Bình luận - Phê Phán

Hành trình từ chống phá đến ủng hộ Ðảng Cộng sản

Từ người chống cộng trở thành người nhiệt thành ủng hộ Ðảng Cộng sản, đó là con đường Luật sư Hoàng Duy Hùng ở Houston (Mỹ) đã trải qua hơn 30 năm. Nhân Ðại hội Ðảng XIII, ông gửi đến Báo Nhân Dân bài viết bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ và thay đổi trong tư tưởng, thế giới quan của bản thân mình.

Luật sư Hoàng Duy Hùng.
Luật sư Hoàng Duy Hùng.

 Trong đó có cả ước nguyện lần tới về nước sẽ thắp nén tâm nhang trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin lỗi Người, xin lỗi Ðảng và nhân dân Việt Nam, để được nói hai chữ "Bác Hồ" như mọi con dân nước Việt. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Cha mẹ tôi theo Công giáo, năm 1954 di cư từ Nghệ An vào miền nam, và cha tôi đi lính, làm sĩ quan "quân lực Việt Nam Cộng hòa". Ngay từ bé, người lớn đã dạy tôi "cộng sản vô thần, vô tổ quốc, vô gia đình" và tôi rất tin. Sinh ra trong bối cảnh đó, cho nên suy nghĩ chống cộng in vào tâm thức của tôi là bình thường. Năm 1975, 13 tuổi, vì không muốn sống chung với cộng sản, tôi ngày đêm đi bộ rời khỏi Buôn Ma Thuột đã giải phóng. Lớn lên ở Mỹ, tôi được đào tạo trong môi trường có nhiều người gốc Việt chống cộng cực đoan, truyền thông thì hằng ngày ra rả chống cộng, cho nên trong đầu óc tôi khi đó "cộng sản Việt Nam là gian ác, phản bội tổ quốc", rồi vì yêu nước mà tôi căm thù, chống cộng. Giờ tôi không suy nghĩ như vậy nữa, tôi đã hiểu và nhận ra không có "tam vô" nào cả, mà Ðảng Cộng sản Việt Nam rất tôn trọng tự do tôn giáo, coi gia đình là nền tảng xã hội, coi an nguy của Tổ quốc là quan trọng hàng đầu. Nhưng để có suy nghĩ như vậy, tôi đã trải qua quá trình chống cộng hơn 30 năm, đến một ngày tôi nhận ra nếu thành tâm yêu nước, cần phải ủng hộ đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðó mới chính là lương tri của người Việt Nam lương thiện.

Ngày 30-4-2020, tôi chính thức từ bỏ con đường chống cộng quay về với Tổ quốc. Ðó là kết quả không có được sau một sớm một chiều, mà là kết quả một quá trình tiệm tiến. Năm 1984, đang là sinh viên ngành Triết học ở Ðại học Houston (Texas), các đảng phái chống cộng đã tiếp cận lôi kéo tôi, trong đó có "mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" (tiền thân tổ chức hiện nay Việt Nam gọi là "tổ chức khủng bố Việt tân"). Sau hai năm tìm hiểu, ngày 6-1-1986, tôi đã tuyên thệ vào "mặt trận Việt Nam tự do" do "Ðại Việt cách mạng đảng" ("ÐVCMÐ") lãnh đạo. Năm 1990, tốt nghiệp đại học, tôi đã tình nguyện nhận chỉ thị về Việt Nam dưới danh nghĩa du lịch, thăm thân nhân để xây dựng tổ chức lật đổ Nhà nước Việt Nam.

Ðể có kinh phí, tôi bán cơ sở thương mại là tiệm rượu của tôi, sau khi trừ hết mọi chi phí, tôi lấy số tiền còn lại đem đi hoạt động. Sau này suy nghĩ lại tôi đã thấy mình quá dại khờ, mạo hiểm khi mang cả tài sản, tương lai, tính mạng của mình ra đánh cược. Trở lại Mỹ, tôi lại khám phá ra các đàn anh của tôi đang tìm cách triệt tiêu lẫn nhau, họ chống cộng không phải vì yêu nước mà chỉ vì tranh giành danh lợi, quyền lực. Nhiều sự kiện đã xảy ra, khiến tôi thấy rõ mặt thật của họ. Cuối cùng, tôi và một số anh đã đứng sang một bên không ủng hộ phe nào. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm chống cộng vì thời điểm năm 1990, tôi chưa nhận ra ý nghĩa, vai trò của Ðảng Cộng sản Việt Nam với dân tộc. Tôi tiếp tục vào Việt Nam dưới danh nghĩa du lịch, thăm thân nhân để hoạt động. Tháng 2-1992, tôi bị sa lưới, bị biệt giam hơn 15 tháng. Khi ấy, Việt Nam và Mỹ đang bàn việc tiến tới bãi vận và bang giao, một số tù nhân chính trị có quốc tịch Mỹ được trả về Mỹ, trong đó có tôi. Ðến lúc đó, do chưa nhận ra chính sách khoan hồng của Ðảng, Nhà nước Việt Nam nên tôi vẫn không cảm xúc, không biết ơn, mà càng quyết tâm chống cộng.

Năm 1996, vì tin theo lời tuyên truyền rằng "ÐVCMÐ" là "chính đảng" ra đời năm 1938 có ảnh hưởng lớn trên chính trường miền nam, chỉ có một "chính đảng" như vậy mới hy vọng đấu tranh thành công, cho nên tháng 12-1996 tôi tuyên thệ vào "ÐVCMÐ". Nhưng vào rồi tôi mới thấy mình sai lầm. Vì cái đảng tôi gia nhập vừa chỉ trích "Việt cộng" vừa nói xấu tổ chức khác, đảng viên thì kéo bè kéo phái tranh giành danh lợi. Trước tình cảnh đó, tôi đề nghị thành lập một tổ chức ngoại vi cho giới trẻ để không bị nhiễm thói hư, tật xấu của lớp đàn anh. Họ đồng ý, phong tôi là "ủy viên trung ương". Sau đó vì sự thẳng thắn của tôi trước các khuất tất, họ yêu cầu tôi nhận lỗi vì đã đi ra ngoài kỷ cương tổ chức. Tôi hiểu ngay vấn đề, tuyên bố ra khỏi "ÐVCMÐ". Tôi nghĩ đấu tranh là chống lại gian dối, tàn ác, mà thấy sự gian dối, tàn ác ngay trước mắt lại không lên tiếng thì không thể được. Năm 1999, tôi đã lên tiếng về cái chết của Hoàng Cơ Minh, vạch trần những trò bịp bợm, ma giáo của "Việt tân". Bởi vậy, sự căm thù của "Việt tân" đối với tôi vẫn còn dai dẳng tới hôm nay.

Các năm sau, từ việc tiếp xúc với một số nhân vật chống cộng, chứng kiến các hoạt động lường gạt, bịp bợm của họ; đặc biệt là những suy nghĩ sau lần về nước với ý định đặt bom rồi quyết định dừng lại, rồi thấy đất nước bắt đầu phát triển, tôi đã dần hiểu và có góc nhìn tích cực hơn về Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng chưa đủ tích cực để từ bỏ con đường chống cộng. Song tôi quyết định thay đổi sách lược, tuyên bố từ bỏ con đường bạo lực, vận động anh em theo con đường đối thoại, đóng góp xây dựng đất nước. Năm 2002, tôi viết quyển sách bằng tiếng Anh có tiêu đề "A Common Quest For Vietnam’s Future" (Tìm một hướng đi chung cho tương lai Việt Nam) với chủ trương muốn đối thoại, nâng cao dân trí thì phải tự nâng cao tri thức của mình trước, chấn hưng dân tình, trồng sâu dân dũng. Tuy nhiên, trong quyển sách này tôi vẫn còn nhiều điều tiêu cực về Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng càng lúc, tôi càng nhận ra các đảng phái chống cộng chẳng có lý tưởng như họ rêu rao, đa phần là xấu bẩn, vì danh lợi. Những người chống cộng tuyên truyền ngày này sang tháng khác "cộng sản hèn với giặc, ác với dân, bán biển đảo", lúc đầu tôi tin như thế, nhưng qua tìm hiểu thì tôi thấy hoàn toàn không phải vậy. Thời điểm đó, vì còn mê quan điểm đa đảng, tôi viết bài "Cách mạng trắng".

Sau những cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số nhà ngoại giao Việt Nam tại Mỹ, được nhìn vết sẹo từ thương tích chiến tranh thời họ còn là "Bộ đội Cụ Hồ" chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tôi ứa nước mắt song phải giấu đi. Tôi quý họ vô cùng, qua họ tôi nhận ra những người cộng sản thật sự dũng cảm, họ đã chiến đấu vì Mẹ Việt Nam. Từ họ, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về Ðảng Cộng sản, chính sách của Nhà nước với người Việt ở nước ngoài, trong đó có Nghị quyết 36. Nhờ họ, tôi hiểu Nghị quyết 36 không như những gì ở hải ngoại tuyên truyền, mà đó là tấm lòng của Ðảng, Nhà nước với người Việt Nam sống ở nước ngoài, hòa hợp dân tộc để xây dựng đất nước ngày một hùng cường. Cứ như vậy, qua tiếp xúc, tìm đọc, ôn lại lịch sử, tôi suy nghĩ rút ra nhận định của chính mình, không nhìn qua lăng kính của "các bác cờ vàng", vì lăng kính ấy chủ quan, xuyên tạc, không trung thực. Năm 2012, lúc còn là nghị viên TP Houston, tham dự một số cuộc hội thảo bàn về ưu điểm, khuyết điểm của đa đảng và đơn đảng, tôi nhận ra nhiều ưu điểm của đơn đảng ở Việt Nam, nhưng trong lòng chưa ngả hẳn theo đơn đảng. Ðến cuối năm 2018, sau khi làm chương trình với nhiều người để phân tích xem Việt Nam nên chọn đơn đảng hay đa đảng, tôi mới nhận ra rõ nét rằng đối với văn hóa, lịch sử, địa - chính trị, bối cảnh đặc biệt của Việt Nam thì thể chế đơn đảng là tốt nhất. Ðơn đảng thì đảng nào đây, đảng nào có bề dày lịch sử, đã có sự hy sinh, được lòng dân như Ðảng Cộng sản Việt Nam? Và trong lòng tôi quyết định đứng hẳn về Ðảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đợi đúng thời cơ để tuyên bố.

Ðể củng cố tư duy, nhận thức, cuối năm 2019 về Việt Nam với tư cách du lịch. Tôi đã chứng kiến sự phát triển vùn vụt của Việt Nam, tôi được người dân đón tiếp thương yêu, chấp nhận trở về. Tôi may mắn được gặp các nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Các ông thân tình đón tiếp, cung cấp thông tin chính xác về người cộng sản, dặn dò tôi phải dưỡng tâm một cách chân thành thì sự trở về mới có ý nghĩa. Tôi đã rơi nước mắt khi đứng dưới căn hầm mà các nhà báo ở Báo Nhân Dân làm việc dưới bom đạn Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Trở lại Mỹ, vì dịch Covid-19 tôi phải ở nhà, đến ngày 18-3-2020 tôi lập kênh youtube Góc nhìn Hoàng Duy Hùng.

Tôi muốn công khai hóa sự chọn lựa của mình, nhưng công khai hóa như thế nào, thời điểm nào là tốt nhất cũng làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi biết khi đang sống trong một cộng đồng còn chống cộng và xuất thân gia đình như thế, khi tôi công khai sẽ bị chống đối kịch liệt. Nhưng tôi đã quyết định, sáng 30-4-2020, tôi làm chương trình, chính thức treo lá cờ Tổ quốc, và chọn chỗ đứng của tôi là trở về với đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Tới ngày 29-10-2020 qua kênh youtube của mình, tôi chính thức tuyên bố từ bỏ "Cách mạng trắng", chỉ giữ lại yêu cầu "dưỡng tâm trong trắng". Và những gì tôi dự tính đã xảy ra, tôi đã phải hứng chịu bao cay đắng, nhưng tôi cũng nhận được không biết bao nhiêu sự đồng cảm, động viên, hỗ trợ, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Nhân Dân, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài,... giúp tôi có nghị lực đi trên con đường đã chọn. Tôi xin chân thành ghi ơn tất cả các cơ quan, đoàn thể, những người đã hỗ trợ ý nguyện trở về của tôi, đối với tôi đó chính là sự hòa hợp dân tộc
thực sự.

Việc tôi công khai chỗ đứng của mình, trở về với đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam chỉ diễn ra vài tháng trước khi Ðại hội XIII khai mạc. Hôm nay tôi viết bài này chúc mừng Ðại hội XIII thành công, chọn được những nhân sự lãnh đạo có TÂM có TẦM để lãnh đạo phát triển Việt Nam thành một quốc gia hùng cường. Vì bối cảnh xuất thân, lúc đầu tôi đã ngộ nhận về Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay tôi xin được mượn bài viết để chính thức xin lỗi Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin lỗi Ðảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Ước nguyện của tôi là lần tới về Việt Nam, tôi sẽ đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính thắp nén hương xin lỗi Người và khi được tha thứ, tôi mới dám gọi Người là "Bác Hồ" như mọi con dân Việt Nam. Tuổi tôi cũng bắt đầu xế chiều, nếu không còn giúp được gì cho đất nước, tôi sẽ dành thời gian hưu trí để hưởng cảnh thanh bình trên quê hương.

HOÀNG DUY HÙNG