Ngăn lạm dụng gây thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

NDO -

NDĐT- Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng gây thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội các tỉnh cần kiểm soát mức đóng của người lao động theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các trường hợp phát sinh điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội tăng bất thường với thời gian sáu tháng trong vòng một năm trước khi sinh con, nhận con nuôi...

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Đây là một trong những nội dung trong công văn chấn chỉnh và hướng dẫn xử lý một số tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do BHXH Việt Nam vừa ban hành.

Văn bản nêu rõ, qua theo dõi kết luận thanh tra, kiểm toán, kiểm tra về công tác quản lý BHXH, BHTN còn có sai sót về nghiệp vụ như: BHXH một số địa phương chưa chấp hành đúng các quy trình nghiệp vụ thu, ghi sổ BHXH, giải quyết hưởng chế độ BHXH, chi trả và quản lý đối tượng hưởng BHXH, BHTN. Cá biệt, có tình trạng cố tình làm sai quy trình trong thực thi nhiệm vụ để trục lợi cá nhân.

Để quản lý chặt chẽ các chế độ BHXH, BHTN theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn tình trạng lạm dụng gây thất thoát quỹ BHXH, BHTN, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (gọi tắt là BHXH tỉnh) triển khai thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành. Đồng thời, rà soát việc phân công nhiệm vụ theo vị trí việc làm về thu, cấp sổ BHXH, giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo đúng quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam.

Giám đốc BHXH tỉnh hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Giám đốc về việc tổ chức thực hiện BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Về công tác thu, cấp sổ BHXH, cần kiểm soát mức đóng BHXH, BHTN Kiểm soát mức đóng BHXH, BHTN (mức đóng tối đa, tối thiểu, chế độ tiền lương đóng) của người lao động theo quy định của pháp luật.

Khi phát sinh tăng thu, kể cả tăng mới và truy đóng BHXH, khi thực hiện đồng bộ dữ liệu, cấp mã số BHXH, cộng nối thời gian công tác, gộp sổ BHXH phải kiểm tra, rà soát, đối chiếu với các cơ sở dữ liệu: Thu, sổ thẻ, người hưởng BHXH, BHTN và hộ gia đình để tránh thu trùng thời gian, sai đối tượng, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không đúng thời hạn hoặc phát hiện quá trình đóng BHXH, BHTN đã hưởng chế độ hưu trí, BHXH một lần, BHTN của người lao động...

Nếu phát hiện trùng với thời gian hưởng các chế độ nêu trên thì phải thông báo cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động, Phòng/bộ phận chế độ BHXH biết để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các trường hợp có phát sinh điều chỉnh mức đóng BHXH tăng bất thường đối với thời gian sáu tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi. Kiểm soát các trường họp có phát sinh điều chỉnh giảm mức đóng, giảm quá trình đóng BHXH mà thời gian này đã tính hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản để thông báo tới Phòng/bộ phận chế độ BHXH để phối hợp thực hiện điều chỉnh mức hưởng và thu hồi số tiền chênh lệch đã thanh toán.

Nhập chính xác từng khoảng thời gian nghỉ việc không hưởng lương theo đề nghị của đơn vị sử dụng lao động vào phần mềm TST để liên thông phần mềm TCS giải quyết đúng chế độ BHXH đối với người lao động.

Trước khi xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN cho người lao động, phải kiểm tra, rà soát, đối chiếu với các cơ sở dữ liệu.

Nếu phát hiện sai tiền lương, chức danh nghề, trùng số sổ BHXH, trùng mã số BHXH, một người có nhiều sổ BHXH thì phải hoàn chỉnh lại theo đúng quy trình, không đẩy khó khăn cho người lao động hoặc người sử dụng lao động. Nếu quy trình nêu trên chưa đầy đủ, rõ ràng, Giám đốc BHXH tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng/bộ phận nghiệp vụ giải quyết cho phù hợp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải quyết.

Không được xóa, tự ý sửa chữa, điều chỉnh trên, cơ sở dữ liệu tập trung.

Các trường hợp sửa chữa, điều chỉnh, thay đổi trên các cơ sở dữ liệu thì Giám đốc BHXH tỉnh phải phê duyệt theo đúng quy trình và đúng quy định của pháp luật và lưu vết trên các phần mềm nghiệp vụ.

Về giải quyết hưởng các chế độ BHXH, với chế độ ốm đau, thai sản, phải thực hiện kiểm tra, rà soát kỹ các giấy tờ làm căn cứ giải quyết hưởng như: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, Giấy ra viện, Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh...; thời gian đóng BHXH, dữ liệu giải quyết hưởng các chế độ BHXH; thực hiện đối soát dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trên cổngtiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT (Cổng thông tin GĐ BHYT). Trong đó gồm cả đối soát giám định BHYT và đốii soát chứng từ, bảo đảm giải quyết đầy đủ, chính xác, kịp thời chế độ đối với người lao động.

Đối với giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do các cơ sở KCB là pháp nhân mà không đăng ký mẫu dấu sử dụng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; các cơ sở KCB không phải là pháp nhân mà không đăng ký con dấu/ mẫu chữ ký của người hành nghề được phép ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên Cổng thông tin GĐ BHYT, không được dùng làm căn cứ đế cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.

Với các trường hợp đề nghị thanh toán hưởng chế độ ốm đau, thai sản mà không có dữ liệu về KCB trên cổng thông tin GĐ BHYT, kịp thời phối hợp cơ sở KCB để xác minh thông tin KCB làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH nhưng không được quá thời hạn giải quyết theo quy định. Trường hợp không bảo đảm được thời hạn, tạm thời giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động, đồng thời tập hợp danh sách để tiến hành kiểm tra theo quy định.

Phối hợp và đề nghị Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở KCB nội dung: “Trường họp cơ sở KCB không thực hiện đúng quy định thì cơ quan BHXH sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH do các cơ sở KCB này cấp, nếu quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng thì cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm”.

Đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo các hình thức. Phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2020, tỷ lệ thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản tương đương với tỷ lệ giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, sổ thẻ.

Khắc phục chi trả trùng các chế độ bảo hiểm xã hội

Để khắc phục tình trạng chi trả trùng các chế độ BHXH hằng tháng và

BHTN ở nhiều nơi, thông tin trên hồ sơ hưởng không khớp với thông tin trên phần mềm quản lý chi trả, phải tổ chức đối chiếu hồ sơ gốc do BHXH tỉnh đang lưu trữ với cơ sở dữ liệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng đang quản lý trên phần mềm quản lý chi trả để thực hiện điều chỉnh thông tin trên phần mềm chi trả cho khớp đúng với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại BHXH tỉnh.

Trường họp thông tin cá nhân trên Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc trên Lý lịch đảng viên (bản gốc) không khớp với hồ sơ hưởng BHXH hằng tháng đang lưu trữ tại BHXH tỉnh, trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ phải thể hiện thêm các thông tin này và liên thông với cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH hằng tháng để bảo đảm một người hưởng BHXH hằng tháng chỉ có một mã số BHXH duy nhất được cấp theo đúng quy định nhằm quản lý chặt chẽ người hưởng BHXH.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc thu, truy thu, ghi, xác nhận sổ BHXH và giải quyết chế độ BHXH không đúng quy định. Thu hồi số tiền giải quyết sai nộp vào quỹ BHXH, BHTN. Trường hợp không thu hồi được số tiền giải quyết sai, thực hiện bồi hoàn đầy đủ theo quy định.