Tăng số người tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB và XH) tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ LÐ - TB và XH và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện năm 2019.

Ðại lý thu BHXH, BHYT tại Bắc Ninh đến tận nhà tuyên truyền chính sách, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ðại lý thu BHXH, BHYT tại Bắc Ninh đến tận nhà tuyên truyền chính sách, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, "căn bản nhất không phải là mệnh giá đóng mà làm sao vận động người dân thay đổi thói quen tự bảo hiểm cho mình bằng cách tiết kiệm tiền sang tham gia BHXH. Chúng ta cần kêu gọi các đoàn thể, doanh nghiệp cùng tham gia vận động, tuyên truyền để người dân coi việc tham gia BHXH là quyền và trách nhiệm của mỗi người".

Nỗ lực lớn

Năm 2019, với những nỗ lực của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt kết quả vượt bậc. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số người tham gia mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó. Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 551 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 281 nghìn người so với năm 2018.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH. Ðây là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết, năm 2020 là năm bản lề quan trọng để đạt mục tiêu đầu tiên về BHXH tự nguyện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, bởi hiện số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, không làm công việc ổn định trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm). Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính đủ sức hấp dẫn các đại lý.

Có thể thấy, BHXH tự nguyện là một chính sách có lợi cho người tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn một số khó khăn, hạn chế, bởi: Ðối tượng của chính sách chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động, người nông dân, lao động tự do,... có tính chất công việc không ổn định và mặt bằng thu nhập chung là thấp. Chính sách Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đã được triển khai từ năm 2018, nhưng do mức hỗ trợ còn thấp, chưa thật sự tạo động lực để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ðồng thời, hiện nay, BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, còn những chính sách ngắn hạn như ốm đau, thai sản, những chính sách giúp người dân hưởng lợi trong thời gian ngắn lại chưa được cung cấp. Ðó cũng là rào cản làm cho người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện.

Ðồng bộ các giải pháp

Với định hướng chính trị thực hiện "BHXH toàn dân" theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách BHXH tự nguyện nói riêng, Phó Tổng Giám đốc Ðào Việt Ánh cho biết: Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt; chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia.

Ngày 21-11-2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Trong đó, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn, đối thoại trực tiếp tại khu dân cư, nhà riêng… Trên cơ sở đó, ngành sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện; hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Cần có những định hướng và giải pháp về chính sách trong thời gian tới: Thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập và là cơ sở cho việc tham gia BHXH. Cần kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, với những đề xuất như: Thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu; có thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.