Cẩn trọng trong việc truyền bá tri thức 

NDO - Cách đây không lâu, người xem truyền hình đã rất ngạc nhiên khi thấy biên tập viên một đài truyền hình nói rằng, Trần Hưng Ðạo là một trong "tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian (!) Những tưởng vấn đề sẽ được rút kinh nghiệm thì mới đây, một tác giả khác tiếp tục lặp lại sai sót này trên một phương tiện truyền thông. Từ đó nhìn rộng ra, việc một số tác giả đưa ra tri thức thiếu chính xác không phải là cá biệt, và đây là hiện tượng phải lưu ý, vì có thể làm sai lệch hiểu biết của người đọc...

 Tháng 8-2013, câu chuyện người thân và chính quyền huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đưa cha con ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) sau hơn 40 năm sống biệt lập trong rừng sâu trở về tái hòa nhập cộng đồng đã trở thành một trong các tâm điểm chú ý của báo chí và dư luận. Dù rất chia sẻ với quan điểm nhân văn của một tác giả cho rằng việc đưa cha con ông Hồ Văn Thanh về với cộng đồng là "không thể làm khác", thì vẫn khó có thể đồng tình với lý giải của ông. Ðó là, trả lời câu hỏi: "Gần đây dư luận đang xôn xao về vụ việc "người rừng" trở về, dưới góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư nhận định như thế nào về trường hợp này?", ông nói: "Hiện tượng một người đang sống trong thế giới bình thường rồi vì một lý do nào đó mà bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài luôn là những trường hợp cá biệt, nhưng đây đó trong lịch sử nhân loại không phải là không có. Những trường hợp kinh điển mà mọi người đều biết có thể kể đến là trường hợp cậu bé Tarzan hoặc Robinson Crusoe"! Thật là một nhầm lẫn đáng tiếc. Vì nếu có thể coi là "kinh điển" thì Tarzan và Robinson Crusoe có ý nghĩa kinh điển trong nghệ thuật (với Tarzan trong điện ảnh, với Robinson Crusoe trong văn học). Là sản phẩm từ hư cấu nghệ thuật, trong phạm vi nhất định, Tarzan và Robinson Crusoe có thể mang ý nghĩa như "biểu tượng", song không thể coi đây là những câu chuyện có thực, rồi lấy đó làm tiêu chí để so sánh và định tính hành động của con người trong cuộc sống thực.

 Trên một số phương tiện truyền thông, đôi khi vẫn bắt gặp một số sai sót tri thức, và nếu không kịp thời điều chỉnh, sẽ ít nhiều dẫn tới tình trạng ngộ nhận đối với bạn đọc. Bởi, nếu công chúng cũng mặc nhiên coi điều được đề cập trên báo là chính xác, thì sẽ nói sao đây khi có nhà báo cho rằng "Tây du ký là bản trường ca dài nhất của đạo Phật"; hay gần đây trong một bài báo có thầy giáo nói rằng: "Tôi ngẫm thấy Nguyễn Trãi viết rất đúng: "Giặc tan muôn thuở thái bình; Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao"...", thật ra đó là hai câu kết bài Bạch Ðằng giang phú của Trương Hán Siêu! Vài năm trước, trên báo Tết, đề cập tới Phật mẫu Man nương, một nhà nghiên cứu văn hóa kể rằng, cao tăng Khâu Ðà La đến tá túc ở nhà bà và một sự kiện hệ trọng đã xảy ra, trong khi truyền thuyết lại kể sự kiện ấy xảy ra khi bà tới học đạo ở chùa Linh Quang (thuộc Tiên Du - Bắc Ninh ngày nay). Cũng nhà nghiên cứu văn hóa này, trong một bài khác, sau khi phân tích về quan hệ giữa toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc, ông viết: "Trong hơn thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có những tiếp biến văn hóa Tây - Ðông thành công trong khung cảnh toàn cầu hóa. Múa rối nước của ta, nghệ thuật dân gian hầu như bị lãng quên, đã sống lại và đi vòng quanh thế giới..." và phải khẳng định tác giả đã có sự nhầm lẫn giữa giao lưu văn hóa với tiếp biến văn hóa. Tiếp biến văn hóa là quá trình tiếp nhận - biến đổi các giá trị văn hóa trong quan hệ văn hóa giữa các cộng đồng, đó là một (các) quá trình thường diễn ra lâu dài, có khi vài ba năm, nhưng có khi lại tới hàng trăm năm. Không nắm bắt được đặc điểm này, sẽ không lý giải được tại sao chỉ sau thời gian ngắn, Valentine’s Day trở nên phổ biến trong giới trẻ ở Việt Nam, trong khi phải hàng trăm năm sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, bộ quần áo gọi là complet mới có khả năng thay thế khăn xếp, áo the trở thành lễ phục của người Việt. Tuy nhiên, sự thú vị cũng vừa là sự phức tạp ở đây là tiếp biến văn hóa phải bắt đầu từ tiếp xúc - giao lưu, nhưng không phải có tiếp xúc - giao lưu là tiếp biến văn hóa sẽ diễn ra, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là chủ thể tiếp nhận. Biểu diễn múa rối, tuồng, chèo và nghệ thuật dân gian của Việt Nam ở nước ngoài là giao lưu, quảng bá văn hóa chứ không phải là tiếp biến văn hóa. Viết như vậy, vừa cho thấy tác giả hiểu sai một khái niệm, vừa làm ảnh hưởng tới tính chuẩn xác của khái niệm khi truyền bá trong sinh hoạt xã hội.

 Và hẳn nhiều người chưa quên sự kiện xảy ra mấy năm trước, một tờ báo đã làm dư luận xôn xao khi công bố "những phát hiện lịch sử chấn động" của một tác giả. Bài báo có đoạn: Triệu Ðà chưa từng xâm lược Việt Nam nên thời đại An Dương Vương chỉ là hư cấu lịch sử; triều đại Hùng Vương kéo dài tới năm 43 sau công nguyên, triều đại này rất phát triển, có chữ viết riêng, có luật pháp riêng, sự nghiệp của Hai Bà Trưng là vương triều cuối cùng của triều đại Hùng Vương, không phải là một cuộc khởi nghĩa! Ðáng tiếc, hình như không khảo sát và đánh giá nghiêm cẩn, một số người lại làm nhiễu dư luận bằng cách tán dương tác giả trên "đưa ra một loạt những kết luận với các "chứng cứ không thể phản bác...", "chứng cứ đanh thép...". Với các khám phá của ông, chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước", rồi "bổ nhát cuốc đầu tiên để khai phá rồi ươm trồng những hạt giống nhận thức mới về lịch sử... đã buộc tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử nước ta và cả những ai quan tâm đến lịch sử phải có một thay đổi thật sự trong cách tiếp cận, cách hiểu và diễn giải lịch sử"! Ðến nay, "phát hiện" kia không còn chút dư âm trong sinh hoạt tri thức của xã hội, đã được chứng minh là kết quả của quá trình nghiên cứu sai lầm về phương pháp, hời hợt, khảo chứng theo lối tư biện, chủ quan, cực đoan,... Và dù sự kiện đã lui vào dĩ vãng thì vẫn cần nhắc lại, vì tình trạng sai sót về tri thức trên hệ thống truyền thông xem chừng chưa suy giảm, thí dụ điển hình là gần đây, trước con mắt của hàng triệu người, tác giả A đã thản nhiên khẳng định: Trần Hưng Ðạo là một trong "tứ bất tử" của văn hóa Việt Nam truyền thống (!). Trong khi sự cố chưa được đính chính, thì trên Facebook diễn ra một cuộc tranh luận nhỏ, với sự tham gia của một số nhà báo chuyên về văn hóa. Ðọc các dòng do mấy nhà báo bảo vệ quan điểm "Trần Hưng Ðạo là một trong "tứ bất tử" của văn hóa Việt Nam truyền thống" mà lại e ngại. Thí dụ, một người viết: "Chử Ðồng Tử là tướng của Trần Hưng Ðạo, ông cùng Trần Hưng Ðạo là người thực chứ không phải hư cấu, có chăng hư cấu dừng lại ở góc gặp Tiên Dung", còn người khác quả quyết: "Tứ bất tử là của dân gian (dã sử), còn tứ bất tử của cụ A là tứ bất tử của chính sử, nhầm là nhầm thế nào"! Từ đây, không khó để đặt câu hỏi: khi một nhà báo có thể biến Chử Ðồng Tử - nhân vật truyền thuyết tương truyền ở thời Hùng Vương, thành một người cụ thể sống cùng thời với Trần Hưng Ðạo; hay khi một nhà báo có thể bịa ra khái niệm "tứ bất tử của dân gian" và "tứ bất tử của chính sử",... thì liệu có thể đặt niềm tin vào điều họ đã và sẽ viết, chí ít cũng ở sự nghiêm cẩn khi tra cứu tài liệu để xác minh một nghi vấn đang được đặt ra!?

 Hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, và khi vì lý do nào đó mà sai sót xảy ra thì cố gắng rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả, đó là mục đích lành mạnh của con người trong sinh tồn xã hội. Với nghề làm báo cũng vậy, làm thế nào để một tác phẩm báo chí, một phát ngôn trong tác phẩm báo chí hấp dẫn, chính xác, thuyết phục, mang lại những điều dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực với người đọc, người xem, người nghe,... luôn được mỗi người làm báo, mỗi nhà nghiên cứu hướng tới. Hơn nữa, số bạn đọc tiếp xúc với sai sót trong một cuốn sách thường ít hơn như số bạn đọc tiếp xúc với sai sót trong tác phẩm báo chí (ví như không có báo chí thì mấy ai biết nhà nghiên cứu nọ xếp trường ca Ði đánh thần hạn của nhà thơ Trần Ðăng Khoa vào kho tàng văn học dân gian Bạc Liêu!), nên ảnh hưởng của sai sót trong các tác phẩm báo chí thường rộng hơn. Có thể có nhiều nguyên nhân khách quan - chủ quan khác nhau làm ảnh hưởng tới chất lượng một tác phẩm báo chí hay một phát ngôn trên báo chí, nhưng sai sót về tri thức trong một tác phẩm báo chí, trong một phát ngôn trên báo chí trước hết là thuộc về yếu tố chủ quan, không thể quy ngay cho nguyên nhân khách quan.

 Trong quy trình xuất bản tác phẩm báo chí, các sai sót không chỉ thể hiện năng lực nghề nghiệp, trình độ hiểu biết của phóng viên, mà còn liên quan tới các công đoạn trình duyệt quyết định xuất bản. Quy trình này đưa tới yêu cầu hết sức quan trọng là sự nghiêm cẩn kiểm chứng thông tin, tri thức trước khi công bố. Thiết nghĩ, cần quan niệm một cách rành mạch rằng, nếu sai sót của nhà báo có thể đưa tới ngộ nhận, nhầm lẫn cho người đọc, người xem, người nghe đã là nỗi quan ngại, thì sự nhầm lẫn, ngộ nhận từ sai sót của một tác giả nổi tiếng trong một lĩnh vực tri thức nào đó còn đáng quan ngại hơn nhiều. Báo chí có vị trí quan trọng trong việc góp phần phổ biến và nâng cao trình độ tri thức của xã hội. Tuy nhiên, xã hội tri thức không chỉ phong phú, đa dạng về tri thức, mà còn phải là tri thức có chất lượng, có chiều sâu để vừa nâng cao hiểu biết trong xã hội, vừa tác động tích cực tới hành vi sáng tạo của người tiếp nhận. Ðó à cơ sở để mọi nghề nghiệp xã hội nói chung, nghề làm báo nói riêng, cần hết sức cẩn trọng trong quá trình truyền bá tri thức đến với công chúng.