Tư vấn Đối thoại

Thủ tục tham gia BHXH cho người lao động

Chúng tôi mới thành lập doanh nghiệp. Xin hỏi, chúng tôi cần làm thủ tục gì để tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động? HOÀNG HẢI NAM (Ninh Bình)

Trả lời:

Quyết định số 595/QÐ-BHXH ngày 14-4-2017, Quyết định số 888/QÐ-BHXH ngày 16-7-2018 của BHXH Việt Nam hướng dẫn thủ tục lần đầu đăng ký tham gia BHXH như sau:

- Ðối với người lao động: Người lao động đã được cấp mã số BHXH chỉ cần kê khai mã số BHXH vào mẫu biểu tương ứng.

Ðối với người lao động chưa được cấp mã số BHXH: Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) (Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 888/QÐ-BHXH).

Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).

- Ðối với đơn vị: Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QÐ-BHXH); danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLÐ-BNN (Mẫu Ð02-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QÐ-BHXH).

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Ai phải đóng BHXH bắt buộc? Có phải công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc? Có trường hợp nào không phải tham gia không? Người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia được hưởng những chế độ gì? Phải đóng bao nhiêu phần trăm? TRẦN THỊ VUI (Hải Phòng)

Trả lời:

Ðiều 2, Nghị định số 143/2018/NÐ-CP ngày 15-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định rõ các đối tượng áp dụng bao gồm:

1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

2. Người lao động quy định tại khoản 1 Ðiều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1, Ðiều 3 của Nghị định số 11/2016/NÐ-CP ngày 3-2-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1, Ðiều 187 của Bộ luật Lao động.

3. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

Ðiều 5 Nghị định số 143/2018/NÐ-CP quy định: Người lao động quy định tại khoản 1 Ðiều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Về mức đóng, khoản 1 Ðiều 12 Nghị định nêu rõ: Từ ngày 1-1-2022, người lao động quy định tại khoản 1 Ðiều 2 của Nghị định này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Khoản 1 Ðiều 13 Nghị định cũng quy định:

Người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Ðiều 2 của Nghị định này, hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 1-1-2022.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018; các chế độ hưu trí, tử tuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.