Tư vấn- Đối thoại

Trường hợp nào được thanh toán bảo hiểm y tế khi xét nghiệm Covid-19?
 
 Xin quý báo cho biết, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được thanh toán theo chế độ BHYT khi xét nghiệm Covid-19 trong những trường hợp nào? Mức thanh toán cụ thể là bao nhiêu?
 
 Nguyễn Vũ Thanh Hà (Bắc Giang)

Trả lời:

Ngày 30-7-2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có Công văn số 2418/BHXH-CSYT đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thực hiện, kịp thời giám định và thanh toán chi phí xét nghiệm theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 4051 của Bộ Y tế.

Theo Công văn số 4051/BYT-KHTC ngày 30-7-2020 của Bộ Y tế, việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 đối với người có thẻ BHYT được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Người bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

- Các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút SARS-CoV-2.

Về mức thanh toán: Áp dụng mức giá quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30-11-2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp:

- Dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/vi-rút/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR (734.000 đồng/1 mẫu nghiệm) đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR.

- Dịch vụ số 1736: xét nghiệm vi khuẩn/vi-rút/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh (238.000 đồng/1 mẫu nghiệm) đối với trường hợp thực hiện test nhanh.



Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động

Có phải đơn vị tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ)? Để được hưởng, cần đáp ứng điều kiện gì?

Trần Văn Minh (Hải Phòng)

Trả lời:

Theo Điều 3 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ quy định tại Khoản 1, Điều 47, Luật Việc làm, khi có đủ các điều kiện sau:

1. Đóng đủ BH thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ nếu người sử dụng lao động đã đóng BH thất nghiệp của tháng đó.

2. Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới ba tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

3. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

4. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.