Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW

Năm 2019 là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam đã đạt được những con số ấn tượng trong công tác phát triển đối tượng, cũng như giảm nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2020, những chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 28 đặt ra là rất lớn, đòi hỏi ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam phải hành động bằng các giải pháp, con số cụ thể…

Hội nghị về công tác thu BHXH, BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: NAM BÌNH
Hội nghị về công tác thu BHXH, BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: NAM BÌNH

Đặt mục tiêu cao

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác thu BHXH, BHYT tháng 1-2020, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết: Nghị quyết số 28 đặt mục tiêu đến năm 2021, toàn quốc có tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 35%, tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp đạt 28% và tham gia BHXH tự nguyện đạt 1%. Với quyết tâm đạt các mục tiêu đặt ra, các đơn vị của BHXH Việt Nam đã nghiên cứu, rà soát, tổng hợp trình tổng giám đốc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thu, phát triển đối tượng cho BHXH các tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở đó, năm 2020, BHXH Việt Nam phấn đấu, số người tham gia BHXH trong cả nước sẽ đạt 17,242 triệu người, tăng 1,468 triệu người (9,3%) so năm 2019, đạt khoảng 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, dự kiến số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,041 triệu người, tăng 842 nghìn người (5,5%) so năm 2019. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,2 triệu người, tăng 626 nghìn người (109%) so năm 2019. Số người tham gia BH thất nghiệp là 14,384 triệu người, tăng 954 nghìn người so năm 2019, đạt khoảng 29,2% so lực lượng lao động trong độ tuổi.

BHXH Việt Nam cũng đặt chỉ tiêu số người tham gia BHYT đạt 88,059 triệu người, tăng 2,114 triệu người (2,5%) so năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ 90,9% dân số, tăng 0,2% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Đánh giá về công tác thu và giảm nợ năm 2020, Trưởng ban Thu Dương Văn Hào cho biết, sẽ có không ít khó khăn khi hiện tổng số nợ BHXH, BHYT trong cả nước (sau khi trừ nợ các đơn vị thuộc Vinashin, Vinaline) là 11.316 tỷ đồng, chiếm 2,98% số phải thu (trong đó số tiền nợ phải tính lãi là 5.985 tỷ đồng, chiếm 1,58% số phải thu), phải có các giải pháp quyết liệt để kéo giảm tỷ lệ nợ xuống mức thấp nhất (chiếm 2,48% số phải thu). “BHXH các địa phương phải tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia; quyết liệt rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để phát triển BHXH bắt buộc; thanh tra và kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để đề nghị điều tra, khởi tố theo Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự”- Trưởng Ban Thu Dương Văn Hào nhấn mạnh.

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, năm 2020, những chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành là rất lớn. Tuy nhiên, theo tinh thần của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2020, mục tiêu của ngành là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH ngay trong năm 2020, không để đến năm 2021.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, BHXH Việt Nam cần xây dựng và sớm có thông báo kế hoạch thu năm 2020 cho BHXH các địa phương; tiếp tục ra quyết định giao chỉ tiêu bổ sung cho các địa phương với tinh thần năm sau luôn cao hơn năm trước. Trên cơ sở đó, BHXH các tỉnh phải căn cứ chỉ tiêu được giao để xây dựng kế hoạch theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”. Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, Giám đốc BHXH địa phương phải chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng và lãnh đạo ngành về hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH. Đồng thời, hệ thống bưu điện vào cuộc mạnh mẽ, báo cáo kịp thời với BHXH Việt Nam để tháo gỡ khó khăn. BHXH tỉnh nào phối hợp tốt, không tốt, hoặc gây khó khăn trong thực hiện BHXH, BHYT thì bưu điện hoặc cơ quan BHXH cũng phải báo cáo kịp thời với BHXH Việt Nam bằng văn bản.

Đồng thời, đối với BHXH các tỉnh, thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp xuống mức thấp nhất. Trong đó, cần quyết liệt rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia BHXH bắt buộc; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Tập trung rà soát lại việc ký hợp đồng với các đại lý, dừng triển khai đối với các điểm thu chưa đáp ứng về cơ sở vật chất, đường truyền, năng lực của nhân viên đại lý trong việc tra cứu, cập nhật vào phần mềm quản lý thu, cấp mã số BHXH cho người tham gia theo quy định…

Theo thống kê, đến ngày 31-12-2019, BHXH Việt Nam phát triển được 15,774 triệu người tham gia BHXH, đạt 100,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đáng chú ý BHXH tự nguyện đạt được kết quả ấn tượng, khi đến hết năm 2019, toàn quốc có 574 nghìn người, tăng hơn hai lần so năm 2018 và đạt gấp đôi kết quả sau 11 năm thực hiện chính sách này.