Tư vấn đối thoại

Tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp

Theo quy định mới đây của Chính phủ, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) của người lao động được xác định như thế nào?

NGUYỄN THỊ VÂN ANH (Nghệ An)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi được quy định tại khoản 7, Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm (BH) TNLĐ, BNN bắt buộc (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2020, thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP). Theo đó, tiền lương đóng BH vào Quỹ BH TNLĐ, BNN làm căn cứ tính hưởng chế độ TNLĐ, BNN được xác định như sau:

a) Tiền lương tháng liền kề trước tháng bị TNLĐ, BNN; trường hợp người lao động bị TNLĐ ngay trong tháng đầu đóng BH vào Quỹ BH TNLĐ, BNN hoặc bị TNLĐ, BNN trong tháng đầu trở lại làm việc đóng BH sau thời gian đóng gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì bằng tiền lương đóng vào Quỹ BH TNLĐ, BNN của chính tháng đó;

b) Tiền lương tháng cuối cùng đóng vào Quỹ BH TNLĐ, BNN của công việc đã làm mà công việc đó gây ra BNN đối với trường hợp bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN;

c) Trường hợp người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-2016 mà thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp được tính trên cơ sở hệ số tiền lương và phụ cấp (nếu có) nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp;

d) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tiền lương tính hưởng trợ cấp bằng tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng BH vào Quỹ BH TNLĐ, BNN của tất cả các hợp đồng lao động tại tháng liền kề trước tháng bị TNLĐ hoặc bị BNN của lần sau cùng nhưng không quá 20 tháng lương cơ sở.

Lập hồ sơ bệnh án, kê khống đơn thuốc bảo hiểm y tế bị phạt đến 30 triệu đồng

Có phải sắp tới những hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bị xử phạt đến 30 triệu đồng?

NGUYỄN HẢI HÀ (Quảng Ninh)

Trả lời: 

Ngày 28-9-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020, thay cho Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Theo Điều 85 Nghị định số 117, hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc BHYT sẽ bị xử phạt, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có hoặc không đúng người bệnh với mức vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng.
 
2. Phạt tiền đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có hoặc không đúng người bệnh theo một trong các mức sau đây: 

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng; 

b) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; 

c) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; 

d) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng; 
đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng; 

e) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 25.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; 

g) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; 

h) Từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 80.000.000 đồng trở lên. 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có) đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.