Bình luận - phê phán

Du lịch và hoạt động khai thác di sản

Cho đến nay, câu hỏi ngành du lịch cần làm gì để bảo đảm tính văn hóa khi khai thác các di sản vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì thế, một số dự án khai thác di sản phục vụ du lịch gặp phải nhiều ý kiến phản biện, vì chưa có phương án thật sự hợp lý để vừa bảo tồn được di sản, vừa đem lại hiệu quả cho sự phát triển chung.

Du lịch và di sản có quan hệ tương tác, gắn bó hữu cơ. Nếu di sản là nguồn "vốn" góp phần làm phong phú, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và giá trị của sản phẩm du lịch thì ngược lại, du lịch góp phần quan trọng để quảng bá di sản, giúp duy trì giá trị của di sản, làm cho di sản trở thành "di sản sống". Về nguyên tắc, sự phát triển du lịch phải góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân và góp phần xây dựng ngân sách địa phương, một phần nguồn lợi thu được từ du lịch sẽ được sử dụng hỗ trợ công tác tu bổ, tôn tạo di sản. Tuy nhiên, trong khi cuộc sống của nhân dân ở làng cổ Phước Tứ (Thừa Thiên - Huế) vẫn diễn ra trong không gian cổ kính và yên bình, thì sự kiện năm 2013 gần 60 hộ dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) ký đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho thấy sự cần thiết của việc phải tìm ra giải pháp thỏa đáng để giải quyết quan hệ giữa du lịch và di sản. Bởi, một trong các vấn đề không thể xem nhẹ trong bảo tồn di sản là phải làm thế nào để di sản luôn sống trong cộng đồng, và đồng thời với bảo tồn là phải phát huy giá trị di sản.

Từ lịch sử sáng tạo của mình, cha ông trao lại cho chúng ta hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Gần 20 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh và khoảng 40 nghìn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, là tài sản vô giá mà ngành du lịch có thể khai thác để tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị. TS, KTS Lê Trọng Bình, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, hệ thống di sản là cơ sở hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, góp phần thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, đưa khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế quốc dân. Thực tế, du lịch Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bằng chứng là lượng khách du lịch hằng năm không ngừng gia tăng, kể cả khách nội địa và khách quốc tế. Hiện tại chưa có con số thống kê năm 2014, nhưng năm 2013, theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam là 7.572.352 lượt người, số khách du lịch nội địa là 35 triệu lượt người, tăng so với năm 2012 lần lượt là 724.674 lượt người và 2,5 triệu lượt người với tổng thu từ khách du lịch ước đạt 200.000 tỷ đồng (tăng so với năm 2012 là 40.000 tỷ đồng). Dù thế nào cũng cần khẳng định phát triển du lịch văn hóa là hướng đi đúng đắn nhưng thực tế nhiều sản phẩm du lịch đã và đang tác động xấu khiến di sản xuống cấp, thậm chí bị biến dạng. Vịnh Hạ Long là một trong các khu vực đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với cảnh quan kỳ vĩ, hệ sinh thái biển quý giá. Từ nhận thức đây là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu ở Việt Nam, các công ty lữ hành trong nước cố gắng khai thác tối đa tiềm năng du lịch của di sản này. Từ năm 1996 đến nay, lượng khách đến vịnh Hạ Long liên tục gia tăng, với tổng số 26,6 triệu lượt khách, trong đó có hơn 13,7 triệu lượt khách Việt Nam, 12,9 triệu lượt khách nước ngoài. Với số khách tham quan hằng năm khoảng 2,5 triệu lượt người, trong đó có 1,6 triệu lượt khách quốc tế, với hơn 500 tàu thuyền các loại vận chuyển hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, trong đó ngày cao điểm là hơn 20 nghìn lượt người đi thăm vịnh có thể thấy di sản này đang phải gồng mình trước sức nặng của con người, phương tiện và các cơ sở phục vụ du lịch, nên việc xuống cấp là không tránh khỏi. Ngoài ra, một sản phẩm du lịch sinh thái khác cũng được đưa vào khai thác từ năm 2009 là hoạt động chèo đò đưa khách tham quan vịnh. Được biết, hiện nay có bốn đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ này với tổng số 108 đò vận chuyển khách, trung bình mỗi tháng khoảng 20.000 lượt khách sử dụng. Đó là chưa kể hàng loạt hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, địa chỉ lưu trú,... Với lối khai thác triệt để như hiện nay, lượng khách du lịch sẽ tập trung quá lớn ở vùng lõi của di sản khiến vịnh Hạ Long có nguy cơ bị quá tải, kèm theo đó là mối lo ngại về ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị phá hủy, mất đi những giá trị tự nhiên vốn có. Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại vịnh Hạ Long đã đến mức báo động, khi trung bình hằng ngày lượng rác thải trên mặt biển càng tăng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái biển và quá trình bảo tồn di sản lâu dài.

Không chỉ vịnh Hạ Long, mà cố đô Huế, phố cổ Hội An cùng một số di sản khác cũng đứng trước nguy cơ xuống cấp, khi đi cùng với du lịch lại có một số hoạt động không góp phần bảo tồn, mà còn tác động xấu tới di sản. Mối lo di sản không giữ được giá trị là có lý, bởi chúng ta đã được chứng kiến hiện tượng một số di sản như bị biến dạng sau khi được đưa vào khai thác. Một hiện tượng khá phổ biến là, người làm du lịch không quan tâm đến thực tế ngay cả những tác động nhỏ như ánh sáng đèn, tiếng động cũng có thể ảnh hưởng tới quần thể sinh học, tới môi trường sống của các loài hoang dã, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khi ngành du lịch khai thác một số di sản văn hóa, nơi tổ chức và quản lý lại lồng ghép vào đó những giá trị thiếu tiêu biểu, thiếu đặc trưng để hấp dẫn du khách. Thật "lạ" khi du khách đến thăm một số di tích lịch sử văn hóa ở phía bắc lại nghe nhã nhạc cung đình Huế; trong khi đến một số di tích lịch sử văn hóa ở phía nam lại nghe hát ca trù, hay quan họ! Bên cạnh đó là sự tồn tại các hiện tượng rất đáng chê trách như quan họ xin tiền, nghe nhã nhạc xong thì phải "bo" cho người biểu diễn; chèo kéo, dậm dọa du khách nếu không mua, không vào ăn trong hàng quán; rồi tổ chức lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên như chỉ để làm hài lòng du khách mà bỏ qua một số quan niệm, tục lệ, tập quán truyền thống của các tộc người ở cao nguyên; liên hoan (festival) văn hóa không tập trung vào sản phẩm văn hóa, mà chỉ nhằm thu hút đông người tham gia,... dẫn đến sự hiểu lầm của du khách, khiến di sản không còn nguyên giá trị. Lại có hiện tượng, sự phát triển của du lịch ở một số địa phương ít quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy bản sắc như là yếu tố đặc thù tạo nên sức hấp dẫn riêng. Dấu hiệu cụ thể của tình trạng này là hàng thổ cẩm. Ngày nay, thổ cẩm - sản phẩm dệt tiêu biểu của các tộc người thiểu số ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, của đồng bào Chăm, đồng bào Khmer, xuất hiện la liệt tại các khu du lịch ven biển; ngược lại, đến các khu du lịch ở miền núi lại có thể gặp sản phẩm làm từ vỏ ốc biển và "cây" san hô! Hiện tượng này trước hết là do các cơ sở kinh doanh ở khu du lịch quá coi trọng bán hàng mà không quan tâm đó là hàng hóa gì, có hấp dẫn du khách hay không. Sở dĩ, một số di sản phải chịu tác động xấu sau khi đưa vào khai thác du lịch là do lối khai thác tận thu, ăn xổi, chụp giật, bằng mọi cách tìm kiếm lợi nhuận, vì lợi ích trước mắt mà chưa tìm hiểu (thậm chí như bỏ qua?) giá trị cốt lõi của di sản. Ở nhiều nơi, người làm công tác du lịch còn thiếu kiến thức cơ bản về di sản nên nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vẫn chỉ là khai thác, quá chú ý đến bề nổi, ít có giá trị bền vững hay hướng đến hoạt động bảo tồn. Đồng thời kiến thức về di sản cũng như ý thức bảo vệ di sản của du khách, của người dân địa phương - chủ thể chính của di sản, chưa được tuyên truyền, quán triệt thường xuyên, nhất là hành vi vi phạm chưa được xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe...

Sau sự kiện liên quan đến cư dân làng cổ Đường Lâm, UBND TP Hà Nội đã nhanh chóng triển khai đề án Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, việc cấp đất giãn cư, kế hoạch tổ chức giãn dân làng cổ Đường Lâm dự kiến chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kết thúc năm 2015, sử dụng diện tích 4,5 ha thực hiện giãn khoảng 150 hộ gia đình có nhu cầu bức thiết; giai đoạn 2, từ năm 2016 đến 2020 giãn các hộ còn lại (khoảng 470 hộ). Dư luận coi đề án này là khả thi, hy vọng sẽ giải quyết tận gốc vấn đề. Thiết nghĩ đây là việc làm hợp lý, hợp tình, vì dẫu thế nào thì nhân dân vẫn là chủ thể của di sản. Không thể hô hào nhân dân phải nâng cao nhận thức về giá trị di sản, khuyến khích bà con ủng hộ, hợp tác với cơ quan chức năng đưa di sản vào khai thác, để rồi ít quan tâm đến cuộc sống hằng ngày, đến quyền lợi thiết thực của người dân, chưa góp phần tạo ra công ăn việc làm cho cư dân ở nơi có di sản, chưa góp phần làm tăng ngân sách địa phương. Từ tình trạng khai thác du lịch còn thiếu kế hoạch, chưa lường trước một số tác động tiêu cực của kinh doanh du lịch, từ tình trạng thiếu văn hóa của một số du khách và một bộ phận dân cư ở nơi có di sản,... vấn đề đặt ra không phải là có nên đưa di sản vào khai thác du lịch hay không, mà cần quan tâm là làm thế nào để vừa khai thác được giá trị di sản để phát triển du lịch, vừa bảo đảm du lịch thật sự là hoạt động văn hóa có tác động tích cực tới đời sống kinh tế, văn hóa.

"Công nghiệp không khói" là một hệ thống phức hợp được cấu thành bởi nhiều thành phần, mà trước hết là sự hợp tác trực tiếp của chính quyền và nhân dân địa phương, của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm du lịch và quản lý di sản. Nếu ở phạm vi quốc gia, cần hoạch định một chiến lược phát triển du lịch văn hóa bền vững, phù hợp với đặc điểm riêng, xây dựng mối liên thông du lịch chặt chẽ giữa các vùng, miền, giữa các đơn vị kinh doanh du lịch,... thì với các địa phương có di sản có thể khai thác du lịch cần đánh giá đúng giá trị, ý nghĩa của di sản để xây dựng phương án triển khai hợp lý. Trong quá trình khai thác di sản, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động từ du lịch để điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Và hơn tất cả, dù hiệu quả kinh tế cao đến đâu vẫn cần thiết phải làm cho mỗi điểm du lịch di sản thật sự là tụ điểm văn hóa có thương hiệu, bản sắc riêng.