Nâng cao trách nhiệm trong phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Trong những năm qua, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được Ðảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ðể hoàn thành bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đến 100% HSSV, hơn lúc nào hết cần sự chung sức, đồng lòng của gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành và toàn xã hội để thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng một nền giáo dục toàn diện. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021, phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu (trong ảnh) về vấn đề này.

Nâng cao trách nhiệm trong phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Phóng viên: Trong các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về BHYT toàn dân, HSSV luôn được xác định là nhóm đối tượng trọng tâm cần sớm đạt tỷ lệ tham gia 100%. Ðồng chí có thể cho biết, kết quả thực hiện chính sách BHYT HSSV hiện đã đạt được như kỳ vọng của Chính phủ cũng như mục tiêu mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặt ra chưa?

Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Có thể nói, thời gian qua, chúng ta có nhiều thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Bởi việc thực hiện BHYT HSSV đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%, thì đến năm 2017 đã có hơn 16 triệu em tham gia, chiếm hơn 93%. Và đến tháng 9-2020, cả nước đã có hơn 17 triệu HSSV, chiếm hơn 95% HSSV tham gia BHYT (trong đó, có 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác...).

Phải khẳng định rằng, việc phát triển BHYT HSSV những năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở nhận thức của những người làm công tác BHYT HSSV, từ các cấp chính quyền, cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt nhận thức của các bậc phụ huynh. Tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT gắn bó thiết thực với quyền lợi HSSV. Nhận thức của các bậc phụ huynh đã được nâng cao, khi chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh...

Ðồng thời, công tác giáo dục của các nhà trường cũng ngày càng nâng cao tầm hiểu biết của các em. Ngay từ bậc học phổ thông, học sinh đã có ý thức thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng. Mặt khác, tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị. Những năm trước đây, phần lớn giáo viên chỉ cho rằng đây là nhiệm vụ "nhân tiện" những buổi họp đầu năm học thông tin để ai muốn thì tham gia. Nhưng hiện nay, tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT đã là ý thức trách nhiệm của các thầy, cô giáo, và nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh...

Phóng viên: Mặc dù được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT từ ngày 1-1-2010, nhưng đến nay HSSV tham gia vẫn chưa đạt tỷ lệ 100%. Ðâu là những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHYT HSSV, thưa đồng chí?

Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Có thể thấy, chủ trương phát triển BHYT HSSV là nhất quán, tuy nhiên, ngay trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHYT HSSV, chúng ta vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Như, mặc dù đã có quy định "bắt buộc" tham gia BHYT, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương; nhất là nhóm đối tượng sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm
thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao, chiếm tỷ lệ khoảng 80% đến 85%. Với tâm lý chủ quan về sức khỏe ở độ tuổi này, cho nên nhiều em chưa nhận thức được việc tham gia BHYT rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng, không thực hiện nguyên lý bảo hiểm khi trẻ khỏe để thụ hưởng khi ốm đau, bệnh tật...

Ðây là điều chúng tôi đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỷ lệ bao phủ 100%. Ngoài ra, "khoảng trống" này còn có lý do là HSSV ngoài tham gia tại nhà trường còn có thể tham gia theo các nhóm đối tượng khác, như: hộ gia đình, đối tượng nghèo, cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang... cho nên có thể chưa được thống kê vào nhóm BHYT HSSV.

Phóng viên: Với ý nghĩa tạo nguồn quỹ chăm lo sức khỏe cho thế hệ trẻ, BHYT HSSV đã thể hiện lợi thế của mình với những hiệu quả thiết thực. Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, HSSV cũng đang được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách BHYT. Ðồng chí có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Ðảng, Nhà nước luôn xác định, việc chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm, là nhiệm vụ hàng đầu.

Với số trích lại chăm sóc sức khỏe ban đầu lên tới gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ số thu BHYT HSSV, hệ thống y tế trường học đã được trang bị những thiết bị thiết yếu để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho HSSV. Quỹ BHYT cũng góp phần giảm tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng tám triệu lượt HSSV được khám, chữa bệnh BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng... điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò của BHYT HSSV trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục và đào tạo và toàn xã hội đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới do dịch Covid-19 mang lại. Hình thức, phương thức giảng dạy - học tập có thể có những thay đổi linh hoạt cho phù hợp với "trạng thái bình thường mới", nhưng hình thức, phương thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV càng cần được tiếp tục triển khai quyết liệt và triệt để, để 100% HSSV được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT trong bối cảnh những rủi ro và tổn thương về sức khỏe, thể chất ngày càng khó lường...

Phóng viên: Năm học 2020 - 2021, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT lên 100%. Ðể đạt được mục tiêu này, ngành BHXH Việt Nam cần triển khai thực hiện những giải pháp gì?

Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu: Thời gian qua, với trách nhiệm của mình, ngành BHXH đã và đang thực hiện rất tốt việc bảo đảm quyền lợi cho đối tượng là HSSV khi đi khám, chữa bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, đặc biệt là với đối tượng HSSV khi tham gia BHYT...

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2020 - 2021 đạt hiệu quả, bảo đảm 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2020 - 2021 trên địa bàn, giao chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ sở giáo dục, phấn đấu 100% tham gia BHYT HSSV.

Ðồng thời, phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV, tổ chức khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ ra quân, truyền thông về công tác BHYT HSSV trước thềm năm học mới 2020 - 2021 bằng các hình thức phù hợp đến tất cả các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề. Tăng cường phối hợp các sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn bảo đảm kịp thời quyền lợi về khám bệnh, chữa bệnh cho tất cả người dân và HSSV theo quy định của pháp luật.

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Công tác triển khai BHYT HSSV trong năm học 2020 - 2021 vì vậy cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Cơ quan BHXH tại các địa phương hơn bao giờ hết phải phát huy tính chủ động, năng động và nhất là sự linh hoạt, sáng tạo, xác định rõ vai trò quan trọng của BHYT HSSV tạo động lực lớn cho công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT năm 2020 và là nền tảng bền vững cho lộ trình BHYT toàn dân ở nước ta.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Anh Thu (thực hiện)