Nhìn lại năm 2019

Những điểm nhấn chính sách bảo hiểm xã hội năm 2019

NDO -

NDĐT- Năm 2019, lĩnh vực bảo hiểm xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là sự phát triển vượt bậc của số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với 551 nghìn người; Hệ thống Giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm cung cấp các dịch vụ công thuận lợi cho người dân…

 *Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 9-12 (Ảnh: Trần Hải).
*Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 9-12 (Ảnh: Trần Hải).

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt kết quả vượt bậc

Trong năm 2019, với sự nỗ lực lớn của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc.

Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó. Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 551 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 281 nghìn người so với năm 2018.

Đây là con số ấn tượng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này trong giai đoạn 2008-2018.

Bảo hiểm y tế bao phủ 90% dân số

Ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,185 triệu người. BHXH tự nguyện là 551 nghìn người. Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đạt 15,068 triệu người. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,343 triệu người. Bảo hiểm y tế (BHYT) là 85,39 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước hơn 361 nghìn tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch cả năm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia vào Cổng Dịch vụ công quốc gia

Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã chính thức khai trương vào ngày 9-12.

Việc khai trương Cổng DVCQG là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công (DVC), bao gồm năm DVC thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố là: đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ DN) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Bên cạnh đó, cung cấp bốn DVC thực hiện tại cấp bộ: cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với DN.

Ngay sau khi Cổng DVCQG chính thức đi vào vận hành, BHXH Việt Nam phối hợp Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan thực hiện nâng cấp hệ thống Giao dịch điện tử BHXH tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Qua đó, thực hiện liên thông cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất được quy định tại thủ tục cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT theo Quyết định số 929/QĐ-BHXH ngày 26-7-2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (mã quy trình 612a).

Quy trình này giúp ngành BHXH cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát được tình trạng gian lận khi thanh toán BHYT. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH đã được chia sẻ với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch nhằm phục vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi, góp phần giảm đáng kể số lượng giấy tờ, thủ tục và chi phí cho người dân.

Thực hiện dịch vụ này trên Cổng DVCQG sẽ giảm một ngày làm việc với bốn lượt đi lại cho thủ tục này. Từ đó, tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Ban hành Hướng dẫn áp dụng xử lý tội phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Bộ luật Hình sự

Tòa án Nhân dân tối cao công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2019.

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP gồm tám điều. Trong đó, giải thích một số thuật ngữ trong các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự như: lập hồ sơ giả; lập hồ sơ bệnh án khống; kê đơn thuốc khống; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; thẻ BHYT được cấp khống; thẻ BHYT giả; thẻ đã bị thu hồi, bị sửa chữa; trốn đóng BHXH; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN… Nghị quyết cũng hướng dẫn một số tình tiết quy định khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018; xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…

Nhiều đóng góp trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASSA

Những điểm nhấn chính sách bảo hiểm xã hội năm 2019 ảnh 1

Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chuyển giao chức Chủ tịch ASSA cho đại diện Brunei.

Tháng 9 năm 2018, tại Hội nghị ASSA 35 diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), các thành viên ASSA đã nhất trí bầu BHXH Việt Nam làm Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019.

Thực hiện Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động ASSA, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASSA, BHXH Việt Nam đã chủ trì kết nối và điều phối thực hiện một số hoạt động cụ thể có ý nghĩa thiết thực.

Cụ thể như: xây dựng mạng lưới chuyên gia an sinh xã hội (ASXH) trong khu vực của Việt Nam; hoàn thiện cơ sở dữ liệu các tổ chức thành viên ASSA của Singapore; đề tài nghiên cứu mở rộng diện bao phủ ASXH đối với lao động khu vực phi chính thức tại các nước ASEAN của Thái-lan; biên soạn và phát hành ấn phẩm “ASSA 20 năm đồng hành, phát triển” để cung cấp những thông tin cơ bản về ASSA, từng quốc gia, tổ chức thành viên cũng như các chính sách chế độ ASXH của các nước thành viên ASSA (Việt Nam); thúc đẩy việc mở rộng phạm vi hoạt động, kết nạp thành viên mới (Quỹ Tiết kiệm quốc gia Thái-lan)…

BHXH Việt Nam cũng tổ chức thành công hội thảo quốc tế tại Việt Nam với chủ đề Quản trị tốt nhằm cung cấp dịch vụ ASXH tốt hơn, đưa những kiến thức và kinh nghiệm quản trị hệ thống ASXH hiện đại theo Hướng dẫn của Hiệp hội ASXH (ISSA) đến gần hơn với hệ thống ASXH khu vực với những cách tiếp cận mới và phương thức quản trị phù hợp, thích ứng với bối cảnh và điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ ASXH cho người dân trong khu vực.

Hoạt động này cũng thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, tăng cường hợp tác lẫn nhau giữa ASSA và ISSA thông qua cầu nối BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA. Đồng thời, cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ISSA để hướng tới một hệ thống ASXH thế giới hiện đại, toàn diện bền vững, tin cậy, minh bạch và hiệu quả.