Đổi mới tư duy trong làm phim về đề tài lịch sử

Tác phẩm về đề tài lịch sử luôn có một vị trí quan trọng trong điện ảnh. Tuy nhiên tại Việt Nam những năm gần đây, số lượng phim về đề tài này lại khá thưa thớt, không những khó khăn trong cạnh tranh với các dòng phim về đề tài khác, mà khi ra rạp còn không thu hút được sự quan tâm của khán giả. Trong bối cảnh đó, hiện tượng "sốt vé" với phim truyện lịch sử "Truyền thuyết về Quán Tiên", mới phát hành cho thấy phim lịch sử vẫn có thể trở thành tác phẩm hấp dẫn công chúng nếu các nhà sản xuất đổi mới tư duy nghệ thuật, tránh những lối mòn...

Bộ phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều) được pha trộn nhiều thể loại khác nhau như tâm lý, hài hước, kinh dị. Câu chuyện về ba người con gái thanh niên xung phong sống trong rừng Trường Sơn được kể một cách hấp dẫn, hồi hộp nhưng không kém phần nhân văn, xúc động. Các nhà chuyên môn nhận xét đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ đã bắt nhịp được xu hướng phim ăn khách mà thế giới thường làm để khai thác câu chuyện có tính lịch sử, nhờ vậy phim có sức lôi cuốn với khán giả trẻ. Từ khi tung trailer (đoạn phim giới thiệu), bộ phim đã gây được sự chú ý. Đạo diễn cũng chủ ý mang đến những "cảm giác mạnh" cho công chúng bằng các cảnh quay thiên nhiên Việt Nam đẹp như mơ, thông qua những khuôn hình được chọn lọc, trau chuốt kỹ lưỡng. Phim cũng được chú trọng phần âm nhạc với mức đầu tư "khủng" lên tới 1,2 tỷ đồng. Sự đầu tư của nhà sản xuất đã nhận được kết quả xứng đáng bằng giải Âm nhạc xuất sắc nhất phim điện ảnh - Giải Cánh diều 2020. Cùng với đó, trước khi ra rạp, "Truyền thuyết về Quán Tiên" được trao Cánh diều Bạc trong Giải Cánh diều 2020.

Tuy nhiên có lẽ đây cũng là lúc để chúng ta nhìn lại tình trạng một số bộ phim lịch sử được sản xuất theo hình thức đặt hàng khi đến với khán giả bằng con đường bán vé, thường có số phận không mấy sáng sủa, thậm chí có phim không bán nổi một vé khi chiếu rạp. Bên cạnh những phim có nội dung tốt, được đánh giá cao thì cũng không ít phim không cầm cự nổi một tuần ngoài rạp vì không có khán giả mua vé tới xem nên buộc phải rút lui. Trong khi, "Truyền thuyết về Quán Tiên" khởi chiếu từ ngày 22-5 thì chỉ trong bốn ngày phát hành đầu tiên, doanh thu phòng vé đã đạt hơn 700 triệu đồng và nhiều ngày sau đó, phim vẫn "bám trụ" tại một số cụm rạp trong cả nước với các suất chiếu đều đặn.

Nhà sản xuất phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" chia sẻ, dù là phim được đặt hàng, nhưng ngay từ đầu đơn vị đã có chủ đích là làm một bộ phim hướng tới khán giả, hướng tới thị trường; bộ phim sẽ không chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà còn phải đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp. Và ê-kíp làm phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" đã chứng minh được điều này bằng giải thưởng Cánh diều Bạc, đồng thời tạo ra hiện tượng "sốt vé" ngoài rạp.

Thực tế, trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, phim chiến tranh và cách mạng từng chiếm một vị trí rất quan trọng. Từ giữa thế kỷ 20, những bộ phim như: "Nổi gió", "Chị Tư Hậu", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm",... là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975 và những năm cuối của thế kỷ 20, dòng phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng vẫn giữ được vị thế, với nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn trong người hâm mộ. Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây, phim điện ảnh đề tài lịch sử dường như có dấu hiệu chững lại. Trong quá trình hội nhập và sự phát triển kinh tế thị trường, điện ảnh trở thành ngành nghệ thuật phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Phim "bom tấn" của Mỹ, Hàn Quốc,... tràn vào, chiếm lĩnh phần lớn các giờ chiếu, suất chiếu tại nhiều cụm rạp. Các nhà làm phim trong nước (nhất là đơn vị sản xuất phim tư nhân) nhanh chóng chuyển hướng sản xuất các dòng phim giải trí, như một cách thức để kéo khán giả, và nhanh chóng thu hồi vốn. Rất ít đạo diễn, nhà sản xuất mạo hiểm đầu tư vào phim lịch sử. Do đó dòng phim này trở thành dòng phim chủ yếu được Nhà nước bảo trợ để phục vụ nhiệm vụ chính trị trong các dịp kỷ niệm hoặc ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên một số phim như "Sống cùng lịch sử", "Giải phóng Sài Gòn",... mặc dù được ghi nhận là có nhiều nỗ lực của nhà làm phim trong điều kiện còn khó khăn, kinh phí thấp, nhưng theo đánh giá chung vẫn đi theo lối mòn, mô-típ cũ. Phim còn nặng về minh họa và tái hiện lịch sử, chưa có sự dụng công, sáng tạo của người làm phim. Tư duy của các nhà làm phim dường như vẫn chưa vượt ra khỏi các sự kiện lịch sử để mang đến cho khán giả những thước phim không chỉ đúng, mà còn tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem và để lại dấu ấn sáng tạo cá nhân rõ nét của đạo diễn.

NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi nhận xét về tình trạng này đã thẳng thắn chỉ rõ: "Phim lịch sử của chúng ta còn bị rập khuôn, khô cứng. Chúng ta đang làm phim mang tính minh họa. Những gì đọc được, nghe được trong lịch sử lập tức đưa lên phim và lúc nào cũng chăm chăm phải làm sao để nhân vật ấy, cuộc chiến ấy giống hệt như đã... nghe kể. Phim lịch sử bao nhiêu năm nay vẫn không thể có được sự bứt phá. Các nhà làm phim Việt Nam đã quen đi theo một lối mòn dễ dãi, dựa dẫm vào những tài liệu đã có để lên kịch bản". Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khán giả của đa số bộ phim về đề tài lịch sử của Việt Nam chưa cao. Thậm chí, ngay cả một số phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng, mất vài năm để hoàn thành song kết cục chỉ để chiếu phục vụ một số lượng khán giả hạn chế xem trong các dịp lễ, Tết là chính, sau đó phim lại được cất vào kho, rất lãng phí. Và như thế, ra rạp và bán vé vẫn còn là giấc mơ xa xỉ với dòng phim về đề tài lịch sử.

Không thể phủ nhận rằng một bộ phim lịch sử có nhiều yếu tố đặc thù về nội dung, không dễ để so sánh với phim thị trường. Nhưng cũng không nên vì điều này mà ngụy biện cho cách làm thiếu sáng tạo của một số nhà sản xuất, đạo diễn phim lịch sử gần đây. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với điện ảnh thế giới, các đề tài về lịch sử chưa bao giờ lỗi thời, cũng không phải là rào cản để sản xuất một bộ phim hay. Phim lịch sử hoặc bất cứ dòng phim nào, nếu có sự đầu tư nghiêm túc ở mọi khâu, từ kịch bản, kinh phí đến máy móc, kỹ thuật, đặc biệt là yếu tố con người - đó là tài năng, sức sáng tạo cũng như bản lĩnh của nghệ sĩ chắc chắn sẽ hấp dẫn được đông đảo công chúng. Vì thế, các nhà làm phim cần luôn tìm tòi cái mới, cách thể hiện sáng tạo từ các sự kiện, câu chuyện lịch sử tưởng chừng đã cũ và ai cũng biết. Có như vậy phim mới đủ hấp dẫn khiến khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp thưởng thức.

Điện ảnh thế giới đã có nhiều bộ phim bất hủ về đề tài chiến tranh, lịch sử. Không hiếm bộ phim lịch sử được công chúng chờ đón ngay từ các cảnh quay đầu tiên và được ví như phim "bom tấn" bởi có doanh thu khổng lồ. Và cần phải khẳng định, một bộ phim chỉ thật sự có đời sống khi ra được các cụm rạp, đến được với đông đảo khán giả. Đã đến lúc các nhà làm phim Việt Nam cần thay đổi tư duy khi bắt tay vào sản xuất phim về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng. Ngay cả những phim được đầu tư về kinh phí, không chịu sức ép nhiều về việc bán vé ngoài rạp hay thu hồi vốn, nghệ sĩ vẫn phải đối xử với dòng phim này như bất kỳ phim chiếu rạp nào khác. Mục tiêu là bảo đảm chất lượng nội dung, nhưng cũng cần hướng đến thị trường, hướng đến khán giả, nhất là khán giả trẻ. Bởi xét cho cùng, khán giả trẻ chính là tương lai của thị trường điện ảnh, của nền điện ảnh. Với dòng phim lịch sử, việc tiếp cận được với khán giả trẻ mang đến nhiều lợi ích to lớn, không chỉ về doanh thu mà còn góp phần giáo dục, bổ sung kiến thức cho họ, thông qua nghệ thuật, giải trí. Muốn đạt được điều này, cần một sự thay đổi mạnh bạo từ phía các nhà làm phim. Làm sao để kể một câu chuyện trong quá khứ, liên quan đến chiến tranh lịch sử nhưng có thể lay động cảm xúc của khán giả đương thời. Công chúng chỉ sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem phim khi bộ phim đó hay và hấp dẫn, và nếu không sẽ bị khán giả quay lưng, nhất là các tiện ích của thời công nghệ 4.0 có thể đem lại vô số sản phẩm giải trí để họ lựa chọn.

Trở lại với "Truyền thuyết về Quán Tiên", có thể thấy thành công ban đầu của bộ phim đã mở ra một hướng đi mới để các đạo diễn có thể tư duy sâu sắc hơn về câu chuyện làm phim lịch sử thế nào cho ăn khách. Lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc luôn là chất liệu phong phú để các nhà làm phim sáng tạo. Và nếu chúng ta chưa có những bộ phim hay, xứng tầm thời đại thì "món nợ" của điện ảnh vẫn còn. Đáng mừng là trong đời sống điện ảnh các năm gần đây, đã xuất hiện một số gương mặt đạo diễn trẻ như Bùi Tuấn Dũng, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ... Họ thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, có tình yêu sâu sắc với lịch sử, họ nhận thức về công việc của mình như là trách nhiệm của người làm điện ảnh trẻ đối với lịch sử dân tộc. Lợi thế của họ là được học hành, đào tạo bài bản, được tiếp cận với công nghệ làm phim hiện đại, có tư duy đổi mới, táo bạo, và sự sáng tạo trong nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề, sự kiện lịch sử. Dù không trực tiếp tham gia hay trải qua chiến tranh, nhưng chính độ lùi của thời gian đã cho họ những điểm nhìn mới mẻ để tiếp cận lịch sử, để xây dựng bộ phim hấp dẫn khán giả. Điều này là yếu tố quan trọng để khán giả, nhất là khán giả trẻ, được tiếp cận nhiều hơn với tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử trong tương lai gần. Bởi vì khi người trẻ say mê với phim lịch sử nước nhà, chúng ta sẽ có các thế hệ yêu quý, am hiểu, trân trọng lịch sử đất nước. Đồng thời, để có thêm nhiều phim lịch sử hay, cần có vai trò của Nhà nước, nhất là ngành văn hóa cũng cần chủ động đặt hàng các đạo diễn làm phim về đề tài lịch sử, có thêm cơ chế "mở" nhằm khuyến khích người có tài năng, có tư duy mới, có ý tưởng sáng tạo mới. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng, chờ đợi được thưởng thức nhiều hơn các bộ phim lịch sử hấp dẫn, chiếm lĩnh được thị trường.