Chú trọng công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan báo chí

Trong bối cảnh hoạt động xuất bản báo chí đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực, không phù hợp với bản chất của báo chí cách mạng, việc phát huy vai trò, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan báo chí càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi đó là yếu tố then chốt quyết định và bảo đảm báo chí Việt Nam luôn luôn xứng đáng với vai trò là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng” như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) khẳng định.

Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh minh họa: VietnamPlus.
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh minh họa: VietnamPlus.

Kỳ 1: Nhận diện yếu kém, khuyết điểm

Những năm gần đây, nền báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng và sinh động cả về số lượng và chất lượng, chủ động bắt kịp xu thế phát triển của báo chí khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đáng tiếc lại xuất hiện một số hiện tượng như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người”...

Trong lịch sử ra đời, phát triển và đồng hành cùng đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận, trở thành kênh thông tin quan trọng phản ánh mọi vấn đề thời sự của đất nước; kịp thời phổ biến đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bạn đọc; chuyển tải tri thức tiến bộ, hữu ích và đưa các giá trị chân - thiện - mỹ đến với nhân dân; cổ vũ, biểu dương việc làm có ý nghĩa tích cực, lành mạnh với xã hội và con người; đấu tranh với luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; phê phán cái xấu và hiện tượng tiêu cực... Tuy nhiên gần đây, dư luận không khỏi lo ngại trước hiện tượng một số tờ báo, nhà báo yếu kém về nghiệp vụ, sa sút về đạo đức nghề nghiệp,... đã tổ chức, viết và đăng tải nhiều tin, bài chạy theo sự kiện giật gân, chỉ để đáp ứng thị hiếu thiếu lành mạnh của một bộ phận bạn đọc, đưa thông tin thiếu chọn lọc hoặc phiến diện, một chiều, làm tổn hại đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, ảnh hưởng quan hệ quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó còn là hiện tượng một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để mưu lợi cá nhân, thậm chí có hành vi tống tiền, trục lợi, liên kết "đánh hội đồng" một số doanh nghiệp. Chính từ cách tác nghiệp của những phóng viên này đã xuất hiện những tên gọi rất đáng hổ thẹn như "nhà báo đếm tầng", "nhà báo IS", "nhà báo phong bì"... Nguy hiểm hơn, theo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động báo chí do Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ðảng thực hiện gần đây thì đã xuất hiện tình trạng một số cơ quan báo chí có dấu hiệu đứng đằng sau các "phe nhóm", tiến hành những hoạt động có tính chất đấu đá, hạ bệ tổ chức, cá nhân, đưa thông tin không chính xác, làm nhiễu loạn xã hội, bị các thế lực thù địch lợi dụng; trong nội bộ tồn tại tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng tới tư tưởng của cán bộ, phóng viên trong tòa soạn, tạo hình ảnh xấu trước công luận...

Chính vì vậy, dù mới chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cũng đã đến lúc các cơ quan báo chí cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các bất cập, yếu kém trong hoạt động báo chí; cũng như cần phải khẳng định hàng loạt vụ việc liên quan sai phạm của báo chí thời gian qua đã tác động tiêu cực đến uy tín, vai trò của báo chí trong đời sống xã hội. Cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều tờ báo và thu hồi nhiều thẻ nhà báo nhưng dường như sai phạm trong hoạt động báo chí, sai phạm của một số cá nhân người làm báo (thậm chí có người đang nắm giữ vị trí quan trọng tại một số tòa soạn) vẫn tái diễn, không chỉ cho thấy sự lơ là trong thái độ trách nhiệm, mà mức độ vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Có thể thấy sự sa sút chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí qua số liệu về xử lý sai phạm do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong các năm qua. Cụ thể, năm 2016, xử lý vi phạm hành chính với gần 150 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo của 13 người có sai phạm và bị xử lý kỷ luật; đình bản tạm thời ba tháng đối với bốn trường hợp cơ quan báo chí có sai phạm. Năm 2017, xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp; thu hồi 12 thẻ nhà báo, một giấy phép hoạt động báo chí, một giấy phép chuyên trang báo điện tử; đình bản năm trường hợp. Năm 2018, xử lý vi phạm hành chính 46 lượt cơ quan báo chí; thu hồi thẻ nhà báo của bảy cá nhân sai phạm, bị kỷ luật; đình bản tạm thời một báo điện tử. Năm 2019, có 29 cơ quan báo chí bị xử phạt hành chính, trong đó 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử trong đó các sai phạm chủ yếu là đăng tải thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thu hồi thẻ nhà báo đối với ba trường hợp vì có sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Ðáng chú ý trong số người làm báo bị xử lý kỷ luật các năm qua có những người giữ những trọng trách trong các cơ quan báo chí.

Sai phạm trong hoạt động báo chí của một số cá nhân, tòa soạn báo và tạp chí đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của báo chí nói chung cũng như uy tín của đội ngũ người làm báo chân chính đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ đây đặt ra những cảnh báo có tính cấp bách về tình trạng sa sút đạo đức nghề nghiệp của một số người làm báo, cũng như một số lỗ hổng trong công tác quản lý, giáo dục ý thức chính trị, thực thi yêu cầu pháp luật, thực hiện kỷ luật nội bộ tại một số cơ quan báo chí. Và đó chính là nỗi lo không chỉ của cơ quan chức năng mà còn là mối quan tâm, nỗi lo lắng của toàn xã hội.

Trong những nguyên nhân đưa tới tình trạng nêu trên, cần khẳng định nguyên nhân cơ bản, đầu tiên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng trong một số cơ quan báo chí đôi khi bị buông lỏng, bị động, chưa được coi trọng đúng mức; vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, ý thức trách nhiệm, vai trò tiên phong, tính chiến đấu của người đứng đầu cơ quan báo chí và đội ngũ đảng viên chưa được đề cao. Một số người làm báo đã có biểu hiện sa sút, yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là ý thức chính trị. Vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị ở một số cơ sở đào tạo báo chí còn mang tính hình thức, thậm chí có tính đối phó, nội dung giảng dạy cứng nhắc, chưa gắn với thực tiễn, hiệu quả môn học chưa đạt yêu cầu, khiến cho sau khi ra trường, một bộ phận người được đào tạo về nghiệp vụ báo chí có thái độ xem nhẹ, coi thường yêu cầu về tư tưởng, chính trị. Ðồng thời, trong công tác tổ chức, quản lý về nhân sự tại một số cơ quan báo chí chưa thật sự chú trọng việc bồi dưỡng về ý thức và bản lĩnh chính trị, về ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, phóng viên. Cá biệt tại một số cơ quan báo chí, xuất hiện tình trạng rất thiếu lành mạnh trong tác nghiệp (như: định hướng phóng viên thực hiện tin bài giật gân câu khách, xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động của tòa soạn; gây sức ép hoặc khuyến khích phóng viên "làm kinh tế báo" bằng biện pháp tiêu cực; dung túng, làm ngơ, bỏ qua sai phạm của phóng viên...).

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay là kết quả trực tiếp từ sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó báo chí có sứ mạng vô cùng quan trọng, vì đó là "tiếng nói của Ðảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân", có tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của mọi người trong xã hội, góp phần hoàn thiện nhân cách, góp phần vào quá trình hình thành, xây dựng, củng cố tính tích cực xã hội từ đó định hướng cho hành động. Ngày nay, bối cảnh thế giới đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp, nảy sinh nhiều sự kiện, hiện tượng không chỉ xâm phạm mà còn đe dọa làm suy giảm tính nhân văn của sự phát triển, đồng thời với Việt Nam, các thế lực thù địch đang triệt để sử dụng báo chí, truyền thông âm mưu thực hiện "diễn biến hòa bình" với rất nhiều phương cách, mưu đồ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hơn lúc nào hết, những người làm báo cần tự trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực học hỏi, rèn giũa, sáng tạo trong chuyên môn nghiệp vụ,... mới có thể hoàn thành tốt sứ mạng mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy trao cho.

(Còn nữa)