Phát triển đối tượng sinh viên tham gia bảo hiểm y tế còn khó khăn

NDO -

NDĐT- Bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên quy định bắt buộc trong luật. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý cụ thể đối, việc phát triển đối tượng sinh viên tham gia bảo hiểm y tế gặp khó khăn ở hầu hết các địa phương do tỷ lệ tham gia thấp.

Sinh viên: Ít ốm đau nên không tham gia bảo hiểm y tế

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định, BHYT học sinh - sinh viên (HSSV) là hình thức bắt buộc. Tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình có con em là HSSV còn khó khăn, không có tiền mua BHYT. Đó là một trong những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV hiện nay.

Nhóm đối tượng HSSV, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT. Các em chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất. Lý do chính là nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng, ít ốm đau nên không tham gia BHYT.

Phát triển đối tượng sinh viên tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các địa phương do tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Chỉ tại các trường phổ thông mới có tỷ lệ học sinh tham gia cao.

HSSV là người dân tộc thiểu số mới thoát khỏi vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo nên không được ngân sách đóng toàn bộ. Vì vậy, số tiền tự đóng BHYT của các em sẽ cao hơn.

Do ngân sách hạn hẹp, một số địa phương nên không hỗ trợ thêm cho HSSV ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Nhiều hộ gia đình tuy không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo nhưng khó khăn trong tham gia BHYT do thu nhập không ổn định nhưng đầu năm học phải đóng nhiều khoản thu theo yêu cầu của nhà trường ngoài việc đóng BHYT như học phí, đồng phục, sách vở…

Ngoài ra, mức đóng BHYT HSSV hằng năm tăng theo mức lương cơ sở được điều chỉnh cũng tạo khó khăn đối với những gia đình còn nghèo, đông con đi học.

Theo thống kê, trong khoảng một năm, từ ngày 1-7-2018 đến ngày 31-7-2019, có gần 8,3 triệu lượt HSSV khám, chữa bệnh (KCB), với số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán là 2.399 tỷ đồng.

Các trường hợp HSSV được Quỹ KCB BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú lớn từ 100 triệu đồng trở lên, tính từ ngày 1 đến 31-7-2019, là 512 lượt thẻ học sinh. Trong đó, 499 lượt KCB có chi phí từ 100-500 triệu đồng/đợt điều trị. 13 lượt KCB có chi phí hơn 500 triệu đồng/đợt điều trị. Có hai bệnh nhân chi phí cho BHYT hơn một tỷ đồng/đợt điều trị.

Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT còn rườm rà dẫn đến sự không hài lòng của người bệnh BHYT.

Mặc dù có thẻ BHYT nhưng người tham gia BHYT nói chung và HSSV nói riêng vẫn phải chi trả từ tiền túi rất nhiều khi đi KCB.

Thu bảo hiểm y tế linh hoạt

Ngành bảo hiểm xã hội đang đề xuất các cơ sở giáo dục thực hiện thu BHYT HSSV bảo đảm theo đúng quy định. Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1, sẽ thu BHYT HSSV của những tháng còn lại trong năm 2019. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính, tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV theo phương thức linh hoạt ba tháng/sáu tháng/ một năm một lần. Chỉ thực hiện thu BHYT một lần năm 2020 nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh rộng rãi hơn thông qua Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong. Đặc biệt nhấn mạnh, thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước.

Cũng cần huy động nguồn kinh phí thuộc Ngân sách địa phương, nguồn tài trợ để hỗ trợ HSSV tham gia BHYT, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% đến 50%; đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB; kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ sở KCB thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế, chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT và hạn chế thu thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT. Có như vậy, mới khuyến khích được người dân tham gia BHYT, trong đó có HSSV.

Học sinh, sinh viên đóng bảo hiểm y tế khoảng 47 nghìn đồng/tháng

Thực hiện quy định tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng.

Theo đó, mức đóng BHYT đối với HSSV tương ứng là 67.050 đồng/tháng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% tương ứng với 20.115 đồng/tháng. HSSV đóng 70% tương ứng với 46.935 đồng/tháng.

Đối với học sinh lớp 12, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-9 năm đó. Đây là quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh tham gia BHYT liên tục trước khi vào đại học, cao đẳng, học nghề.

BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục tập trung hướng dẫn, hỗ trợ HSSV (đặc biệt là học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10, sinh viên năm thứ nhất) cách thức tra cứu thông tin mã số BHXH. Tuyên truyền về lợi ích cắt giảm thủ tục, giấy tờ kê khai tham gia BHYT khi đã biết mã số BHXH của mình.

Vị trí của mã số BHXH trên mã thẻ BHYT, đối với học sinh cấp 1 là thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi. Đối với học sinh lớp 6, 10 là thẻ BHYT học sinh đã được cấp của năm trước đó. Đối với sinh viên năm thứ nhất hoặc học sinh các trường trung học, cao đẳng, là các thẻ BHYT đã được cấp nếu có. Thí dụ, thẻ BHYT HSSV, thẻ BHYT đối tượng người nghèo, thẻ BHYT theo hộ gia đình …