Chính sách & cuộc sống

Quan tâm, chăm sóc người bệnh tâm thần

Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 9-2020, người bị rối nhiễu tâm trí, ước tính chiếm hơn 10,5% số dân, tương đương 10,3 triệu người. Riêng số người mắc bệnh tâm thần nặng là khoảng 250 nghìn người. Có thể thấy, các bệnh lý tâm thần và những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng gia tăng do áp lực cuộc sống, nhất là tại các đô thị phát triển, ảnh hưởng rất lớn tới ngành bảo trợ xã hội, tạo gánh nặng lớn cho cộng đồng và toàn xã hội.

Phần lớn những người bệnh tâm thần đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều gia đình do phải đưa người nhà đi chạy chữa trong thời gian quá dài đã không còn khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, chỉ khi khánh kiệt về kinh tế mới đành lòng đưa người bệnh trở về nhà. Các chuyên gia tâm thần học cho biết, để người bệnh ở nhà tự chăm sóc sẽ xảy ra nhiều nguy cơ. Đó là, vừa khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý, lại có thể gây ra mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Khi bệnh trở nặng, bị kích động mạnh về tâm lý, người bệnh có thể gây nguy hiểm đối với người chung quanh. Do đó, hầu hết các gia đình có người bị tâm thần đều có nguyện vọng đưa người bệnh đến các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng xã hội. 
 
Cũng theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, nước ta hiện có 100 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Trong đó, 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt cho người tâm thần (mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu), 73 cơ sở tổng hợp. Về cơ sở vật chất,  cả nước có khoảng 43 bệnh viện tâm thần, trong đó có ba bệnh viện tâm thần T.Ư, 38 bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh, thành phố với khoảng hơn 8.000 bác sĩ, nhân viên y tế. Hiện tại, có hơn 10 nghìn người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 100 cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.  

Dự báo đến năm 2030, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 11% số dân, tương đương 12 triệu người. Trong đó, số người tâm thần nặng thuộc diện bảo trợ xã hội ước tính chiếm khoảng 2,5% số người bị rối nhiễu tâm trí, tương đương hơn 300 nghìn người. Tính đến thời điểm này, có khoảng 90% số người tâm thần thuộc nhóm đối tượng có hành vi nguy hiểm với gia đình, cộng đồng, và những người tâm thần lang thang ngoài xã hội được đưa vào trung tâm, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, phục hồi các đối tượng này còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng chưa được thực hiện ổn định, thường xuyên; thiếu đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp. Phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng, các trung tâm đều ở tình trạng quá tải người bệnh. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, sàng lọc, chẩn đoán đối với người bệnh… Số người tâm thần có xu hướng gia tăng, bao gồm cả người đã bị mắc bệnh tâm thần không được phục hồi, sàng lọc kịp thời khiến bệnh ngày càng nặng. Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành ở cấp tỉnh còn yếu, chủ yếu là quan hệ cá nhân. Gánh nặng cho ngành bảo trợ xã hội càng lớn khi việc đãi ngộ cho nhân lực ngành này quá thấp. 

Để việc chăm sóc, điều trị những người mắc bệnh tâm thần thật sự hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, gia đình và người bệnh. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức các lớp hướng dẫn cách chăm sóc, giúp đỡ người tâm thần cho cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội tại các tuyến y tế cơ sở. Qua đợt tập huấn, học viên nắm được các kiến thức và cách xử lý tình huống can thiệp, quản lý trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, sẵn sàng hợp tác với các ngành, đoàn thể liên quan và gia đình để hỗ trợ người bị rối loạn tâm thần. Củng cố hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực đi đôi với theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá mọi hoạt động của tuyến cơ sở. Cục Bảo trợ xã hội cho biết đã đề xuất đưa ngành bảo trợ xã hội vào danh mục nghề nghiệp độc hại để có thêm hỗ trợ cho nhân lực ngành này. Đồng thời với xây dựng, hoàn thiện chính sách là việc tăng kinh phí quản lý, khám, cấp thuốc, điều trị cho cán bộ y tế xã, phường cho một lần khám, cấp thuốc... nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ này hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng đến đào tạo và đãi ngộ đội ngũ bác sĩ chuyên ngành, bổ sung số lượng đội ngũ y tế hiện đang thiếu hụt. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đồng cảm, chia sẻ của các nhà quản lý, lãnh đạo, các cấp các ngành, người dân đối với người bệnh tâm thần... Nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí, nguồn lực để chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt đói, nghèo, mang lại hạnh phúc cho gia đình và người bệnh...