Thích ứng trước những thách thức mới

Diễn đàn an sinh xã hội (ASXH) thế giới sẽ chính thức diễn ra từ ngày 14 đến 18-10, tại Brúc-xen (Bỉ), với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu gồm các bộ trưởng, lãnh đạo và quản lý cấp cao của các tổ chức ASXH đến từ hơn 150 quốc gia.

Ðược tổ chức trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến nhanh chóng, nhất là trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới ASXH như: Nhân khẩu học, lao động - việc làm, công nghệ, kinh tế - xã hội..., Diễn đàn ASXH thế giới lần này đặt trọng tâm vào việc làm rõ hơn những thách thức chính đối với các hệ thống ASXH, qua đó đưa ra những cách tiếp cận sáng tạo để thích ứng. Ðây cũng sẽ là những giải pháp giúp các hệ thống ASXH có thể tạo thêm những tác động tích cực vào tiến trình thực hiện mục tiêu bảo vệ con người trong một thế giới đang thay đổi.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy, ngoài xu hướng già hóa dân số đang ngày càng thể hiện rõ ở nhiều quốc gia, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung và nền kinh tế kỹ thuật số nói riêng cũng đang tạo những tác động đối với xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới với quy mô và tốc độ chưa từng thấy.

Với sự phát triển của tự động hóa và số hóa, thị trường lao động đã và sẽ có những thay đổi căn bản, như: Nhiều hình thức việc làm mới đã xuất hiện ở nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau với tính chất hoàn toàn mới; sự phát triển của các hình thức quan hệ lao động phi truyền thống dựa trên nền tảng trực tuyến như quan hệ lao động đa phương, đa điểm, tạm thời, tự chủ...; sẽ có ít việc làm được tạo ra trong khu vực công nghiệp, trong khi việc làm trong ngành dịch vụ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm do tự động hóa; những lao động có kỹ năng vẫn có nguy cơ không tìm được việc làm hay dễ thất nghiệp nếu không cập nhật kịp những yêu cầu kỹ năng mới...

Ðồng thời, những thay đổi ngày càng phức tạp trong thị trường lao động có thể khiến tình trạng bất bình đẳng và bất ổn gia tăng; khế ước xã hội trở nên suy yếu ở nhiều quốc gia. Ở những nền kinh tế phát triển hơn, những thách thức kinh tế - xã hội đi kèm với những thay đổi của thị trường lao động liên quan đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số khiến tăng trưởng có nguy cơ bấp bênh hơn.

Hoạt động trong môi trường thay đổi đó, hệ thống ASXH của các nước cũng sẽ phải chịu những tác động trực tiếp và gián tiếp. Ðó không chỉ là những vấn đề đòi hỏi phải có cách thức tổ chức, phương thức vận hành phù hợp mà các hệ thống ASXH còn cần phải có nhiều giải pháp khác để giảm bớt những tác động tiêu cực đến lĩnh vực tài chính và các chương trình bảo hiểm trước những tác động của những yếu tố rủi ro mà bản thân các hệ thống này không có quyền và khả năng kiểm soát.

Chính vì vậy, ngay từ thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu ASXH bền vững và đầy đủ cho tất cả mọi người, bên cạnh việc bảo đảm tính liên tục trong hoạt động cung cấp dịch vụ, các tổ chức ASXH cần cải tiến chất lượng dịch vụ; đồng thời sẵn sàng các phản ứng để đáp ứng những thách thức mới. Trong đó, cần chú trọng phát huy vai trò của các công nghệ mới - yếu tố có vai trò quyết định tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hoạt động quản trị, bảo đảm khả năng linh hoạt trước những thay đổi.

Nếu soi chiếu với những vấn đề đang đặt ra cũng như những giải pháp đang được các tổ chức an sinh thế giới quan tâm, có thể thấy, những bước đi trong tiến trình hiện đại hóa, nhất là định hướng xây dựng "hệ sinh thái 4.0" phục vụ người dân và doanh nghiệp của BHXH Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, từng bước đáp ứng được những thách thức đặt ra trong giai đoạn mới.