Chú trọng chất lượng chuyên môn trong các sản phẩm âm nhạc

Trong khi các loại hình nghệ thuật khác ở Việt Nam đang phải đối mặt không ít khó khăn thì lĩnh vực âm nhạc lại có những chuyển biến mới với sự phát triển của thị trường cũng như sự nhanh nhạy của một số ca sĩ nổi tiếng. Thay vì đầu tư vào sự kiện âm nhạc lớn như trước đây, sản xuất video ca nhạc, phim ca nhạc được xem là hướng đi mới để thu hút khán giả và thu lợi nhuận từ quảng cáo. Tuy nhiên, chính lúc này lại đang xuất hiện nguy cơ coi nhẹ chất lượng chuyên môn, thậm chí sa vào dung tục, phản cảm từ một số sản phẩm âm nhạc.

Trong một vài năm trở lại đây, số lượng MV (music video - video ca nhạc) Việt Nam "chiếm sóng" các mạng xã hội như YouTube hay các trang âm nhạc trực tuyến đã không còn là điều hiếm gặp. Sau thành công của Phan Mạnh Quỳnh và nhóm 365 (365daband) với các video âm nhạc đầu tiên cán mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube, nhiều kỷ lục mới liên tục được thiết lập. Ngay cả một số ca sĩ mới nổi như Trịnh Trần Phương Tuấn (nghệ danh: Jack), Lê Tiến Anh (Hoa Vinh) cũng đã sở hữu kênh YouTube và nhiều video có số lượt xem "khủng". Vậy là so với việc tham gia sân khấu truyền thống hay các trò chơi âm nhạc trên truyền hình, việc kiếm tiền và sự nổi tiếng bằng cách sản xuất các MV có vẻ thuận lợi hơn nhiều. Có ca sĩ nổi lên chỉ bằng những MV nhạc chế hay hát lại các sáng tác nổi tiếng như trường hợp của Nguyễn Việt Anh (Vanh Leg), Nguyễn Sỹ Tuấn (Tuấn Cry), Hương Ly... Hy hữu hơn, một số ca sĩ tỏ ra không hề có trình độ thanh nhạc cơ bản, giọng hát yếu song sự dễ dãi của một bộ phận khán giả trên YouTube, Facebook đã tạo điều kiện và thời cơ cho những người này chen chân vào showbiz (giới giải trí).

Trái với các nghệ sĩ điện ảnh và một số loại hình nghệ thuật khác vẫn còn loay hoay thực hiện bài toán nhằm thu hút khán giả thì công thức của một số ca sĩ dường như đã được thiết lập thành công. Số tiền đầu tư làm MV càng nhiều cũng tỷ lệ thuận với độ "chiếm sóng" trên bảng xếp hạng của các website, ứng dụng chia sẻ video, nhạc trực tuyến. Chính vì nguyên nhân này, nhiều ca sĩ đã bỏ ra các khoản tiền rất lớn để sản xuất MV, thậm chí có khoản đầu tư còn lớn hơn cả đầu tư cho một số bộ phim chiếu rạp hiện nay. Những dự án MV được đầu tư tiền tỷ giờ đây không phải của hiếm trong giới showbiz. Tuy nhiên đây không phải là một sở thích nhất thời hay chiêu trò tạo scandal (xì-căng-đan) để thu hút sự chú ý của dư luận mà là xu hướng được tổ chức theo chiến lược bài bản, dài hơi, được chuẩn bị kỹ lưỡng với một đội ngũ, ê-kíp sản xuất hùng hậu. Thành công gần đây của các MV như Cung đàn vỡ đôi, Không thể cùng nhau suốt kiếp, Đau vậy đủ rồi... là minh chứng cho kết luận nêu trên. Trong đó, Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy khiến nhiều người nghe nhạc phải trầm trồ khi video có độ dài gần 9 phút này chẳng khác nào một phim tài liệu ngắn khi đã dày công phục dựng, tái hiện những khung cảnh, sự kiện lịch sử sống động, sát với các mô tả trong sách vở, ảnh chụp lưu trữ ở đầu thế kỷ 20. Theo Hòa Minzy, sự tỉ mỉ của đội ngũ sản xuất video đến từ từng chi tiết nhỏ nhất. Trong Không thể cùng nhau suốt kiếp, có đến hai nhóm khảo sát, thiết kế lại các bộ trang phục cổ của gia đình Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương. Thời gian hoàn thành những bộ xiêm y cầu kỳ này kéo dài nhiều tháng trước khi video được khởi quay tại chính kinh thành Huế. Nếu như trước đây, nhiều ca sĩ phải chấp nhận thua lỗ sau khi tổ chức các liveshow (buổi trình diễn trực tiếp), các nghệ sĩ hiện nay có thể yên tâm vào số tiền thu về từ quảng cáo trực tuyến cùng nhiều nhà tài trợ, các nhãn hàng, thương hiệu trong nước và quốc tế. Ngay cả các nghệ sĩ đến từ thể loại underground như Nguyễn Đức Cường (Đen Vâu) cũng phải thừa nhận trong sản phẩm âm nhạc của mình rằng: "Bài hát này đã chứa quảng cáo". Chỉ vài năm trước đây, khán giả còn thấy lạ lẫm khi có ca sĩ tổ chức họp báo công bố việc thực hiện MV ca nhạc ở một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì giờ đây, quá trình sản xuất của nhiều video ca nhạc Việt Nam như Hãy trao cho anh, Chạy ngay đi, Từ hôm nay... còn đặt mục tiêu đạt "tầm quốc tế" với sự tham gia, hợp tác của nhà phát hành, đạo diễn, nhà quay phim, biên đạo múa, vũ công, khách mời, nhóm sản xuất hậu kỳ đến từ các tên tuổi đình đám của khu vực châu Á và thế giới. Ngay sau khi ra mắt, một số MV còn được làm phụ đề các ngôn ngữ như: Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan... Qua đó có thể thấy, cùng với mục tiêu chinh phục khán giả trong nước, tham vọng hướng đến thị trường âm nhạc quốc tế của một số ca sĩ Việt Nam đang từng bước được khẳng định. Ở chiều ngược lại, phản ứng của nhiều khán giả quốc tế thông qua số lượt xem, bình luận, làm video cảm nghĩ (video reaction) cho thấy tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ Việt Nam đang có xu hướng ngày một lớn dần trên thế giới.

Mặc dù vậy, thành công từ số lượng người xem hay lợi nhuận không thể che giấu một thực tế là chất lượng của nhiều MV hiện nay chẳng khác nào "đầu voi đuôi chuột". Điểm mạnh về hình ảnh, cảnh quay, vũ đạo không thể che giấu các hạn chế, điểm yếu cốt tử của âm nhạc trong nước lâu nay. Đó là giọng hát của nhiều ca sĩ thiếu nội lực, ca khúc có chủ đề phản cảm, ca từ dung tục. Nội dung nhiều ca khúc gần như không liên quan, có phần đối lập với chính những thước phim bóng bẩy được trình chiếu. Nổi bật và gây nhiều bức xúc nhất hiện nay có lẽ là xu hướng làm MV lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa cổ truyền Việt Nam. Trong bối cảnh tinh thần yêu nước, tình đoàn kết dân tộc ngày càng lớn mạnh, các MV mang chủ đề này luôn có số lượng lượt xem và chia sẻ thuộc nhóm đầu. Thế nhưng, dường như một số đạo diễn, ca sĩ lại đang nhân danh truyền bá văn hóa, lịch sử để thực hiện những mục đích cho cá nhân. Tai tiếng nhất trong số đó có thể kể đến sê-ri Tự tâm, Màu nước mắt, Canh ba của Nguyễn Trần Trung Quân, Chân ái của Châu Đăng Khoa. Dù thu được thành công về lượt xem, các MV nêu trên bị chỉ trích là đã sao chép, "đạo", nhái nội dung, hình ảnh, ý tưởng của các tác giả nước ngoài.

Trong những năm qua, tại Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia gần gũi về văn hóa, xuất hiện trào lưu sáng tác mang âm hưởng dân gian, lấy cảm hứng từ các giai điệu cổ, tác phẩm âm nhạc, văn học truyền thống, các tác phẩm nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Xu hướng này đã để lại một số thành tựu nhất định. Một số nghệ sĩ trẻ bước đầu khẳng định được phong cách theo xu hướng đó như Lê Minh Sơn, Giáng Son và mới đây là sự kết hợp giữa Hồ Hoài Anh và Hoàng Thùy Linh. Tuy nhiên, với một số nhạc sĩ và ca sĩ, có lẽ đây chỉ đơn thuần là "chiêu trò làm màu" không hơn, không kém. Điển hình có thể kể tới trường hợp của Cung đàn vỡ đôi. Được lấy cảm hứng từ nhạc phẩm tân cổ nổi tiếng Tình anh bán chiếu do NSND, soạn giả Viễn Châu viết năm 1959 đặt tựa là Tân cổ giao duyên truyện với sự cố vấn của các nghệ sĩ cải lương Thanh Sơn và Trần Tú, Cung đàn vỡ đôi hóa ra chỉ là một ca khúc theo thể loại acoustic (nhạc nhẹ). Ca từ bài hát mang nội dung tối nghĩa, lặp ý, không hề liên quan thể loại cải lương. Tương tự, Không thể cùng nhau suốt kiếp tuy được đánh giá cao về hình ảnh, nhưng lời bài hát vẫn chêm vào một câu tiếng Anh vô thưởng, vô phạt: "I’ll never never forget you" (Em sẽ không bao giờ quên anh). Làn điệu cổ Hò Mái nhì hoàn toàn có thể cắt bỏ trong MV vì không hề ăn khớp với phần trình bày ca khúc của Hòa Minzy và Vương Quốc Tuân (Mr Siro)...

Chưa kể, dù đã bị dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông, báo chí lên án, nhưng khuynh hướng bạo lực vẫn tiếp tục được sử dụng như một công cụ câu view (lượt xem), câu like (lượt yêu thích) trong một số MV. Nghiêm trọng hơn, có MV còn trực tiếp hoặc gián tiếp quảng cáo cho trò chơi điện tử mang nội dung phản cảm, cờ bạc trực tuyến. MV của ca khúc So close (Kề bên) của Phương Ly và Binz quảng bá cho trò chơi bắn súng Free Fire. Thậm chí, một nhân vật vốn lùm xùm trên trang Facebook cá nhân và đang có dấu hiệu về một số hành vi vi phạm, người thường gọi là "giang hồ mạng" Huấn Hoa Hồng cũng đã có thời gian lấn sân thị trường giải trí với bộ phim âm nhạc Muôn kiếp là anh em. Nội dung bộ phim âm nhạc này nhằm quảng cáo cho ứng dụng trò chơi đánh bạc trực tuyến, đổi trả tiền thật có tên gọi là 789 Club.

Thu nhiều lợi nhuận và ổn định từ các kênh chia sẻ video như YouTube là lý do chính khiến nhiều ca sĩ giờ đây không còn mặn mà với các hình thức quảng bá sản phẩm truyền thống như: Tổ chức sự kiện, ra mắt album, hay đĩa đơn. Sự nhiệt tình "chịu chi" từ các nhà tài trợ lớn, các thương hiệu mới nổi cũng góp phần quan trọng giúp đời sống của nhiều nghệ sĩ ổn định, đầy đủ, cũng như tạo điều kiện và cơ hội cho họ sản xuất nhiều dự án âm nhạc lớn. Bên cạnh đó, khán giả cũng được hưởng lợi trực tiếp khi có thể thưởng thức những sản phẩm âm nhạc được đầu tư, trau chuốt ngay tại nhà, mà không phải bỏ ra một số tiền quá lớn như trước đây. Song sau các tín hiệu lạc quan đó, rõ ràng sự hiện diện của nhiều MV bị dư luận phê phán cũng cho thấy mặt trái của thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại. Nói cách khác, về cơ bản đó mới chỉ là thay đổi theo cung cách "bình mới rượu cũ", chưa thật sự có sự cải thiện và nâng cao đáng kể về mặt nội dung và chất lượng. Điều đó đang đưa tới ấn tượng rằng, thay vì phục vụ khán giả thưởng thức các nhạc phẩm bằng đôi tai của mình, khán thính giả lại đang được chủ yếu cho xem trình diễn. Nếu tình trạng này không sớm được điều chỉnh, tiếp tục kéo dài thì tương lai của thị trường âm nhạc Việt Nam có lẽ vẫn còn không ít vấn đề làm đau đầu giới phê bình, khán giả và dư luận.