Nhiều tỉnh tăng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

NDO -

NDĐT- Bảy tháng đầu năm, nhiều địa phương có số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với dự toán được giao. Ở một số tỉnh phía bắc, tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú rất cao. Thanh toán trùng giữa hai cơ sở khám, chữa bệnh cũng xuất hiện, dẫn tới thống kê một bác sĩ chủ trì hội chẩn hơn 365 lượt người bệnh trong một ngày.

Ảnh minh họa: Báo Bảo hiểm xã hội.
Ảnh minh họa: Báo Bảo hiểm xã hội.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, qua phân tích dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên Hệ thống thông tin giám định BHYT và báo cáo của BHXH một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều tỉnh có số chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Thủ tướng giao. Trong đó, một số nhóm chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bình quân/một lượt KCB tăng mạnh so với năm 2018 như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền ngày giường…

Cụ thể, một số địa phương có chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Chính phủ giao như Vĩnh Long 88,24%; Ninh Thuận 71,84%; Đác Nông 71,04%; Nghệ An 69,99%....

Chi phí KCB BHYT bình quân/một lượt KCB tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 cũng tăng tại một số địa phương như Vĩnh Long tăng 25,26%; Thừa Thiên - Huế tăng 12,09%; Lai Châu tăng 10,5%… Trong khi, ở phạm vi toàn quốc, con số này tăng 2,01%.

Tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương như Phú Yên tăng 13,66%; Thái Nguyên tăng 12,67%; Vĩnh Long tăng 12,59%; Bạc Liêu tăng 11,71%; Sơn La tăng 11,25%;... trong khi, tỷ lệ này ở toàn quốc giảm 0,87%.

Đặc biệt, tại một số tỉnh phía bắc trong bảy tháng đầu năm 2019, tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú rất cao như: Phú Thọ 17,7%, Sơn La 17,61%; Vĩnh Phúc 15,95%...

Tình trạng thanh toán trùng giữa hai cơ sở KCB xuất hiện. Cụ thể, giờ khám bệnh tại cơ sở KCB sau chỉ sau giờ kết thúc đợt KCB tại cơ sở trước ít phút, thậm chí xảy ra trước giờ kết thúc đợt KCB tại cơ sở KCB trước. Thống kê đề nghị thanh toán tiền hội chẩn đối với trường hợp người bệnh được giới thiệu chuyển tuyến nhưng không thực hiện hội chẩn theo quy định, hoặc một bác sĩ chủ trì hội chẩn một ngày đối với quá nhiều người bệnh. Thế nên mới xuất hiện con số thống kê tại Đồng Tháp, một ngày, một bác sĩ chủ trì hội chẩn hơn 365 lượt người bệnh.

Từ những bất cập này, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh tập trung giải quyết những tồn tại nêu trên.

Trước hết, tăng cường công tác giám định BHYT, thực hiện giám định theo đúng Quy trình giám định BHYT. Bố trí, sắp xếp cán bộ giám định để tập trung giám định dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT. Phân tích, đánh giá, phát hiện các sai sót, các chi phí KCB BHYT bất thường cần lưu ý tại tất cả cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh trước khi tổ chức giám định tập trung tại cơ sở KCB.

Đối với các cơ sở KCB BHYT có hiện tượng gia tăng chi phí bất thường, nhiều người bệnh có cùng địa chỉ (xã, huyện) đến KCB cùng ngày, bố trí giám định viên thường trực để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng thu gom người bệnh BHYT không đúng quy định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Tăng cường kiểm tra sự có mặt của người bệnh tại cơ sở KCB và thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại các khoa phòng. Nếu thấy nghi ngờ, tổ chức giám định tại nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc của người bệnh, từ chối thanh toán đối với các trường hợp lập hồ sơ bệnh án điều trị nội trú nhưng người bệnh không nằm viện, hoặc không thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật. Đối với các trường hợp xác định là lập hồ sơ khống để thanh toán với cơ quan BHXH, đề nghị chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra.