Dân chủ phụ thuộc vào lý tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền

NDO - Thời gian qua, với tần suất xuất hiện một cách bất thường trên in-tơ-nét, có thể nói "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập" đang là "món hàng thời thượng" mà một số người, với sự hỗ trợ của mấy cơ quan truyền thông như BBC, VOA, RFA,... đang đua nhau cổ súy dưới danh nghĩa "đóng góp ý kiến" với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bài Dân chủ phụ thuộc vào lý tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc gửi tới Báo Nhân Dân đề cập tới vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

Sau khi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam triển khai kế hoạch để nhân dân đóng góp ý kiến với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi rất phấn khởi. Ðây là sự kiện quan trọng để toàn dân Việt Nam đem trí tuệ, khả năng góp phần hoàn thiện Hiến pháp của nước nhà, và Hiến pháp sẽ có tác động tích cực hơn tới sự phát triển đất nước, bảo đảm các quyền lợi của nhân dân. Vậy mà nhân dịp này, một số người lại đưa ra ý kiến nhận xét rất thiếu khách quan, từ đó đòi "đa nguyên, đa đảng", cổ súy cho mô hình tổ chức xã hội xa lạ với thực tiễn Việt Nam. Tôi ngạc nhiên là một số người trong số đó lại trưởng thành từ trong môi trường XHCN, thậm chí có người mang danh "trí thức" nhưng trong khi phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp về các vấn đề xã hội... lại có cái nhìn phiến diện. Họ lập ra blog cá nhân, đăng tải thông tin không được kiểm chứng, kèm theo bình luận xuyên tạc sự thật, trả lời phỏng vấn trên một vài phương tiện truyền thông nước ngoài để khuếch trương ý kiến.

Có thể nói, mục tiêu hàng đầu mà các "nhà dân chủ", "người yêu nước", các tổ chức chống đối hoặc không thiện chí với Việt Nam, là cố gắng loại bỏ Ðiều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Họ rêu rao "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập" là "khuôn vàng, thước ngọc" Việt Nam phải làm theo. Họ coi "từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản, vì đó là then chốt của chế độ dân chủ". Nguy hiểm hơn loại quan điểm này lại khoác cái vỏ "vì dân chủ", "vì nước, vì dân"! Qua theo dõi, tôi thấy gần đây họ lại như đang thay đổi "chiến thuật", đó là kết hợp giữa chửi bới, thóa mạ, xuyên tạc, vu khống một cách vô văn hóa đối với Ðảng và Nhà nước Việt Nam như trước đây họ vẫn làm,  với lời khuyên "thực hiện đa đảng" thì dân chủ hơn!? Có người còn ỡm ờ đặt câu hỏi: mở cửa kinh tế từ hơn 25 năm trước đã đưa Việt Nam trở thành một "rồng nhỏ" ở châu Á, song do cơ chế chính trị không thích hợp đã khiến "con rồng" không thể bay lên, liệu cuộc thay đổi về chính trị lần này có thật sự tháo gỡ được bế tắc về cơ chế hay không!? Ðáng tiếc là một số ít người đã lầm tưởng và ngộ nhận về điều này, từ đó ngỡ rằng đất nước sẽ phát triển hơn nếu Việt Nam thực hiện đa đảng (!)

Tôi xin nói một điều chắc chắn rằng thực tế sẽ không phải như các "nhà dân chủ", các hội đoàn "chống cộng cực đoan" ở hải ngoại cổ súy, tô vẽ. Vì điều đó tất yếu sẽ dẫn đến kết cục không tránh khỏi là đất nước rơi vào mất ổn định, kinh tế đổ vỡ, để rồi nhân dân phải chịu mọi hậu quả. Nói cách khác, nhân dân chỉ là cái cớ  để họ tranh giành ảnh hưởng trong cái gọi là "đa đảng". Tôi còn nhớ bài học thực thi dân chủ sai nguyên tắc trong thời kỳ cải tổ ở Liên Xô trước đây. Quan điểm thực thi "dân chủ", "đa nguyên chính trị" để cải tổ chủ nghĩa xã hội lại tạo ra cơ hội cho các mưu đồ chống phá, dẫn đến làm tan rã, sụp đổ chế độ Xô viết. Ở đâu còn có phần tử bất mãn, cơ hội, vị kỷ, ngay cả đảng viên và người dân chưa hiểu biết thấu đáo, thì ở đó họ sẽ bị lợi dụng. Nếu không có biện pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả và kịp thời thì các mưu toan đó sẽ có sức phá hoại khôn lường.

Nhiều người biết rằng, nước Mỹ có nhiều đảng phái khác nhau, nhưng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là hai lực lượng chính trị chi phối. Thoạt nhìn thì giữa hai đảng có vẻ đối lập, mâu thuẫn, nhưng thực chất cả hai đều bỏ phiếu ủng hộ luật pháp bảo vệ các trùm tư bản và tập đoàn kinh tế, bất chấp hệ lụy có thể gây thiệt hại tới lợi ích nhân dân. Từ trước đến nay, hai đảng này luôn chiếm ưu thế ở mọi cấp độ chính quyền, luôn khống chế nền chính trị nước Mỹ. Mô hình mà một số người coi là "lý tưởng" của thể chế "đa nguyên, đa đảng" này trên thực tế là không vì nhân dân, mà thậm chí còn đi ngược lại quyền lợi nhân dân. Hệ thống lưỡng đảng đã bắt rễ sâu trong nền chính trị Mỹ, cho dù có đảng thứ ba xuất hiện trong bầu cử Tổng thống thì cũng chưa bao giờ họ giành được thắng lợi. Tuy đôi khi các đảng thiểu số cũng giành được một số chức vụ trong chính quyền cấp dưới, nhưng hầu như không có vai trò quan trọng trong nền chính trị Mỹ. Có rất ít sự khác nhau về tư tưởng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa; có chăng là ở chỗ, đảng Dân chủ có  quan tâm đến các vấn đề xã hội hơn. Còn lại, hai đảng này rất giống nhau về các quan điểm cơ bản như: tán thành chủ nghĩa tư bản và các thể chế của nó, ủng hộ chính sách toàn cầu của Mỹ, phủ nhận chủ nghĩa cộng sản ở trong và ngoài nước Mỹ. Ðáng chú ý là trong 435 thành viên Quốc hội Mỹ có hơn một trăm người là triệu phú, riêng tại Thượng viện Mỹ có 1/3 thượng nghị sĩ là triệu phú. Chính người Mỹ đã nói về thể chế chính trị ở nước Mỹ như sau: "lợi ích của các tập đoàn kinh tế đã và đang được ngụy trang phục vụ trong bối cảnh đa nguyên đa đảng. Các tập đoàn này dùng ảnh hưởng cá nhân để đạt được các quyền quy định trong Hiến pháp đáng lẽ phải dành cho dân. Bởi các đảng phái đều được tài trợ từ nhiều tập đoàn kinh tế", "Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ". Theo AFP ngày 3-7-2006, người Anh xem nước Mỹ như là "một xã hội đầy rẫy tội phạm, không lịch sự, được điều hành bởi đồng tiền"; 77% người Anh tin rằng nước Mỹ không phải nơi soi sáng hy vọng cho thế giới. Ðó là bối cảnh mà hệ thống hai đảng thống trị ở Mỹ đã tạo ra. Paul Mishler - Giáo sư trường Ðại học bang Indiana, cho thấy thực chất vấn đề: "mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học... đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra", chế độ đa đảng của nước Mỹ "thực chất chỉ là một đảng", là sự cầm quyền của đảng tư sản...

Cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng đa đảng với khuynh hướng một đảng đã phản ánh tính chất gay go, phức tạp của các xu hướng lựa chọn phát triển. Có "nhà dân chủ" cho rằng, thực hiện "đa đảng" sẽ có nhiều đảng cạnh tranh nên sẽ dân chủ hơn, tốt hơn là một đảng. Có đúng như vậy không? Câu trả lời dứt khoát là không! Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng, mà phụ thuộc vào lý tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền. Lý tưởng và bản chất ấy được đánh giá là tiến bộ, tiên tiến khi cùng với việc quan tâm tới lợi ích của giai cấp sinh ra mình, đảng cầm quyền còn quan tâm tới lợi ích của mọi giai cấp, tầng lớp khác. Và sẽ bị đánh giá là phản tiến bộ, lạc hậu khi đảng cầm quyền chỉ vun vén lợi ích của giai cấp mình, bất chấp lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác.

Chúng tôi nghĩ rằng, Việt Nam không thực hiện chế độ "đa đảng" không phải vì chúng ta bảo thủ hay mất dân chủ như những người tự nhận là "nhà dân chủ", "người yêu nước" vẫn rêu rao, mà đó là yêu cầu khách quan, vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển nền dân chủ, vì hạnh phúc của nhân dân. Ðảng và Nhà nước Việt Nam nhận rõ các vấn đề, hiện tượng tiêu cực trong xã hội như tham nhũng, lãng phí, thiếu dân chủ,... ở một số nơi và trong một số trường hợp, nên Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã tự giác xem xét lại chính mình, từ đó sửa chữa sai lầm để xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn. Ðổi mới hệ thống chính trị là một việc hệ trọng, tác động mạnh mẽ lên toàn xã hội, nên phải thực hiện thận trọng từng bước, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, bảo đảm đất nước phải luôn có hòa bình để ổn định và phát triển. Không thể vì khó khăn, phức tạp nào đó mà xuyên tạc bản chất chế độ dân chủ ở nước ta, rồi đòi thực hiện "đa đảng", đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Không ai có thể phủ nhận một sự thật là dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động, đồng thời cũng không thể phủ nhận được các thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, với sự nỗ lực của toàn dân, đất nước đã có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, có vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế... Vậy tại sao một số người lại không thừa nhận những thành tựu mà chính gia đình, bản thân họ đang được thụ hưởng? Chẳng lẽ họ coi tham vọng cá nhân lớn hơn thiện chí, coi nhân dân chỉ là "con bài" trong trò chơi chính trị của họ? Tôi nghĩ, làm như vậy là quay lưng lại với các nỗ lực, quyết tâm vượt qua thách thức của toàn dân Việt Nam trong một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Trong hiện tại và tương lai, không có một đảng chính trị nào có đủ uy tín, trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm thay thế Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước - đó là sự thật.