Bảo đảm chất lượng đào tạo đại học

Chất lượng đào tạo của các trường đại học luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là các thí sinh và phụ huynh học sinh trước mỗi kỳ tuyển sinh hằng năm. Thời gian qua, dù với số lượng các trường đại học ngày càng tăng, số lượng sinh viên ngày càng nhiều, song chất lượng đào tạo tại một số cơ sở đào tạo vẫn còn không ít bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu hoặc được chú trọng đúng mức, tạo ra một số “giá trị ảo”, gây nhiễu loạn và ảnh hưởng tới nguồn nhân lực cho xã hội.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã kết thúc, công tác xét tuyển vào đại học (ĐH) cũng dần hoàn tất. Đã có những trường đầu tiên công bố thí sinh trúng tuyển, theo diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Hiện, mỗi mùa tuyển sinh ĐH đón thêm rất nhiều tân sinh viên với tốc độ tăng trưởng khá cao, nhất là ở hệ ngoài công lập. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD và ĐT) năm học 2016 - 2017, số sinh viên tuyển mới (không bao gồm các trường ĐH, học viện thuộc khối An ninh, Quốc phòng) là 418.991 người (348.832 công lập và 70.159 ngoài công lập). Đến năm học 2017 - 2018, số sinh viên tuyển mới là 43.156 người (352.982 công lập, 84.174 ngoài công lập). Như vậy so với năm trước, số sinh viên mới tuyển vào hệ ngoài công lập năm học 2017 - 2018 đã tăng lên 14.015 người.

Để giải quyết nhu cầu học ngày càng tăng của người học cần phải có thêm các trường ĐH. Tuy nhiên, không phải hễ có nhiều sinh viên là trường học ĐH được phép ồ ạt mọc lên. Bởi việc thành lập một trường ĐH phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Chưa kể, quan trọng nhất đối với các cơ sở giáo dục là phải cân đối giữa khả năng đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, để không làm giảm chất lượng đào tạo. Thực tế, chất lượng đào tạo ĐH tại Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề cần chấn chỉnh giải quyết. Cụ thể, theo kết quả đánh giá đối với 122 trường ĐH, học viện do bốn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD và ĐT cấp phép tiến hành từ tháng 1-2016 tới 31-5-2018 (dựa trên 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí) thì chỉ có 117 trường đạt chuẩn, 5 trường không đạt. Đáng lo ngại là mặc dù số lượng trường không đạt chỉ có 5, nhưng ngay cả những trường đạt chuẩn lại có nhiều trường số lượng tiêu chí đạt chuẩn còn thấp. Cụ thể trong tổng số 61 tiêu chí, chỉ có 9 tiêu chí được 100% trường đạt, 52 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất một trường chưa đạt. Đặc biệt, chỉ một trường có số lượng tiêu chí đạt cao nhất là 56/61. Kết quả cũng chỉ ra có 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí trở lên (chiếm 83,76% tổng số trường); 25 cơ sở (chiếm 21,36%) đạt 49 tiêu chí - con số tối thiểu để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Với tình trạng hầu hết các trường đều đạt chuẩn nhưng số tiêu chí đạt chuẩn không đồng đều cho thấy một toàn cảnh có sự chênh lệch trong chất lượng đào tạo giữa các trường ĐH. Chưa kể, hiện tại Việt Nam vẫn chưa có trường ĐH nào có mặt trong top 500 trường hàng đầu thế giới theo tiêu chí của các bảng xếp hạng uy tín như: QS World University Rankings (Bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds, Anh), Times Higher Education World University Rankings (THE - cuộc bình chọn xếp hạng các trường cao đẳng và đại học trên toàn thế giới do tạp chí Times Higher Education của Liên hiệp Anh tiến hành), hay Academic Ranking of World Universities (ARWU - bảng xếp hạng đánh giá chất lượng của các trường ĐH mang tính toàn cầu do tổ chức ShanghaiRanking Consultancy quản lý)…

Bên cạnh đó, sự nở rộ, tăng nhanh số lượng trường ĐH trong khi năng lực đào tạo chưa bảo đảm dẫn đến hệ lụy tại không ít trường là không chỉ công tác tuyển sinh trở nên dễ dãi mà việc tuyển chọn giảng viên phù hợp quy mô đào tạo cũng bị lơi lỏng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên, và một số cơ sở đào tạo ĐH lâm vào tình trạng giảng viên chưa đạt chuẩn. Thực tế cho thấy có một số nhóm ngành tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên còn quá cao, có chương trình lên đến 50, 60 sinh viên/giảng viên; trung bình số giảng viên chưa đạt chuẩn chiếm khoảng 16%, khiến chương trình giảng dạy tại một số cơ sở đào tạo chưa bảo đảm chất lượng. Chưa kể, tại nhiều trường ĐH các điều kiện cơ sở vật chất cũng không đáp ứng được yêu cầu của học viên, cũng như chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của ngành giáo dục - đào tạo. Thậm chí, nhằm giải quyết nhu cầu phòng học trước mắt cho học sinh, có cơ sở đào tạo còn thuê lại mặt bằng của đơn vị khác để cải tạo thành khu giảng đường dẫn đến tình trạng dạy và học khá tạm bợ, nhiều bất cập và hệ lụy khó lường.

Dù rằng, sự phát triển khá mạnh mẽ của hệ thống đào tạo ĐH ngoài công lập đã tạo thêm cơ hội cho nhiều người học. Tuy nhiên bên cạnh những đóng góp tích cực, không ít trường trong số này cũng khiến dư luận không khỏi nghi ngại về chất lượng đào tạo. Việc một số trường nhanh chóng ra đời, tuyển sinh ồ ạt cho đủ chỉ tiêu, và để có đủ nguồn tài chính cho các khoản chi thường xuyên khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tình trạng “tháo khoán đầu vào”. Cá biệt có trường ĐH sau một thời gian hoạt động, vẫn chưa có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng theo đề án thành lập trường. Tình trạng này cũng đồng nghĩa với việc năng lực đào tạo thực tế của một số trường chưa đáp ứng các điều kiện đạt chuẩn, thậm chí góp phần tạo ra các giá trị chất lượng đào tạo ảo. Hệ quả là chất lượng sinh viên không cao, sinh viên phải học lại nhiều lần, nhiều môn học, nợ điểm môn học... Chưa kể tình trạng đầu vào ĐH cũng đang có những vấn đề. Thực tế cho thấy, nếu trước đây trong 100 học sinh tốt nghiệp THPT chỉ tuyển chọn được 25 - 30 em có học lực khá, giỏi vào ĐH, thì nay lên tới 70 - 80 em. Đáng nói, khoảng một nửa trong số này có học lực trung bình hoặc dưới trung bình. Điển hình như một trường sư phạm tuyển sinh đầu vào chỉ chưa đến 10 điểm 3 môn thì nỗi lo lắng, băn khoăn về việc giảng dạy trên lớp sau này của các em là hoàn toàn có cơ sở.

Trên thực tế, với một số sinh viên ĐH hiện nay, việc học tại một trường ĐH chỉ nhằm mục đích có một tấm bằng sau khi ra trường, mà không chú trọng đến khả năng, sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai. Chính từ đây đã tạo ra các “giá trị ảo”, mà bằng chứng là có nhiều cử nhân sau khi cầm tấm bằng đại học tỏ ra ảo tưởng về năng lực của bản thân, nhưng lại không thể sử dụng để hành nghề trong thực tế. Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã thất nghiệp vì kỹ năng làm việc cơ bản không có, như: người tốt nghiệp chuyên ngành kế toán nhưng lại không sử dụng thành thạo các kỹ năng cơ bản của Excel, hoặc có sinh viên chuyên ngành hành chính nhân sự nhưng lại không thao tác thành thạo với Word… Khi đó, tấm bằng ĐH chỉ còn như “một tờ giấy kém giá trị”, vì trong quá trình đào tạo chủ nhân của tấm bằng chưa được trang bị các kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất cho công việc. Chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội vì thế cũng bị ảnh hưởng. Con số 72 nghìn sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường mỗi năm là một minh chứng khá rõ ràng cho điều này. Thực tế, giá trị của “chiếc vé” vào ĐH mới chỉ là cơ hội để tiếp cận khả năng tạo việc làm sau khi ra trường, sự trưởng thành toàn diện của mỗi người về nhận thức, khả năng thu nạp kiến thức chuyên môn, trải nghiệm thực tế, cũng như các kỹ năng mềm khác. Nếu mỗi sinh viên sau quá trình học không đạt được các yêu cầu này, đồng nghĩa với việc không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước đang là mục tiêu của nhiều trường ĐH trên cả nước. Theo GS Bành Tiến Long - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD và ĐT, tính tự chủ là chìa khóa giúp cho việc chuyển đổi hệ thống giáo dục ĐH hiệu quả hơn, để có được những thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo. Tự chủ song cũng phải đồng nghĩa với việc tuyển sinh phải bảo đảm cân đối với khả năng đào tạo, điều kiện giảng viên cũng như mọi cơ sở vật chất. Trong đó, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên ĐH là một trong những việc quan trọng hàng đầu. Cần tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến tới dạy ĐH là phải có bằng tiến sĩ. Ngoài trình độ chuyên môn, giảng viên còn cần có năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học. Đồng thời, việc thường xuyên sàng lọc, đánh giá sinh viên cũng là việc làm cần thiết, kết hợp kiểm tra, đánh giá minh bạch năng lực sinh viên trong suốt quá trình học; kiên quyết cho thôi học các sinh viên kém (thiếu) khả năng học tập để bảo đảm chất lượng đầu ra. Các trường cũng cần tạo sự gắn kết giữa đào tạo (đầu vào) và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động (đầu ra), cần coi đây là một trong những yêu cầu bắt buộc nếu muốn giảm thiểu lượng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, qua đó góp phần cung cấp nguồn nhân lực đúng hướng và có chất lượng cao cho xã hội. Để giải được bài toán nâng cao chất lượng giáo dục ĐH rất cần những biện pháp, kế hoạch tổng thể và lâu dài từ phía các cơ quan chức năng và các cơ sở đào tạo. Và, nếu vấn đề chất lượng giảng viên ĐH là một mặt của vấn đề, thì mặt còn lại chính là việc mỗi người học cũng cần xác định cụ thể, rõ ràng về năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế,... để chọn trường ĐH thật sự là nơi bắt đầu sự nghiệp trong tương lai, lấy đó làm động lực để tự giác trang bị cho bản thân trình độ chuyên môn và các kỹ năng cơ bản, thái độ học tập nghiêm túc để việc học tập trong trường ĐH trở thành quá trình tìm đến với những giá trị thiết thực, tích cực, giúp ích cho bản thân và cộng đồng.