa đổi lần này không thể bỏ đi các nguyên tắc cơ bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp 1992, trong đó có Ðiều 4. Với Hiến pháp sửa đổi, một lần nữa Ðiều 4 khẳng định tính tất yếu khách quan trong vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Từ Ðiều 1 đến Ðiều 14 của Hiến pháp phản ánh đầy đủ ước nguyện của mọi người dân Việt từ bao đời nay là xây dựng một Nhà nước pháp quyền "của dân, do dân, vì dân" và "tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân". Sự ổn định về chính trị và các thành tựu về kinh tế, xã hội và văn hóa trong những thập kỷ vừa qua là bằng chứng xác nhận sự chuẩn xác của Hiến pháp 1992 trong việc xác định các nguyên tắc và điều hành hoạt động của Nhà nước, cũng như hoạt động của xã hội. Nhưng thế kỷ 21, chúng ta cần một Hiến pháp mới và từ nay chúng ta đã có bản Hiến pháp đó, vấn đề là toàn dân tuân thủ Hiến pháp như thế nào.

Những người có lương tri với Tổ quốc, với dân tộc phải vui mừng, vì Hiến pháp sửa đổi lần này không phải là một bước ngoặt lịch sử mà là một bước tiến lịch sử. Tôi cho rằng, từ khi ra đời năm 1946 và được sửa đổi trong những năm 1959, 1980 và 1992, Hiến pháp sửa đổi lần này là Hiến pháp hoàn thiện nhất và khoa học nhất trên phương diện pháp lý từ trước tới nay. Ðối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất là việc đưa con người, quyền con người vào trọng tâm của tầm nhìn và của quy định pháp lý; điều đó được thể hiện cả về mặt hình thức và nội dung. Trong Hiến pháp 1992, các quy định này được đặt ở chương V, từ Ðiều 49 đến Ðiều 82. Còn trong Hiến pháp sửa đổi lần này các quy định này được đặt tại chương II từ Ðiều 15 đến Ðiều 52. Và tên gọi của chương này cũng được thay đổi để làm nổi bật ý nghĩa của nó: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Về mặt nội dung, các quy định về quyền con người được đề cập rất đầy đủ. Nếu so sánh Hiến pháp sửa đổi của Việt Nam với Hiến pháp của các nước có Hiến pháp về cơ bản đã ổn định, thì ở phần này Hiến pháp của Việt Nam cũng rất tương xứng. Ðiều đó cũng nói lên sự hoàn thiện của tiến trình xây dựng và phát triển Hiến pháp ở nước ta.

Biên soạn một Dự thảo Hiến pháp mới là một việc quan trọng và khó khăn; triển khai kế hoạch lấy ý kiến đóng góp của toàn dân cũng là một việc quan trọng và khó khăn; nhưng đưa Hiến pháp đã có hiệu lực vào cuộc sống là điều quan trọng hơn và khó khăn hơn nhiều. Tôi nghĩ, việc làm cấp bách bây giờ là tuyên truyền để mọi người hiểu được ý nghĩa của Hiến pháp sửa đổi và các nội dung của nó. Sự thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới một phần phụ thuộc vào kết quả của việc làm này, vì ở nước nào cũng vậy, sống và làm việc đúng theo Hiến pháp, pháp luật là sự nhận thức có ý thức để từ đó đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Ðó là nguyên tắc không thể thiếu, cần được khẳng định và tôn trọng trong quá trình xây dựng và phát triển mỗi xã hội.