Tư vấn đối thoại

Không được trả sổ BHXH: Người lao động có thể làm gì?

Mới đây em tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động với một doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp này không trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho em tôi, dù trước đó em đóng BHXH đầy đủ. Xin hỏi, em tôi cần làm gì để nhận được sổ BHXH của mình?

Hoàng Minh Anh (Thái Nguyên)

Trả lời:

Khoản 5 Ðiều 21 Luật BHXH hiện hành đã quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Ðiều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, như sau: Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Theo các quy định của pháp luật nêu trên thì trường hợp em của bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động mà công ty không trả sổ BHXH là vi phạm pháp luật.

Ðiều 15 Nghị định số 24/2018/NÐ-CP ngày 27-2-2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn vệ sinh lao động, như sau:

- Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.

- Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Ðiều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Ðiều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.

Như vậy, em của bạn cần liên hệ với doanh nghiệp đã làm việc trước đây để yêu cầu doanh nghiệp trả sổ BHXH theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp này không trả sổ BHXH, em bạn có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu doanh nghiệp giải quyết. Nếu doanh nghiệp vẫn không giải quyết thì em bạn có thể gửi đơn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đề nghị can thiệp, giải quyết.

Ngoài ra, căn cứ Ðiều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án thì trong trường hợp như bạn trình bày, em bạn cũng có thể trực tiếp khởi kiện ra tòa án quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT

Nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHYT) được quy định như thế nào?

Trần Văn Thắng (Hải Phòng)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi đã được quy định cụ thể tại Ðiều 5 và Ðiều 6 Nghị định số 21/2016/NÐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ ban hành quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của cơ quan BHXH.

Ðiều 5 Nghị định này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT như sau:

1. Hằng năm, căn cứ Ðịnh hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, BHXH Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của BHXH Việt Nam và BHXH cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.