Tư vấn Đối thoại

Suy giảm khả năng lao động: Bao nhiêu tuổi được nghỉ hưu?

Cô tôi năm nay 51 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được gần 30 năm. Hiện nay, vì lý do sức khỏe yếu, cô tôi muốn nghỉ hưu sớm có được không? HUỲNH VĂN NAM (Khánh Hòa)

Trả lời: Điểm a khoản 1, Điều 55, Luật BHXH quy định: Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 54 của luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Từ ngày 1-1-2016 nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Theo quy định nêu trên, năm 2020, cô của bạn đã 51 tuổi, đóng BHXH gần 30 năm (nếu chỉ làm việc trong điều kiện lao động bình thường) mà được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn.

Lao động nữ sinh con hưởng chế độ thai sản

Trong quá trình mang thai, sinh con, lao động nữ tham gia BHXH được hưởng những quyền lợi gì? Người lao động cần đáp ứng điều kiện gì? Và thời gian nghỉ thai sản có được tính là thời gian đóng BHXH không? VŨ THỊ THU HÀ (Hòa Bình)

Trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi mang thai, sinh con nếu đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Người lao động đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Người lao động đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

* Về chế độ khi khám thai, Điều 32, Luật BHXH quy định:

1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

* Về thời gian hưởng chế độ khi sinh con, khoản 1, Điều 34, Luật BHXH quy định:

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá hai tháng.

Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

* Về mức hưởng chế độ thai sản, Điều 39, Luật BHXH quy định:

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.