Tư vấn - Đối thoại

Có phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc?

Tôi làm việc theo hình thức bán thời gian - cá nhân tự sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc được giao (có ký hợp đồng). Theo hợp đồng, ngoài mức lương là 5 triệu đồng/tháng, tôi còn được công ty hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại và hưởng lương doanh số (trả theo doanh số bán hàng). Vậy tôi có thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp bắt buộc hay không? Mức đóng là bao nhiêu phần trăm? Công ty có trách nhiệm phải đóng BHXH, BHYT cho tôi không?

Nguyễn Hòa Bình (Hà Nội)

Trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1-1-2018).

Khoản 2 và 3 Ðiều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau: Ðối với người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Ðiều 58 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định tiền lương làm căn cứ đóng BH thất nghiệp như sau: Người lao động đóng BH thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BH thất nghiệp.

Luật BHXH số 58/2014/QH13; Nghị định số 105/2014/NÐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Luật Vệ sinh, an toàn lao động số 84/2015/QH13; Nghị định số 44/2017/NÐ-CP quy định điều chỉnh tỷ lệ đóng quỹ BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ 1 xuống 0,5% từ ngày 1-6-2017 quy định: Người lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp từ 3 tháng thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp bắt buộc theo văn bản quy định hiện hành là 32%, trong đó người sử dụng lao động đóng 21,5%; người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng.

Trường hợp hai bên giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì chỉ đóng BHXH và BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 25,5%, trong đó người sử dụng lao động đóng 17,5%, người lao động đóng 8% tiền lương tháng.

Ðóng BHXH, BHYT trong trường hợp báo giảm chậm

Ðơn vị tôi làm việc có một người xin nghỉ việc từ đầu tháng 3-2020 nhưng đến giữa tháng 3 kế toán của đơn vị mới báo giảm lao động. Vậy công ty tôi có phải đóng BHXH, BHYT tháng 3 cho người lao động này không?

Trần Minh Hải (Yên Bái)

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và hướng dẫn tại Ðiểm 2.1, Khoản 2, Ðiều 50 quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QÐ-BHXH ngày 14-4-2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Người lao động nghỉ việc, thôi việc chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị sử dụng lao động kịp thời lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để báo giảm (dừng) tham gia BHXH, BHYT đối với người lao động. Trong trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm thì phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.