Xử nghiêm hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã không ít lần đề cập tới một vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đó là tình trạng lạm dụng, trục lợi từ phía người bệnh và cơ sở y tế, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng Quỹ BHYT cũng như quyền lợi của cộng đồng những người tham gia BHYT. Mặc dù một số vụ việc đã bị phát hiện và xử lý, nhưng nhìn chung, việc xử lý vẫn còn hạn chế, gây bức xúc trong xã hội.

Để góp phần giải quyết tình trạng nêu trên, ngày 9-9 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Tại chỉ thị này, người đứng đầu ngành y tế đã thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân cốt yếu dẫn tới tình trạng nêu trên. Đó là do một bộ phận người lao động trong ngành thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục, cho nên chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh.

Chính vì vậy, cùng với việc yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BHYT, Bộ trưởng Y tế đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thủ trưởng y tế các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác tự kiểm tra phòng, chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngay tại các cơ sở y tế. Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám chữa bệnh các tuyến phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đặc biệt chú trọng việc chỉ định dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi cụ thể như lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm được chi trả với giá dịch vụ cao hơn. Không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh, để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT...

Cùng với đó, Bộ trưởng Y tế còn yêu cầu ngành y tế phối hợp BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác khám, chữa bệnh BHYT; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc quyền quản lý; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHYT.

Đáng chú ý, chỉ thị nêu trên cũng xác định rõ: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thủ trưởng y tế các bộ, ngành, giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý, phụ trách.

Đồng thời, giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh rà soát, hoàn thiện các hướng dẫn chẩn đoán, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh.

Những biện pháp chỉ đạo nêu trên của người đứng đầu ngành y tế là hết sức cần thiết, nhằm giúp các cơ sở khám, chữa bệnh ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết số 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự, trong đó có Điều 215 quy định về tội gian lận BHYT đã bắt đầu có hiệu lực.