Về thủ đoạn trích dẫn cắt xén, xuyên tạc văn bản

NDO - Trong nghiên cứu khoa học, viết báo và nhiều hoạt động văn hóa - xã hội khác, trích dẫn ý kiến của một cá nhân, trích dẫn từ sách vở, văn bản,... là thao tác nhằm làm sáng tỏ vấn đề, giúp hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, có một số tác giả khi trích dẫn, lại sử dụng thủ đoạn cắt xén để xuyên tạc, làm méo mó nội dung, gây ngộ nhận cho người đọc,... Hiện tượng này cần phải phê phán nghiêm khắc.  

Cách đây vài năm, bàn về vấn đề "phê bình văn học cần có tính dân chủ cao", một tác giả dẫn lời Bác Hồ: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Ðối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Ðó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý". Ðoạn trích trên dễ làm người đọc am hiểu về sự chặt chẽ, tính logic trong các vấn đề lý luận - thực tiễn mà Bác Hồ đặt ra, sẽ chưa tin cậy, vì điều Bác Hồ nói không đi kèm với việc xác định thế nào là "chân lý". Ðúng vậy, ngay sau đó có người chứng minh tác giả trên trích dẫn cắt xén, và đồng thời đưa ra dẫn chứng việc cần hiểu "chân lý" trong nội dung này như thế nào đã được Bác Hồ chỉ ra rất cụ thể: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Ðối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Ðó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.216).

Qua các thí dụ trên có thể thấy, hiện tượng viết và nói xưng xưng, trích dẫn ý kiến, văn bản bằng thủ pháp cắt xén, mà một số tác giả sử dụng không chỉ tác động tiêu cực, làm người đọc hiểu sai vấn đề, mà còn cho thấy mục đích không trong sáng của người trích dẫn. Ðặc biệt, có thể nhận diện hiện tượng này qua việc một số người đã trích dẫn cắt xén từ Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 (Hiến pháp), Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc (Tuyên ngôn), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (Công ước) để phê phán Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Thí dụ:

- Dẫn lại Ðiều 69 từ Hiến pháp, người ta cắt xén và chỉ đề cập tới nội dung: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình", trong khi nguyên văn Ðiều 69 của Hiến pháp là: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

- Sử dụng Tuyên ngôn để biện hộ cho vấn đề "tự do ngôn luận", người ta chỉ dẫn lại nội dung Ðiều 19 Tuyên ngôn: "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có biên giới". Dẫn như vậy dễ gây ngộ nhận rằng "tự do ngôn luận" là bất khả xâm phạm, nhưng trên thực tế, họ đã tảng lờ khoản 2 Ðiều 29 của Tuyên ngôn đưa ra chế định rất cụ thể: "Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ".

- Dẫn lại Ðiều 18 Công ước đề cập tới tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, họ chỉ sử dụng nội dung "1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo" mà tảng lờ khoản 3 Ðiều 18 viết: "Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền và tự do cơ bản của người khác". Với Ðiều 19 của Công ước cũng vậy, người ta chỉ dẫn lại nội dung khoản 2: "Mọi người có quyền tự do ngôn luận...", mà tảng lờ việc Ðiều 19 của Công ước có kèm theo yêu cầu rất cụ thể: "Việc thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 của Ðiều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng"...

Rõ ràng, qua việc cắt xén các trích dẫn, người ta đã làm méo mó một ý kiến, một văn bản như thế nào. Cần nhận thức rằng, một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên bảo đảm thái độ khách quan, tính hiệu quả, khả năng thuyết phục, ý nghĩa xã hội rộng rãi của nghiên cứu khoa học, viết báo,... là tinh thần lương thiện trí thức. Thiếu sự dẫn dắt của tinh thần lương thiện trí thức, hành vi nghề nghiệp dễ bị cuốn theo mục đích thiếu trong sáng, và dẫn tới những thủ đoạn thiếu lương thiện. Sự nghiêm túc trong hoạt động tinh thần thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có sự chính xác, trung thực trong việc trích dẫn. Việc trích dẫn cắt xén nhằm xuyên tạc ý nghĩa của văn bản, tài liệu, xét đến cùng là có nguồn gốc từ mưu đồ cá nhân không lành mạnh, đó là việc làm cần được cảnh báo, vạch mặt chỉ tên.