Quyết liệt thực hiện việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm

Quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu năm 2019 về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm (BH) thất nghiệp, nhất là phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện... là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành BHXH đặt ra những tháng cuối năm.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác tám tháng đầu năm của ngành BHXH. Ảnh: PHẠM CHÍNH
Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác tám tháng đầu năm của ngành BHXH. Ảnh: PHẠM CHÍNH

Kết quả tích cực trong công tác BHXH

Báo cáo của BHXH Việt Nam tại hội nghị trực tuyến toàn ngành đánh giá kết quả công tác tám tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019 cho thấy, các mặt công tác những tháng đầu năm nay đều đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 8, cả nước có khoảng 15,08 triệu người tham gia BHXH; 12,88 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 85,14 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,7% dân số). Số thu toàn ngành đạt hơn 63,6% so với kế hoạch được giao. Tuy nhiên, tổng số tiền nợ BHXH từ một tháng trở lên vẫn còn 7.043 tỷ đồng, bằng 1,85% so với kế hoạch phải thu.

Đồng thời, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được cơ quan BHXH đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Toàn quốc cấp được 14,9 triệu sổ BHXH, đạt 99,4% trong tổng số người tham gia BHXH. Trong đó, có gần 13,5 triệu sổ BHXH đã được bàn giao cho người lao động, đạt 99,39% trong tổng số lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải trả sổ BHXH. Giải quyết 75.587 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 569.860 hồ sơ hưởng trợ cấp một lần và hơn 6,8 triệu lượt người được xét hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe.

Đánh giá về những kết quả đạt được, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ trong ngành và được các bộ, ngành liên quan đánh giá cao. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được ngành BHXH thực hiện đi vào thực chất, không chỉ là đạt được các chỉ số đẹp, mà thật sự phát huy hiệu quả trong tổ chức thực hiện, giảm được khối lượng lớn công sức của cán bộ ngành BHXH.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn những bất cập, hạn chế. Trong đó, công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các sở, ngành liên quan của một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu chủ động, nhất là công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn hạn chế. Tỷ lệ bao phủ còn thấp so với tiềm năng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, nhất là BHXH tự nguyện. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra, như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản; gian lận vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp để trục lợi quỹ BH thất nghiệp... Mặc dù đã có nhiều biện pháp để kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT; tuy nhiên tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Tình trạng chỉ định thuốc, xét nghiệm quá mức cần thiết, lợi dụng chính sách thông tuyến để đi KCB nhiều lần tại các cơ sở KCB vẫn còn chưa được khắc phục...

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Chia sẻ một số khó khăn trong thực hiện chính sách, khi tỷ lệ bao phủ BHXH trên toàn quốc vẫn thấp so với tiềm năng, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại một số địa phương vẫn còn phổ biến; số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng; việc xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn... vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật...

Đối với những khó khăn trong kiểm soát quỹ BHYT và phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn, đại diện lãnh đạo BHXH một số địa phương có số thu lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng chia sẻ một số giải pháp đã thực hiện tại địa phương, cũng như cam kết sẽ cố gắng thực hiện thành công nhiệm vụ, dự toán được giao trong năm 2019.

Để kiểm soát chi phí KCB BHYT, tránh tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Nguyễn Tá Tỉnh đề nghị các địa phương có đánh giá cụ thể về thực tế thực hiện chính sách BHYT, nhất là việc quản lý quỹ BHYT. Các tỉnh vượt dự toán cao phải có chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát chi phí bất thường, vận dụng các văn bản hướng dẫn về vi phạm trong lĩnh vực BHYT... Theo báo cáo, đến thời điểm này, có một số tỉnh có số vượt dự toán rất cao như: Đác Nông, Ninh Thuận, Kiên Giang, Vĩnh Long...; vượt chi so với cùng kỳ năm trước, như Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long... Một số địa phương có tỷ lệ điều trị nội trú cao so với trung bình toàn quốc như: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Đồng thời, lưu ý các địa phương sử dụng hiệu quả dữ liệu cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, kịp thời làm rõ các nguyên nhân khiến chi phí phát sinh; kết hợp giám định trên hệ thống và giám định tại chỗ để xem xét dữ liệu thực tế hằng ngày và dữ liệu đẩy lên cổng thông tin; đồng thời phải tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc...

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu BHXH các địa phương phải tìm mọi giải pháp hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đặt ra năm 2019. Bà Minh cũng lưu ý cần tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu hộ gia đình trước ngày 30-9; quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng cường hiệu quả chức năng thanh tra; kiểm soát chi phí KCB BHYT.