Bình luận - phê phán

Hiện đại hay "hậu hiện đại"?

NDO - LTS. - Những năm gần đây, "hậu hiện đại" là một khái niệm được một số tác giả sử dụng trong nhận xét về giá trị của một số tác phẩm và sự kiện - hiện tượng trong đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, điều đó có thật sự thích hợp hay không, hay sẽ đẩy tới "nguy cơ làm rối loạn hệ thống lý luận văn nghệ, rối loạn các giá trị đã được thiết lập của chủ nghĩa hiện đại, rối loạn các tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học đương đại, rối loạn các tiêu chí tiếp nhận văn học - nghệ thuật của người thưởng ngoạn" như phân tích dưới đây của PGS, TS Nguyễn Văn Dân?

Hầu hết các cuốn từ điển ở trong và ngoài nước đều định nghĩa "hiện đại" là một thuộc tính của các hiện tượng, sự vật thuộc thời hiện tại hoặc đương đại. Ngoài nghĩa chung này, hiện đại còn được dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử cụ thể. Thí dụ trong sử học phương Tây, người ta coi giai đoạn từ năm 1453 - năm đánh dấu sự sụp đổ của Ðế quốc La Mã và cũng là năm kết thúc thời trung đại - đến cuối thế kỷ 18, là giai đoạn của thời hiện đại. Tuy nhiên, có lẽ đây là quan điểm của các nhà viết sử ở thế kỷ 19, còn gần đây có ý kiến cho rằng thời hiện đại được tính từ đầu chiến tranh thế giới thứ nhất - năm 1914 đến nay. Và dường như quan điểm này được nhiều người hưởng ứng hơn. Còn về thuật ngữ "chủ nghĩa hiện đại", thì nhìn chung trong sách báo trên thế giới người ta thường dùng nó để chỉ một phong trào đổi mới văn học - nghệ thuật diễn ra chủ yếu ở phương Tây (châu Âu và châu Mỹ) trên một phạm vi rộng lớn trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20; nó "nổi loạn" chống lại các giá trị bảo thủ của chủ nghĩa hiện thực và diễn ra trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, phim ảnh, kiến trúc... Trong tinh thần đó, thuật ngữ "chủ nghĩa hiện đại" trong văn học - nghệ thuật đồng nghĩa với thuật ngữ "nghệ thuật hiện đại". Nó không được dùng để chỉ một chủ nghĩa duy nhất, một trào lưu duy nhất hay một trường phái duy nhất, mà được dùng để chỉ cả một phong trào bao gồm nhiều trào lưu, trường phái, cả một giai đoạn với nhiều chủ nghĩa khác nhau, được gọi là các chủ nghĩa hiện đại. Chính vì vậy mà các nhà phê bình, các văn nghệ sĩ sống cùng thời với các chủ nghĩa đó thường chỉ gọi chúng đơn giản là "trường phái hiện đại". Nhìn chung, khi nói đến nghệ thuật hiện đại, người ta có thể đơn giản gọi nó là "chủ nghĩa hiện đại". Hay nói một cách khác, khái niệm "modernism" trong tiếng Anh cần phải được hiểu là "nghệ thuật hiện đại" chứ không chỉ đơn thuần là "chủ nghĩa hiện đại".

 Nhìn chung, trong lịch sử văn học - nghệ thuật, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 đã được coi là một cuộc cách mạng trong văn học - nghệ thuật, thường được gọi là "phong trào nghệ thuật tiên phong của thế kỷ 20". Phong trào đó bao gồm các trào lưu diễn ra gần như đồng thời: chủ nghĩa dã thú, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa Ðađa, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng, phong cách quốc tế trong kiến trúc... Giai đoạn từ đó cho đến nay được gọi là giai đoạn của nghệ thuật hiện đại. Cũng từ đó, bộ mặt văn học - nghệ thuật thế giới đã trở nên vô cùng phong phú, đa dạng. Góp phần làm nên bộ mặt phong phú, đa dạng đó có sự tác động tích cực của các trào lưu nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong số các trào lưu hiện đại đó cũng có những biểu hiện cực đoan gây tác động tiêu cực đến văn học - nghệ thuật thế giới sau này.

 Ở Việt Nam, từ trước đến nay, các thành tựu văn học nghệ thuật hiện đại của thế giới cũng đã được giới thiệu. Nhưng nhìn chung, việc đánh giá các trào lưu hiện đại chủ nghĩa vẫn chưa có sự nhất quán và thỏa đáng. Trước thời kỳ Ðổi mới, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa chưa được đánh giá đúng mức, điều này một phần do ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta bắt đầu giới thiệu những quan điểm và nhận định mang tính khách quan hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, sự công nhận dành cho nghệ thuật hiện đại vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Và hạn chế trên đây chỉ được khắc phục một cách cơ bản khi chúng ta thực hiện công cuộc Ðổi mới đất nước, bắt đầu từ  năm 1986. Tuy nhiên, đó vẫn là một sự ghi nhận có điều kiện, vì thế đến đây lại xuất hiện một hạn chế khác: Ðó là việc giới thiệu thường thiên về sao chép các cuốn sách của tác giả phương Tây, chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu sơ lược, thiếu một cái nhìn am hiểu của người có chuyên môn, chính vì thế mà giá trị khoa học của chúng rất bị hạn chế, và tác động của chúng đối với xã hội cũng không đáng kể. Việc các cuốn sách như vậy đã nằm im trong thư viện không có người đọc cũng chứng tỏ một điều là lâu nay các trào lưu hiện đại chủ nghĩa đã phần nào bị lãng quên ở nước ta. Ðặc biệt là trong giới trẻ đang có sự hẫng hụt về chủ nghĩa hiện đại. Nhiều người trong giới nghiên cứu văn nghệ không biết chủ nghĩa hiện đại có bao nhiêu trào lưu và những tác giả tiêu biểu của chúng là ai. Ðến khi gần đây thấy có người nói đến hậu hiện đại, thế là người ta chỉ biết có hậu hiện đại và nghiễm nhiên coi các trào lưu hiện đại trong văn nghệ xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 là hậu hiện đại. Hiện tại ở Việt Nam đang có một xu hướng tiếp nhận một luồng ý kiến thiếu căn cứ về chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong việc tiếp thu luồng ý kiến đó, vì không xác định được chủ nghĩa hậu hiện đại là gì, người ta đã lấy các đặc điểm có sẵn của chủ nghĩa hiện đại để gán cho cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, đi đến chỗ tuyệt đối hóa chủ nghĩa hậu hiện đại mà quên mất chủ nghĩa hiện đại là gì, đánh mất hẳn một khâu quan trọng trong hệ thống các khái niệm và trào lưu văn học - nghệ thuật. Bằng cách đó, họ đã làm cho thuật ngữ "hậu hiện đại" trở nên mơ hồ và thậm chí vô nghĩa. Rõ ràng, ở đây có vấn đề cần được làm sáng tỏ về khái niệm hiện đại và hậu hiện đại, và về quan hệ giữa chúng với nhau.

 Mặc dù ngày nay chúng ta đã có cái nhìn đổi mới về chủ nghĩa hiện đại nói chung và các trào lưu hiện đại chủ nghĩa của phong trào tiên phong nói riêng, nhưng các "di căn" của chủ nghĩa giáo điều trước đây đôi khi vẫn để lại những ý kiến e ngại khi đánh giá chúng. Chính vì vậy, chúng tôi muốn nói rằng, chúng ta cần có nhìn khách quan và có hệ thống về các trào lưu trường phái trong văn học - nghệ thuật nói chung, về các trào lưu hiện đại chủ nghĩa nói riêng. Việc xác định đặc trưng, tên gọi của các trào lưu cần được thực hiện một cách thống nhất. Những người biên soạn sách lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật cần có sự hợp tác trong việc xây dựng một hệ thống thuật ngữ, khái niệm, lý thuyết và các trào lưu. Cần có sự nhất quán trong việc gọi tên các trào lưu, nếu có thay đổi thì cần lý giải rõ ràng, chứ không tùy tiện phát ngôn mỗi lúc một kiểu. Việc làm tùy tiện như thế sẽ có nguy cơ biến một lĩnh vực vô cùng nghiêm túc thành một trò chơi ngẫu hứng.

 Qua đây, chúng tôi muốn đưa ra ý kiến rằng, cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc thuật ngữ "hậu hiện đại". Cần có quan điểm lô-gích khi áp dụng nó cho các trào lưu văn học - nghệ thuật. Tránh nhầm lẫn hiện đại với hậu hiện đại. Không tự tiện thay đổi tên gọi của các trào lưu đã được định danh là "hiện đại chủ nghĩa" trong lịch sử văn học - nghệ thuật để vô cớ gọi chúng là "hậu hiện đại". Những điều nói trên có liên quan đến việc giới thiệu các lý thuyết văn nghệ ở Việt Nam. Về vấn đề này, chúng tôi khẩn thiết cảnh báo rằng, chúng ta cần có quan điểm khách quan, cẩn trọng khi tiếp thu các quan điểm và lý thuyết của nước ngoài. Nhiều cuốn sách giới thiệu lý thuyết chỉ làm một công việc nhắc lại mà không có khả năng tư duy lô-gích cùng với tinh thần phê phán để phân biệt những điều "vô nghĩa thời thượng" quá hiển nhiên trong những tuyên bố ồn ào về "hậu hiện đại". Thói quen tiếp nhận thiếu suy xét trong khoa học đang trở thành một sự cản trở đáng ngại cho sự phát triển lý luận, và thói quen này đang trở nên đáng ngại nhất trong vấn đề "tồn tại hay không tồn tại chủ nghĩa hậu hiện đại?"

 Cuối cùng xin nói rằng, sự lãng quên chủ nghĩa hiện đại, nhầm lẫn giữa hiện đại với hậu hiện đại sẽ có nguy cơ làm rối loạn hệ thống lý luận văn nghệ, rối loạn các giá trị đã được thiết lập của chủ nghĩa hiện đại, rối loạn các tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học đương đại, rối loạn các tiêu chí tiếp nhận văn học - nghệ thuật của người thưởng ngoạn. Vì thế, việc xác định chủ nghĩa hiện đại sẽ góp phần tái lập lại trật tự của các hệ thống kiến thức trong xã hội thông tin, tạo cơ sở để con người đi vào xã hội tri thức, một xã hội đề cao vai trò của tri thức, nhưng không phải là những tri thức nhằm mục đích thao túng và chi phối con người, mà chúng luôn phải là sản phẩm của con người và phục vụ con người. Ðó cũng là mục đích nhân văn của tự do sáng tạo trong khoa học.