Lăng kính an sinh

Những “phần thưởng” xứng đáng

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội Ðông - Nam Á lần thứ 36 (ASSA36) vừa diễn ra tại Bru-nây Ða-rút-xa-lam, ASSA đã tổ chức trao giải thưởng năm 2019 cho các tổ chức thành viên có những thành tựu nổi bật trong hoạt động, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) khu vực cũng như thành công chung của ASSA. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có vinh dự được nhận giải thưởng về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với Dự án "Ðẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp".

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân được phục vụ một cách tốt nhất không chỉ là mục tiêu riêng của BHXH Việt Nam mà còn được xem là tôn chỉ của tất cả các tổ chức ASXH trên thế giới. Ðó không chỉ là một yêu cầu khách quan đặt ra trong bối cảnh hệ thống ASXH không ngừng được mở rộng mà còn là xu hướng tất yếu trong sự phát triển ASXH với mục tiêu cho con người và vì con người... Chính vì vậy, các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của BHXH Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Không phải tới thời điểm này mà từ nhiều năm trước, công tác cải cách TTHC luôn được BHXH Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm gần đây, BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực rất lớn cho công tác này, từ rà soát, đơn giản hóa TTHC đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)... Với nhiều giải pháp đồng bộ được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, số lượng thủ tục trong lĩnh vực BHXH đã giảm hơn 70%, từ 115 thủ tục năm 2014 xuống còn 27 thủ tục hiện nay. Từ năm 2018 đến nay, số biểu mẫu liên quan đến việc thực hiện các thủ tục cũng giảm được 24%; số tiêu thức giảm 29%; số quy trình thao tác thực hiện 12% và số thành phần hồ sơ giảm 49%. Những TTHC đã rút gọn được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, được niêm yết và thông báo công khai, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng giải quyết công việc. Tính chung, số giờ thực hiện TTHC cho người dân và các đơn vị sử dụng lao động đã giảm từ 335 giờ (năm 2015) xuống còn 147 giờ vào năm 2018.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động thay đổi các hình thức tiếp nhận hồ sơ phù hợp yêu cầu và điều kiện của xã hội, như: Thực hiện qua giao dịch điện tử, giao dịch tại trụ sở cơ quan BHXH, giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích. Ðến nay, đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong số 27 TTHC...

Ðể phục vụ người dân được tốt hơn, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện với tám dịch vụ, gồm: Gọi điện thoại (Call Center); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot); trang mạng xã hội (fanpage); chuyên trang BHXH với tổ chức, cá nhân; thanh toán điện tử; ứng dụng qua di động; tin nhắn thương hiệu; đánh giá sự hài lòng. Ðây là hệ thống góp phần nâng cao khả năng hỗ trợ người dân và tổ chức khi tương tác với cơ quan BHXH. Trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm qua, BHXH Việt Nam đang hướng tới hoàn thiện xây dựng hệ sinh thái 4.0, phục vụ người dân và doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại.

Với những nỗ lực đó, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên giữ vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT khối các bộ, ngành có dịch vụ công trong ba năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019). Ðiều đó không chỉ giúp công tác quản lý của ngành BHXH bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ các dịch vụ công mà ngành đảm nhận được thực hiện ngày càng thuận lợi, chính xác hơn và được người dân đánh giá cao. Có thể nói, đây chính là phần thưởng lớn nhất mà BHXH Việt Nam đã đạt và được ghi nhận tại ASSA 36.